25/05/2017, 09:47

Cảm nhận về mùa xuân trong thơ Hồ Chí Minh – Văn mẫu lớp 10

Cảm nhận về mùa xuân trong thơ Hồ Chí Minh – Văn mẫu lớp 10 4.8 (96%) 380 votes Cảm nhận về mùa xuân trong thơ Hồ Chí Minh – Bài làm 1 của một bạn học sinh giỏi Văn tỉnh Nghệ An Từ bao đời nay, mùa Xuân đã trở thành nguồn cảm hứng không bao giờ vơi cạn của biết bao thi nhân, nghệ sĩ. ...

Cảm nhận về mùa xuân trong thơ Hồ Chí Minh – Văn mẫu lớp 10 4.8 (96%) 380 votes Cảm nhận về mùa xuân trong thơ Hồ Chí Minh – Bài làm 1 của một bạn học sinh giỏi Văn tỉnh Nghệ An Từ bao đời nay, mùa Xuân đã trở thành nguồn cảm hứng không bao giờ vơi cạn của biết bao thi nhân, nghệ sĩ. Xuân trong thơ Hồ Chí Minh là mùa Xuân hiện hữu của đất trời, Xuân ...

Cảm nhận về mùa xuân trong thơ Hồ Chí Minh – Bài làm 1 của một bạn học sinh giỏi Văn tỉnh Nghệ An

Từ bao đời nay, mùa Xuân đã trở thành nguồn cảm hứng không bao giờ vơi cạn của biết bao thi nhân, nghệ sĩ. Xuân trong thơ Hồ Chí Minh là mùa Xuân hiện hữu của đất trời, Xuân bởi lòng người, Xuân của lịch sử và của mong ước tương lai…

Nói đến thơ Xuân của Bác, chúng ta nhớ tới một bài thơ được Bác viết khi Người ở chiến khu Việt Bắc – bài Nguyên tiêu (Rằm tháng giêng):

Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên
Xuân giang, xuân thuỷ tiếp xuân thiên
Yên ba thâm xứ đàm quân sự
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền
(1948)

Chỉ với bốn câu thơ thất ngôn, Bác đã khơi gợi trước mắt người đọc vẻ đẹp thơ mộng, tràn đầy, viên mãn của mùa Xuân. Xuân ở đây được soi tỏ trong không gian và thời gian hết sức đặc biệt: Một đêm rằm trên sông nước bao la. Chọn thời điểm đêm Xuân vào ngày rằm của tháng mở đầu một năm mới, Bác đã gợi lên trong sự liên tưởng của mọi người về vẻ đẹp của mùa Xuân. Nhưng khi đọc thơ Bác, người đọc vẫn không khỏi bất ngờ bởi góc nhìn đầy tươi mới của thi nhân:

Rằm xuân lồng lộng trăng soi
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân
Giữa dòng bàn bạc việc quân,
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.
(Bản dịch của Xuân Thuỷ)

Trong ánh trăng soi tỏ, cả trời mây sông nước ngập tràn sắc xuân: Xuân giang, Xuân thuỷ, Xuân thiên. Mùa Xuân trải rộng cùng thiên nhiên: Vẫn dòng sông ấy, vẫn màu nước ấy, vẫn mây trời ấy – sang Xuân lại mang một màu sắc mới: tươi sáng, trong lành và quyện hòa, chứa chan vào nhau. Bản dịch của Xuân Thuỷ đã đánh mất một chữ so với nguyên tác (xuân thuỷ). Câu thơ của Bác đầy chất tạo hình: dòng sông, mặt nước, bầu trời lung linh trong ánh trăng rằm. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ sức khơi gợi một không gian vũ trụ bao la, rộng lớn.

Trong không gian đó thiên nhiên và con người như hoà nguyện vào nhau, tìm thấy vẻ đẹp trong nhau:

Giữa dòng bàn bạc việc quân,
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.

