21/06/2018, 13:40

Cái nhìn Lịch Sử: Thoát Á và Thoát Trung

Nguyễn Ngọc Lanh Nhật chủ trương thoát Á (thực chất là thoát Trung) từ cách nay 150 năm, đầy dũng cảm và gian lao. Sau nửa thế kỷ, thành tựu ghi lại bằng trận thắng Nga lừng lẫy (1905) khiến cụ Phan Bội Châu phải khâm phục. Ngày nay, có nước thoát Trung chỉ tốn… nửa tuần, ...

Trump-slammed-China-Xi-Jingping-pictured-for-failing-to-react-to-Jong-Un-749528.jpg

Nguyễn Ngọc Lanh

Nhật chủ trương thoát Á (thực chất là thoát Trung) từ cách nay 150 năm, đầy dũng cảm và gian lao. Sau nửa thế kỷ, thành tựu ghi lại bằng trận thắng Nga lừng lẫy (1905) khiến cụ Phan Bội Châu phải khâm phục. Ngày nay, có nước thoát Trung chỉ tốn… nửa tuần, đầy ngoạn mục và… nhẹ tênh. Nhưng liệu có thành công? 

Từ 150 năm trước, Nhật bắt đầu thoát Á

Bài viết “Thoát Á luận” – tác giả là Fukuzawa Yukichi (nay được coi là vị ân nhân thời cận đại của nước Nhật) – xứng đáng là một luận thuyết giúp Nhật canh tân toàn diện. Sau 50 năm Nhật trở thành một cường quốc công nghiệp; đánh dấu bằng trận đại thắng đế quốc Nga (1905) lừng lẫy toàn cầu.

Hôm nay, đồng bào ta dù đã đường đường là chủ nhân suốt 43 năm của nước CHXHCNVN, vẫn đang được xuất khẩu sang Nhật (càng đông, càng vui) để làm thuê ở cấp rất thấp – đặng cứu nhà, cứu nước, cứu đảng. Đạo lý: Liệu dân ta có cần phải biết ơn Nhật như ơn đảng?.

Nằm trong châu Á mênh mang, với nền văn minh nông nghiệp rực rỡ đã trải cả ngàn năm, nhưng nước Nhật nhỏ bé (diện tích, số dân chỉ khoảng 5% toàn châu Á) vẫn hết quyến luyến nó, mà quyết tâm “thoát Á”. Đó là thoát khỏi ý thức, tâm lý và nền tảng tư duy kiểu nông nghiệp – đã cắm chốt quá sâu trong đầu mọi người – nhưng tới lúc đó đã trở thành lạc hậu, phản tác dụng. Thoát, để hòa nhập và tiếp thu các giá trị tư tưởng và thành quả kỹ thuật của một nền văn minh mới, tuy rất xa lạ nhưng đầy hấp dẫn: Văn minh công nghiệp. Nhờ vậy, khi chủ nghĩa tư bản châu Âu vượt biển sang thôn tính châu Á, chỉ Nhật là thoát nạn.

Câu hỏi thời nay: Nhật đã “hòa nhập” thế giới tới mức nào?

Đảng ta (khác đảng tây) từ trên 30 năm nay luôn dạy dân rằng “hòa nhập, mà không hòa tan”. Do vậy, người Việt đương nhiên có câu hỏi: Thời xưa, Nhật “hòa nhập” ở mức nào (để khỏi hòa tan)?  

Câu trả lời phải dựa vào những gì người Nhật đã làm, được Lịch Sử ghi lại. Vậy thì, có thể nói, Nhật muốn “hòa nhập” ở mức tự giác nhất, triệt để nhất. Còn ta? Khi hệ thống XHCN sụp đổ, ta buộc phải hòa nhập với thế giới. Rụt rè, cảnh giác, lo lắng. Chỉ sợ bọn tư bản làm ta bị “hòa tan”… Hòa tan – nghĩa đen (nói trắng ra) là mất CNXH. Còn Nhật cách nay 150 năm không lo hòa tan, mà chỉ mong bén gót tư bản. Do vậy, họ chỉ có một việc: “Cắm đầu, cắm cổ” học hỏi cho kỳ được tất cả những gì tiến bộ hơn mình. Học, học, học cho đến khi được người ta cho chơi bình đẳng ở cùng một sân chơi. Ví dụ, nay là sân chơi G7.

