08/02/2018, 16:51

Cảm nhận của em về chín câu đầu bài thơ Đất nước

Đề bài: Cảm nhận của em về chín câu đầu bài thơ Đất nước Bài là m Quê hương đất nước luôn là đề tài bất tận cho các nhà thơ, nhà văn sáng tác. Nguyễn Khoa Điềm cũng không ngoại lệ. Đóng góp vào thơ ca nước nhà với thi phẩm “Đất nước” , tác giả đã gửi gắm ...

Đề bài: Cảm nhận của em về chín câu đầu bài thơ Đất nước

Bài làm

Quê hương đất nước luôn là đề tài bất tận cho các nhà thơ, nhà văn sáng tác. Nguyễn Khoa Điềm cũng không ngoại lệ. Đóng góp vào thơ ca nước nhà với thi phẩm “Đất nước”, tác giả đã gửi gắm rất nhiều triết lí và ý nghĩa đằm sâu thông qua từng con chữ. Trong bài thơ, tôi ấn tượng nhất với chín câu đầu.

“Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi

Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa” mẹ thường hay kể.

Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn

Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc

Tóc mẹ thì bới sau đầu

Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn

Cái kèo, cái cột thành tên

Hạt gạo  phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng

Đất Nước có từ ngày đó…”

Ở phần một với tên gọi:  Đất nước là xương máu của mình, đoạn thơ trả lời hai câu hỏi lớn: Đất nước có từ bao giờ? Đất nước là gì? Đất nước có từ bao giờ nhưng cách trả lời rất giản dị và độc đáo, không phải của một nhà chép sử mà của một nhà thơ.

Khởi đầu bằng hình ảnh : “Khi ta lớn lên..”, nhà thờ khẳng định một thực tế rằng: thế hệ trẻ được thừa hưởng thành quả xây dựng Đất nước của tổ tiên chúng ta từ bao đời nay. Nhà thơ như đưa người đọc ngược dòng thời gian để trờ về với quá trình dân tộc ta đã bền bỉ dựng nên đất nước. Cấu trúc của các câu thơ: “Đất nước có rồi”, “Đất nước có trong”, “Đất nước bắt đầu”, “Đất nước lớn lên” thể hiện thật tự nhiên quá trình tạo dựng Đất nước. Từ ngữ: “ngày xửa ngày xưa” cụm từ này hết sức quen thuộc thường được dùng mở đầu các câu chuyện cổ, gắn với những câu chuyện đã đưa mỗi đứa trẻ thơ vào giấc ngủ êm đềm mà cũng từ đó mà những cảm nhận đầu tiên về Đất nước đã thấm vào đầu óc non nớt của mỗi con người Việt Nam từ thủa nằm nôi. Sâu hơn từ ngữ ấy là chất liệu văn học dân gian được khai thác triệt để và tạo ra những ấn tượng thật đậm nét về vẻ đẹp trong truyền thống văn hóa, phong tục tập quán và cả lối sống, tính cách, tâm hồn của dân tộc Việt Nam. Nếu hình ảnh “Miếng trầu” bây giờ bà ăn gợi nhớ “sự tích trầu cau” hay những câu tục ngữ quen thuộc: “Miếng trầu là đầu câu chuyện”, “Miếng trầu lên dâu nhà người” thì hình ảnh “Trồng tre đánh giặc” gợi nhớ truyền thuyết “Thánh Gióng”- gợi quá khứ hào hùng chống ngoại xâm của dân tộc. Qua đó “Đất nước” đã được cảm nhận hết sức bình dị, gần gũi thân thuộc.

Trước hết Đất nước gắn liền với những người thân yêu của mỗi chúng ta. Đó là bà ta, là mẹ cha ta, là ngôi nhà ta ở, là hạt gạo ta ăn.Điều đáng nói là qua tất cả hình ảnh thân thuộc, gần gũi ấy, nhà thơ đã thể hiện được niềm tự hào của con dân Việt Nam về lịch sử lâu đời của đất nước mình, về những truyền thống đẹp đẽ mà tổ tiên mình đã gây dựng và giữ gìn. Con người Việt Nam vốn cần cù làm lụng, chịu thương chịu khó để hình thành và tạo dựng nên nền văn minh lúa nước. Câu thơ: “Hạt gạo phải một nắng hai sương (xay, giã, giần, sàng) vừa gợi nhớ câu truyện cổ tích “Sự tích hạt gạo” lại vừa khiến ta liên tưởng tới câu ca dao:

 “Ai ơi bưng bát cơm đầy

Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”

Sinh sống ở một địa bàn nhiều gian nan thử thách, vừa là nơi đầu sóng ngọn gió lại là nơi thường xuyên bị các thế lực ngoại xâm nhòm ngó, cha ông ta sớm trưởng thành cùng với truyền thống đánh giặc để giữ gìn Đất nước. Câu thơ: “Đất nước lớn lên khí dân mình trồng tre…” không chỉ gợi hình ảnh người anh hùng làng Gióng, khi roi sắt gãy bèn nhổ tre đằng ngà đánh đuổi giặc Ân ra khỏi bờ cõi mà còn nêu lên một thực tế:” Cây tre làm bạn với người dân quê Việt Nam từ bao đời nay..” gian nan, dựng nước, giữ nước, nên lối sống của con người Việt Nam thường rất giản dị và coi trọng sự giản dị: “Tóc mẹ thì bới sau đầu”. Chính cách búi tóc sau đầu của người phụ nữ Việt Nam từ bao đời nay là bằng chứng cụ thể nhất về lối sống giản dị đó. Nhưng giản dị mà thủy chung, mà nặng nghĩa nặng tình, đó mới chính là vẻ đẹp đích thực của tâm hồn Việt Nam: thành ngữ “gừng cay muối mặn” trong câu thơ như đúc kết từ những bài ca dao hết sức quen thuộc:

“Em ơi chua ngọt đã từng

Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau”

Bằng ngôn ngữ hết sức giản dị, không một từ Hán Việt, nhà thơ hoàn toàn sử dụng lời ăn tiếng nói của nhân dân, từ đó nhà thơ gián tiếp khẳng định: Đất nước là do nhân dan bền bỉ tạo dựng từ lâu đời và đất nước hết sức gần gũi thân thuộc với mãi con người Việt Nam. Bằng cách đó, chín dòng thơ mở đầu đoạn trích “Đất nước” không chỉ là lời trò chuyện tâm tình riêng của nhà thơ mà đã trở thành những cảm nhận của mỗi người con đất Việt khi nhắc về nơi chôn rau cắt rốn.

Khép lại chín câu thơ đầu của bài thơ “Đất nước”, người đọc càng thêm trân trọng tình cảm quê hương đất nước. Bởi lẽ, quê hương chính là nơi ta luôn nhớ về. Qua đó, càng thêm trân trọng tài năng và tình cảm của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Cảm ơn ông đã nói họ tấm lòng của biết bao người con với mảnh chất quê hương yêu dấu.

Nhẫn Đông

0