04/06/2017, 23:31

Bóng dáng một thời tàn và nỗi lòng ân hận... (Về bài thơ Ông đồ).

Bạn đọc ít biết đến các bài thơ khác của Vũ Đình Liên. Nói đến Vũ Đình Liên người ta chỉ nghĩ đến Ông đồ. Đó một thành công đột xuất của nhà thơ này và là một trong sốnhững bài thơ đại diện cho giai đoạn thơ ca 1930 -1945. Ông đồ chỉ có 20 câu ngũ ngôn mà đã in đủ bóng dáng của một thời tàn và nỗi ...

Bạn đọc ít biết đến các bài thơ khác của Vũ Đình Liên. Nói đến Vũ Đình Liên người ta chỉ nghĩ đến Ông đồ. Đó một thành công đột xuất của nhà thơ này và là một trong sốnhững bài thơ đại diện cho giai đoạn thơ ca 1930 -1945. Ông đồ chỉ có 20 câu ngũ ngôn mà đã in đủ bóng dáng của một thời tàn và nỗi lòng ân hận của lớp người đương đại.

Vào cái thời văn minh phương Tây thâm nhập vào nước ta, bứt sắt thay bút lông, các khoa thi chữ Hán đã bị hủy bỏ, cảnh lều chõng đã vắng bóng từ hơn ba chục năm rồi, thì các bậc khoa bảng cũng chỉ còn là cái bút danh, không quyền bính gì. Bước vào thập kỉ ba mươi, xã hội Việt Nam đã trải qua một phen Âu hóa, nảy nòi ra những ông Văn Minh, TYPN, Xuân Tóc Đỏ, thì bóng dáng một ông đồ còn có ai quan tâm đến nữa. Ông chỉ xuất hiện trên vỉa hè Hà Nội những ngày áp Tết, bán chữ nho trên giấy đỏ cho những ai còn yêu lối chữ tượng hình và âm hưóng một thời xa. Ông chính là cái di tích tiều tụy, đáng thương của một thời tàn.
 
Thương hại một thời tàn, nhớ lại một thời xưa là cả một cảm hứng lớn của nhiều nhà thơ hồi ấy: Nguyễn Bính, Nguyễn Nhược Pháp, Huy Thông, Đoàn Văn Cừ... Chưa bao giờ như bây giờ họ thấy cần phải tìm về dĩ vãng để vin vào những gì bất diệt đủ bảo đảm cho ngày mai (Hoài Thanh). Đây cũng là một biểu hiện của lòng yêu nước, dù nó có phần tội nghiệp.
 
Bài Ông đồ tràn ngập một niềm thương tiếc, thoáng chút ân hận tự trách mình đã có lúc vô tâm, vô tình để mất đi những hình ảnh đẹp của cha ông. Thoáng chút ân hận vì tác giả cũng nhận thức được quy luật tiến hóa của đời sống, lòng người không cưỡng được. Chỉ ân hận là lòng ta không đủ thương, không đủ quý đó thôi. Bài thơ như nén tâm hương thắp lên tưởng niệm những bóng hình đã khuất. Giọng thơ giản dị, mộc mạc, biểu hiện chân thực; chi tiết là việc thực ngoài đời, không hư cấu, không liên tưởng đột xuất. Vậy mà xúc động. Đọc xong dòng thơ cuối cùng, bao nhiêu người đã lặng đi, nghĩ ngợi. Năm tháng càng lùi xa, những nỗi lòng Việt Nam càng trân trọng với bài thơ, coi như một vật tâm hồn.
 
Hai khổ đầu bài thơ giới thiệu những ngày huy hoàng của ông đồ.
 
Những lời khen của mọi người thật hào phóng. Nhưng nghĩ cho kĩ thì đó chỉ là lời khen của những người ngoài giới bút nghiên - những người ngoại đạo. Đi viết câu đối thuê, bản thân việc ấy đã là nỗi lận đận, là bước thất thế của người theo nghiệp khoa bảng. Đỗ cao thành quan nghè, quan thám, đỗ thấp thì cũng ông cử, ông tú, chứ ông đồ là chưa đỗ đạt gì, công chưa thành, danh chưa toại, đành về quê dạy học, bốc thuốc, xem lí số, xem bói nơi đô hội (Tản Đà). Ngày Tết, mài mực bán chữ ngoài vỉa hè chắc cũng là việc bất đắc dĩ của nho gia. Chữ thì tặng, biếu, cho... chứ ai lại bán? Bán chữ là cái cực của kẻ sĩ ở mọi thời. Bà con yêu quý thì cũng thán phục cái thứ chữ mà bà con không biết, hay chỉ võ vẽ, nên mới khen lao đến vậy. Lời khen này không mang lại vinh quang cho ông đồ. Có thể ông còn tủi nữa, nhưng nó an ủi ông nhiều. Nó là cái tình của người đời vào hồi mạt vận của ông. Cùng với hoa đào, mỗi năm mới có một lần chứ nhiều nhặn gì đâu, giấy đỏ mực tàu, chữ nghĩa thánh hiền bày trên hè phố. Đừng nghĩ đến chuyện khoa bảng, hãy nghĩ trên cương vị người bán thì đây là hai đoạn thơ vui vì nó nói được sự đắt hàng, ông đồ còn sống được, có thể còn sống, còn tồn tại trong cái xã hội đang biến động này.
 
