31/03/2021, 15:28

Bài văn phân tích tác phẩm "Vi hành" của Nguyễn Ái Quốc số 7 - 10 Bài văn phân tích tác phẩm "Vi hành" của Nguyễn Ái Quốc

Sinh thời Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh (1890-1969) không có ý định xây dựng cho mình một sự nghiệp văn học. Nhưng căn cứ vào di sản mà Người để lại cho dân tộc đủ để ta khẳng định: Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là một nhà thơ, nhà văn lớn. Thơ của Người có thể sánh với Lí Bạch, Đỗ Phủ ...

Sinh thời Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh (1890-1969) không có ý định xây dựng cho mình một sự nghiệp văn học. Nhưng căn cứ vào di sản mà Người để lại cho dân tộc đủ để ta khẳng định: Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là một nhà thơ, nhà văn lớn. Thơ của Người có thể sánh với Lí Bạch, Đỗ Phủ (Trung Quốc); văn của Người có thể so sánh với Huy Gô, BanGiắc (Pháp). Tiêu biểu nhất trong các sáng tác văn xuôi của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh phải kể đến Vi Hành, một truyện ngắn vừa có nội dung sâu xa vừa có nghệ thuật độc đáo.


Năm 1922, nhằm phô trương thanh thế, bòn rút chính quốc và tăng cường khai thác thuộc địa, thực dân Pháp đã tổ chức đưa vua Khải Định sang "nước mẹ" dự cuộc đấu xảo thuộc địa, tổ chức tại cảng Véc-xay. Vua Khải Định, đây là cơ hội để ăn chơi xa xỉ và vận động cho ngôi vua của con cháu sau này được chắc chắn. Lúc đó nhiều người Việt Nam yêu nước trên đất Pháp đã vô cùng phẫn nộ.


Phan Châu Trinh lập tức cho công bố một bức thư nổi tiếng lên án Khải Định, trong đó ông đã khẳng định Khải Định có bảy tội đáng chết chém (thư thất điều). Nguyễn Ái Quốc "chào đón" Khải Định bằng một loạt sáng tác: Lời than vãn của bà Trưng Trắc; Sở thích đặc biệt; kịch Con rồng tre và nổi bật nhất là truyện ngắn Vi hành. Vi hành là một truyện ngắn độc đáo được viết dưới dạng hình thức một bức thư gửi cô em họ, được chính tác giả dịch ra tiếng Pháp và cho đăng trên tờ báo Nhân đạo năm 1923.


Nằm trong hệ thống tác phẩm được sáng tác theo một dụng ý chính trị rõ rệt, Vi hành đả kích, tố cáo chế độ đế quốc và phong kiến mà trực tiếp là thực dân Pháp và vua bù nhìn Khải Định. Vậy vua Khải Định dưới mắt nhìn của người dân Pháp đã hiện ra như thế nào? Có thể nói, Khải Định được tác giả khắc họa rất chân thực mặc dù nhân vật không hiện diện trong tác phẩm. Từ hình dáng đến phục sĩ: của Khải Định đều rất kệch cỡm, nhố nhăng, lố bịch và kì quặc.


Hãy nghe một cô gái Pháp tả Khải Định: Hắn có cả cái chụp đèn đè chụp lên đầu, các ngón tay thì đeo đầy những nhẫn, vẫn cái mũi tẹt ấy, vẫn đôi mắt xếch ấy, vẫn cái mặt bủng vỏ chanh. Hắn đeo lên người đủ cả bộ lụa là, đủ cả bộ hạt cườm... Với phương Tây, vào những năm 20 của thế kỉ XX đã là thời kì của xã hội tư bản phát triển.


Giữa một thủ đô tráng lệ như Pa ri, nổi tiếng thế giới với các mốt ăn chơi trang điểm, thì cách phục sức của Khải Định là quá cổ lỗ sĩ, đặc biệt là dưới mắt nhìn cua những thanh niên Pháp, vẫn là nhân vật cô gái nhận xét Khải Định: Em thì em đã thấy hắn ở trường đua, trông hắn có vẻ nhút nhát hơn, lúng ta lúng túng hơn cơ... có khi hắn đã gửi tuốt ở kho hành lí nhà ga để đi vi hành đấy...


Hay là chán cảnh ông vua to, bây giờ lại nếm thử cuộc đời của các cậu công tử bé. Một ông vua như thế thì thật là xấu xa. Cứ như lời cô gái Pháp thì Khải Định đã lén lút vi hành để tìm đến các nhà thổ, các trường đua ngựa, để lao vào các cuộc cá cược đỏ đen như con bạc khát nước rồi cuối cùng phải vào hiệu cầm đồ. Ăn chơi xấu xa, sa đọa, thô bỉ, Khải Định không có tư cách của một ông vua. Trong con mắt người Pháp, Khải Định chỉ là một thằng hề, một con rối dưới bàn tay điều khiển của bọn thực dân Pháp. Em thì em thích Sác- Lô hơn ...


