04/06/2017, 23:30

Phân tích đoạn thơ sau trong bài thơ Ông dồ: Mỗi năm hoa đào nở (...) Ngoài giời mưa bụi bay.

Một số nhà phê bình đã đọc hai khổ thơ đầu trong mối liên hệ đối lập với ba khổ thơ sau “Hai đoạn đầu tươi vui, nhảy nhót với cái nền hoa đào nỡ của ngày tết, của mùa xuân, với giấy đỏ, mực tàu đen, với người qua lại tấp nập, với những lời bình luận ngợi ca nét chữ đẹp của ông đồ. Ba đoạn thơ cuối ...

Một số nhà phê bình đã đọc hai khổ thơ đầu trong mối liên hệ đối lập với ba khổ thơ sau “Hai đoạn đầu tươi vui, nhảy nhót với cái nền hoa đào nỡ của ngày tết, của mùa xuân, với giấy đỏ, mực tàu đen, với người qua lại tấp nập, với những lời bình luận ngợi ca nét chữ đẹp của ông đồ. Ba đoạn thơ cuối miêu tả những biến động của thời gian. Ngôn từ thoạt đầu đầy âm thanh ồn ào, màu sắc tươi, dần dần xa vắng, mênh mông.

Riêng tôi, tôi thấy bài thơ buồn ngay từ hai câu đầu và đoạn sau chỉ là sự phát triển, lộ rõ cái tứ thơ đã phảng phất ở đoạn trên mà thôi:
 
Mỗi năm. hoa đào nở,
Lại thấy ông đồ già...
 
Thời gian khiến thiên nhiên có dịp để tái sinh, xuân hóa, trong khi nó chỉ khẳng định thêm (lại thấy...) sự già nua của ông đồ. Thêm nữa, nét đối lập đã hàm ẩn ngay giữa những hình ảnh “tươi vui” ban đầu:
 
... Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua
 
Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
“Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay”.

Sức sống của hoa là tự tại. Còn “mực tàu giấy đỏ”, màu sắc mãnh liệt đấy, “bày” ra đó, nhưng ở bên ngoài. Ở đây, cái hiện đại chỉ xuất hiện qua hai hình ảnh “phố” và “người thuê” nhưng lại đầy sức mạnh bởi “phố đông” và “bao nhiêu người...”. Số lượng cũng là một sức mạnh. Còn thế giới của ông đồ đẹp đẽ, nhưng mỏng manh. Còn gì mỏng manh hơn giấy bút? Và ngay cả tài năng của ông đồ nữa, nó chỉ hiển hiện trên câu thơ bằng những từ ngữ, lối nói cổ xưa (hoa tay, thảo, phượng múa rồng bay), cũ kĩ ngay cả trong nhịp điệu của hình ảnh ví von do đối ngẫu (phượng múa, rồng bay).
 
Bởi lẽ ngay từ đầu bài thơ, sự xuất hiện của ông đồ đã gắn với một thời điểm: thời điểm ông đi viết thuê. Những nét “phượng múa rồng bay” kia là để bày bán trên hè phố.
 
Do đó, ba khổ thơ sau không hẳn chỉ là sự đối lập mà là sự trùng điệp một số hình ảnh đã xuất hiện - thật đúng với tính chất của thơ. Thật ra ở đây không chỉ có sự điệp lại, mà là những biến thái và chuyển hóa của các hình ảnh ấy.
 
Trong khổ thứ ba và thứ tư, những hình ảnh biểu hiện thời gian ở khổ thơ đầu vẫn trở lại nhưng không chỉ đơn giản gợi lên tính chất tuần hoàn, chu kì. “Mỗi năm hoa đào nở” đã chuyển thành:
 
Nhưng mỗi năm mỗi vắng ở câu sau, từ mỗi được lặp lại như gõ nhịp cho bước đi của thời gian. Thêm nữa, bước đi của nó lại được gợi lên trong một không gian đặc biệt: sự vắng lặng. Bởi thế, lắng nghe, ta thấy nhịp độ thời gian trở thành nhịp độ suy thoái (... mỗi vắng). Cảm nhận ấy còn được tô đậm thêm bởi hai hình ảnh chưa xuất hiện ở đoạn đầu bài thơ. Nếu ở trên, thời gian còn thấp thoáng sau gương mặt biểu tượng cho mùa xuân (hoa đào nỏ) thì ở đây có sự chuyển hóa sang những hình ảnh ngược lại mà vẫn có ý nghĩa biểu tượng: “lá vàng” và “mưa bụi. Nếu mùa xuân đã từng gợi ý niệm mỉa mai về con người, thì mùa đông càng chẳng thể làm nó sống lại! vẫn nằm trong hệ thống hình ảnh của toàn bài thơ, “lá vàng” và “mưa bụi” điệp lại những nét mỏng manh đã xuất hiện từ những khổ thơ đầu.
 
Cộng hưởng với hệ thống hình ảnh ấy, trong hai khổ thơ này, xuất hiện những từ không xác định (nay đâu, ai hay...) “người thuê viết” trở lại trong câu hỏi vô định (“Người thuê viết nay đâu?”) và trong một câu phủ định “Qua đường không ai hay”.
 
Nếu hình ảnh cuộc đời gắn với nó là thời gian, thiên nhiên, ở những khổ thơ này có gì khác so với hai khổ thơ đầu, đó chính là sự di động của nó được biểu hiện rõ nét:
 
Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm;
Mực đọng trong nghiên sầu.
 
Ồng đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay,
Lá vàng rơi trên giấy;
Ngoài giời mưa bụi bay.
 
Năm tháng điểm nhịp bước, “người thuê viết” thành kẻ “qua đường”, và ngay cả “lá vàng rơi”, “mưa bụi bay”, tất cả đều ở trạng thái động. Trong khi đó, mọi hình ảnh về ông đồ đều gắn với sự ngưng đọng “Giấy đỏ buồn... Mực đọng... Ông đồ vẫn ngồi đấy”..

0