21/02/2018, 09:31

Chứng minh câu nói: Nếu khi còn trẻ ta không chịu khó học tập thì lớn lên sẽ chẳng làm được việc gì có ích – Văn hay lớp 7

Chứng minh câu nói: Nếu khi còn trẻ ta không chịu khó học tập thì lớn lên sẽ chẳng làm được việc gì có ích – Bài làm 1 Lâu nay, một số bạn trong lớp có phần lơ là học tập. Em hãy viết một bài văn để thuyết phục bạn: Nếu khi còn trẻ ta không chịu khó học tập thì lớn lên sẽ chẳng ...

Chứng minh câu nói: Nếu khi còn trẻ ta không chịu khó học tập thì lớn lên sẽ chẳng làm được việc gì có ích – Bài làm 1

Lâu nay, một số bạn trong lớp có phần lơ là học tập. Em hãy viết một bài văn để thuyết phục bạn: Nếu khi còn trẻ ta không chịu khó học tập thì lớn lên sẽ chẳng làm được việc gì có ích.

Hiện nay qua thực tế ta nhận thấy có nhiều bạn còn mải chơi, bỏ học ở lớp để đánh điện tử, về nhà không chịu ôn bài. Hơn thế các bạn còn có thái độ học tập chưa nghiêm túc và tự giác, nhiều bạn coi việc học là nghĩa vụ nặng nề mà bố mẹ đã giao cho, cho nên học theo kiểu đối phó, học cho xong. Có thể nói đây là một vấn đề cần được xem xét bởi việc chểnh mảng học hành của các bạn sẽ ảnh hưởng, rất lơn đến tương lai sau này.

Bởi như chúng ta đã biết, ai sinh ra và lớn lên cũng mong muốn sau này mình sẽ làm được điều gì đó có ích cho bản thân cho gia đình cho xã hội. Tuy nhiên để làm được điều đó con người cần có tri thức, mà tri thức lại là một lĩnh vực đòi mỗi người phải cố gắng, chăm chỉ học hỏi. Và học tập là một quá trình tích luỹ lâu dài từng bước, và theo một hệ thống từ thấp đến cao, từ dễ đến khó, để làm tốt điều đó người học sinh phải học tập chăm chỉ từ khi bắt đầu ngồi trên ghế nhà trường, từ những năm học đầu tiên bởi các lớp dưới bao giờ cũng là gốc rễ, là tri thức nền tảng cơ bản. Nếu không nắm bắt được kiến thức cơ bản thì học càng cao càng không hiểu bài, người ta thường ví việc học đó như cây không có rễ. Và đối với mỗi con người, thời gian dành cho học tập có thể là suốt đời nhưng học ở trường lớp để tiếp thu những kiến thức cơ bản thì chỉ có một khoảng thời gian nhất định nó phù hợp với lứa tuổi. Chẳng thế mới có chuyện có rất nhiều người sau này lớn lên không nghề nghiệp bởi ngày xưa đi học thì mải chơi không chịu học nên giờ tiếc nuối, nhưng lúc đó đã quá lớn làm sao dám đi học lại cấp 2, cấp 3. Vậy nên nếu không nhận thức vấn đề học tập một cách nghiêm túc chắc chắn sau này có hối tiếc cũng không kịp nữa.

