25/05/2017, 10:51

Bình luận câu tục ngữ: Chết trong hơn sống đục

Đánh giá bài viết Câu tục ngữ "Chết trong hơn sống đục" từ lâu đã thành lẽ sống gắn liền với phẩm chất dân tộc Việt Nam. Cho đến nay, khi xã hội đã có nhiều thay đổi, có những giá trị cũ đảo lộn thì câu tục ngữ ấy vẫn luôn luôn đúng! Trước hết, câu tục ngữ này hướng chúng ta đến một cách ...

Đánh giá bài viết Câu tục ngữ "Chết trong hơn sống đục" từ lâu đã thành lẽ sống gắn liền với phẩm chất dân tộc Việt Nam. Cho đến nay, khi xã hội đã có nhiều thay đổi, có những giá trị cũ đảo lộn thì câu tục ngữ ấy vẫn luôn luôn đúng! Trước hết, câu tục ngữ này hướng chúng ta đến một cách sống biết tự trọng của con người có nhân cách, qua lối so sánh nhằm khẳng định một sự lựa chọn dứt ...

Câu tục ngữ "Chết trong hơn sống đục" từ lâu đã thành lẽ sống gắn liền với phẩm chất dân tộc Việt Nam. Cho đến nay, khi xã hội đã có nhiều thay đổi, có những giá trị cũ đảo lộn thì câu tục ngữ ấy vẫn luôn luôn đúng!

Trước hết, câu tục ngữ này hướng chúng ta đến một cách sống biết tự trọng của con người có nhân cách, qua lối so sánh nhằm khẳng định một sự lựa chọn dứt khoát. "Chết trong" là dám chấp nhận đánh đổi cả mạng sống của mình để giữ lòng thiện,không thay đổi chí hướng, trọng danh dự hơn mạng sống của bản thân. Còn "sống đục" là cách sống của loại người tiểu nhân bỉ ổi, sẵn sàng bán rẻ danh dự lương tâm để cầu mong vơ vét chút lợi lộc cho riêng mình. Quan niệm từ câu tục ngữ này có sự gặp gỡ với tinh thần: "Ninh thọ tử bất ninh thọ nhục" của hạng người quân tử trong xã hội ngày xưa. Thực chất từ lối so sánh này ta có thể nhận ra mối quan hệ giữa danh – lợi, tinh thần – vật chất, có ý nghĩa to lớn, quan hệ đến sự sống – cái chết của con người.

Thực tế trong lịch sử dân tộc cũng như trong các mối quan hệ của đời sống, chúng ta đã chứng kiến nhiều tấm gương sáng đã sống đúng theo tinh thần của cha ông đúc kết ngàn đời nay. Trần Bình Trọng "thà làm ma nước Nam hơn làm vương đất Bắc" đã sẵn sàng chấp nhận cái chết quyết không quỳ gối đầu hàng tướng giặc Thoát  Hoan, bao anh hùng nghĩa sĩ hy sinh được Nguyễn Đình Chiểu ca ngợi trong "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc" cũng sống đúng tinh thần "Thà chết mà đặng câu địch khái, về theo tổ phụ cũng vinh; hơn còn mà chịu tiếng đầu Tây, ở với man di rất khổ". Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đã có bao chiến sĩ kiên cường nêu gương hy sinh anh dũng, vượt qua sự cám dỗ vật chất của kẻ thù, một lòng kiên trung với cách mạng. Và lịch sử cũng ghi lại và phỉ nhổ bọn người bán nước cầu vinh như Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống. Trong xã hội hiện đại dường như tìm một tấm gương sáng theo tinh thần "Chết trong hơn sống đục" khó hơn nhiều, bởi lẽ xung quanh có bao nhiêu sự quyến rũ của bả vinh hoa. Có những người kiên cường trong chiến đấu nhưng lại gục ngã giữa đời thường chỉ vì ham bổng lộc, quyền chức sẵn sàng hại người, thủ đoạn man trá để vơ vét cho đầy túi tham. Các hiện tượng tham nhũng hối lộ tham ô cũng như sự thoái hóa đạo đức trong đội ngũ công bộc của dân khiến cho những ai có lương tri đều cảm thấy nhức nhối. Tuy nhiên vẫn có những người dũng cảm dám đứng lên trực diện đấu tranh với kẻ xấu, cái ác, sẵn sàng chấp nhận trù dập để cho công lý thắng lợi, họ có thể là những con người bình thường vô danh nhưng đáng để chúng ta nể phục.

Muốn sống đúng theo lẽ sống tốt đẹp này, chúng ta cũng cần tự nhìn nhận lại bản thân, điều chỉnh tu dưỡng chính mình, biết nhìn thẳng vào những sai lầm và rèn luyện bản lĩnh đấu tranh loại trừ cái xấu, không nể nang bao che, không a dua nịnh hót, không để bị cuốn vào vòng xoáy của lợi danh, tham quyền cố vị… Có như vậy, mỗi chúng ta mới thật sự trưởng thành, chiến thắng bản thân để hoàn thiện nhân cách.

Câu tục ngữ "Chết trong hơn sống đục" là lời cảnh tỉnh cho mỗi người chúng ta, là truyền thống tốt đẹp mà mỗi người cần trân trọng, gìn giữ và phát huy.

0