Sau mười bốn tháng đằng đẵng trong tù, Người trở về làm việc tại chiến khu Việt Bắc. Đây là thời kì Bác bận rộn lo việc quân, việc nước. Câu thơ vừa cổ kính (yên ba thâm xứ) vừa hiện đại (đàm quân sự), vừa mang chất thơ vừa quyện chất đời. Con người mở rộng tâm hồn đón nhận vẻ đẹp thiên nhiên song không chìm đắm, lãng quên nhiệm vụ. Còn thiên nhiên, mà cụ thể ở đây là ánh trăng, dường như cũng thấu hiểu công việc cao đẹp của con người nên toả rạng, chứa chan, ngập tràn lên không gian ấy (nguyệt mãn thuyền). Con người và thiên nhiên hoà quyện, tôn thêm vẻ đẹp cho nhau. Cảnh mến người, người yêu cảnh!

Phải có một tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, một phong thái ung dung, tự tại của một thi nhân – chiến sĩ, Bác mới có thể đem lại cho đời những vần thơ tươi đẹp như vậy!

Xuân trong thơ Bác không chỉ là mùa Xuân hiện hữu của đất trời mà còn là mùa Xuân của cuộc sống, của lòng người.

Năm 1945, Chính phủ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đi lên chiến khu Việt Bắc đã họp lần đầu trong một cái miếu trên đường đi giữa hai huyện miền núi. Sau cuộc họp có một bữa cơm thân mật với thịt lợn rừng vừa săn được và ngô nướng, rượu ngọt, chè tươi. Giữa chốn rừng xa lạ đầy gian khổ, thiếu thốn, để động viên tinh thần lạc quan của mọi người, Bác đã làm tặng bài thơ Cảnh rừng Việt Bắc:

Cảnh rừng Việt Bắc thật là hay
Vượn hót chim kêu suốt cả ngày
Khách đến thì mời ngô nếp nướng
Săn về thường chén thịt rừng quay
Non xanh nước biếc tha hồ
Rượu ngot, chè tươi mặc sức say
Kháng chiến thành công ta trở lại
Trăng xưa, hạc cũ với xuân này.

Với cách nhìn của Bác, cuộc sống ở núi rừng Việt Bắc hiện lên đầy thi vị. Đó không còn là chốn núi rừng vắng vẻ, u tịch mà luôn ngập tràn rộn rã bởi những âm thanh: Vượn hót, chim kêu sốt cả ngày. Đó cũng không còn là nơi gian khổ, thiếu thốn mọi bề mà là chốn thảnh thơi, phong lưu, dư dả. Thực đơn mời khách có thể rất dân dã như ngô nướng, chè tươi song cũng không thiếu thốn những món ăn, thức uống cao sang: rượu ngọt, thịt rừng quay. Không chỉ thính giác, vị giác được thoả thê, mà thị giác cũng được thoả lấp: này non xanh, này nước biếc, có nơi nào mời gọi bước chân thưởng ngoạn của du khách hơn chốn nước non tươi đẹp, hùng vĩ này.

Trước khung cảnh thiên nhiên giàu đẹp, phong phú như thế, Nhà thơ không khỏi thốt lên câu cảm thán: Cảnh rừng Việt Bắc thật là hay. Chỉ với chữ hay này Bác đã làm nổi bật được sự yêu thích và cảm giác thú vị của mình khi được sống và làm việc trên mảnh đất căn cứ địa kháng chiến thần thánh của dân tộc. Với cảm nhận đó, cuộc sống nơi đây thực sự luôn làm mùa Xuân, tràn đầy sức Xuân trong trái tim bình dị và rất đỗi lớn lao, cao cả của Người:

Kháng chiến thành công ta trở lại
Trăng xưa, hạc cũ với xuân này.

Xuân trong thơ Bác còn là nguồn cảm hứng để người bày tỏ một cái nhìn lạc quan, biện chứng về xu thế vận động, phát triển của lịch sử, của dân tộc. Trong bài Tự khuyên mình Người viết:

Nếu không có cảnh đông tàn
Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân
Nghĩ mình trong bước gian truân
Gian nan rèn luyện tinh thần thêm hăng.

Mùa Xuân ở đây được khơi gọi trong mối tương quan đối lập với mùa Đông. Đông về, giá lạnh, khắc nghiệt. Xuân tới, ấm áp và sắc tươi. Bốn mùa luân chuyển: hết Đông tất tới Xuân. Cuộc sống con người cũng vậy. Để có được mùa Xuân rạng rỡ, huy hoàng, đừng ngại gian truân, vất vả. Khó khăn trong thực tại là cơ hội tốt nhất để con người trải nghiệm, trưởng thành. Nắm được quy luật tất yếu của lịch sử, của xã hội, Bác luôn nhìn cuộc sống, nhìn cách mạng với một lòng tin tưởng sâu sắc, một tinh thần lạc quan vô bờ bến.