Vậy nên khi còn học phổ thông phải chú ý học tập ngay từ đầu để tránh tình trạng rỗng kiến thức, bởi khi kiến thức đã rỗng rồi sẽ không nắm được các bài học tiếp theo, từ đó nảy sinh tâm lí chán học bởi thấy càng học càng không hiểu và dễ bỏ học lúc nào thuận lợi. Thường ngày chúng ta bắt gặp rất nhiều người phải làm việc vất vả, quần quật cả ngày: lẫn đêm bằng tay chân thế nhưng cuộc sống vẫn khó khăn, mà nếu xét nguyên nhân sâu xa đó là do họ chưa có đủ tri thức khoa học. Còn nếu muốn học tốt thì việc làm đầu tiên là phải chăm chỉ nghe cô giáo giảng ở trên lớp, về nhà học lại bài cũ, làm bài tập, chuẩn bị bài cho buổi học tiêp theo và đặc biệt phải luôn cố gắng tập trung suy nghĩ theo ý tưởng của mình thì việc học mới đem lại kết quả cao, bởi cách học theo ý sáng tạo của mình sẽ giúp ta nhớ lâu và phát huy được trí thông minh vốn có trong mỗi con người. Và tích lũy tri thức là một quá trình cần mẫn lâu dài bởi thế chỉ cần chăm chỉ chịu khó suy nghĩ tìm tòi thì Có công mài sắt có ngày nên kim, chắc chắn sau một thời gian chăm chỉ ta sẽ có một lượng kiến thức vững chắc. Người ta thường nói thiên tài là do 99 % sự chăm chỉ còn chỉ có 1% là do thông minh bẩm sinh. Do vậy ai cũng có thể trở thành thiên tài nếu bạn thật sự cố gắng chuyên tâm vào việc học tập, tất nhiên sự chăm chỉ đó đòi hỏi phải có tính khoa học và sáng tạo. Còn nếu chỉ chăm chỉ học thuộc những lời cô giáo một cách máy móc thì việc học đó sẽ chỉ như con vẹt học nói.

Từ đó để nói lên rằng học giỏi hay không là chính do bản thân mình quyết định và nói rộng ra tương lai của bạn có tươi đẹp hay không cũng chính là do bạn quyết định. Cánh cửa duy nhất giúp bạn tiến vào tương lai một cách tươi sáng chính là tri thức. Tri thức giúp con người hiểu biết được thế giới, hiểu về khoa học, về con người… Và đó cũng chính là kiến thức cơ bản để ta có thể làm việc được. Chẳng hạn bạn muốn sửa một chiếc xe máy thì bạn phải biết nó bị hỏng ở chỗ nào và quan trọng hơn là vì sao nó hỏng thì từ đó mới tìm ra giải pháp. Vậy nên nếu không học thì bạn sẽ không có trình độ hiểu sự vật, thế giới một cách đúng đắn về khoa học được. Và kiến thức chỉ có thể đến với những ai chăm chỉ chịu khó học tập. Nó chính là hành trang, là số “vốn” có giá trị nhất để ta có thể học tập và làm việc ở những chặng đường tiếp theo. Bởi vậy nếu không chịu khó học tập bạn sẽ không có bất cứ một tri thức để bước vào cuộc sống.

Từ đó ta nhận thấy đối với mỗi học sinh chúng ta, những người chủ trong tương lai cần có một khối lượng tri thức để tào dựng cho mình một tương lai vững chắc và để có thể làm tốt được điều đó con đương duy nhất của chúng là phái học tập sao cho thật tốt. Điều đó vô cùng quan trọng để trước tiên thể hiện lòng hiếu  thảo với cha mẹ tiếp đến là tạo hành trang vững chắc vào đời. Do đó việc học tập đối với chúng ta, những học sinh đang cắp sách đến là vô cùng quan trọng.

Chứng minh câu nói: Nếu khi còn trẻ ta không chịu khó học tập thì lớn lên sẽ chẳng làm được việc gì có ích – Bài làm 2

Mỗi chúng ta ai sinh ra và lớn lên cũng được cắp sách đến trường. Hầu hết tất cả các bậc cha mẹ đều ưu tiên và đưa việc học tập của con cái lên hàng đầu. Điều đó chứng tỏ việc học có ý nghĩa rất lớn đối với chúng ta. Từ ngàn xưa, ông cha ta cũng thường xuyên dạy dỗ con cháu rằng: "Nếu khi còn trẻ ta không chịu khó học tập thì lớn lên sẽ chẳng làm được việc gì có ích".

Từ thuở xa xưa, dù việc học không được phổ biến và đa dạng như bây giờ, nhưng ông cha ta bằng những kinh nghiệm thực tiễn của mình đã nhận thấy vai trò to lớn của việc học đối với đời sống con người. Vậy học là gì?

