31/03/2021, 15:29

Bài văn phân tích tác phẩm "Chiếc thuyền ngoài xa" số 3 - 10 Bài văn phân tích tác phẩm "Chiếc thuyền ngoài xa" của Nguyễn Minh Châu

Nghệ thuật và hiện thực luôn có mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhau, một tác phẩm chân chính muốn toả sáng phải có sự hòa quyện với vẻ đẹp của cuộc sống chân thực. Nhà văn Nam Cao từng nói: “Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối! Nghệ thuật ...

Nghệ thuật và hiện thực luôn có mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhau, một tác phẩm chân chính muốn toả sáng phải có sự hòa quyện với vẻ đẹp của cuộc sống chân thực. Nhà văn Nam Cao từng nói: “Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối! Nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than…”.


Nghệ thuật là lĩnh vực của sự sáng tạo mới mẻ nhưng phải gắn với con người thì mới giữ nguyên được giá trị chuẩn mực vốn có. Chiếc thuyền ngoài xa của nhà văn Nguyễn Minh Châu là một bức tranh hiện thực đầy màu sắc, ẩn sau đó chứa đựng cả câu chuyện về số phận, cuộc đời con người. Tác giả đã nhìn cuộc sống bằng đôi mắt đa diện, nhiều chiều, phản ánh đúng bản chất thật sau vẻ đẹp hoà nhoáng bên ngoài của hiện tượng.


Nguyễn Minh Châu quê ở xã Quỳnh Hải (nay là Sơn Hải), huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Năm hai mươi tuổi ông gia nhập quân đội cho đến năm 1962 thì chuyển sang con đường sáng tác văn học. Trước thập kỷ 80 ngòi bút của ông thiên về tính sử thi hào hùng, lãng mạn với những tác phẩm tiêu biểu: Cửa sông (tiểu thuyết, 1967), Những vùng trời khác nhau (tập truyện ngắn, 1970), Dấu chân người lính (tiểu thuyết, 1972),… Cho đến những năm 80 đổ về sau, Nguyễn Minh Châu tập trung nghiên cứu về cuộc sống nhân dân, những tác phẩm của ông đều lấy cảm hứng từ các vấn đề đạo đức và triết lý nhân sinh, đặc sắc với những truyện ngắn: Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành (1983), Bến quê (1985), Cỏ lau (1989),…


Chiếc thuyền ngoài xa được ông sáng tác năm 1987, kể về chuyến đi công tác của người nhiếp ảnh gia và những chiêm nghiệm sâu sắc của ông về cái đẹp và cuộc đời. Có thể nói Nguyễn Minh Châu là một trong những cây bút xuất sắc, là nhà “mở đường tinh anh” cho nền văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới.


Chiếc thuyền ngoài xa là tác phẩm văn học có tình huống truyện hết sức độc đáo, cuốn hút người đọc ngay từ những câu văn đầu tiên. Có thể nói tình huống truyện chính là chiếc chìa khoá để vận hành cả cốt truyện, là điểm tựa để người đọc khám phá trọn vẹn một tác phẩm văn xuôi. Tình huống truyện chính là những sự kiện éo le, bất ngờ, mới lạ,… Là điểm nhấn then chốt hấp dẫn người đọc, nhà văn Nguyễn Minh Châu cho rằng tình huống truyện là “tình thế của câu chuyện, là khoảnh khắc mà trong đó sự sống hiện ra rất đậm đặc”, sự kiện nổi bật ấy có thể là bước ngoặt thay đổi nhận thức,số phận của cả một đời người.


Tình huống truyện cũng là khoảnh khắc mà ở đó nhận vật bộc lộ rõ tính cách, bản chất của mình từ đó chủ đề tư tưởng của truyện được thắp sáng. Bằng tài năng và phong cách nghệ thuật của mình, Nguyễn Minh Châu đã xây dựng tình huống truyện nhận thức đầy bất ngờ và chứa đựng những nghịch lý cuộc đời, đó chính là hai phát hiện của nghệ sĩ Phùng.