Thơ viết về mùa Xuân chiếm một vị trí đặc biệt trong thơ Hồ Chí Minh. Xuân gửi người chiến sĩ:

Áo rét gửi mau cho chiến sĩ
Trời loe, nắng ấm báo Xuân sang.
(Tư chiến sĩ)

Xuân suy tư trăn trở cùng cuộc sống của người dân:
Nghe nói Xuân nay trời đại hạn
Mười phần thu hoạch chỉ vài phân.
(Đồng chính)

Xuân sum vầy, lạc an trong ngày sinh nhật của Người:
Sáu mươi tuổi hãy còn xuân chán
So với ông Bành vẫn thiếu niên.

Sau mỗi độ Tết đến Xuân về, mỗi người dân Việt Nam đều nhớ tới Bác, nhớ tới những vần thơ chúc Tết hàng năm của Bác. Những lời thơ chân thành, giản dị mà xiết bao xúc động lòng người!

Những bài thơ chúc Tết của Bác là món quà đầu Xuân được bọc trong giấy hồng đơn, là tấm lòng của Người gửi tới nhân dân trên khắp mọi miền:

Mấy lời thành thật nôm na
Vừa là kêu gọi, vừa là mừng Xuân

Bính Tuất 1946 là mùa Xuân đầu tiên nước nhà được độc lập. Mùa Xuân còn hừng hực khí thế cách mạng của những sự kiện lịch sử vừa qua: Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của nước ta. Nhân dân vui mừng, phấn khởi trước thắng lợi to lớn của đất nước sau bao nhiêu năm chìm đắm trong đêm trường nô lệ.

Trong cái Tết đặc biệt 60 năm về trước này Bác Hồ đã có đến ba bài thơ Xuân chúc Tết đồng bào và chiến sĩ cả nước: Chúc Tết Bính Tuất – 1946, Mừng báo Quốc gia, Gửi chị em phụ nữ Xuân Bính Tuất. Chưa có năm nào Bác có nhiều thơ chúc Tết như vậy.

Đối với Bác, với nhân dân ta, mùa Xuân 1946 này mới thực sự là mùa Xuân Dân chủ Cộng hoà, Tết này mới thực sự là Tết độc lập, tự do:

Tết này mới thực Tết dân ta
Mấy chữ chào mừng báo Quốc gia
Độc lập đầy vơi ba chén rượu
Tự do vàng đỏ một rừng hoa
Mọi nhà vui đón Xuân Dân chủ
Cả nước hoan nghênh Phúc Cộng hoà.

Không chỉ chúc Tết, Bác còn kêu gọi mọi người cùng nhau phấn đấu, rèn luyện, tu dưỡng để phục vụ cho cuộc kháng chiến và dựng xây đất nước:

Phải gắng làm sao
Xây đời sống mới.
Và Người động viên, hẹn cùng các chiến sĩ phương xa:
Bao giờ kháng chiến thành công
Chúng ta cùng uống một chum rượu đào
Tết này ta tạm xa nhau
Chắc rằng ta sẽ Tết sau sum vầy.

Con đường phía trước còn nhiều gian khổ, song Người vẫn mang trong mình một niềm tin trọn vẹn vào thắng lợi tất yếu của dân tộc. Trong cuộc kháng chiến trường kì Người vẫn luôn dõi theo từng buớc đi của dân tộc để động viên khích lệ tinh thần nhân dân cả nước.

Xuân 1949, Bác nhắn nhủ:

Kháng chiến lại thêm một năm mới
Thi đua yêu nước thêm tiến tới
Động viên lực lượng và tinh thần
Kháng chiến càng thêm mau thắng lợi.
Xuân 1952, Bác khẳng định:
Xuân này, Xuân năm Thìn
Kháng chiến vừa sáu năm
Trường kỳ và gian khổ
Chắc thắng trăm phần trăm.
Xuân 1967, Bác kêu gọi:
Xuân về xin có một bài ca
Gửi chúc đồng bào cả nước ta
Chống Mỹ hai miền đều đánh giỏi
Tin mừng thắng trận nở như hoa.
Xuân 1968, Bác mừng vui:
Xuân này hơn hẳn mấy Xuân qua
Thắng trận tin vui khắp mọi nhà
Nam Bắc thi đua dánh giặc Mỹ
Tiến lên!
Toàn thắng ắt về ta.