Bởi vậy, người Việt hôm nay, nếu càng được giáo dục kỹ về CNXH sẽ càng khó chấp nhận chuyện nước ta “hòa nhập” quá chớn, để rồi bị “hòa tan”. Ngày nay, thế giới TBCN mênh mông (200 nước) nó dám hòa tan 5 nước XHCN lắm lắm. Đúng, nếu hòa nhập với tư bản mà nguy cơ mất CNXH, chẳng thà… hòa nhập vào Trung Quốc còn hơn (?). Dân ta đang suy nghĩ chuyện này lung lắm.

Tinh hoa Nhật

Nhật thành cường quốc công nghiệp sau thời gian ngắn kỷ lục vì quyền lực được vua Nhật trao cho giới trí thức tinh hoa – vị đại diện xứng đáng chính là Fukuzawa. Hành động này khiến vua Nhật thành đấng Minh Trị (hú vía! vua Nhật không đào tạo “đội ngũ chiến lược”). Giới tinh hoa Nhật quyết thực thi dân chủ và nâng cao dân trí – để từ thần dân (cúi đầu, vâng lời) mọi người trở thành công dân (ngẩng đầu, đối đáp). Nhờ vậy, cả nước đồng lòng thoát Á.

Một ví dụ nhỏ: Dám bỏ âm lịch.

Bài Thoát Á Luận ra đời năm 1868, chỉ 5 năm sau chính phủ Nhật đã quyết định: Từ nay (1873), Nhật dùng Dương lịch. Với tâm lý nông nghiệp, bỏ âm lịch không dễ. Ví dụ, dân châu Á đâu dễ bỏ cái tết âm lịch?. Dân Nhật cũng vậy. Do vậy, sau cái năm 1873 ấy, người dân Nhật vẫn cứ ăn tết âm lịch như xưa (chẳng ai dám cấm), nhưng nhân viên nhà nước thì không được nghỉ vào dịp ấy – mà nghỉ đầu năm dương lịch… Cho đến khi công nghiệp hóa tăng tốc, mức sống nâng lên, nếp sống mới hình thành (kỷ luật hơn, đúng giờ hơn, có tổ chức hơn, năng suất cao hơn…) suy nghĩ của xã hội cũng thay đổi. Tới khi nếp sống công nghiệp thay thế nếp sống nông nghiệp, thì… chính nông dân Nhật cũng thôi quyến luyến tết cũ. Thực ra, vẫn là cái tết truyền thống – có thêm bớt nội dung cho phù hợp – và “ăn” theo lịch mới. Vậy thôi. Nhưng cái chuyện tâm lý nông nghiệp được thay thế bằng tâm lý công nghiệp chỉ trong vòng một thế hệ là chuyện cực lớn.

Bài này không muốn lạc đề vào những chuyện tận bên Nhật, lại cách nay cả trăm năm. Vậy, Việt Nam ta, cách nay… một-vài năm thì sao?.

Một đề thi “học sinh giỏi” ở nước VNXHCN

Giả sử, có 2 câu hỏi (cho người lớn) để điều tra tâm lý xã hội năm 2018:

     1 – Quý vị có muốn xã hội ta phát triển cao như xã hội Nhật hay không?

     2 – Quý vị có muốn bỏ tết âm lịch, thay bằng tết dương lịch hay không?

Đọc xong 2 câu, có lẽ rất nhiều người nghĩ thầm “hỏi gì mà ngu vậy” – vì rất dễ đoán các câu trả lời. Tóm lại, tới năm 2018 do được thụ hưởng sâu đậm nền giáo dục XHCN, nên đa số (hầu hết) dân ta cứ muốn… tất. Vừa muốn có mức sống như nước Nhật, lại vừa muốn ăn tết âm lịch (rình rang).