Vào một buổi sáng tinh mơ, trời đầy sương mù, những hạt mưa nhỏ lác đác rơi, Phùng vẫn tiếp tục công việc “phục kích” để tìm cho ra một bức ảnh chiếc thuyền đánh cá thu lưới khi bình minh. Người nghệ sĩ đã bỏ ra nhiều công sức nhưng chưa có một bức ảnh nào thật đặc sắc, mới lạ để in trong lịch tết năm sau. Trong lúc đang lúi húi thay phim, lúc ngẩng lên anh đã chứng kiến một chuyện hơi lạ, một cảnh sắc đẹp ngỡ ngàng làm cho trái tim người nghệ sĩ dường như rung động mãnh liệt đó là “một chiếc thuyền lưới vó” đang trèo thẳng đến trước mặt anh.


Cả một cuộc đời làm nghệ thuật có lẽ chưa bao giờ Phùng được trông thấy một cảnh “đắt” trời cho như thế, một cảnh sắc được tác giả miêu tả “đẹp như một bức tranh mực tàu của một danh hoạ thời cổ”. Mũi thuyền ẩn hiện, loè nhoè trong bầu sương mù trắng xoá có pha “ đôi chút màu hồng do ánh mặt trời chiếu vào”, trên thuyền là những bóng người ngồi im phăng phắc như tượng sáp. Tất cả khung cảnh ấy đang tiến đến ngày một gần như “cánh của con dơi”, bức tranh hài hoà từ đường nét đến ánh sáng và mang một vẻ đẹp “thực đơn giản và toàn bích”.


Là một người nghệ sĩ với tâm hồn nhạy cảm, đứng trước cảnh sắc tuyệt mỹ ấy Phùng bỗng thấy bối rối, trong trái tim anh “như có cái gì bóp thắt lại”. Dường như cảm xúc hạnh phúc đang dâng trào mãnh liệt, trong khoảnh khắc trong ngần ấy người nghệ sĩ đã nhận ra cái chân – thiện – mỹ của cuộc đời ngay trước mắt mình. Cái đẹp phải chăng là đạo đức ? Chẳng cần lựa chọn hay xê dịch gì nữa, Phùng đưa mắt ảnh bấm “liên thanh” như sợ cảnh sắc tuyệt mỹ kia sẽ tan biến trong phút giây.


Nghịch lý cuộc đời bắt đầu từ đây, khi chiếc thuyền tiến gần vào bờ, hình ảnh một cặp vợ chồng đang rời thuyền, họ lội qua một quãng bờ phá, nước ngập tới tận đầu gối. Trong giây lát tiếng người đàn ông cất lên văng vẳng quát tháo những đứa con đang ở trên thuyền. Hình ảnh cặp vợ chồng lam lũ bước ra từ chiếc thuyền đẹp như thiên đường, người chồng cao to, thô lỗ, vẻ mặt dữ tợn, còn người đàn bà khuôn mặt thô kệch toát lên đầy sự mệt mỏi.


Chỉ bằng một vài câu văn miêu tả ngoại hình tác giả phần nào đã khiến cho người đọc vỡ mộng, đằng sau vẻ hào nhoáng kia của chiếc thuyền thì con người lại hiện ra chân thực, chẳng hề mang vẻ đẹp hoa mỹ nào. Nhưng nghiệt ngã hơn chính là cảnh bạo hành vợ của gã đàn ông thô bạo kia, hắn rút ra “một chiếc thắt lưng của lính nguỵ ngày xưa”, chẳng ai nói với nhau lời nào, hắn trút cơn giận như lửa cháy dùng hết sức lực quật tới tất vào lưng người đàn bà, vừa đánh vừa thở hồng hộc, răng nghiến ken két.