Nhưng cuộc đời đã không như thế mãi. Cái ý thích của người đời cũng thay đổi theo thời cuộc. Lớp thanh niên không có liên hệ gì để quyến luyến cái chữ tượng hình kia. Cái tài viết chân, thảo, triện, lệ của ông đồ chữ tốt kia, họ không cần biết đến. Ông đồ rơi vào tình cảnh một nghệ sĩ hết công chúng, một cô gái hết nhan sắc.
 
Còn duyên kẻ đón người đưa,
Hết duyên đi sớm về trưa một mình.
 
Ông đồ vẫn ngồi đó mà không ai hay. Hiện thực ngoài đời là thê và chỉ có thế. Nó là sự ế khách, ế hàng. Nhưng trong thơ cùng hiện thực ấy là nỗi lòng nhà thơ. Nên giấy đỏ như nhạt đi và nghiên mực hóa sầu tủi. Hay nhất là cộng hưởng vào nỗi sầu tủi này là cảnh mưa phùn gió bấc. Hiện thực trong thơ là hiện thực nỗi lòng, nỗi lòng đang vui cùng những năm ông đồ đắt khách nào có thấy gió mưa. Gió thổi lá bay, lá vàng cuối mùa rơi trên mặt giấy. Lá rơi và nằm lại đó vì giấy chưa được dùng tới, chẳng có nhu cầu gì để nhặt cái lá ấy đi. Cái lá nằm bất động trên một chỗ không phải là của nó còn cho thấy cái dáng ngồi bó gối bất động của ông đồ nhìn mưa bụi bay. Lời thật ít mà cảnh hiện như vẽ. Không chỉ bóng dáng ông đồ mà cả cái tiêu điều của xã hội qua mắt ông đồ. Những chi tiết thật đắt: Nơi ông đồ là bút mực; nơi trời đất là gió mưa, nơi xã hội là sự thờ ơ, không ai hay. Thể thơ năm chữ vốn có khả năng biểu hiện những chuyện dâu bể, hoài niệm, đã tỏ ra hết sức đắc địa, nhịp điệu khơi gơi nỗi buồn nhẹ mà thấm. Màn mưa bụi khép lại đoạn thơ thật ảm đạm, lạnh, buồn, vắng. Cũng chỉ 8 câu, 40 chữ, đủ nói hết những bước chót của một thời tàn. Sự đối chiếu chi tiết ở đoạn thơ này với đoạn trên: mực với mực, giấy với giầy, người với người, càng cho ta thấy cái ấn tượng thảng thốt, xót xa của sự biến thiên.
 
Có một khoảng thời gian trôi qua, khoảng trống của đoạn thơ trước khi vào đoạn kết.
 
Hãy trở lại câu thơ mở đầu để thấy quy luật cũ không còn đúng nữa. Ông đồ đã kiên nhẫn vẫn ngồi đấy; nhưng năm nay đã không còn kiên nhẫn được nữa. Ông đã cố bám lấy xã hội hiện đại, lũ người hiện đại chúng ta đã nhìn thấy sự cố sức của Ông, đã thấy ông chới với. Nhưng chúng ta đã không làm gì, để đến bây giờ quay nhìn lại, mới biết ông đã bị buông rơi tự bao giờ. Bóng dáng ông đâu phải là bóng dáng của một con người, một nghề mà là bóng dáng của cả một thời đại, bóng dáng kí ức tâm hồn của chính tâm hồn chúng ta. Đến bây giờ ta mới thấy luyến tiếc, nhưng đã quá muộn rồi! Chúng ta hỏi nhau hay tự hỏi mình? Hỏi hay khấn khứa tưởng niệm, hay ân hận, sám hối? Hai câu thơ hàm sức nhất của bài, chúng ta đọc ở đó số phận của ông đồ và nhất là đọc được thái độ, tình cảm của một lớp người đối với những gì thuộc về dân tộc, về ngữ pháp, câu thơ này rất lạ: Những người muôn năm cũ. Muôn năm, thật ra chí mới vài ba nàm. Nhưng nói muôn năm cũng rất đúng. Vì thời ông đồ đã xa lơ xa lắc rồi, đã lẫn vào với những bút, nghiên rất xa trong lịch sử. Chữ muôn năm củ ở câu trên dội xuống chữ bây giờ ở câu thơ dưới càng gợi bâng khuâng, luyến nhớ. Câu thơ không nói nỗi đau nức nở. Nó chi như tiếng thở dài cảm thương, nuối tiếc khôn nguôi.

0