Đến nay đã có vô số bài viết về tác dụng tích cực (ví dụ, tới kinh tế và hội nhập) của việc chuyển tết sang dương lịch. Nhưng đảng ta, nhà nước ta, quốc hội ta (và do đó) toàn dân ta vẫn bất cần biết. Điều lo thường trực là giáo dục nước ta phải giúp các thế hệ trẻ yêu tha thiết CNXH, đồng thời hiểu thấu đáo: “hòa nhập mà không hòa tan”, “đổi mới mà không đổi màu”…

Đề thi (trích câu 1) chọn học sinh giỏi cách nay vài năm là ví dụ.

ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI NĂM HỌC 2015-2016. Môn GDCD ; LỚP 9

Thời gian làm bài 120 phút (không kể thời gian phát đề)

Câu 1: (12 điểm)

a) Hợp tác là gì? Vì sao trong tình hình hiện nay hợp tác là vấn đề quan trọng, thiết yếu?

b) Chính sách của Đảng và Nhà Nước ta trong hợp tác quốc tế. Nêu một ví dụ.

c) Em hiểu thế nào về quan điểm “Hòa nhập chứ không hòa tan” trong quan hệ quốc tế?
Xem: https://123doc.org/document/3138809-de-thi-hsg-gdcd-lop-9-co-dap-an.htm

Văn minh châu Á có cái nôi là Trung Quốc

Từ thời xa xưa, trung tâm văn minh của châu Á là Trung Quốc – nơi phát ra đạo Nho của Khổng Tử, với các “sách thánh hiền” truyền đi mọi phương dạy cho muôn dân trong khắp thiên hạ. Bao quanh Trung Quốc, thì các nước trong lục địa (Mãn Thanh, Tân Cương, Mông Cổ, Tây Tạng) kém văn minh hơn – tức chậm tiến hơn – so với các nước có biển (đứng đầu là Nhật Bản, Cao Ly, An Nam). Dù lục địa hay có biển, mọi nước ngoài rìa đều dốc lòng hướng tâm, cúi đầu kính cẩn ngưỡng vọng Thiên Triều. Nhật dám bỏ chạy khỏi cái hệ thống này quả là ghê gớm. Sau khi Nhật “thoát” tới nửa thế kỷ vậy mà các lãnh tụ cần vương nước ta – khi chống Pháp – cứ dương dương coi Pháp là “di”, “mọi”, “man”… trong khi ta bị chính Trung Quốc gọi là “man” (!).

Ngày nay: Thoát Á thành thoát Trung

– Nhiều nước châu Á không còn là nước nông nghiệp nữa (Nhật, Hàn, Đài Loan, Sigapore)… , còn bản thân Trung Quốc cũng phải đổi màu để thích nghi với thời đại mới. Trước đây, Mác đã đề cập nội dung thời đại mới. Còn thực tế diễn ra từ vài thế kỷ nay, thì đây là thời đại cả nhân loại xây dựng và hoàn thiện nền văn minh công nghiệp – đặng tạo tiền đề bước lên nền văn minh tri thức. Đó là thời robot sẽ thay con người.

– Do vậy, ngày nay, chính Trung Quốc cũng đang ráo riết công nghiệp hóa, nhất là khi nông dân nước này còn chiếm đa số. Tuy nhiên, Trung Quốc đang ráng sức phục hồi vai trò “thiên triều mới”: Vừa sắm vai nước cầm đầu phe XHCN, lại vừa nỗ lực vận động các nước cho xây học viện Khổng tử. Thoạt coi, thấy 2 việc mâu thuẫn. Nhưng thực chất, đạo Khổng có những yếu tố có thể kết hợp với chủ nghĩa Mác-Lê – vì đều thích hợp với xã hội nông nghiệp.  

Sau Đại Chiến II (1945), các nước xưa là chư hầu (bâu bám quanh Trung Quốc) có số phận không như nhau.

     – Nhật Bản đã thoát Á từ trăm năm trước, dù bại trận và chịu 2 quả bom nguyên tử, nhưng vẫn phục hồi rất nhanh (rất sớm lấy lại địa vị cường quốc).

