18/06/2018, 16:31

Bàn về thời điểm ra đời của Tuyên Quang và mấy nét về Hà Giang hồi cuối TK XIX đầu TK XX

Khổng Đức Thiêm Thông thường, ở Việt Nam, dưới nước/ quốc gia là tỉnh/ thành phố trực thuộc Trung ương và đặc khu – trừ một số thời gian từ thời Nguyễn trở lại đây có thêm cấp hành chính trung gian là Thành, Kỳ, Bộ, Phần, Việt (như Bắc Thành, Bắc Kỳ, Bắc Bộ, Bắc Phần, Bắc Việt) ...

mua da 1

Khổng Đức Thiêm 

Thông thường, ở Việt Nam, dưới nước/ quốc gia là tỉnh/ thành phố trực thuộc Trung ương và đặc khu – trừ một số thời gian từ thời Nguyễn trở lại đây có thêm cấp hành chính trung gian là Thành, Kỳ, Bộ, Phần, Việt (như Bắc Thành, Bắc Kỳ, Bắc Bộ, Bắc Phần, Bắc Việt) hoặc Khu, Liên khu, Liên tỉnh, Khu tự trị. Tỉnh là một khái niệm được nhà Nguyễn du nhập, sử dụng thay cho khái niệm Trấn được dùng khá phổ biến vào thời Lê và đầu Nguyễn, tương đương với Bộ, Châu, Đạo, Lộ, Xứ, Phủ thời Hùng Vương. Bắc thuộc và dưới các triều Đinh, Lê, Lý, Trần, Minh thuộc. Trong phạm vi bài viết này, do những vấn đề được nêu ra bàn luận tại Hội thảo Xác định thời điểm thành lập tỉnh Tuyên Quang tổ chức tại địa phương hồi tháng 9-2011, tôi chỉ dừng lại trong phạm vi các Tỉnh, Đạo ở phía Bắc Việt Nam để khẳng định vài điều và nhận thấy như sau:

Hình thái cấu trúc ban đầu là hệ thống các tỉnh được coi là truyền thống – cốt lõi. Các đơn vị hành chính này có đặc trưng chung là ra đời khá sớm, đồng hành với quá trình lập quốc của dân tộc Việt Nam, xuất hiện hàng loạt, sớm muộn hơn nhau không nhiều, thường thấy vào hai triều Lý – Trần hoặc chậm hơn một chút là vào thời Lê. Kể từ đó đến nay, tuy có nhiều thay đổi về diên cách nhưng danh xưng ít thay đổi như Cao Bằng, Lạng Sơn, Thanh Hóa hoặc đã trải qua những kỳ sinh nở, cương vực tuy đã thu hẹp, tên gọi đổi khác nhưng địa bàn cốt lõi vẫn còn giữ lại như Tuyên Quang, Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Nghệ An.

Hình thái cấu trúc tiếp theo là hệ thống các tỉnh được coi là tỉnh mới, vốn được tác ra từ một phần của các tỉnh truyền thống – cốt lõi, ra đời chủ yếu trong cuộc cải cách hành chính vào năm Minh Mệnh thứ 12 (1831 – gồm Hà TĩnhThái Bình), thời Pháp thuộc vào năm 1886 (tỉnh Mường – tiền thân của tỉnh Hòa Bình), năm 1890 (Thái Bình, Hà Nam), năm 1891 (Hà Giang, Móng Cái) năm 1895 (Sơn La, Bắc Giang) và nhiều tỉnh mới khác ra đời từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX. Đặc trưng chung của các tỉnh này (trước đó mấy thế kỷ có Ninh Bình) là nó đáp ứng được các tiêu chí hoặc các thông số sau đây:

  1. Trước khi ra đời/ thành lập, tỉnh, thành phố đó thuộc đơn vị hành chính cấp tỉnh nhất định nào đó.
  2. Sự ra đời/ thành lập đó được thời điểm/ văn bản pháp quy của Nhà nước hoặc chính quyền thuộc địa xác lập.
  3. Thành lũy/ thủ phủ mới của tỉnh/ thành phố được dựng đặt tại địa điểm nhất định và từ một tên làng tên phố nơi đặt thủ phủ trở thành tên tỉnh (Hoà Bình, Yên Bái, Phú Thọ, Lào Cai, Móng Cái v.v..).

Đây là những thông số – tiêu chí vừa đủ làm thỏa mãn đối với những đơn vị hành chính cấp tỉnh ra đời trong vòng vài trăm năm lại đây, thường là đơn lập hoặc song lập có cùng ngày sinh tháng đẻ, nhưng ở hai địa phương khác nhau (Hà TĩnhHưng Yên tháng 11-1831; Hà GiangHải Ninh ngày 9-9-1891; Sơn LaBắc Giang ngày 10-10-1895; Bắc CạnYên Bái ngày 11-4-1900 và đây cũng là thời điểm Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định tái lập tỉnh Tuyên Quang). Trong trường hợp từ một tỉnh truyền thống – cốt lõi lập ra nhiều tỉnh như Hưng Hóa chia thành Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Điện Biên và phần lớn đất đai của tỉnh Hòa Bình, Yên Bái và một phần của tỉnh Phú Thọ thì các sự kiện thường diễn ra không cùng một thời điểm.

