24/02/2018, 19:50

Cảm nhận về bài thơ Tây tiến

Đề bài: Bài làm – Quang Dũng là một trong những nhà thơ nổi tiếng trong thời kì kháng chiến. Ông có rất nhiều bài thơ miêu tả cuộc sống của những người lính và Tây Tiến là một bài thơ tiêu biểu nhất. Tây Tiến là bài thơ nói về người lính thời 9 năm ...

Đề bài:

Bài làm

– Quang Dũng là một trong những nhà thơ nổi tiếng trong thời kì kháng chiến. Ông có rất nhiều bài thơ miêu tả cuộc sống của những người lính và Tây Tiến là một bài thơ tiêu biểu nhất. Tây Tiến là bài thơ nói về người lính thời 9 năm kháng chiến chống Pháp. Bài thơ được Quang Dũng viết vào năm 1948, khi cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc bước sang năm thứ ba, chặng đường kháng chiến còn đầy thử thách gian lao. Tây Tiến nói lên nỗi nhớ và niềm tự hào của Quang Dũng về những người đồng đội đã một thời gắn bó.

Mở đầu bài thơ là một tiếng gọi làm nao lòng người. Nỗi nhớ thương, nỗi nhớ như nén chặt, bỗng trào dâng:

"Sông Mã xa rồi, Tây Tiến ơi!

Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi".

Từ "ơi" bắt vần với từ láy "chơi vơi" làm cho âm điệu câu thơ trở nên tha thiết sâu lắng, bồi hồi. Hai chữ "nhớ" như hai nốt nhấn gợi tả nỗi nhớ "chơi vơi" cháy bỏng khôn nguôi. Bao kỉ niệm đẹp một thời chinh chiến ngày xưa dạt dào xúc cảm trở lại làm xao xuyến hồn người chiến sĩ:

"Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi,

Mường Lát hoa về trong đêm hơi".

Sài Khao, Mường Lát là những địa danh vời vợi nghìn trùng từng in dấu chân đoàn chiến binh Tây Tiến. Trong “sương lấp”, trong "đêm hơi" mịt mù, lạnh lẽo, đoàn dũng sĩ đã phải vượt qua những nẻo đường hành quân vô cùng gian khổ nhưng thật bất ngờ, bỗng xuất hiện "hoa về trong đêm hơi". Cái mỏi mệt, cái gian khổ như đã tiêu tan. Sáu thanh bằng liên tiếp diễn tả cái nhẹ nhàng, cái lâng lâng trong tâm hồn người lính trẻ đi tới đích sau những chặng đường dài hành quân đầy thử thách: "Mường Lát hoa về trong đêm hơi". Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt giữa núi rừng miền Tây. Những đèo dốc "khúc khuỷu", "thăm thẳm" những "cồn mây heo hút"  thử thách chí can trường như chặn bước tiến của đoàn quân:

"Dốc lên khúc khủyu, dốc thăm thẳm,

Heo hút cồn mây súng ngửi trời.

Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi".

"Súng ngửi trời" là một hình ảnh nhân hóa phản ánh cái ngộ nghĩnh, hồn nhiên trẻ trung và yêu đời của người lính trẻ. Từ những đỉnh cao "ngàn thước", các chiến binh dõi tầm mắt nhìn xa.

"Anh bạn dãi dầu không bước nữa,

Gục lên súng mũ bỏ quên đời!".

Trong gian khổ "dãi dầu", trong những ngày dài hành quân và chiến đấu, có bao đồng đội thân yêu đã  "bỏ quên đời", bỏ quên đồng chí bạn bè, nằm lại vĩnh viễn nơi chân đèo, góc núi. Bốn chữ "gục lên súng mũ" thể hiện một sự hi sinh vô cùng bi tráng: ngã xuống, gục xuống trên đường hành quân giữa trận đánh khi súng còn cầm trên tay, mũ còn đội trên đầu. Mặc dù Quang Dũng đã thay thế từ "chết", từ "hi sinh" bằng cụm từ "không bước nữa", "gục lên"…, "bỏ quên đời", nhưng vẫn trào lên bao nỗi xót xa, thương tiếc.

Cảnh tượng chiến trường đâu chỉ có đèo cao, cồn mây, dốc thẳm mà còn có biết bao thử thách của rừng thiêng tự ngàn đời mang cái vẻ hoang sơ và bí mật, hùng vĩ và oai nghiêm. Chiều nối chiều, đêm tiếp đêm, chiến khu vang động tiếng "gầm thét" của thác, của "cọp trêu người".

"Chiều chiều oai linh thác gầm thét

Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người".

Vượt lên gian khổ, hi sinh, hành trang người lính đầy ắp những kỉ niệm đẹp của tình quân dân. Quên sao được hương vị đậm đà của "mùa em thơm nếp xôi". Trong cái hương vị đậm đà của bát cơm tỏa khói, của hương nếp xôi còn quyện theo bao tình sâu nghĩa nặng của bà con dân bản Mai Châu, của "mùa em". Hai tiếng "nhớ ôi" gợi lên nhiều bâng khuâng, vương vấn, thấm thía và ngọt ngào:

"Nhớ ơi Tây Tiến cơm lên khói

Mai Châu mùa em thơm nếp xôi".