     – Mãn Châu, Tân Cương, Tây Tạng không đủ nội lực để “thoát Trung” – đương nhiên bị Trung Quốc “nuốt”. Riêng Mông Cổ là ví dụ giúp ta hiểu vai trò của thoát Trung. Phần “mông ngoài” (ngoại Mông”) đã thoát Trung sau khi bị Nga chiếm, tới năm 1991 (Liên Xô sụp đổ); phần này giữ được độc lập, nay phát triển khá ngoạn mục. Còn phần “mông trong” – giáp Trung Quốc – đương nhiên thành một trong 4 ngôi sao tý hon bâu bám vào ngôi sao lớn trên lá cờ – với ý nghĩa là 5 dân tộc xum họp trong một đại gia đình.

     – Đài Loan, từ trước vẫn là lãnh thổ Trung Quốc, sau 1945 may mắn “thoát Trung” nhờ vị trí địa lý và sự giúp đỡ của Mỹ – trở thành độc lập và giàu mạnh.

     – Hai nước còn lại (Cao Ly và Việt Nam) là minh chứng cho chân lý: Thoát Trung chính là thoát phụ thuộc, thoát lạc hậu…

Triều Tiên và Hàn Quốc

Triều Tiên là phần bắc của nước Cao Ly (bị Nhật chiếm), sau chiến tranh thế giới II, do Liên Xô tiếp quản; còn miền Nam (Hàn Quốc) do Mỹ tiếp quản. Về danh nghĩa, hai miền được trao trả độc lập. Quy luật thép là, miền Bắc với lý tưởng CSCN đã chủ động phát động chiến tranh để “cộng” miền Nam vào mình. Quá đủ tiêu chuẩn để gọi đây là cuộc nội chiến, dù rằng sau đó Mỹ giúp miền Nam phản công (lật ngược thế cờ); rồi Trung Quốc phải xông vào giúp miền Bắc lấy lại thế cân bằng. Nói khác: Anh – Em giết nhau, mỗi bên được một cưởng quốc giúp đỡ (xui dục). Đến nay, hai bên cứ hục hặc, đồng thời cứ chứng minh sự ưu việt của mỗi chế độ. Kết quả là tới lúc thu nhập (theo đầu người) miền Nam cao gấp vài-ba chục lần so với miền Bắc.

Trong tình hình này Trung Quốc muốn Cao Ly bị chia cắt vĩnh viễn (thành hai “nước”), trong đó nước Triều Tiên là khu đệm an toàn cho mình. Muốn vậy, Trung Quốc không để Triều Tiên suy sụp; nhưng cũng không để nó mạnh tới mức dám “thoát Trung”. Cứ ngắc ngoải, cấm chết.

Triều Tiên “thoát Trung”: Đầy ngoạn mục và… nhẹ tênh

Triều Tiên và Mỹ họp thượng đỉnh (12-6-2018) khiến cả thế giới theo dõi kỹ ngay từ khi… chưa họp. Nói chung, đây là tin vui, hứa hẹn nhiều triển vọng (hòa bình, hữu nghị).

– Sau khi hoàn thiện bom nguyên tử và phương tiện phóng (tới được Mỹ), Triều Tiên thật sự trở thành “cường quốc hạt nhân“. Điều này giúp vị nguyên thủ nước này đủ tư thế, nếu có thương lượng với nội dung “giải trừ”.

– Thế là ông thay đổi 180 độ về thái độ và hành động. Ông bắt tay hữu nghị với Hàn Quốc và ngay sau đó với Mỹ. Chỉ cần một lời cam kết “từ bỏ hạt nhân”, lập tức được Mỹ và cả thế giới hoan nghênh. Tổng thống Mỹ không úp mở: Triều Tiên sẽ an toàn như Hàn Quốc và Nhật Bản mà không cần có vũ khí hạt nhân và tăng phí quân sự. Thoát Trung như vậy thật nhẹ tênh và không kém ngoạn mục. Liệu có thành công? Cần coi tiếp diễn biến.

– Với nước ta, chuyện học cụ Hồ được nói ra rả. Cụ dạy “Không gì quý hơn độc lập, tự do” thì năm nay (2018) đảng ta dâng cụ hai cái Luật: Một cái đe dọa Độc Lập; cái kia đe dọa Tự Do. Có định thoát ra, hay định chui rúc sâu hơn?

0