Mỗi một nhát quất xuống hắn lại cất lên những câu chửi nguyền rủa bằng cái giọng “rên rỉ, đau đớn”: “Mày chết đi cho ông nhờ. Chúng mày chết hết đi cho ông nhờ!” Người đàn bà vẫn ngồi im “cam chịu, nhẫn nhục” không một lời van xin hay oán trách, chẳng chống trả cũng không hề chạy trốn. Sự việc xảy đến quá nhanh, quá bất ngờ đến nỗi nghệ sĩ Phùng không thể tin vào chuyện gì đang diễn ra trước mắt. Anh bàng hoàng, sửng sốt trong mấy phút đầu chỉ biết “đứng há mồm ra mà nhìn”. Thằng Phác từ đâu lao đến nhanh hơn cả mũi tên, giật lấy chiếc dây lưng quất vào “tấm ngực trần vạm vỡ cháy nắng” của cha nó.


Cảnh tượng người chồng đánh đập vợ dã man, người vợ cam chịu, đứa con đánh lại cha trái ngược hoàn toàn với vẻ đẹp của con thuyền ngư phủ. Tác giả đã vẽ nên bức tranh hiện thực cuộc sống ẩn sau vẻ đẹp hào nhoáng bằng một hiện thực nghiệt ngã, nếu chỉ nhìn sự vật ở bên ngoài chúng ta sẽ không thể nhìn thấu hết bản chất của nó, không thể đánh giá một cách toàn diện hiện tượng. Vẻ đẹp của nghệ thuật chưa đủ sức mạnh để làm nên phẩm chất đạo đức, nhân cách của một con người.


“Ngọc lành có vết, việc đời đa đoan” hiện thực không đơn giản, một chiều mà luôn tồn tại với nhiều mảng màu đối lập chẳng thể giải đáp. Nghịch lý không dừng lại ở đó mà tiếp tục được tác giả đi sâu vào khai thác trong nhân vật người đàn bà hàng chài. Người phụ nữ đã trạc ngoài bốn mươi, dáng người đặc trưng của miền biển, cao lớn với những “đường nét thô kệch”. Vẻ ngoài xấu xí, mặt chằng chịt rỗ sau một bận lên đậu mùa, sắc mặt tái bệch đi sau một đêm dài thức trắng.


Xuất thân trong một gia đình khá giả, nhưng vì xấu nên không ai lấy. Lúc đầu khi được chánh án Đẩu mời lên toà án, người đàn bà lúng túng, sợ sệt, tìm đến một chỗ để ngồi. Khi được chánh án khuyên bỏ chồng, bà ta lo lắng, sợ hãi vô cùng van xin toà: “Quý toà bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được, đừng bắt con bỏ nó”. Thật là kỳ lạ, một gã chồng vũ phu suốt ngày đánh đập “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng” thì có gì đáng để bà ta phải lưu luyến mà không bỏ quách đi.


Một người chồng một khi dám xuống tay đánh vợ và chửi rủa như thế, thì còn thiết tha hạnh phúc gì nữa, vậy mà người đàn bà nhất định không chịu bỏ đi. Nếu chỉ nhìn vào những gì đang thấy trước mắt, thì người phụ nữ này quả thật là rất đáng trách, trách vì đã để bản thân mình chịu nỗi đau thể xác lẫn tinh thần, trách vì sự kém cỏi hèn nhát của bản thân. Thế nhưng không, cuộc đời vố dĩ chẳng phô bày ra trước mắt ta những uẩn khúc nghiệt ngã.


Đằng sau vẻ nhút nhát của người đàn bà làng chài là cả một sự hy sinh cao cả vì đàn con, vì gia đình yên ấm, bà thấu hiểu được nỗi khổ của người chồng. Qua lời kể của bà, người chồng khi còn trẻ tuy cục tính nhưng hiền lành, bà mang ơn ông vì đã cứu lấy danh dự mình, vẫn cưới dù biết bà có mang với người đàn ông khác. Hoàn cảnh đã nghèo khó, lại thêm đông con, gánh nặng cơm áo như đè nặng hết lên vai người chồng.