Phải trả những ngàn rưỡi phờ răng để xem vợ lẽ, nàng hầu vua Cao Miên, tụi làm trò nhào lộn của sứ thánh Công Gô; hôm nay chúng mình có mất tí tiền nào đâu mà được xem vua ngay bên cạnh? Nghe nói ông bầu nhà hát múa rối có ý định kí giao kèo thuê đấy. Lời bộc lộ tâm tình tự nhiên là của đôi trai gái người Pháp. Đó có thể xem là một lời đánh giá khách quan nhất về Khải Định.


Cứ đó mà suy, ta thấy Khải Định được so sánh theo giá trị giảm dần: với anh hề Sác Lô; với nàng hầu (con sen) của vua Cao Miên; rồi đến thay cho con rối trong nhà hát... thật Khải Định không còn là một con người nữa. Không dừng lại ở việc phê phán vua bù nhìn Khải Định, Vi Hành còn nhằm tố cáo những chính sách thuộc địa dã man, nham hiểm và bịp bợm của thực dân Pháp. Qua lời bộc lộ suy nghĩ của nhân vật trữ tình, khi tính cách của Khải Định được bộc lộ, thì tội ác của thực dân Pháp cũng bị bóc trần.


Tác giả Nguyễn Ái Quốc. Với tầm nhìn lãnh tụ mặc dù lúc đó Nguyễn Ái Quốc chưa phải là lãnh tụ) Nguyễn Ái Quốc đã vạch trần bộ mặt xâm lược của thực dân qua ba chính sách tiêu biểu của chúng. Thứ nhất,: Thực dân Pháp đã thực hiện một chính sách ngu dân ở Việt Nam bằng cách đầu độc người dân bản xứ bằng thuốc phiện, rượu cồn. Đây có thể xem là kế sách thâm độc nhất của bọn thực dân.


"Dân ngu dễ trị" được bọn chúng xem như là một học thuyết cai trị. Chỉ cần qua một câu nói của nhân vật trữ tình, cái bộ mặt "chăm dân" của bọn thực dân đã bị lật tẩy: Phải chăng ngài muốn biết dân Pháp, dưới quyền ngự trị của bạn ngài là A-Lếch-Xăng đệ nhất, có được sung sướng, có được quyền uống nhiều rượu cồn và đi được hút nhiều thuốc phiện bằng dân An Nam dưới quyền ngự trị của ngài hay không?


Thứ hai, tác giả vạch trần chính sách tuyên truyền dối trá, bịp bợm của bọn thực dân. Đem quân đi ăn cướp nước người mà lại gọi là "bảo hộ", là "khai hoá văn minh". Tác giả đã bóc trần sự thật này chỉ bằng một câu chứa đựng mâu thuẫn, phi lôgíc : Đến nay tất cả ai ở Đông Dương có màu da trắng đều là những bậc "khai hóa", thì bây giờ đến lượt tất cả những ai có màu da vàng đều trở thành hoàng đế ở Pháp...


Thứ ba, tác giả Vi hành còn lên tiếng tố cáo chế độ nhà tù, chính sách mật thám truy nã, bủa vây những người Việt Nam yêu nước trên đất Pháp. Qua câu chuyện bịa 100% tác giả lại nói về một sự thật 100%. Bịa là, bức thư gửi cô em họ; ngay cả chính phủ Pháp cũng không biết ai là Khải Định ... thật là Khải Định sang Pháp, thực dân Pháp lấy lí bảo vệ Khải Định để theo dõi, bủa vây những người Việt Nam hoạt động trên nước Pháp, đặc biệt là Nguyễn Ái Quốc.


Tác giả viết: "Cái.vui nhất là ngay cả đến chính phủ cũng không ai nhận ra được khách thật của mình nữa, và để chắc chắn khỏi thất thố trong nhiệm vụ tiếp tân chính phủ bèn phải đối đãi tốt với tất cả mọi người An Nam vào hàng vua chúa và phái tuỳ tùng đi hộ giá tuốt!... và giá có được thấy các vị ấy ân cần theo dõi tôi chẳng khác bà mẹ rình con thơ chập chững bước đi thứ nhất, thì hẳn cô phải phát ghen lên được vì nỗi âu yếm của các vị đối với tôi.


