03/06/2017, 19:42

Cảm nhận chuyện người con gái Nam Xương

Trong văn học Việt Nam đã có không ít tác phẩm có tính chất truyền kỳ song được tôn vinh là “thiên cổ kỳ bút” thì cho đến nay chỉ có một “Truyền kỳ mạn lục” của Nguyễn Dữ. “Chuyện người con gái Nam Xương” được rút trong tập những câu chuyện kỳ lạ đó. Câu chuyện xoay quanh cuộc đời và số phận bi ...

Trong văn học Việt Nam đã có không ít tác phẩm có tính chất truyền kỳ song được tôn vinh là “thiên cổ kỳ bút” thì cho đến nay chỉ có một “Truyền kỳ mạn lục” của Nguyễn Dữ. “Chuyện người con gái Nam Xương” được rút trong tập những câu chuyện kỳ lạ đó. Câu chuyện xoay quanh cuộc đời và số phận bi thảm của người con gái xinh đẹp, nết na tên là Vũ Thị Thiết quê ở Nam Xương. Câu chuyện đã để lại trong lòng người đọc niềm cảm thương sâu sắc.

 
Trên cơ sở một câu chuyện cổ tích, Nguyễn Dữ đã tái hiện Vũ Nương, người phụ nữ có vẻ đẹp mẫu mực “tính đã thùy mị nết na, lại thêm tư dung tốt đẹp”, tiêu biểu cho công dung ngôn hạnh ở xã hội xưa. Vũ Nương là người vợ đảm đang, dịu dàng, thiết tha với niềm vui “nghi gia nghi thất”, một lòng một dạ chung thủy với chồng. Trong những ngày đoàn viên ít ỏi, dù Trương Sinh con nhà hào phú tính vốn đa nghi, đối với vợ thường phòng ngừa quá sức nhưng nàng khéo léo cư xử, giữ gìn khuôn phép nên gia đình không khi nào phải bất hoà. Khi tiễn chồng đi lính, mong ước lớn nhất của nàng không phải là công danh phú quí mà là khao khát ngày chồng về “mang theo hai chữ bình yên”. Lòng chung thủy ở Vũ Nương biểu hiện cụ thể ở hành động nuôi con, luôn nhớ đến chồng. Cậu bé Đản hàng đêm được mẹ chỉ cái bóng của mình trên tường gọi là cha chính là thể hiện tình yêu của nàng đối với chồng như hình với bóng.
 
Vũ Nương là một người mẹ hiền, dâu thảo: vừa một mình nuôi dạy con thơ vừa làm tròn phận sự của một nàng dâu: chăm sóc, thuốc thang khi mẹ chồng đau ốm, ma chay chu tất khi bà qua đời. Tấm lòng hiếu thảo của Vũ Nương được mẹ chồng ghi nhận và cảm kích qua lời trăn trối sau cùng của bà: “sau này trời xét lòng lành ban cho phúc đức, giống dòng tươi tốt, con cháu đông đàn. Xanh kia quyết chẳng phụ con cũng như con đã chẳng phụ mẹ”.
 
Tưởng rằng hạnh phúc sẽ mỉm cười với Vũ Nương sau những tháng ngày chờ đợi. Tưởng rằng người phụ nữ dịu dàng, hiếu nghĩa, tận tuỵ và chung tình sẽ được đền bù xứng đáng bằng một gia đình êm ấm, phúc lộc đề huề. Lời nói ngây thơ của bé Đản, đứa con trai vừa lên ba tuổi, về “một người đàn ông đêm nào cũng đến” đã làm cho Trương Sinh nghi ngờ. Với bản tính hay ghen cộng thêm tính gia trưởng, độc đoán, thất học, Trương Sinh đã “ mắng nhiếc nàng và đánh đuổi đi” mặc cho Vũ Nương hết sức phân trần, mặc cho “hàng xóm can ngăn”. Bi kịch dâng tràn đến đỉnh điểm, đau khổ tuyệt vọng, không cách gì biện bạch được, không có cơ hội để thanh minh, Vũ Nương đành chọn con đường kết thúc cuộc đời mình ở bến Hoàng Giang để tự minh oan.Thực chất là Vũ Nương đã bị bức tử. Sự khiếm khuyết trong tính cách của Trương Sinh đã dồn nàng đến bước đường cùng. Cái chết ấy là sự đầu hàng số phận nhưng cũng là lời tố cáo luật lệ phong kiến hà khắc, bất công dung túng cho sự độc ác, thói ghen tuông ích kỉ, sự hồ đồ, vũ phu của đàn ông.
 
Thật ra, nỗi bất hạnh của Vũ Nương không phải bắt đầu ở tấn bi kịch này. Nỗi bất hạnh đến từ khi nàng chấp nhận cuộc hôn nhân với Trương Sinh. Từ đầu, ta đã nhận ra đây là một cuộc hôn nhân không bình đẳng. Vũ Nương vốn “con kẻ khó, được nương tựa nhà giàu”, còn Trương Sinh muốn lấy được Vũ Nương chỉ cần “nói với mẹ đem trăm lạng vàng cưới nàng về làm vợ”. Cách thức ấy cộng thêm cái thế của người chồng, người đàn ông trong chế độ nam quyền phong kiến đã khiến cho Trương Sinh tự cho mình cái quyền đánh đuổi vợ không cần có chứng cứ rõ ràng. Câu chuyện đã phản ánh cuộc đời đau khổ và bi thảm của người phụ nữ dưới chế độ nam quyền bất công, độc đoán trong xã hội phong kiến xưa kia.
 
Ở phần sau của câu chuyện, ta thấy Vũ Nương được sống sung sướng dưới Thủy cung, được kề cận với Linh Phi, vợ vua biển Nam Hải nhưng không vì thế mà ta thấy nàng hạnh phúc. Làm sao có thể hưởng thụ hạnh phúc cho được khi quyền làm mẹ, làm vợ của nàng vĩnh viễn không còn? Người đọc càng cảm thấy xót xa hơn khi nghe câu nói của nàng ở cuối truyện: “Đa tạ tình chàng, thiếp chẳng trở về nhân gian được nữa”. Đoạn kết của truyện tuy mang màu sắc cổ tích (kết thúc có hậu) với những hư cấu và tình tiết ly kỳ nhưng vẫn không làm mờ đi bi kịch của Vũ Nương: âm dương đã cách trở đôi đường, nàng mãi mãi không thể trở về dương thế sống bên cạnh chồng con được nữa.
 
Nguyễn Dữ xứng đáng là một trong những cây bút xuất sắc đầu tiên của nền văn xuôi dân tộc viết bằng chữ hán. Bi kịch của Vũ Nương cũng là bi kịch chung của phụ nữ trong chế độ nam quyền. Hạnh phúc rất mong manh! Để có được hạnh phúc, phải thực sự hiểu nhau, tôn trọng lẫn nhau, tránh những ngộ nhận đáng tiếc. Đó là tất cả ý nghĩa mà chúng ta có thể nhận ra được từ: Chuyện người con gái Nam Xương.

0