03/06/2017, 23:02

Chứng minh câu tục ngữ: Cái nết đánh chết cái đẹp

Ông cha ta xưa nay thường quan niệm “cái nết đánh chết cái đẹp”, và nhiều đời sau, quan niệm này đã như một lối mòn ăn sâu vào suy nghĩ của bao thế hệ Việt Nam. Thiết nghĩ đã là quan niệm được đúc kết từ ngàn đời, chắc hẳn phải có cái lý riêng của nó. Nhưng giờ đây, bước vào thập niên thứ hai của ...

Ông cha ta xưa nay thường quan niệm “cái nết đánh chết cái đẹp”, và nhiều đời sau, quan niệm này đã như một lối mòn ăn sâu vào suy nghĩ của bao thế hệ Việt Nam. Thiết nghĩ đã là quan niệm được đúc kết từ ngàn đời, chắc hẳn phải có cái lý riêng của nó. Nhưng giờ đây, bước vào thập niên thứ hai của thế kỉ 21, quan niệm đó có còn đúng?

Hôm nay, tôi sẽ không nói đến những giá trị đúng đắn và trường tồn trong chân lý này, mà thay vào đó, tôi – với tư cách là một nữ sinh thế kỉ mới, sẽ đưa ra những mặt hạn chế, hay nói cách khác, là đã có phần lỗi thời của chân lý này: “Cái nết đánh chết cái đẹp”.

Đừng vội phản bác quan điểm của tôi, mà hãy xem những gì tôi nói trước đã.

“Cái nết đánh chết cái đẹp”. “Cái nết” và “cái đẹp” mà ông cha ta nhắc đến trong câu nói này có lẽ đều có một điểm chung, đó là ám chỉ “vẻ đẹp”, chỉ có điều nếu như “cái nết” là vẻ đẹp bên trong thì “cái đẹp” là nói đến vẻ đẹp bên ngoài mà thôi. Vậy ra vẻ đẹp bên trong, với những giá trị tâm hồn, phẩm hạnh, đạo đức lại có sức mạnh lớn đến nỗi dễ dàng “đánh chết” được sắc đẹp ngoại hình ư?

Tất nhiên ý tứ trong chân lý ấy sâu xa hơn. Là muốn răn dạy con người đừng vì chăm chút hình thức mà bỏ quên giá trị đích thực bên trong, cũng đừng vì bản thân có ngoại hình không bắt mắt mà tự ti, mặc cảm với người khác. Hiểu một cách đơn giản là, ông cha ta muốn truyền đạt rằng: hãy dùng thời gian và công sức của mình đầu tư cho “cái nết”, quan tâm đến “cái nết” trước rồi hẵng chú ý đến “cái đẹp”…

Nhưng như tôi đã nói ở trên, tôi sẽ không đào sâu mặt đúng đắn của câu nói này, mà thay vào đó là chỉ ra những điểm không hợp lý, có phần lỗi thời và không thực tế.

Bạn nghĩ xem, đã nói “Cái nết đánh chết cái đẹp”, sao còn hùng hồn nhắc nhở: “chọn mặt gửi vàng”, rồi cả “nam thanh nữ tú”, “trai tài gái sắc” hay “anh hùng khó qua ải mỹ nhân”? Thế ra “cái nết” lớn lao như vậy mà “cái đẹp” vẫn là cái mang sức mạnh khuynh đảo hơn cả… Làm sao “chọn mặt gửi vàng”? Nếu một người có tính cách thật thà, chất phác nhưng gương mặt lại bặm trợn, đáng sợ hơn cả Chí Phèo, tôi không nghĩ là bạn sẽ đủ can đảm “gửi vàng” cho họ đâu, nhìn người ta giống xã hội đen thế cơ mà… Lại nói “anh hùng khó qua ải mỹ nhân”, “mỹ nhân” ở đây chẳng phải chính là những cô gái có nhan sắc hay sao? Tất nhiên, tất nhiên, cũng không thiếu những cô gái nhan sắc bình thường vẫn khiến bao “anh hùng” phải chao đảo. Nhưng ngẫm mà xem, dù là trong lịch sử hay cuộc sống hiện đại, những mỹ nhân có nhan sắc tuyệt thế mới là nguyên nhân gây ra sóng to gió lớn, khuynh đảo chính trường. Còn các thục nữ đoan trang, dịu dàng yểu điệu, có bản lĩnh đó chăng?