Những khi trời đổ giông bão cả nhà chỉ ăn “cây xương rồng luộc chấm muối”, người đàn bà chép miệng như đang “nhìn suốt cả đời mình”, bà nhận hết lỗi về mình “giá tôi đẻ ít đi”. Quả là một người phụ nữ đáng trân trọng dù bản thân có chịu đựng bao khổ nhục cũng chưa từng oán thán, bà luôn nhìn thấy nỗi khổ của người khác để thấy hiểu, bao dung cho lỗi lầm của họ.


Quanh năm lênh đênh trên biển - nguồn sống duy nhất của cả gia đình từng ấy miệng ăn, người đàn bà nhẫn nhục vì thương con, chúng còn thơ dại nếu không có bàn tay chăm sóc của người mẹ sẽ ra sao? Liệu người đàn ông khô khan, thô bạo kia có dạy dỗ, quan tâm, bảo ban được chúng? Phụ nữ làng chài cần có người đàn ông chèo lái con thuyền mỗi khi trời đổ phong ba, họ sức yếu vai mềm chẳng thể một mình chống đỡ lại với bão táp ngoài biển khơi, “ông trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con, rồi nuôi con cho đến khi khôn lớn cho nên phải gánh lấy cái khổ” cho nên họ “phải sống cho con chứ không thể sống cho mình”.


Niềm hạnh phúc nhỏ nhoi duy nhất của người phụ nữ là khi nhìn đàn con “chúng nó được ăn no”, ngay cả khi vui sướng hay hạnh phúc thì cũng là vì nghĩ cho con chưa một lần nào nghĩ cho bản thân mình. Vẻ mặt người đàn bà ửng sáng lên như một nụ cười khi nghĩ đến những lúc vợ chồng con cái sống vui vẻ, hoà thuận.


Dường như tình thương con cũng như nỗi đau, sự thấu hiểu về những thăng trầm của lẽ đời “mụ” chẳng bao giờ bộc lộ ra ngoài mà giấu kín trong trái tim mình. Vẻ đẹp của đàn bà hàng chài đã gợi cho ta bao suy nghĩ về cuộc đời, không thể nhìn sự việc một cách phiến diện, một chiều mà phải đặt nó trong một khía cạnh toàn diện để đánh giá, suy xét. Nghệ thuật phải là một tấm gương phản chiếu hiện thực đấy mới là nghệ thuật chân chính.


Nguyễn Minh Châu đã xây dựng được tình huống truyện độc đáo, hình ảnh biểu trưng “chiếc thuyền ngoài xa” là nghệ thuật ẩn dụ cho kiếp người đơn độc, lênh đênh trên biển lớn cuộc đời. Nghệ thuật tự sự độc đáo, người trần thuật là Phùng một nghệ sĩ dày dặn kinh nghiệm, từng trải trên chiến trường. Ngôn ngữ truyện chân thực, giàu hình ảnh sáng tạo, hấp dẫn người đọc.


Chiếc thuyền ngoài xa là một tác phẩm văn học xuất sắc của Nguyễn Minh Châu, để lại cho chúng ta những bài học quý giá về triết lý nhân sinh của cuộc đời, biết đồng cảm, sẽ chia với những mảnh đời khốn khó. Từ tình huống truyện có ý nghĩa như một nút thắt để người đọc khám phá về sự thật cuộc đời, từ những thay đổi trong nhận thức con người, tác giả đã chỉ rõ mối liên hệ giữa nghệ thuật và hiện thực. Nhà văn cũng như thư ký của thời đại, phải có trách nhiệm tái hiện cuộc sống trong ngòi bút nghệ thuật của mình.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

nhi nguyen

238 chủ đề

2591 bài viết

Có thể bạn quan tâm
0