Có thể nói các vị bám lấy đế giầy tôi, dính chặt với tôi như hình với bóng". Rõ ràng đây không phải là một sự chăm sóc ân tình mà lại một sự bủa vây kìm kẹp.vẫn biết Vi hành được sáng tác theo một dụng ý chính trị, nhưng không vì thế mà tác giả xem nhẹ nghệ thuật; trái lại, truyện ngắn Vi hành là một sáng tạo nghệ thuật độc đáo của một nhà văn bậc thầy: Nguyễn Ái Quốc.


Sự sáng tạo trong Vi Hành được thể hiện trong từng tế bào của tác phẩm Nhan đề tác phẩm đã là một sáng tạo. Từ "vi hành" có xuất xứ từ Trung Quốc nghĩa gốc là chỉ hành động của các hoàng đế anh minh cải trang làm dân thường đi sâu vào nhân dân để tìm hiểu thực tế, từ đó có đường lối cai trị đúng đắn nhằm đem lại hạnh phúc thực sự cho nhân dân, phồn vinh cho dân tộc. Nhưng "vi hành" còn có nghĩa là lối mòn ; lối đi hẹp, chỉ hành động lén lút, việc làm khuất tất.


Thực tế Khải Định cải trang đi vi hành là để làm những việc xấu xa, bỉ ổi, nhằm thoả mãn những dục vọng thấp hèn. Chính vì thế từ "vi hành" mà tác giả Nguyễn Ái Quốc dùng đặt tên cho tác phẩm này được hiểu ở nét nghĩa thứ hai (trong bản tiếng Pháp, tác phẩm có tên là: Incognito, nghĩa là đội một cái tên không phải là tên thật). Khải Định cải trang đi vi hành nên mới tạo nên một tình huống nhầm lẫn.


Chính từ tình huống nhầm lần này đã khơi gợi nhiều trí tưởng tượng cho người đọc. Nội dung Vi hành đề cập đến một vấn đề nghiêm túc và có thật nhưng hình thức nghệ thuật lại như là "bịa". Trong văn học người ta gọi là "bịa nghệ thuật”. Tác giả đã bịa ra hàng loạt cuộc nhầm lẫn do Khải Định gây nên. Đầu tiên là đôi tình nhân người Pháp nhầm Nguyễn Ái Quốc là Khải Định. Thế rồi sự nhầm lẫn ấy như một vết dầu, cứ loang ra mãi.


Đôi tình nhân người Pháp (cũng có nghĩa là nhân Pháp) nhầm và đến cả chính phủ Pháp - cơ quan đích thân mời Khải Định sang làm thượng khách, cùng nhầm. Và, phải có sự nhầm lẫn này nhân vật trữ tình của chúng ta mơi có cơ hội để lắng nghe một cách khách quan cuộc đối thoại của đôi trai gái người Pháp, để qua đó biết được dư luận của nhân dân Pháp đối với Khải Định.


Như vậy là người Pháp nhận xét về Khải Định chứ không phải là người Việt Nam; nhờ đó mà giá trị hiện thực của tác phẩm được nâng lên và bộ dạng, tính cách của Khải Định vốn đã lố bịch lại càng trở nên hài hước, lố bịch hơn. Nghệ thuật của truyện ngắn là nghệ thuật của khoảnh khắc và tình huống. Lựa chọn được những khoảnh khắc có ý nghĩa nhất trong cuộc đời nhân vật kiến tạo được những tình huống độc đáo làm nổi bật chủ đề tác phẩm và tính cách nhân vật là cơ sở quyết định sự thành công.


Cốt truyện trong Vi hành chẳng có gì độc đáo nhưng câu chuyện trở nên trớ trêu, éo le, có kịch tính và hết sức hấp dẫn là do tác giả đã tạo được một tình huống độc đáo: nhầm lẫn. Chính sự nhầm lẫn này là cơ sở cho cốt truyện phát triển, là điều kiện tạo nên sức hấp dẫn của truyện.Cũng cần phải nói thêm một điều nữa là, sức hẫp dẫn của Vi hành còn do hình thức tổ chức kết cấu của truyện tạo nên.


Dưới hình thức một bức thư gửi cô em họ, tác giả dễ dàng liên hệ tạt ngang: đang từ sự việc này có thể chuyển sang sự việc khác; từ hiện tại nghĩ về quá khứ; từ Pa ri nghĩ về Việt Nam; từ "Vi Hành" (một chuyện nghiêm túc) lại dẫn đến chuyện cò bạc, đĩ điếm (chuyện xấu xa, bỉ ổi)...


