31/03/2021, 15:29

Bài văn phân tích giá trị nhân đạo trong truyện ngắn "Hai đứa trẻ" số 4 - 6 Bài văn phân tích giá trị nhân đạo trong truyện ngắn "Hai đứa trẻ" của Thạch Lam

Thạch Lam là một cây bút truyện ngắn tài hoa xuất sắc trong giai đoạn văn học 1930 -1945. Hai đứa trẻ là một truyện ngắn đặc sắc của Thạch Lam, vừa tiêu biểu cho bút pháp của nhà văn, vừa thể hiện giá trị tư tưởng sâu sắc và mới mẻ. Câu chuyện thấm đẫm cảm quan trữ tình, bởi vậy tinh ...

Thạch Lam là một cây bút truyện ngắn tài hoa xuất sắc trong giai đoạn văn học 1930 -1945. Hai đứa trẻ là một truyện ngắn đặc sắc của Thạch Lam, vừa tiêu biểu cho bút pháp của nhà văn, vừa thể hiện giá trị tư tưởng sâu sắc và mới mẻ. Câu chuyện thấm đẫm cảm quan trữ tình, bởi vậy tinh thần nhân đạo hiện hữu rất rõ rệt.


Tác phẩm Hai đứa trẻ in trong tập Nắng trong vườn, xuất bản năm 1938. Truyện nhưng không có chuyện, chỉ là câu chuyện tâm tình. Câu chuyện không phát triển theo logic sự kiện mà giống như một bài thơ trữ tình đầy xót thương, gói gọn trong không gian nhỏ hẹp nơi phố huyện nghèo hẻo lánh với những con người nhỏ bé, những cảnh đời đơn điệu hắt hiu. Toàn truyện là những cảm xúc và tâm trạng của những đứa trẻ nơi phố huyện đó trong khoảng thời gian từ chiều đến đêm. Ngòi bút của Thạch Lam tỏ ra thật tinh tế trong việc diễn tả những rung động của hai đứa trẻ.


Giá trị nhân đạo là một trong những phương diện quan trọng tạo nên giá trị nội dung tư tưởng của tác phẩm, thể hiện thái độ của nhà văn trước hiện thực cuộc sống. Với Hai đứa trẻ, Thạch Lam đã cất lên tiếng nói nhân đạo mới mẻ, sâu sắc của mình từ một bức tranh cuộc sống tẻ nhạt, đơn điệu nơi phố huyện nghèo.


Tác phẩm đưa người đọc vào một bức tranh buổi chiều hoàng hôn chạng vạng nơi phố huyện nghèo. Nơi ấy, hiện lên với những hoạt động âm thầm, lặng lẽ của những kiếp người nhỏ bé, sống cuộc sống mờ mờ nhân ảnh. Đó là cảnh phiên chợ chiều đã vãn nghèo nàn, tiêu điều cùng hình ảnh mấy đứa trẻ con nhà nghèo lom khom nhặt nhạnh. Đó là mẹ con chị Tí bán hàng nước, cứ bày ra rồi lại thu vào vì vắng khách. Đó gánh phở của bác Siêu – một thứ quà xa xỉ ở nơi này, đang ế khách. Đó là vợ chồng bác Xẩm có đứa con đang bò lê nghịch những rác bẩn ven đường … Nổi bật lên trong tác phẩm là chị em cô bé Liên với tâm trạng đợi tàu. Ngày này qua ngày khác, cuộc sống của chị em Liên trôi qua trong tẻ nhạt ở cửa hàng tạp hóa với những món hàng nhỏ nhoi không hề thay đổi… Niềm mong mỏi cho cả một ngày của hai chị em là cùng thức để chờ đợi chuyến tàu đêm ngóng đợi, háo hức khi đoàn tàu đến bao nhiêu thì nỗi tiếc nuối về một Hà Nội xa xăm, một Hà Nội sáng rực vui vẻ lại rõ rệt bấy nhiêu.


Miêu tả về số phận của những con người nơi phố huyện, Thạch Lam thể hiện tấm lòng cảm thông, xót thương đối với những kiếp người nhỏ bé, vô danh ở phố huyện nghèo, nói rộng hơn là của những con người nhỏ bé sống trong xã hội cũ; trân trọng trước những ước mơ, khát vọng muốn được thay đổi cuộc sống của những con người tưởng như chưa bao giờ được biết đến niềm vui, ánh sáng và hạnh phúc.


Hai đứa trẻ thể hiện giá trị nhân đạo mới mẻ, sâu sắc của Thạch Lam. Đặt trong bối cảnh xã hội lúc ấy, tác phẩm không chỉ thể hiện mối quan tâm sâu sắc của nhà văn trước những mảnh đời nhỏ bé mà còn có tác dụng tích cực, góp phần làm lay tỉnh những tâm hồn uể oải, đang lụi tàn.


Đọc truyện của Thạch Lam ta thấy nhà văn không đi vào tố cáo sự đàn áp bất công của xã hội, cũng không khiến người đọc phải uất ức, căm giận những cảnh bóc lột, hành hạ của giai cấp thống trị đương thời. Tư tưởng nhân đạo ấy được toát lên trước hết ở niềm thương xót chân thành của nhà văn trước những cảnh đời đơn điệu, hắt hiu nơi phố huyện nhỏ bé. Nhà văn xót xa bởi họ phải sống một cuộc sống vô nghĩa, họ đang tồn tại chứ không phải đang sống bởi cuộc sống của họ quá buồn chán, lặp đi lặp lại những điều tẻ nhạt chỉ vì cuộc sống mưu sinh.


Truyện ngắn Hai đứa trẻ là một truyện không có truyện, không có những biến cố căng thẳng dồn nén, những xung đột gay gắt, những tình tiết căng thẳng, thời gian ngắn, nhân vật không nhiều. Nhưng câu chuyện vẫn hấp dẫn người đọc bởi chính mạch tâm tình của nó. Cả truyện được phát triển theo những diễn biến tâm trạng tinh tế, phức tạp của các nhân vật. Từ đó khơi ngợi cho người đọc những xúc cảm thân quen, những nỗi niềm về quá vãng… Cách kể chuyện tâm tình là một sáng tạo riêng của Thạch Lam góp phần tạo nên sự độc đáo, hấp dẫn, góp phần làm nổi bật tinh thần nhân đạo của truyện.


Nhân vật trong tác phẩm Hai đứa trẻ không được xây dựng là những tính cách điển hình mà được khám phá ở chiều sâu tâm trạng. Nghệ thuật phân tích tâm lí của ngòi bút Thạch Lam tạo nên sự thành công của thiên truyện.Đối lập giữa ánh sáng và bóng tối tạo nên những ám ảnh trong lòng người: bóng tối bao trùm toàn tác phẩm. Ngoài ý nghĩa tả thực hình ảnh bóng tối rất ám ảnh. Cảnh phố phường chìm trong bóng tối được diễn tả chi tiết khiến người đọc dễ liên tưởng tới xã hội Việt Nam trước cách mạng tháng Tám.


Hai đứa trẻ là một truyện ngắn hấp dẫn người đọc bằng chính vẻ đẹp của cuộc sống đời thường đã được khám phá, cảm nhận bằng chính ngòi bút tinh tế và giọng văn nhẹ nhàng của tác giả. Hai đứa trẻ là một bài thơ trữ tình đượm buồn thể hiện những giá trị nhân đạo mới mẻ và qua đó, chúng ta còn thấy được ngòi bút tài hoa của người nghệ sĩ trang trọng trước sự sống.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

nhi nguyen

238 chủ đề

2591 bài viết

Có thể bạn quan tâm
0