Đối với những tỉnh truyền thống – cốt lõi, nếu đem áp các thông số – tiêu chí kể trên hoặc sẽ vô nghiệm hoặc sẽ cho ta một đáp số vừa thiếu hụt, vừa không thỏa mãn những nguyên tắc đặt ra vì thời điểm địa phương ra đời, thường bị phiếm chỉ về ngày tháng cụ thể và nếu yếu tố này hội tụ đầy đủ thì địa phương đó nằm trong đa số đơn vị được/ hoặc bị tác động của sự thay đổi tên gọi về địa danh (ví như Kinh Bắc = Bắc Ninh), về cấp hành chính (ví như diễn tiến: Đạo, Lộ, Thừa tuyên, Xứ, Trấn và cuối cùng là Tỉnh) hoặc như sự kiện xảy ra vào tháng Mười năm Minh Mệnh thứ 12 (11-1831) khi vua tôi nhà Nguyễn tiến hành một cuộc cải cách hành chính quan trọng ở Bắc Thành – chính xác hơn là noi theo nhà Thanh đổi gọi các trấn là các tỉnh và nhân đó mới lập ra 2 tỉnh là Hà Tĩnh, Hưng Yên từ các phủ Đức Thọ, Hà Hoa của Nghệ An và các phủ Khoái Châu, Tiên Hưng của Nam Định.

Sau khi phân chia làm hai loại hình thái kể trên đối với các tỉnh ở phía Bắc, chúng tôi thấy rằng chỉ có những tỉnh mới, ra đời đơn lập hoặc song lập mới thỏa mãn các tiêu chí – thông số để đứng ra tổ chức ngày ra đời/ thành lập địa phương mình, như trường hợp Hà Tĩnh, Hưng Yên tổ chức kỷ niệm 180 năm ngày thành lập vào năm 2011 (chúng tôi không hiểu tại sao Hà Tĩnh lại tổ chức vào tháng 3-2011, sớm hơn 8 tháng). Các tỉnh phía Nam, kể từ Quảng Trị trở vào, có thể có tuổi đời già dặn hơn các tỉnh mới ở phía Bắc nhưng cũng thuộc hình thái này. Việc tổ chức kỷ niệm vài trăm năm cho sự ra đời/ thành lập này có rơi vào tình trạng lợi bất cập hại hay không, tôi sẽ đề cập ở một bài viết khác.

Bây giờ quay trở lại những vấn đề mà Tuyên Quang cần tham vấn để có những hồi đáp và lý giải theo mạch lập luận trên.

Theo sử sách cũ, như Dư địa chí của Nguyễn Trãi, Lịch triều hiến chương – Dư địa chí của Phan Huy Chú, Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn, Phương Đình dư địa chí của Nguyễn Văn Siêu thì Tuyên Quang xuất hiện với tư cách một đơn vị hành chính châu hoặc lộ từ thời Trần. Riêng trong cuốn An Nam chí nguyên của Lê Tắc – một học giả có mặt ngay từ khi nhà Trần lên ngôi cho đến cuối thế kỷ XIII cho biết, đầu thời Trần địa phương mang tên gọi là Tuyên Hóa giang lộ tiếp giáp đạo Đắc Ma của Trung Quốc, bên cạnh Quy Hóa giang lộ. Điều này là chính xác vì mãi tới năm Quang Thuận thứ 10 (1397) khi Hồ Quý Ly làm Phụ chính Thái sư cho sửa đổi chế độ hành chính, mới đem đổi các lộ, phủ thành trấn – thì Tuyên Hóa giang lộ được đổi thành Tuyên Quang trấn bao gồm các huyện Khoáng, Đương Đạo, Vân Yên, Bình Nguyên, Đáy Giang, Thu Vật, Đại Man, Dương, Ất, sau hàng thế kỷ so với thời điểm Lê Tắc biên soạn An Nam chí nguyên. Đến thời thuộc Minh, địa phương được đổi gọi là Tuyên Quang phủ. Dưới thời Lê – Nguyễn, sau một thời gian mang tên là Tây Đạo, Tuyên Quang lần lượt được khôi phục tên gọi cũ (có sách ghi rằng địa phương có khi còn được gọi là Minh Quang, Minh Thuận) và đứng trong danh sách các Thừa tuyên (1466-1489), Xứ (1490-1510), Trấn (1511-1831) và cuối cùng là Tỉnh (từ 1831 đến nay).

Vào quãng 10 năm cuối thế kỷ XIX, tỉnh Tuyên Quang chịu nhiều biến động lớn về diên cách địa lý.

Sau khi đánh chiếm, thực dân Pháp đã đặt địa phương dưới chế độ bán quân quản, mang tên Quân khu Tuyên Quang với 2 Tiểu quân khu:

– Tiểu quân khu Tuyên Quang với các đồn binh (poste militaire) Tuyên Quang, Đồng Châu, Chiêm Hóa, Bắc Cạn, Chợ Rã.

Tiểu quân khu Vĩnh Tuy với các đồn binh Vĩnh Tuy, Yên Bình, Bắc Quang, Bắc Mê, Bảo Lạc, Hải An.