Chính vì thế mà nội dung của truyện hết sức phong phú, nhưng chủ đề lại không bị phân tán. Một truyện ngắn cuời ra nước mắt" và hấp dẫn người đọc từ đầu đến cuối. Nằm trong hệ thống các tác phẩm được sáng tác theo một ý đồ chính trị rõ rệt, nội dung của Vi hành là phản đế, phản phong. Nhưng Vi hành thực sự là một truyện ngắn xuất sắc, một sáng tạo nghệ thuật độc đáo xứng đáng là một kiệt tác của nền văn học nước nhà.


Trong sáng tạo văn học của Nguyễn Ái Quốc nghệ thuật trào phúng chiếm một vị trí đặc biệt. Với nghệ thuật trào phúng Nguyễn Ái Quốc đã phơi bày bản chất tàn bạo, giả dối của chế độ thực dân Pháp. Cũng với nghệ thuật ấy, Người bày tỏ thái độ khinh bỉ đối với bọn vua quan bù nhìn bán nước cầu vinh, chỉ riêng đối với sự kiện Khải Định sang Pháp dự cuộc Đấu xảo thuộc địa.


Nguyễn Ái Quốc đã sáng tác truyện ngắn Lời than vãn của bà Trưng Trắc và vở kịch Con rồng tre lên án và chế giễu sâu cay ông vua bù nhìn. Nhân kỉ niệm một năm chuyến đi ô nhục ấy, Nguyễn Ái Quốc lại viết truyện ngắn Vi Hành, biến Khải Định thành đối tượng của những cuộc đàm tiếu khinh bỉ…Vấn đề đặt ra cho tác giả là phải sáng tạo một hình thức nghệ thuật mới để không lập lại chính mình. Sự thành công của tác phẩm Vi hành đã chứng tỏ tài năng nghệ thuật dồi dào, sắc bén của nhà văn Nguyễn Ái Quốc.


Thật vậy, nếu trong hai tác phẩm Lời than vãn của bà Trưng Trắc và Con rồng tre, Khải Định trực tiếp xuất hiện, thì ở đây, trong tác phẩm Vi hành, vua Khải Định vắng mặt. Vậy làm thế nào để cho Khải Định xuất hiện, đặng nhận lấy lời đàm tiếu nhục nhã và lời tố cáo sắc bén? Nguyễn Ái Quốc đã dùng biện pháp hóa không thành có- biện pháp hiểu lầm, nhận lầm một người An Nam là nhà vua đi “vi hành”, để tố cáo, chế giễu một cách cay độc. Ai là người có thể nhận lầm như vậy?


Đó không thể là người An Nam, thần dân của ngài. Đó chỉ có thể là người dân Pháp hiếu kì và từ lâu đã không xem vua chúa như một đấng bề trên. Nguyễn Ái Quốc đã sáng tạo nên một đôi nam nữ người Pháp nhận lầm vua An Nam trên xe điện, và truyện ngắn mở đầu bằng cuộc tranh luận của họ. Chàng trai quả quyết đó chính là nhà vua, còn cô gái, người đã thấy nhà vua ở trường đua thì quả quyết là không phải, vì thấy thiếu mũ măng, nhẫn vàng, hạt cườm. Từ hai cách hiểu ấy mở ra hai hướng đàm tiếu: đàm tiếu về trang phục nhà vua và đàm tiếu về việc “vi hành” của ông.


Việc đàm tiếu về trang phục nhà vua do đôi thanh niên nam nữ người Pháp thực hiện. Lợi dụng cách cảm nhận ngộ nghĩnh của họ đối với cách ăn mặc xa lạ. Nguyễn Ái Quốc đã biến ông vua thành một trò cười rẻ tiền: đầu đội chụp đèn, quấn khăn, tay đeo đầy nhẫn, mũi tẹt, mắt xếch, mặt bủng như quả chanh, không một chút uy nghi, đường bệ. Hơn thế, người bạn gái đã trông thấy nhà vua, hình dung vua là người “đeo lên người hắn đủ cả bộ lụa là, đủ cả bộ hạt cườm“, y như một mụ đàn bà.


Còn người thanh niên thì xem vua như một trò vui mắt không phải mất tiền như xem “vợ lẽ nàng hầu vua Cao Miên”, hoặc “trò leo trèo, nhào lộn của sư thánh xứ Công Gô”. Thậm chí còn tung tin Nhà hát Múa rối định ký hợp đồng thuê nhà vua biểu diễn! Thật không còn lời báng bổ, khinh miệt nào hơn đối với một đức Hoàng Thượng! Nhưng đó là sự thật: Khải Định chỉ đóng được một vai hề rẻ tiền trong lịch sử!