Phần thứ hai bài "Tây Tiến" nói về tình quân dân thắm thiết:

"Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa,

Kìa em xiêm áo tự bao giờ,

Khèn lên man điệu nàng e ấp,

Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ".

Chữ "bừng" là một nét vẽ có thần. "Bừng" là sáng bừng lên, cháy rực lên từ những ngọn đuốc trong đêm "hội đuốc hoa". Tình quân dân đã sưởi ấm và tiếp thêm sức mạnh cho những người chiến sĩ

Nhớ Tây Tiến là nhớ đến những chiều sương cao nguyên, nhớ đến những con thuyền độc mộc, nhớ đến "hồn lau nẻo bến bờ". Nhớ nhiều, nhớ mãi "dáng người trên độc mộc", nhớ không bao giờ quên hình ảnh nên thơ "Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa". Những vần thơ mang hương sắc núi rừng xa lạ, tươi đẹp và thơ mộng. Chất nhạc, chất thơ, chất họa toát lên từ vần thơ, cho thấy tính thẩm mĩ độc đáo của ngòi bút thơ Quang Dũng, đồng thời khắc họa vẻ đẹp tâm hồn các chiến sĩ Tây Tiến trong gian khổ và thử thách.

"Người đi Châu Mộc chiều sương ấy,

Có thấy hồn lau nẻo bến bờ,

Có nhớ dáng người trên độc mộc,

Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa".

Quang Dũng đã rất thành công khi dựng lên một tượng đài hùng vĩ, bi tráng về đoàn binh Tây Tiến:

"Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc,

Quân xanh màu lá dữ oai hùm

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm".

Đoạn thơ ghi lại một cách chân thật, hào hùng cái khốc liệt dữ dội của chiến tranh. Hình tượng thơ được đặt trong thế tương phản đối lập để khẳng định chí khí hiên ngang, anh hùng, những tâm hồn với bao mộng mơ tuyệt đẹp. "Đoàn binh không mọc tóc", "quân xanh màu lá", có vẻ tiều tụy, ốm đau vì bệnh sốt rét rừng, nhưng tư thế vô cùng oai phong lẫm liệt: "dữ oai hùm". Đoàn binh Tây Tiến phần lớn là những thanh niên thành thị giàu nhiệt huyết và ý chí trả thì cho nước cho dân”

"Mắt trừng gửi mộng qua biên giới,

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm".

"Mắt trừng" gợi tả tư thế chiến đấu lẫm liệt đồng thời trong hành trang và trong tâm hồn những người lính trẻ còn mang theo bao giấc mơ tuyệt vời. Nhớ về phố cũ trường xưa, mơ về một tà áo đẹp, một "dáng kiều thơm", nơi Hà Nội thân yêu. Qua đó thể hiện chất tài tử, hào hoa của người lính Tây Tiến.

"Rải rác bên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh.

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành".

Cái giá của họ phải trả là quá lớn. Tuy nhiên trong thâm tâm họ cũng phần nào xác định trước tư tưởng, bởi vậy, họ khẳng khái, hiên ngang, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. Hình ảnh "áo bào thay chiếu" rất bình dị, hai chữ "về đất" rất sáng tạo. Tiếng thác sông Mã "gầm lên" vang vọng giữa núi rừng như dội lên trầm hùng trong lòng đồng đội. Nó như tiếng kèn trong bài "Chiêu hồn liệt sĩ", như loạt đại bác nổ xé trời giữa núi rừng chiến khu, mang sắc thái của một lời thề cao cả, thiêng liêng.câu thơ "rải rác biên cương mồ viễn xứ" đã làm cho nỗi đau mất mát hi sinh càng thêm mênh mang, càng được nâng lên tầm lẫm liệt, bi tráng. Cao cả hơn nữa là lí tưởng chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Khổ cuối bài thơ, âm điệu trở nên tha thiết sâu lắng, bồi hồi. Vẫn là tiếng lòng rung lên theo hoài niệm. Biết bao thương nhớ khôn nguôi:

"Tây Tiến người đi không hẹn ước

Đường lên thăm thẳm một chia phôi

Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy

Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi".

Bài thơ đã khép lại mà âm điệu của nó vẫn bồi hồi vang vọng trong tâm hồn ta. Trong trận chiến sinh tử ấy, ai còn sống, ai mãi mãi ra đi. Tuy nhiên có một điều chắc chắn rằng quê hương vẫn đời đời ôm ấp hình bóng các anh, những người con dũng cảm của Tổ quốc

Bài thơ thật đẹp, thật thấm thía cảnh sắc và tình người vô cùng. Bút pháp tài hoa của Quang Dũng đã vẽ nên một câu chuyện về những chiến sĩ Tây tiến thật hào hùng, mạnh mẽ, điều đó đáng quý, đáng trân trọng vô cùng.

Minh

0