Xét thấy chế độ bán quân quản còn gây nhiều trở ngại cho các hoạt động quân sự, năm 1891 Toàn quyền Đông Dương đã ra Nghị định mới nhằm thiết lập chế độ quân quản thay cho chế độ bán quân quản, theo đó các Quân khu bị bãi bỏ, các Đạo quan binh được thiết lập. Đứng đầu mỗi Đạo quan binh là một sĩ quan cao cấp Pháp làm Tư lệnh, chỉ chịu sự chỉ đạo của Tổng tư lệnh lực lượng viễn chinh Pháp ở Đông Dương và Toàn quyền Đông Dương.

Dưới Đạo quan binh là một số Tiểu quân khu, sĩ quan đứng đầu có quyền ngang với Công sứ đầu tỉnh dân sự, chỉ chịu sự chỉ đạo và trách nhiệm trước Tư lệnh Đạo quan binh. Như vậy, từ cuối thế kỷ XIX Tiểu quân khu mặc nhiên được coi là một đơn vị hành chính cấp tỉnh đặt dưới chế độ quân quản. Ngày 20.8.1891 cũng mặc nhiên được coi là ngày tỉnh Hà Giang ra đời bởi Nghị định dưới đây:

Toàn quyền Đông Dương

– Căn cứ Sắc lệnh ngày 21-4-1891.

– Căn cứ các Nghị định ngày 6 và 20-8-1891 về việc thành lập các Đạo quan binh.

– Căn cứ Nghị định ngày 20-8 cùng năm.

– Xét đề nghị của Tổng chỉ huy quân đội Đông Dương. 

NGHỊ ĐỊNH 

Điều 1. Đạo quan binh 2 mà Đạo lỵ đặt tại Lạng Sơn được chia thành 3 Tiểu quân khu như sau:

  1. Tiểu quân khu Lạng Sơn gồm tỉnh Lạng Sơn và huyện Bạch Thông (tỉnh Thái Nguyên).
  2. Tiểu quân khu Cao Bằng gồm tỉnh Cao Bằng và huyện Cảm Hóa (tỉnh Thái Nguyên).
  3. Tiểu quân khu Hà Giang gồm phủ Tương Yên và huyện Vĩnh Tuy (tỉnh Tuyên Quang)…”(1).

Do việc xuất hiện Tiểu quân khu Hà Giang được cai quản bằng quân sự, quyền hành ngang bằng cấp tỉnh dân sự nên ngày 9-9-1891, Toàn quyền Đông Dương ra tiếp Nghị định xóa bỏ tỉnh Tuyên Quang dân sự, phân chia địa bàn còn lại của tỉnh mới giải thể này để đưa vào các khu vực của Đạo quan binh 3.

– Ngày 20-2-1893, Toàn quyền Đông Dương lại ra Nghị định chuyển Tiểu quân khu Hà Giang từ Đạo quan binh 2 sang Đạo quan binh 3, Đạo lỵ đặt tại Tuyên Quang.

– Đến ngày 17-9-1895, Toàn quyền Đông Dương có tiếp Nghị định như sau:

“Điều 1 – Nay chia Đạo quan binh 3 thành 3 Tiểu quân khu như dưới đây:

  1. Tiểu quân khu Tuyên Quang bao gồm các châu Lục Yên, phủ Yên Bình và các huyện Hàm Yên, Sơn Dương, châu Chiêm Hóa và tổng Phú Loan tách khỏi huyện Vị Xuyên sáp nhập vào huyện Hàm Yên.
  2. Tiểu quân khu Bắc Quang mà thủ phủ sẽ là Bắc Quang bao gồm: a) Các tổng Yên Long, Mạc Hà, Tiên Yên, Trịnh Tường và Tụ Nhân thuộc huyện Vĩnh Tuy; b) Tổng Bằng Hành sẽ tách khỏi huyện Vị Xuyên và sáp nhập vào huyện Vĩnh Tuy.
  3. Tiểu quân khu Hà Giang bao gồm huyện Vị Xuyên (trừ tổng Phú Loan và Bằng Hành) cộng thêm các tổng Phương Độ và Tương Yên.

Điều 2 – Do những thay đổi trên đây, từ nay huyện Vĩnh Tuy sẽ được gọi là huyện Bắc Quang […]”.

– Xét thấy những hoạt động về quân sự diễn ra trên bàn Tiểu quân khu Tuyên Quang trở nên không còn cần thiết, ngày 11-4-1900 Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định tách các phủ, huyện, châu Yên Bình, Hàm Yên, Sơn Dương, Chiêm Hóa ra khỏi Đạo quan binh 3 để tái lập tỉnh Tuyên Quang, đặt tỉnh lỵ ở chỗ cũ. Ngày 29-8-1916 một số tổng thuộc Hàm Yên và Sơn Dương được tách ra để lập huyện mới Yên Sơn nằm trong tỉnh Tuyên Quang.

