Chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta hiện nay

Dựa trên quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về vấn đề dân tộc và thực tiễn lịch sử đấu tranh cách mạng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam cũng như dựa vào tình hình thế giới trong giai đoạn hiện nay, Đảng và Nhà nước ta ngay từ khi thành lập cho đến nay luôn luôn coi vấn đề dân tộc và xây dựng ...

Dựa trên quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về vấn đề dân tộc và thực tiễn lịch sử đấu tranh cách mạng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam cũng như dựa vào tình hình thế giới trong giai đoạn hiện nay,
Đảng và Nhà nước ta ngay từ khi thành lập cho đến nay luôn luôn coi vấn đề dân tộc và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc có tầm quan trọng đặc biệt. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, đồng bào các dân tộc đều là anh em ruột thịt, là con cháu một nhà, thương yêu đoàn kết giúp đỡ nhau là nghĩa vụ thiêng liêng của các dân tộc. Người còn  khẳng  định:  “Đoàn  kết,  đoàn  kết,  đại  đoàn  kết.  Thành  công,  thành công, đại thành công”. Trong mỗi thời kỳ cách mạng, Đảng và Nhà nước
coi việc giải quyết đúng đắn vấn đề dân tộc là nhiệm vụ có tính chiến lược nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp, cũng như tiềm năng riêng của từng dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và đưa đất nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Đảng ta đã nêu rõ: “Vấn đề dân tộc và đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược lâu dài trong sự nghiệp cách mạng”1.  Thực hiện  tốt  chính  sách  các  dân  tộc  bình  đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, phát triển sản xuất hàng hoá, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần đi đôi với “giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá, tiếng nói, chữ viết và truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. Thực hiện tốt chiến lược phát triển kinh tế – xã hội ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng căn cứ cách mạng”2, kiên quyết “Chống kỳ thị, chia rẽ dân tộc; chống tư tưởng dân tộc lớn, dân tộc hẹp hòi, dân tộc cực đoan; khắc phục tư tưởng tự
ti, mặc cảm dân tộc”3.
Những chính sách dân tộc cơ bản của Đảng và Nhà nước ta được biểu hiện cụ thể như sau:
+ Có chính sách phát triển kinh tế hàng hoá ở các vùng dân tộc thiểu số phù hợp với điều kiện và đặc điểm từng vùng, từng dân tộc, bảo đảm cho đồng bào các dân tộc khai thác được thế mạnh của địa phương để làm giàu cho mình và đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây là vấn đề cực kỳ quan trọng để khắc phục sự chênh lệch về kinh tế, văn hoá, bảo đảm sự bình đẳng thực sự giữa các dân tộc. Đi đôi với phát huy tiềm lực kinh tế của các vùng dân tộc cần chú trọng bảo vệ môi trường thiên nhiên, ổn định đời sống của đồng bào, phát huy mối quan hệ tốt đẹp, gắn bó giữa đồng bào tại chỗ và đồng bào từ nơi khác đến, chống tư tưởng dân tộc hẹp hòi.
+ Tôn trọng lợi ích, truyền thống, văn hoá, ngôn ngữ, tập quán, tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc; từng bước nâng cao dân trí đồng bào các dân tộc, nhất là các dân tộc thiểu số ở vùng núi cao, hải đảo.
Đây là vấn đề quan trọng và rất tế nh, cần lắng nghe ý kiến của đồng bào và có chính sách thật cụ thể nhằm làm cho nền văn hoá chung vừa hiện đại vừa đậm đà bản sắc dân tộc, ngày càng phong phú và rực rỡ.
+ Tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết và đấu tranh kiên cường của các dân tộc vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, chống tư tưởng dân tộc lớn và dân tộc hẹp hòi, nghiêm cấm mọi hành vi miệt thị và chia rẽ dân tộc.
+ Tăng cường bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số; đồng thời giáo dục tinh thần đoàn kết hợp tác cho cán bộ các dân tộc. Bởi  vì, chỉ tinh thần đó mới phù hợp với đòi hỏi khách quan của công cuộc phát triển dân tộc và xây dựng đất nước. Trong công cuộc đó, không dân tộc nào có thể chỉ sử dụng đội ngũ cán bộ xuất thân từ dân tộc mình, ngược lại, cần sự  hỗ  trợ  lẫn  nhau  giữa  các  đội  ngũ  cán  bộ  thuộc  mọi  dân  tộc  trong  cả nước.
Như vậy, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước mang tính toàn diện, tổng hợp, quán xuyến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, liên quan đến mỗi dân tộc và quan hệ giữa các dân tộc trong cả cộng đồng  quốc gia. Phát triển kinh tế – xã hội của các dân tộc là nền tảng để tăng cường đoàn kết và thực hiện quyền bình đẳng dân tộc, là cơ sở để từng bước khắc phục sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa các dân tộc. Do đó, chính sách dân tộc còn mang tính cách mạng và tiến bộ, đồng thời còn mang tính nhân đạo, bởi vì, nó không bỏ sót bất cứ dân tộc nào, không cho phép bất cứ tư tưởng khinh miệt, kỳ thị, chia rẽ dân tộc; nó tôn trọng quyền làm chủ của mỗi con người và quyền tự quyết của các dân tộc. Mặt khác, nó còn nhằm phát huy nội lực của mỗi dân tộc kết hợp với sự giúp đỡ có hiệu quả của các dân tộc anh em trong cả nước.
Nhận thức đúng đắn bản chất, nội dung, tính chất của chính sách dân tộc có ý nghĩa quyết định tới việc định hướng và đổi mới các biện pháp thực hiện chính sách dân tộc, làm cho chính sách dân tộc đi vào cuộc sống.

0