01/06/2018, 10:54

Bột ngọt không còn là bửu bối làm ngọt

Nay, trong cách chế biến và làm ngọt thức ăn đã thay đổi. Để làm ngon ngọt thức ăn, hiện người nội trợ thường lấy nước dùng hầm từ xương, thịt làm ngọt. Ngày trước còn khó khăn thì dùng bột ngọt cho đỡ chi phí, “giờ chịu khó hầm xương, cá cho ngon ngọt ...

Nay, trong cách chế biến và làm ngọt thức ăn đã thay đổi.

Để làm ngon ngọt thức ăn, hiện người nội trợ thường lấy nước dùng hầm từ xương, thịt làm ngọt.
 
 
Ngày trước còn khó khăn thì dùng bột ngọt cho đỡ chi phí, “giờ chịu khó hầm xương, cá cho ngon ngọt thức ăn vẫn tốt hơn cho cả nhà”, bà Sáu Phương giám đốc một công ty ở quận 10 nói thêm, kẹt lắm thì tí bột nêm cũng đỡ hơn, “chứ bột ngọt, nghe nói ăn nhiều có thể có hại nên phải dè chừng”.

Bà Lý Minh, người Hoa ở quận 5 kể, trước đây “nhà tôi thường xuyên xài bột ngọt” nhưng nghe nhiều người nói không tốt và vừa rồi quản lý thị trường bắt một vụ bột ngọt giả với số lượng lớn “làm tôi cũng sợ, chuyển qua dùng bột nêm chính hãng cho chắc ăn!”

Nguyên nhân lớn nhất khiến bột ngọt bị “truất ngôi” chính là sự xuất hiện các loại bột nêm, hạt nêm, giúp các bà nội trợ có thêm sự lựa chọn. Ở Nhật Bản, xứ sở tạo ra bột ngọt nhưng người ta sử dụng rong biển, bột cá ngừ đại dương thay cho bột ngọt.

Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Hưng, chuyên gia dinh dưỡng tư vấn, về nguyên tắc, ăn nhiều một chất nào đó đều có hại. Cho đến nay, bột ngọt vẫn là loại là phụ gia an toàn được phép sử dụng. Liều lượng được tổ chức Lương nông thế giới (FAO) đưa ra là 0,1g bột ngọt cho mỗi ký thực phẩm, mỗi người dùng 5g bột ngọt/ngày là tối đa.
 
Nếu ăn bột ngọt vào thấy nhức đầu, khó chịu thì không nên ăn. Bột ngọt là chất phụ gia, không phải là chất dinh dưỡng cần thiết nên có thể bớt hoặc không sử dụng. Bột ngọt là muối sẽ gây tăng huyết áp cho các bệnh nhân huyết áp. Người tiêu dùng nếu sợ bột ngọt thì không nên ăn. Nếu ăn thì dùng ở mức độ vừa phải.
 
Kỹ sư Đỗ Thị Kim Quyên, bộ môn chế biến món ăn, trường Du lịch và khách sạn Saigontourist cho biết, hạt nêm, bột nêm vẫn có thành phần bột ngọt nhưng lượng ít hơn. Để tăng độ ngọt tự nhiên cho các món nước, có thể sử dụng củ cải trắng, củ sắn, xương, tôm khô, khô mực…
 
Ở một số nhà hàng, quán ăn người ta sử dụng con sá sùng khô để tạo ngọt cho các món nước. Các món chiên xào không nhất thiết phải sử dụng gia vị tạo ngọt vì bản thân rau quả, thực phẩm tươi đã có vị ngọt tự nhiên. Nước mắm là nguyên liệu làm tăng vị đậm đà cho món kho. Các món ăn có chất chua như dấm, me, chanh… không nên dùng bột ngọt vì axít trong chất chua sẽ làm mất tác dụng của bột ngọt.
 
Theo SGTT
0