Cả một chặng dài trên 600 năm kể từ cuối nhà Trần đến nay đã minh chứng rằng Tuyên Quang luôn là một thành tố gốc hợp thành Tổ quốc Việt Nam, luôn mang trong mình đặc trưng của một tỉnh truyền thống – cốt lõi. Mà đã mang thuộc tính của cộng đồng các tỉnh/ thành phố ấy, cho tới nay chúng tôi mới thấy chỉ có Hà Nội – với tư cách là Thủ đô đứng ra kỷ niệm ngày sinh của mình. Điều ấy là hợp lẽ vì bên cạnh thông số – tiêu chí của một tỉnh/ thành phố truyền thống – cốt lõi, Hà Nội còn có thông số – tiêu chí về sự đơn lập của trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước. Ngoài Hà Nội, tỉnh Nam Định vào mùa xuân năm 2012 đã tổ chức Đại lễ hội nhân dịp 750 năm sự kiện Trần Thánh Tông về hành cung Tức Mặc ban tiệc lớn, đổi gọi hương Tức Mặc thành phủ Thiên Trường, gần giống với sự kiện năm 1010, Lý Thái Tổ về châu Cổ Pháp ban tiền lụa cho các bô lão trong làng rồi sau đó cho đổi tên/ hoặc nâng cấp châu Cổ Pháp lên thành phủ Thiên Đức. Và vì vậy Nam Định chọn mốc tháng 3-1262 làm ngày sinh thành của mình. Ngày đó hoàn toàn là đặc hữu của địa phương vì không trùng lặp với bất kỳ đâu. Đối với Tuyên Quang thì khác. Việc tỉnh lựa chọn thời điểm sinh thành của mình vào tháng 11-1831 thì sự lựa chọn đó hoàn toàn không mang tính đặc hữu của địa phương. Khi đó Tuyên Quang chỉ là một trong nhiều địa phương cùng chung bối cảnh của sự thay thế khái niệm Trấn bằng một khái niệm Tỉnh – đều có nghĩa là đơn vị hành chính nằm ngang dưới cấp quốc gia mà thôi. Ngoài ra, có hai thời điểm 11-4-1900 và 12-8-1991 nếu được chọn chắc rằng cũng không đủ sức thuyết phục vì nó chỉ là những sự kiện đánh dấu thời điểm Tuyên Quang được tái lập trở lại tỉnh Tuyên Quang dân sự như cũ hoặc tách khỏi tỉnh Hà Giang vốn xưa cùng tỉnh nhưng lại mang tên là Hà Tuyên, để trở lại tỉnh Tuyên Quang như khi chưa hợp nhất.

Như vậy, quan điểm của chúng tôi là Tuyên Quang không nên tiếp tục đi tìm ngày sinh tháng đẻ của mình, trước hết để bảo tồn trọn vẹn vị trí của một tỉnh truyền thống – cốt lõi và gốc gác của Nhà nước Việt Nam. Tuy nhiên, mong mỏi chính đáng mang tính khoa học đó không được chấp nhận bởi hoàn toàn bị lép vế trước hàng chục bản báo cáo đồ sộ viện dẫn thiên kinh vạn quyển nhưng cuối cùng vẫn xuôi chiều theo ý chí chính trị của lãnh đạo địa phương. Kịch bản tổ chức lễ hội mừng 180 năm thành lập tỉnh đã có. Huân chương cao quý cũng chuẩn bị được ban tặng. Mà đâu chỉ có Tuyên Quang, nghe như Lạng Sơn, Thái Nguyên cùng hoàn cảnh như thế cũng sẽ có lễ hội 180 năm. Tôi chắc rằng, dù thời điểm ra đời của tỉnh Tuyên Quang cũng như vài tỉnh khác đã được ấn định vào năm 1831, được ghi vào công trình Địa chí của tỉnh nhưng đến lúc nào đó, sẽ được giới sử học xem xét, xới xáo và kết luận lại với đầy đủ chứng lý và khoa học hơn.

Nhân đây, xin lạm bàn thêm đôi nét về tỉnh Hà Giang.

Do việc tỉnh dân sự Tuyên Quang được tái lập nên Đạo lỵ của Đạo quan binh 3 trước đây đặt tại Tuyên Quang phải di chuyển về Hà Giang. Gần một tháng sau, vào ngày 5-5-1900, Toàn quyền Đông Dương lại ban hành Nghị định về tổ chức lại Đạo quan binh 3 bao gồm hai Tiểu quân khu Bắc Quang và Hà Giang. Đến ngày 28-2-1904 hai Tiểu quân khu trên sáp nhập, mang tên Đạo quan binh 3 Hà Giang.

Từ 16-4-1908 trở đi, các Tiểu quân khu được chính thức bãi bỏ, chính thức nâng cấp thành Đạo quan binh hoặc lập thêm một số Đại lý (còn gọi là Sở tham biện – Délégation). Tuy danh xưng được nâng cấp nhưng sĩ quan đứng đầu không còn là cấp tướng như trước. Tư lệnh Đạo quan binh chỉ là sĩ quan cấp tá, quyền hành ngang với Công sứ đầu tỉnh dân sự, đặt dưới sự điều hành tối cao của Thống sứ Bắc Kỳ và viên Tổng chỉ huy lực lượng quân sự ở Bắc Kỳ. Hà Giang tuy được đôn lên Đạo quan binh, được coi là một đơn vị hành chính độc lập nhưng vẫn chịu chế độ quân quản. Theo Ngô Vi Liễn trong Địa dư các tỉnh Bắc Kỳ thì:

“Hà Giang là Đạo quan binh thứ 3, bắc giáp Vân Nam và Quảng Tây, đông giáp Cao Bằng, nam giáp Bắc Cạn và Tuyên Quang, tây giáp Lào Cai và Yên Bái. Diện tích đo được 2.377.277 mẫu ta (9.543km vuông)(2).

