31/03/2021, 15:34

Bài văn phân tích vẻ đẹp Cô Tô trong tác phẩm "Cô Tô" số 4 - 10 Bài văn phân tích vẻ đẹp Cô Tô trong tác phẩm "Cô Tô" của Nguyễn Tuân hay nhất

Kí là một thể loại văn tự sự có những yêu cầu riêng so với truyện ngắn hoặc tiểu thuyết. Một trong những đặc trưng khác biệt đó là tính chân thực, khách quan (chứ không phải là hư cấu, tưởng tượng). Cách ghi chép của bài kí tưởng như đơn giản, nhưng thực ra không phải thế. Người viết ...

Kí là một thể loại văn tự sự có những yêu cầu riêng so với truyện ngắn hoặc tiểu thuyết. Một trong những đặc trưng khác biệt đó là tính chân thực, khách quan (chứ không phải là hư cấu, tưởng tượng). Cách ghi chép của bài kí tưởng như đơn giản, nhưng thực ra không phải thế. Người viết kí phải đem đến cho bạn đọc những bức tranh, những câu chuyện vốn có thực ở ngoài đời thông qua cách nhìn riêng, cách cảm nhận riêng. Đó chính là "cái tôi" của tác giả. Bởi thế, có những cảnh, những người vẫn chung sống quanh ta, nhưng đến một lúc nào đó, có ánh sáng của nghệ thuật soi vào, thế giới hiện thực ấy bỗng nhiên thức dậy sinh động lạ thường như có bàn tay của phép lạ. Cô Tô của Nguyễn Tuân là một trường hợp như vậy, một định nghĩa điển hình về thể kí. Ở bài kí nhỏ này (thực ra là một đoạn trích), ta thấy được một cái nhìn nghệ sĩ thật tinh tế, tài hoa.


Bức tranh toàn cảnh của Cô Tô được giới thiệu ở phần đầu giống như một cánh cửa mở ra giúp kẻ lữ hành có một cái nhìn khái quát. Nhưng, dù chỉ khái quát, ấn tượng mà vùng đất, vùng trời nơi đây để lại khá sâu. Chúng ta có cảm giác như bước vào một vùng thời gian và không gian không giống như bất cứ nơi nào. Nhà văn như làm mới lại một cái gì đã cũ. Ta thử xem "một ngày trong trẻo, sáng sủa" trên đảo ra sao? Hình như ở đây, người nghệ sĩ đã có một cái nhìn xuyên thời gian để nối liền hiện tại với quá khứ, một quá khứ từ trăm năm, nghìn năm.


Câu văn có ba mệnh đề thì hai mệnh đề trước đó như một quy trình của sự phục sinh. Thì ra cái trong trẻo mà ta có được bây giờ trong cảm nhận đã được sàng lọc từ lâu, từ khi quần đảo Cô Tô "mang lấy dấu hiệu của sự sống con người", và phải qua "dông bão". Cái nhìn trải nghiệm vừa có một trầm tích văn hoá lịch sử xa xôi sâu lắng vừa rất đỗi non tơ. Giữ cho bầu trời Cô Tô trong sáng như hôm nay là một tâm hồn rất trẻ. Độ tươi trẻ và đằm thắm mặn mà của trời biển Cô Tô cần đến một sự tinh tế mới phần biệt được màu "xanh mượt" của cây trên núi đảo, với màu "lam biếc" của nước biển ngoài khơi, cả cái màu "vàng giòn" nhảy múa. Tất cả như xôn xao, sống dậy sau cơn dông tố dập vùi.


Nâng lên một độ cao hơn nữa, ta có thêm độ rộng, độ rộng của tầm nhìn trước một "bao la Thái Bình Dương bốn phương tám hướng", một cái nhìn thoáng đãng, mà tuyệt không có cảm giác vạng lạnh, cô đơn. Vì càng mở ra độ rộng, ta càng có độ sâu. Người lữ hành "nhập cuộc" với lòng thương mến vô bờ "như bất cứ người chài nào đã từng đẻ ra và lớn lên theo mùa sóng ở đây". Bởi Cô Tô có bao nhiêu bạn hữu, những Tô Bắc, Tô Trung, Tô Nam,... sát cánh cùng nhau, cũng như cái ấm áp của "anh em bộ binh và hải quân cùng đóng sát nhau trong cái đồn khố xanh cũ ấy".