Việc đàm tiếu về truyện “vi hành” do kẻ bị nhận lầm - tác giả bức thư gửi cho cô em họ - thực hiện qua lời tâm sự trong thư. Đây là lời của một người An Nam, am hiểu nội tình nước Nam. Ở đây Nguyễn Ái Quốc dùng biện pháp “quá mù ra mưa” - nhân có người nói nhà vua “vi hành”, thế là người anh họ trong thư liền liên hệ với các cuộc “vi hành” của các vị vua vĩ đại như vua Thuấn, vua Pie, và bình luận nhạo báng về cuộc “vi hành” tưởng tượng của vua Nam. Đây là một đoạn văn nữa mỉa mai sắc bén, từ nào cũng nhằm phơi trần thân phận và nhân cách hèn hạ của tên vua.


Biện pháp “quá mù ra mưa” lại được sử dụng thêm một lần: nhân việc người Pháp nhận lầm vua Nam, tác giả đẩy xa hơn: phổ quát hóa sự nhận lầm để châm biếm việc cảnh sát Pháp theo dõi người yêu nước Việt Nam trên đất Pháp: “… tất cả những ai ở Đông Dương có màu da trắng đều là những bậc khai hóa thì bây giờ đến lượt tất cả những ai có màu da vàng đều trở thành Hoàng đế ở Pháp”. Trở thành Hoàng đế thì được sự chăm sóc, theo dõi của cảnh sát và đó là nỗi phiền hà cho những ai da vàng.


Đến đây ta thấy “Vi hành” rõ ràng là một sáng tạo nghệ thuật độc đáo lạ lùng. Ai cũng thấy là tác giả bịa, nhưng là một sự bịa đặt khéo léo, tài tình, hợp lí, có khả năng tố cáo sâu sắc và do đó mà gây thú vị cho người đọc. Có thể nói là tác giả đã dùng phép “đà đao”, nhân sự hiểu lầm của mấy người Pháp mà đưa ngòi bút sắc bén đánh trúng vào chỗ trí mạng của tên vua. Ở đây người ta thấy sức mạnh nghệ thuật được sử dụng một cách nhẹ nhàng, dí dỏm, đắc địa.


Ngoài việc xây dựng cốt truyện khéo léo, việc không có mà như có thật, bút pháp mỉa mai, châm biếm của tác giả thể hiện ở các pháp ví von dí dỏm rất “Tây“: mũ miện của vua thì ví với chụp đèn, ngọc quý thì ví với hạt cườm, nhìn vua thành con rối, so hắn với hề Saclô, đặc biệt, ngòi bút mỉa mai của tác giả chỉa thẳng một lúc vào hai đối tượng: thực dân và phong kiến.


Ta hãy xem tác giả viết trong thư: “Phải chăng là ngài muốn biết dân Pháp, dưới quyền ngự trị của bạn ngài là Alêchxăng đệ Nhất, (…) có được uống nhiều rượu và được hút nhiều thuốc phiện bằng dân Nam, dưới quyền ngự trị của ngài, hay không? (…). Hay là, chán cảnh làm một ông vua to, giờ ngài lại muốn nếm thử cuộc đời các cậu công tử bé?”. Những nghi vấn thật là mỉa mai!


Và đây là lời mỉa mai cảnh sát Pháp: “Các vị chẳng nề hà chút công sức nào để bảo vệ bọn tôi, và giá có được trông thấy các vị ân cần theo dõi tôi chẳng khác bà mẹ hiền rình con thơ chập chững bước đi thứ nhất, thì hẳn cô phải phát ghen lên được về nỗi niềm âu yếm của các vị đối với tôi. Có thể nói là các vị bám lấy đế giày tôi, dính chặt với tôi như hình với bóng…”


Biết bao chua chát, cay đắng trong nụ cười ở đây! Đó là nghệ thuật mỉa mai, châm biếm có tính chất chính luận hết sức già dặn. Tất cả các chữ dùng đều được sử dụng rất đắt và phát huy tác dụng châm biếm tối đa. Chẳng hạn gọi vua Pháp là “bạn” của vua Nam hoặc nói cảnh sát Pháp theo dõi như ”mẹ hiền rình con thơ” v.v… và v.v…


Tóm lại, nghệ thuật độc đáo và bút pháp mỉa mai châm biếm bậc thầy của thiên truyện đã chứng tỏ tài nghệ siêu việt, phong phú của Nguyễn Ái Quốc, chứng tỏ một thành tựu sắc sảo của nghệ thuật cách mạng giàu tính chiến đấu.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Trần Bảo Ngọc

227 chủ đề

44292 bài viết

Có thể bạn quan tâm
0