[…] Tỉnh lỵ Hà Giang cách Hà Nội 348km và cách Tuyên Quang 1173km.

Trong tỉnh thì chia ra:

1) 6 Đại lý: Bảo Lạc, Đồng Văn, Hoàng Thụ Bì(3), Bắc Quang, Thanh Thủy và Quản Bạ.

2) 3 châu: Vị Xuyên, Bảo Lạc và Bắc Quang.

3) 3 nha bang tá: Đồng Văn, Sa Phùng và Hoàng Thụ Bì.

4) 15 tổng và 82 xã.

Tỉnh Hà Giang và các Đại lý do quan binh cai trị. Còn quan ta thì đầu tỉnh có quan Quản đạo”(4).

Đến năm 1928, vẫn theo Ngô Vi Liễn trong Nomenclature des communes du Tonkin (Danh mục các làng xã Bắc Kỳ), tỉnh Hà Giang chỉ còn 4 đơn vị hành chính cấp huyện:

Châu Bắc Quang có 5 tổng (Bằng Hành, Tiên Yên, Trinh Tường, Yên Bình, Yên Lang).

Châu Vị Xuyên gồm thị xã Hà Giang và 4 tổng (Phù Linh, Phương Độ, Yên Phú, Yên Định).

Trung tâm hành chính (Centre administratif) Đồng Văn có 2 tổng Quang Mậu, Đông Minh.

Đại lý Hoàng Su Phì có 2 tổng Tụ Nhân, Xín Mần (Thành Môn)(5).

Các đơn vị hành chính cấp huyện kể trên vốn là đất Vị Xuyên và phần lớn đất Bảo Lạc của Tuyên Quang xưa. Mỗi xã khi ấy có đến 2 – 30 thôn(6), thế mà Vị Xuyên có đến 55 xã, phường, lũng còn Bảo Lạc đến 24 xã, phường(7).

Dưới thời Nguyễn, vào năm Minh Mệnh thứ 16 (1835) đã có sự phân chia lại đơn vị hành chính ở vùng này. Sông Lô đã được lấy làm phân giới để chia Vị Xuyên thành huyện Vĩnh Tuy ở hữu ngạn còn Vị Xuyên ở tả ngạn, lệ vào phủ Tương Yên. Châu Bảo Lục cũng chia thành 2 huyện Vĩnh Điện và Để Định(8).

Khi thực dân Pháp mới đặt ách thống trị ở địa phương, chế độ thổ ty – còn gọi là Quằng (chúa) vẫn còn tồn tại và ngự trị trong xã hội của người Tày – Nùng. Thời Minh Mệnh, Nông Văn Vân được phong làm tri châu Bảo Lạc, cai quản cả phủ Tương Yên, đã từng nổi dậy chống lại triều đình. Khi phong trào bị dập tắt, Nông Văn Vân bị giết thì con trai là Nông Hồng Thạc vẫn được cử làm tri phủ Tương Yên, kế nghiệp cha trong nhiều cuộc đánh dẹp. Chức vụ này còn truyền đến Nông Hồng An, Nông Hồng Phúc.

Để duy trì và củng cố nền thống trị của mình, thực dân Pháp giao cho Nông Hồng Tân làm quản đạo Hà Giang, đóng tại Mường Muồn. Các thổ ty nhỏ như họ Ma Sỹ ở Mường Bang, Mường Giàng; họ Nguyễn Đình, Nguyễn Doãn ở Đồng Văn, Yên Minh, Mường Lòn đều bị Nông Hồng Tân chinh phục(9). Dần dần, thực dân Pháp cũng thu hẹp phạm vi ảnh hưởng của các thổ ty, chỉ còn lại ở các xã có người Tày thuộc Đồng Văn, một số xã ở bắc Vị Xuyên (Yên Phú, Quản Bạ, Thuận Hòa) và Hoàng Su Phì (Tụ Nhân, Tân Tiến). Nó vẫn đủ sức giữ lại ranh giới giai cấp với một bên là các dòng họ quý tộc gọi là Quằng và một bên là những dòng họ nông dân lao động, gọi là Thổ.

Thực dân Pháp cũng không quên cải biến bộ máy sẵn có của người Mông thành chính quyền cơ sở. Ở Hà Giang, người Mông sống khá tập trung, nhất là cao nguyên Đồng Văn và Hoàng Su Phì. Các Seo phải, Mã phài vẫn được trông coi một bản; Trống tuở coi một thôn; Thống lý, Tổng giáp coi một vùng. Đi đâu, các lý dịch này cũng có Thú dung (lính dõng) bảo vệ, Tỷ súng phục dịch.

Đối với người Dao, chúng cũng biến thành Mán mục cai quản cấp tổng, Động trưởng ở xã thôn, Quản chiểu ở cấp châu.

Người Pu Péo có nhiều ở Đồng Văn. Một số người trong họ Củng, họ Tráng có tham gia vào hàng ngũ Tổng giáp, Mã phài.