Cảnh mặt trời mọc trên biển Cô Tô thật hoành tráng và rực rỡ lạ thường. Được chiêm ngưỡng nó, với nhà văn là một hạnh phúc hiếm hoi. Để "rình mặt trời lên" phải dậy từ canh tư, đi từ còn tối đất, trên con đường lạ lẫm: những tảng đá đầu sư. Nhưng với bao nhiêu háo hức, hồi hộp trong lòng, ông chẳng từ nan. Thậm chí còn như trẻ lại. Và quả nhiên, trời cũng chiều người, nhà văn được chứng kiến một cảnh tượng kì thú. Cảnh mặt trời mọc ở Cô Tô có hai bước. Bước một giống như một thứ sân khấu mở màn, tấm màn nhung vén lên để chuẩn bị long trọng cho những gì hiện ra sau đó.Không gian ấy, nghĩa là "chân trời, ngấn bể" ấy được so sánh với một tấm kính mới lau thì thật lạ: phảng và trong đến không còn một hạt bụi, nhất là sự "phẳng" và "trong" ấy sau trận bão, nó đột ngột biến đổi như một giấc mơ. Nó làm nền cho bước hai : mặt trời hiện ra.


Ở đây có lẽ sự nhẫn nại của người ngắm cảnh thể hiện trong việc để cho mặt trời lên hết (lên cho kì hết), thích hợp với tâm trạng "đi rình", rồi niềm sung sướng mới kịp òa ra. So sánh cảnh tượng lộng lẫy ấy với hình ảnh lòng đỏ một quả trứng gà thì đúng quá và giống quá. Nhưng phải viết như Nguyễn Tuân thì mới vẹn nguyên sự kinh ngạc đến sững sờ : "Tròn trĩnh, phúc hậu như lòng đỏ một quả trứng thiên nhiên đầy đặn". Táo bạo và tài hoa không dừng ở sự so sánh. Hoặc nói đúng hơn, vẫn là so sánh nhưng mở dần ra theo chiều liên tưởng thú vị liên tiếp bất ngờ.


Ông đặt cái "quả trứng hồng hào" ấy lên một cái mâm bạc, mà đường kính của nó "rộng bằng cả một cái chân trời màu ngọc trai nước biển hửng hồng" thì thật là đài các, sang trọng. Rồi nhà văn so sánh cảnh tượng thiên nhiên với mâm lễ phẩm nhưng không phải để long trọng dâng lên một thứ quyền uy tối thượng nào (cho phù hợp với cái nghi thức quý phái cao sang) mà đột ngột thân tình : "mừng cho sự trường thọ của tất cả những người chài lưới trên muôn thuở biển Đông". Cái đẹp trong văn Nguyễn Tuân nếu so với những cáí gì trước đày (trước 1945), nó đã đổi chiều. Nhà văn đã tự làm một cuộc cách mạng trong cảm quan của mình trước cuộc sống.


Trung tâm sự sống - sự sống của con người nơi đây là cái giếng nước ngọt của đảo Thanh Luân. Nếu cảnh mặt trời mọc là cảnh của chiêm bao, của mơ mộng, nó thật nghệ sĩ, tài hoa thì cái giếng nước ngọt là tiêu biểu cho cái thực thuần phác và đầy ắp tình người. Cái "thực" ấy được miêu tả theo lối chứng minh cho một cảm nhận trực giác (lòng giếng vận còn rớt lại vài cái lá cam lá quýt), nghĩa là không phải một thứ giếng tiên trong thần thoại, cổ tích thời nào. Trước hết, cái giếng ấy thân thuộc biết bao với dân trên đảo.


Người ta đến đó để tắm gội, để múc nước mang về, nghĩa là rất giống một thứ giếng làng có gốc đa, bến nước của chốn quê hương các vùng châu thổ. Cái cảm giác có thực của nó được nhận biết không phải bằng trí tưởng tượng mà trên da thịt con người, từ những gầu nước của nó mà nhà văn vừa đi ngắm cảnh mặt trời mọc trở về đang "dội lên đầu lên cổ lên vai lên lưng". Còn những người lao động bình thường thì có thể múc nước đổ vào mọi thứ : vào thùng gỗ, vào những cong, những ang gốm màu da lươn. Chỉ có một điều khác là cái giếng nước ngọt ấy do vị trí đặc thù của nó ở rìa một hòn đảo giữa nước mặn mênh mông, mà sinh hoạt của con người, xung quanh nó "vui như một cái bến và đậm đà mát nhẹ hơn mọi cái chợ trong đất liền".


Không chỉ thân thuộc, cái giếng ấy còn như một thứ dòng sữa nuôi người, của mẹ nuôi con. Cảm nhận thứ hai này bất chợt hiện ra khi người viết tìm được một ý tưởng mới lạ trong cái cử chỉ quen thuộc của chị Châu Hoà Mãn dịu con. Nhìn cử chỉ "dịu dàng yên tâm" như thế nào của người mẹ, nhà văn mới tìm ra được cái âu yếm nuôi người của biển cả. Hình ảnh người mẹ dịu con gợi "hình ảnh biển cả là mẹ hiền mớm cá cho lũ con lành". Thì ra biển cả tuy hung dữ thế mà rất dỗi khoan dung.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

nhi nguyen

238 chủ đề

2591 bài viết

Cùng chủ đề
Có thể bạn quan tâm
0