Xuân 1969, mùa Xuân cuối cùng nhân dân được đón nhận thơ chúc Tết của Người. Những vần thơ đầy tin tưởng của Bác đã trở thành phương châm hành động và tiên tri chính xác cho thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta bảy năm sau:

Năm qua thắng lợi vẻ vang
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to
Vì độc lập, vì tự do
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào
Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào
Bắc Nam sum họp, Xuân nào vui hơn!

Và đúng như dự báo của Người, với chiến thắng lịch sử 30/4/1975, một mùa Xuân mới bắt đầu trên đất nước Việt Nam, mùa Xuân độc lập, hoà bình, thống nhất. Niềm tin vững chắc của Bác đã thành hiện thực. Chỉ tiếc rằng, Người đã không còn trên cõi đời này để được tận mắt chứng kiến niềm hạnh phúc lớn lao không sao kể xiết của triệu triệu người Việt Nam trên Tổ quốc thống nhất.

Mỗi chúng ta, khi nhớ về Người, lòng lại nghẹn ngào trước mong ước khôn nguôi suốt cuộc đời của Bác:

Bắc Nam sum họp, Xuân nào vui hơn.

Mùa Xuân của nhân dân, của đất nước mãi là mùa Xuân tươi đẹp nhất trong trái tim thiêng liêng, ngời sáng của Hồ Chí Minh.

Cảm nhận về mùa xuân trong thơ Hồ Chí Minh – Bài làm 2

Mùa xuân là mùa của sự sống, mùa của màu sắc tươi non mỡ màng nảy nở. Mùa xuân còn là mùa của những ngày lễ hội, mùa đẹp nhất của thiên nhiên cũng như con người. Thế nên chủ đề mùa xuân trong thơ ca luôn dạt dào vô tân. Và có lẽ nhà thơ nào cũng từng nói về xuân trong thơ mình. Hồ Chí Minh sinh thời không bao giờ tự nhận mình là nhà thơ song sáng tác của Người cũng dạt dào nguồn cảm hứng xuân ấy.

Bài thơ nói về cảnh mùa xuân quen thuôc mà ai cũng biết đến đó là Nguyên Tiêu:

“Rằm xuân lồng lộng trăng soi
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân
Giữa dòng bàn bạc việc quân,
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.”

Bác nói về trăng mùa xuân. Mùa đẹp ấy không chỉ đẹp vào ban ngày mà nó còn đẹp khi đêm về nữa. Ánh trăng xuân sáng soi lấp lánh chiếu xuống cả dòng nước in hình của mình lên đó. Như thế thì không những trăng xuân mà sông cũng xuân nữa. Một từ xuân mà được lặp lại hai lần trong một câu thơ nhằm nhấn mạnh vẻ đẹp tuyệt vời của mùa xuân ấy. Trong không gian ấy Người và các cán bộ Đảng vẫn bàn bạc việc quân. Trăng như thể hiện sự soi tỏ của mình cho các chiến sĩ và Bác nhìn rõ và thấu đáo công việc hơn. Trăng là biểu tượng cao đẹp, sáng láng của tự do. Con thuyền bát ngát trăng cũng bát ngát niềm vui cao đẹp tin tưởng vào bình minh sáng rỡ của dân tộc. Có thể nói bài thơ mang phong vị của thơ Đường cũng có trăng xuân, chiếc thuyền nhỏ, sông nước lững lờ trôi đấy nhưng mà khác ở một chỗ người thưởng thức trăng kia không có rượu hoa để uống, không làm thơ mà lại bàn việc quân.

Hay mùa xuân còn được thể hiện trong bài thơ tự khuyên mình của Người:

“Nếu không có cảnh đông tàn
Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân
Nghĩ mình trong bước gian truân
Gian nan rèn luyện tinh thần thêm hăng.”