Người Lô Lô sống rải rác ở Chóp Nón, Lũng Cú (Đồng Văn), Mèo Vạc, Bảo Lạc. Họ chỉ có vài trăm nhân khẩu và đang bị chết dần chết mòn.

Người La Chí tập trung nhiều ở Xín Mần (Bản Phùng, Bản Dìu, Bản Pằng, Bản Máy), Hoàng Su Phì, Bắc Quang. Họ chịu sự cai quản của Kẻ tung (chánh tổng), Ly chang (lý trưởng), Kha pô (binh thầu). Các làng lớn chia thành nhiều xóm do Seo phải cai quản.

Người Cơ Lao cư trú ở Đồng Văn, Hoàng Su Phì, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ.

Người Bố Y có mặt đông nhất ở Quản Bạ, Đồng Văn, địa vị xã hội của họ thấp kém, chỉ được tham gia vào cương vị Pín thàu (trưởng bản), Seo phải.

Người Phù Lá sống chủ yếu ở Xín Mần, xã hội phân hóa chưa cao, lệ thuộc nhiều vào bộ máy hành chính của dân tộc khác.

Người Giáy tập trung ở Yên Minh, Đồng Văn, có nhiều người tham gia vào bộ máy thống trị như Srảy (lý trưởng), Pỏ (phó lý), Srư (chủ).

Người Hoa, tự gọi mình là người Hán, cư trú ở các thung lũng và các phố nhỏ.

Người Kinh, vào năm 1925, chỉ có độ 400 người, một số là viên chức, buôn bán hoặc làm thợ.

Toàn bộ tỉnh Hà Giang khi đó có độ 70.000 người (Tày 22.600, Mông 19.000, Nùng 12.500, Dao 10.000, La Chí 5000…), mật độ khoảng 8-9 người/km2.

Để kìm kẹp nhân dân Hà Giang, thực dân Pháp lập ra các đội dân dũng – ta quen gọi là lính dõng hoặc batidăng (partisans). Tính đến năm 1933, toàn bộ Đạo quan binh có 1300 lính dõng, trong đó riêng châu Vị Xuyên phiên chế 475 người. Nhiều nơi như Lũng Làn, lính dõng đóng lập thành đại đồn để kiểm soát một khu vực rộng lớn xung quanh.

Lính khố xanh, khố đỏ đóng hàng chục đồn bốt từ Đạo lỵ đến các vùng biên giới hẻo lánh, mỗi đồn phiên chế từ 2-3 trung đội, được trang bị đầy đủ các loại vũ khí. Các đồn xa xôi ở Bắc Mê, Đường Thượng, Yên Bình còn kèm thêm các đồn Bang tá giúp việc quản lý chặt chẽ hơn trong khu vực.

Các lực lượng kể trên cùng với trung đội đặc biệt của Tiểu đoàn Lê dương số 5 và Chi nhánh hậu cần quân giới là nòng cốt chủ yếu của Đạo quan binh Hà Giang. Cùng với nó là mạng lưới cảnh sát, mật thám và hệ thống trại giam có ở hầu hết các địa bàn (mỗi Đại lý hoặc Trung tâm hành chính có một trại giam, Đạo lỵ xây ngục thất). Chúng còn dựng thêm căng Bắc Mê để đày ải những người yêu nước và cách mạng theo quy chế của Sắc lệnh ngày 19-12-1915 do Tổng thống Pháp ký, Nghị định ngày 17-5-1916 do Toàn quyền Đông Dương ban hành đối với những người bị kết án phát lưu ở Đông Dương.

Sắc lệnh của Tổng thống Pháp quy định chế độ phát lưu có hai loại: phát lưu tập thể và phát lưu cá nhân. Địa điểm giành cho phát lưu tập thể là Côn Đảo (đối với những người Việt Nam và châu Á khác mà nguồn gốc thuộc Trung Kỳ, Bắc Kỳ, Thượng Lào, Quảng Châu Loan) và Cao Bằng, Hà Giang (đối với những người Việt Nam và châu Á khác mà nguồn gốc thuộc Nam Kỳ, Khơme, Hạ Lào, Báttambăng).

Ngày 17-5-1916, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định để triển khai Sắc lệnh trên, quy định những người bị phát lưu chỉ được sinh sống trong phạm vi khu vực đã được chính quyền quy định (Côn Đảo, Cao Bằng, Hà Giang) và có thể mang theo gia đình. Đến ngày 6-7-1917, Toàn quyền Đông Dương lại ra Nghị định quy định địa điểm tập trung những người phát lưu tại Hà Giang đặt trực dưới quyền của viên Tư lệnh Đạo quan binh Hà Giang và dưới quyền kiểm soát tối cao của Thống sứ Bắc Kỳ.

Ngoài ra, Toàn quyền Đông Dương còn có Nghị định về chế độ cảnh sát vùng biên giới (16-4-1908), trong đó giao việc quy định chức năng, nhiệm vụ của cảnh sát biên giới ở Hà Giang cho Tư lệnh Đạo quan binh Hà Giang.