Loài người của chúng ta đã phát triển qua bao nhiêu giai đoạn lịch sử. Theo thời gian, loài người đã phát minh, sáng chế và tích lũy được một kho tàng tri thức khổng lồ về tự nhiên và xã hội. Để kế thừa và phát triển những thành quả mà người đi trước để lại, thế hệ sau phải tìm cách tiếp thu những tri thức ấy. Có thể thông qua sách vở ghi chép lại hoặc qua truyền miệng trong dân gian. Quá trình đó gọi là học. Vậy học là quá trình tiếp thu những tinh hoa, kiến thức dưới dạng chữ viết hoặc truyền miệng thông qua nhà trường và xã hội.

Vì sao học lại quan trọng?

Trước hết, ai cũng biết rằng "bất học bất tri lí", tức không học không biết lẽ phải. Thật vậy, khi ta đến trường, ta được thầy cô dạy dỗ những điều hay lẽ phải. Càng về sau, qua quá trình học tập, ta được rèn luyện, mài giũa tư cách, tác phong để trở thành những người đứng đắn trong xã hội. Mặt khác, với những kiến thức mà ông cha ta để lại, nếu chúng ta biết học tập để kế thừa và phát huy thì sẽ mang lại những thành quả đáng giá cho con người. Kiến thức mà thế hệ đi trước để lại là có cơ sở, là nền tảng để thế hệ đi sau phát triển và sáng tạo ra cái mới. Ví như Edison không phát minh ra đèn điện thì làm sao ngày nay còn người có thể chế tạo ra hàng ngàn, hàng vạn thứ liên quan đến điện như quạt máy, tivi, điều hòa, tủ lạnh…

Xét ở khía cạnh cá nhân, việc học giúp mỗi chúng ta có được một tri thức cơ bản, vững vàng để có thể ứng xử ở đời, đồng thời có thể đảm trách được những công việc ngoài xã hội. Chúng ta có thể thấy rằng, với cùng một công việc như nhau, người có học thức rộng, kiến thức vững bao giờ cũng có cách giải quyết vấn đề nhanh gọn và chính xác hơn. Chính vì vậy mà trong xã hội, những vị trí cao, những công việc quan trọng bao giờ cũng được giao cho những người có học thức cao, hiểu nhiều biết rộng. Và như thế, những người không học, hoặc học không vững sẽ bị loại trừ ra khỏi những công việc tốt. Họ chỉ có thể làm được những công việc thủ công, đơn giản, tốn nhiều sức lực mà hiệu suất thấp. Và dĩ nhiên, thành quả mà họ được hưởng cũng ít hơn.

Hơn thế nữa, trong thời đại khoa học kỹ thuật phát triển nhanh như vũ bão hiện nay, nếu chúng ta không nhanh chóng học hỏi, tiếp thu cái mới, chúng ta sẽ bị tụt hậu với xã hội, với thế giới. Do đó, điều quan trọng trước mắt là chúng ta phải học tập, nắm vững lí thuyết, rèn luyện kỹ năng thực hành để có thể ứng dụng vào thực tế xã hội một cách khoa học, hợp lí. Ngược lại, không chịu khó học tập, học không đến nơi đến chốn, kiến thức không vững vàng thì sau này lớn lên ta sẽ chẳng thể nào làm được việc gì có ích cho xã hội.

Chính vì vậy, ngay từ bây giờ, chúng ta nên có thái độ tích cực hơn trong học tập. Mỗi thành viên trong lớp chúng ta hãy ra sức cố gắng, nỗ lực học tập, rèn luyện. Mọi sự thành bại sau này đều bắt nguồn từ ngày hôm nay. Muốn có một tòa lâu đài vững chắc, không thể không xây dựng một nền móng vững vàng. Việc học tập của chúng ta từ bây giờ cũng giống như ta xây dựng những viên gạch đầu tiên vững chắc. Việc ăn chơi, cờ bạc…sẽ làm cho tương lai của chúng ta ngày càng tối tăm, mù mịt: "Có học thì như lúa nếp, không học thì như rơm như cỏ".

Từ khóa tìm kiếm nhiều:

  • chứng minh rằng nếu khi con trẻ ta không chịu khó học tập thì lớn lên sẽ chẳng làm được việc gì có ích
0