Tôi sẽ đưa ra một ví dụ rất đơn giản như thế này. Trong một ngày bạn gặp 2 cô gái. Một người thì giỏi giang, ngoan hiền nhưng nhan sắc bình thường còn một người ngược lại, ngoại hình xinh đẹp nhưng học vấn không bằng người kia. Và nếu chỉ được chọn 1, bạn sẽ làm quen và xin số điện thoại của ai? Ai là người gây ấn tượng đặc biệt đến bạn khi mới chỉ lần đầu gặp mặt? Chắc chắn là cô bạn có nhan sắc. Bởi vì ấn tượng đầu tiên tác động đến suy nghĩ của con người chính là bề ngoài. Nếu không thì tạo hóa đã không cho chúng ta thân thể cân đối này rồi… Vậy trong trường hợp này, là “Cái nết đánh chết cái đẹp”, hay “cái đẹp đè bẹp cái nết” đây?

Dĩ nhiên, sau ấn tượng đầu tiên, sẽ là gặp gỡ, nói chuyện, tìm hiểu nhau, và đến lúc này, “cái nết” mới chính thức chứng tỏ vị thế của mình. Cô gái dù có xinh đẹp đến đâu mà đầu óc rỗng tuếch, ăn nói  bỗ bã lại không có nội tâm thì chắc hẳn ai đụng phải cũng lo chạy trối chết… Giờ đây có lẽ “cái nết đánh chết cái đẹp” thật nhỉ???

Vậy đến cuối cùng là nên ủng hộ “Cái nết đánh chết cái đẹp” hay là “Cái đẹp đè bẹp cái nết” đây? Câu trả lời là không gì cả! Trong thời đại hiện nay, cho dù là “cái nết” hay “cái đẹp” thì người phụ nữ đều phải có, không những thế, để có thể hội nhập vào cuộc sống và sánh vai với Eva các nước, phụ nữ Việt Nam còn phải trang bị cho mình tri thức cũng như rất nhiều những kỹ năng khác. Chẳng phải những cuộc thi nhan sắc lớn như Hoa Khôi, Hoa Hậu,v.v… tiêu chí để chọn ra người đứng đầu luôn là sự song hành của cả “cái nết” và “cái đẹp” đó sao? Nói đến đây sẽ có người than thở: “Tâm hồn, tri thức còn có thể rèn luyện, trau dồi được, chứ nhan sắc vốn là trời ban, nếu chẳng may sinh ra đã không được dễ nhìn thì phải làm sao?” Thưa đúng, nhưng trong xã hội hiện đại ngày nay, thì đây cũng chỉ là lý thuyết mà thôi. Thế nào là “Người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân”? Thế nào là “Không có người phụ nữ xấu, chỉ có người phụ nữ không biết làm đẹp”? Chính là chỉ trường hợp này. Con người phải luôn luôn rèn luyện, hướng tới chân thiện mỹ, không ngừng làm đẹp cho bản thân, cả tâm hồn bên trong lẫn nhan sắc bên ngoài. Đây là một nhu cầu hoàn toàn chính đáng và cần thiết, cho nên những ngành công nghiệp phục vụ nhu cầu này như thời trang, mỹ phẩm, trang điểm, làm tóc, hay thậm chí là phẫu thuật thẩm mĩ ngày càng phát triển và chứng tỏ vị thế không thể đánh đổ của mình, làm đẹp cho bản thân cũng chính là làm đẹp cho gia đình và xã hội. Như vậy, việc cân bằng và chú ý đến cả vẻ đẹp tâm hồn – “cái nết” và vẻ đẹp nhan sắc – “cái đẹp” cũng như không ngừng gia tăng tri thức là điều cần thiết và tất yếu đối với người phụ nữ hiện đại.

Cuối cùng, có thể thấy quan niệm “Cái nết đánh chết cái đẹp” đã không còn “hợp thời” nữa, mà người phụ nữ nói riêng cũng như con người nói chung trong xã hội hiện nay cần phải không ngừng hoàn thiện bản thân, phấn đấu ở mọi mặt, cho dù là “cái nết”, “cái đẹp” hay kiến thức, kỹ năng,…  đều cần có sự đầu tư và chăm sóc, hướng tới vẻ đẹp hoàn mĩ để xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

0