Ngay từ khi mới chiếm được Hà Giang, thực dân Pháp đã rất chú ý đến vị trí và vai trò của các cửa khẩu trong việc trao đổi hàng hóa với Trung Quốc. Nhiều mặt hàng, nhất là diêm được đưa vào Việt Nam khá mạnh thông qua cửa khẩu Thanh Thủy. Tháng 2-1899 chúng đã có Nghị định về tiêu thụ và nhập cảng diêm, buộc các bao diêm phải dán tem độc quyền trước khi được tung ra thị trường, nếu ai trốn lậu sẽ bị phạt từ 500-3000 phrăng hoặc giam giữ từ 15 ngày đến 1 năm. Đây cũng chính là lý do mà cảnh sát vùng biên được giao nhiệm vụ dập tắt các hành vi buôn lậu và trộm cắp, được quyền sử dụng khoản trợ cấp hàng năm cho sự chi tiêu nhằm thu thập các tin tức về tình hình biên giới, sự kiểm soát vấn đề đi lại của người Hoa cũng như việc tiếp đón các quan chức của các trạm.

Sống dưới ách thực dân, phong kiến, nhân dân Hà Giang đã không ngừng đứng dậy khởi nghĩa. Ngay khi quân Pháp mới đặt chân tới địa phương, người Mông đã tập hợp dưới ngọn cờ của thủ lĩnh Hà Quốc Thượng, trong những năm 1894-1896. Nghĩa quân đã dựa vào thế hiểm của núi rừng lập ra các căn cứ ở Sầm Ten và Ô Pan.

Đầu thế kỷ XX, bên cạnh việc ra sức cướp đoạt ruộng đất để lập 8 đồn điền (chiếm 2750 ha của B. Meiffre, Couvette, Gardier, Pinot, Bichot), tại các vùng núi đất, núi đá có nương đồi mầu mỡ, thực dân Pháp đã bắt ép nhân dân trồng cây thẩu – tức cây thuốc phiện. Đến vụ thu hoạch, chúng lại độc quyền thu mua với giá rẻ để đem bán ở nơi khác thông qua hệ thống thuốc phiện. Cứ như vậy, mỗi năm chúng mua ở Hà Giang từ 8-10 tấn, thu được một món nợ kếch xù. Bị áp bức, bóc lột nặng nề, năm 1901, hai thủ lĩnh của người Dao là Triệu Tiến Kiên và Triệu Tài Lộc – người xã Vi Thượng (Bắc Quang) kêu gọi mọi người đứng dậy chống Pháp. Nghĩa quân của hai ông đã từng tấn công vào các đồn Nậm Lốp (Bắc Quang), Bắc Hà (Lào Cai). Sau khi Triệu Tiến Kiên hy sinh, nghĩa quân vẫn tiếp tục hoạt động dưới sự lãnh đạo của Triệu Tài Lộc. Năm 1905, nghĩa quân tấn công đồn Hoàng Su Phì rồi tiến về hoạt động ở Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang trong những năm 1913-1914.

Với khẩu hiệu tự do trồng thẩutự do chuyên chở muối, năm 1909 người Mông ở Hà Giang và một số vùng thuộc Cao Bằng, Tuyên Quang đã tập hợp thành một lực lượng tấn công quân Pháp ở nhiều địa bàn trọng yếu. Năm 1911, tại các vùng Mường Hưu, Mèo Vạc, nhân dân trong vùng lại đứng lên dưới sự lãnh đạo của Giàng Quang Bảo và đặc biệt là cuộc nổi dậy ở Đồng Quang do Sùng Mi Tráng chỉ huy, liên kết được cả với người Mông bên kia biên giới, gây cho Pháp nhiều thiệt hại trong hai năm 1911-1912. Nghĩa quân đã lôi kéo được đông đảo người Mông từ Đồng Thượng, Mai Lo, Lũng Phèn, Mỏ Soi đến Mèo Vạc đồng lòng hưởng ứng. Trong năm 1917, nghĩa quân còn đánh mạnh vào đồn Đồng Văn, nhận được sự ủng hộ của nhiều người Kinh và đồng bào các dân tộc khác.

Những cuộc đánh Pháp trên chính là nền tảng để nhân dân các dân tộc Hà Giang sớm đón nhận được ánh sáng cách mạng rọi chiếu đến địa phương.

Chính trùm mật thám L. Mácti đã ghi nhận, đến năm 1933 khi Đảng Cộng sản Đông Dương bắt đầu hồi phục thì “vào tháng giêng, một người bản xứ được gửi đến tỉnh biên giới Cao Bằng để tuyên truyền. Người này thành lập một tiểu tổ nhưng chỉ ít lâu sau Sở mật thám khám phá và bắt giữ tất cả. Vào tháng 5 (1933) ở khu vực biên giới Bắc Quang gần Hà Giang, một tổ chức cộng sản gồm một tiểu tổ tù phạm và một tiểu tổ lính bản xứ bị tan rã. Có 2 binh sĩ đồn trú bị nhiễm tuyên truyền. Ngay trong lúc này, Sở mật thám theo sát việc đi lại của một số đảng viên cộng sản bị phân tán và đang tổ chức lại bộ máy chỉ huy. Phương thức hoạt động của họ cho thấy người chủ mưu là cựu học viên trường Xtalin”(10).