Ngày xuân ở đây là ngày của bình minh nắng sáng. Ánh nắng kia nhẹ nhàng tinh khôi mang đến sự sống cho tất cả cây cối sự vật đã như chết lặng trong mùa đông giá lạnh tàn úa. Nói đến mùa xuân là người ta liên tưởng đến sự sống. Trong bài thơ này nhà thơ dùng ngày xuân để tượng trưng cho một ngày mai tự do tươi sáng của toàn dân tộc Việt Nam. Bác tự khuyên mình con người sinh sống khổ đau hay sướng vui cũng giống như sự tuần hoàn của bốn mùa. Có mùa đông thì mới có mùa xuân. Có đau khổ buồn bực thì mới có hạnh phúc vui vầy. Nhân dân ta có đau đớn trong nô lệ nhưng vẫn quyết chí đấu tranh thì cũng đến một ngày được tự do tươi sáng. Thế nên là một vị lãnh tụ càng phải tự khuyên chính bản thân mình để rèn luyện tinh thần ý chí của mình vượt qua khó khăn đến ngày tự do tươi sáng.

Nếu như mùa xuân ở hai bài thơ trên mùa xuân gắn liền với công việc đất nước thì đến bài thơ tiết xuân mậu thân chỉ còn thi nhân với xuân và trăng. Việc quân đã xong, và tất cả sự vật đều chìm vào yên tĩnh:

“Tháng tư hoa nở một vườn đầy,
Tía tía hồng hồng đua sắc tươi.
Chim trắng xuống hồ tìm bắt cá,
Hoàng oanh vút tận trời.
Trên trời mây đến rồi đi,
Miền Nam thắng trận báo về tin vui”.

Tháng tư là mùa xuân ở độ viên mãn đẹp đẽ nhất. Hoa nở một vườn đầy, nào màu tía, màu hồng màu nào cũng tươi. Mặc dù chiến tranh đang diễn ra ác liệt nhưng Bác vẫn ung dung tận hưởng được một cách trọn vẹn đầy đủ nhất. Điều đó chứng tỏ người là một vị lãnh tụ yêu thiên nhiên, muốn tận hưởng thiên nhiên, biết tính toán để vừa có thể hoàn thành việc quân lại vừa có thể thưởng thức bức tranh xuân tươi đẹp. Đồng thời thể hiện mùa xuân nước ta vô cùng đẹp.

Không chỉ thế Bác còn làm những bài thơ mùa xuân để chúc mừng cho nhân dân ta chiến thắng:

“Thuốc kiêng, rượu cữ đã ba năm,
Không bệnh là tiên sướng tuyệt trần.
Mừng thấy miền Nam luôn thắng lớn,
Một năm là cả bốn mùa xuân”

Và đặc biệt mùa xuân còn được thể hiện qua những bài thơ chúc tết của Bác. Những bài thơ ấy mang đến một mùa xuân của năm mới lại mang đến một mùa xuân thắng lợi của đất nước:

“Tháng ngày thấm thoát chóng như thoi,
Nǎm cũ qua rồi, chúc nǎm mới:
Chúc phe xâm lược sẽ diệt vong !
Chúc phe dân chủ sẽ thắng lợi !
Chúc đồng bào ta đoàn kết mau !
Chúc Việt-minh ta càng tấn tới,
Chúc toàn quốc ta trong nǎm này
Cờ đỏ ngôi sao bay phất phới!
Nǎm này là nǎm Tết vẻ vang,
Cách mệnh thành công khắp thế giới.”

Lời thơ vừa là lời chúc tết lại vừa là lời khích lệ động viên nhân dân ta tiếp tục đấu tranh chống bọn đế quốc sừng sỏ. Đất nước sẽ được thắng lợi trong niềm hạnh phúc hân hoan của tất cả những con người Việt Nam. Năm chiến thắng chính là năm đất nước ta vẻ vang vui vầy ngày Tết.

Tóm lại thơ Bác không chỉ thấm đẫm chất tình, chất thép mà còn thấm đẫm chất thiên nhiên mùa xuân. Rõ ràng Hồ Chí Minh là một người yêu thiên nhiên quê hương đất nước. Chính vì thế mùa xuân – mùa đẹp nhất dạt dào trong thơ Bác là một lẽ rất đương nhiên.

Bài viết liên quan

0