Cựu học viên trường Xtalin mà L. Mácti nhắc đến chính là Lê Hồng Phong người đã từng theo học tại trường Đại học Cộng sản của những người lao động phương Đông (Đại học phương Đông) tại Matxcơva từ 1928-1931 và đã từng học tiếp năm thứ nhất nghiên cứu sinh tại nhà trường.

Tháng 5-1931, Lê Hồng Phong được cử về nước với tư cách là trợ lý cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Sau khi qua Pháp để bắt liên lạc không thành, đại diện Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản tại Pháp đã trao thêm cho ông nhiệm vụ khôi phục tổ chức Đảng ở Việt Nam.

Cuối năm 1932, Lê Hồng Phong về gần biên giới Trung – Việt và đầu năm 1933 đến Quảng Tây, vào làm thợ nguội trong Xưởng Cơ khí Nam Hưng do ông Bùi Ngọc Thành – đồng hương làm quản lý. Tại đây, ông đã mở các lớp huấn luyện chính trị, theo đường dây bí mật gặp gỡ Hoàng Văn Nọn – Bí thư chi bộ đầu tiên ngay tại Ngườm Sưa thuộc châu Hòa An – Cao Bằng và các ông Lê Đoàn Chu, Nông Văn Đô – đảng viên của chi bộ. Trong thời gian ở Cao Bằng, Lê Hồng Phong cùng một số người khác đã bị cảnh sát biên giới bắt giam nhưng vì không có chứng cớ nên đã phải trả lại tự do cho tất cả(11). Lê Hồng Phong đã đến Bắc Quang xây dựng chi bộ Đảng và đến tháng 6-1933 thì nhận được chỉ thị của thư ký Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản thành lập Ban lãnh đạo ở ngoài của Đảng có chức năng như một Ban Chấp hành Trung ương lâm thời ở hải ngoại.

Từ đây, Lê Hồng Phong không có điều kiện trở lại Hà Giang.

Chiếm đóng địa phương và đặt Hà Giang vào chế độ quân quản dưới hình thức một Đạo quan binh; duy trì và củng cố quan hệ bóc lột sẵn có của phong kiến; mở mang đường thông phục vụ cho mục đích quân sự, vơ vét tài nguyên và thúc đẩy giao lưu hàng hóa, thực dân Pháp đang ngày một can thiệp sâu vào đời sống xã hội của các dân tộc đang có mặt trên mảnh đất này. Sống trong cảnh ngột ngạt đói nghèo đó, sẵn có truyền thống yêu nước, nhân dân Hà Giang đã sớm tạo ra điểm tựa để cách mạng gieo hạt nảy mầm và bám chắc gốc rễ, ra hoa kết trái tại mảnh đất địa đầu của Tổ quốc Việt Nam. 

K.Đ.T

 Chú thích:

  1. Trung tâm lưu trữ quốc gia I. Phông Tư liệu (Công báo số 1891). Hò sơ số J63, tr.716-717.
  2. Theo Thống kê hàng năm ở Đông Dương 1936-1937, Hà Giang có diện tích là 10.769km2.
  3. Hoàng Thụ Bì có nghĩa là Vỏ cây vàng, địa phương phát âm là Hoàng Su Phì.
  4. Ngô Vi Liễn. Tên làng xã và địa dư các tỉnh Bắc Kỳ. Văn hóa thông tin, Hà Nội, 1999, tr.703-704.

Chỉ huy trưởng Đạo quan binh Hà Giang là Laberriere; Đại lý Lacorre (Bảo Lạc) Beatrix (Đồng Văn), Marchal (Hoàng Su Phì), Genu (Bắc Quang), Đại diện Pháp ở Quản Bạ Gourg, Hiến binh Lignelet, Giám đốc Hải quan Guiton; Chánh quản đạo Trần Văn Trinh, Tri châu Vị Xuyên Đỗ Văn Chẩm, Tri châu Bảo Lạc Nông Quang Tuyến; Tri châu Bắc Quang Nguyễn Văn Bình; Bang tá Đồng Văn Nguyễn Đình Cường; Bang tá Sa Phì Vương Chính Đức; Bang tá Hoàng Su Phì Vương Văn Thịnh.

  1. Ngô Vi Liễn. Sđd, tr.50-51.
  2. Lê Quý Đôn toàn tập. Kiến văn tiểu lục. Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977, tr.332.
  3. Lê Quý Đôn toàn tập. Kiến văn tiểu lục. Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977, tr.332.
  4. Đại Nam nhất thống chí, tập IV, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1971, tr.321-324.
  5. Góp phần vào lịch sử các phong trào chính trị ở Đông Pháp (1933), tập 10: Đông Dương Cộng sản Đảng (1928-1931). IDEO, Hà Nội, 1933. Bản dịch tiếng Việt. Lưu tại Viện Lịch sử Đảng (1/3/102), tr.209-210.
  6. Góp phần vào lịch sử các phong trào chính trị ở Đông Pháp (1933), tập 10: Đông Dương Cộng sản Đảng (1928-1931). IDEO, Hà Nội, 1933. Bản dịch tiếng Việt. Lưu tại Viện Lịch sử Đảng (1/3/102), tr.209-210.
  7. Nghệ An – những tấm gương cộng sản, tập 1, Nxb. Nghệ An, 1998, tr.19-20 và Địa chí Cao Bằng, Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.122-123.

 

0