31/03/2021, 15:33

Bài văn phân tích bài thơ "Viếng lăng Bác" của Viễn Phương số 5 - 10 Bài văn phân tích bài thơ "Viếng lăng Bác" của Viễn Phương hay nhất

Viễn Phương là cây bút có mặt sớm nhất của lực lượng văn nghệ giải phóng ở miền Nam thời kì kháng chiến chống Mĩ. Đề tài trong thơ ông viết về vị lãnh tụ vĩ đại. Bài thơ “ Viếng lăng Bác” được sáng tác năm 1976 khi đất nước thống nhất, lăng Bác được khánh thành và tác giả được vào ...

Viễn Phương là cây bút có mặt sớm nhất của lực lượng văn nghệ giải phóng ở miền Nam thời kì kháng chiến chống Mĩ. Đề tài trong thơ ông viết về vị lãnh tụ vĩ đại. Bài thơ “ Viếng lăng Bác” được sáng tác năm 1976 khi đất nước thống nhất, lăng Bác được khánh thành và tác giả được vào thăm lăng Bác.


Bài thơ là cảm xúc của nhà thơ khi đứng trước lăng bác, khi vào trong lung Bác và những cảm xúc dâng trào cùng những ước nguyện khi ra về.Thơ của Viễn Phương có một giọng điệu nhẹ nhàng giàu cảm xúc. Giọng điệu ấy được thể hiện rõ ràng ngay ở lời xưng hô:


“Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác

Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát

Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam

Bão táp Mưa sa đứng thẳng hàng”


Mở đầu là lời xưng hô con-Bác thật thân mật gần gũi như người thân trong gia đình, giữa cha với con.Lời xưng hô ấy là lời chào giới thiệu đứa con ở miền Nam ra thăm lăng Bác. Cách nói giảm nói tránh “ thăm lăng Bác” dường như trong lòng Viễn Phương Bác vẫn còn sống mãi để giờ đây người con xa xôi ra thăm cha. Đến với lăng Bác nhà thơ bắt gặp hình ảnh hàng tre trong sương xanh ngát bốn mùa.


Hàng tre ấy được trồng quanh lăng Bác gợi trong lòng cảm giác quen thuộc trở về với quê hương. Cây tre là loài cây bé nhỏ dẻo dai không chịu khuất phục bão táp mưa sa. Ngắm nhìn hàng tre mà nhà thơ không khỏi bồi hồi xúc động “Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam”. Dòng cảm xúc trào dâng được thể hiện bằng từ “ôi” cùng nghệ thuật ẩn dụ hàng tre xanh xanh tượng trưng cho cả dân tộc Việt Nam đang hội tụ quây quần bên lăng Bác. Không chỉ nhìn thấy hàng tre mà Viễn Phương còn nhìn thấy hình ảnh mặt trời:


“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ

Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ

Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân.”


Điệp từ “ngày ngày” chỉ thời gian đều đặn như một vòng quay ngày nào mặt trời của thiên nhiên đem nguồn sáng đến trái đất. Mặt trời ấy cũng đi qua trên lăng sưởi ấm nơi Bác yên nghỉ. Ngắm nhìn mặt trời của thiên nhiên mà nhà thơ liên tưởng đến “mặt trời trong lăng” hình ảnh ẩn dụ chỉ Bác Hồ là nhà thơ muốn ca ngợi công lao to lớn của Bác với đất nước, với dân tộc.


Có thể nói Bác đã cống hiến cả cuộc đời cho dân tộc đánh dấu bằng bảy mươi chín mùa xuân. Chính vì thế dù đã đi xa nhưng mọi người vẫn nhớ về Bác ngày nào cũng như ngày nào những người con từ khắp mọi miền tổ quốc với những bộ trang phục đẹp chậm dãi tiến về phía lăng Bác giống như một “tràng hoa” nghệ thuật ẩn dụ dòng người với không khí trang nghiêm thành kính đều hướng về phía lăng Bác với lòng thành kính biết ơn.


Có thể nói người con ở miền Nam xa xôi gặp người cha kính yêu là một khát khao “Miền Nam mong Bác nỗi mong cha” và giờ đây niềm khao khát đã trở thành hiện thực. Bước chân vào lăng dòng cảm xúc nhà thơ lại trào dâng khi thấy hình ảnh:


“Bác nằm trong giấc ngủ bình yên

Giữa vầng trăng sáng dịu hiền

Vẫn biết trời xanh là mãi mãi

Mà sao nghe nhói ở trong tim.”


Không khí trong lăng thật yên tĩnh với hình ảnh Bác nằm với tư thế thanh thản và đang trong giấc ngủ bình yên. Cách nói giảm nói tránh trong tâm tưởng nhà thơ Bác vẫn còn sống mãi. Ngắm nhìn Bác mà nhà thơ lại xúc động khi nghĩ đến những năm tháng đất nước còn chiến tranh Bác có nhiều đêm không ngủ “Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.” Giờ đây đất nước thống nhất Bác mới có giấc ngủ bình yên.


Người nằm đó mà xung quanh là ánh sáng trong trẻo của vầng trăng. Vầng trăng trên trời cao kia cũng đi vào trong lăng soi sáng nơi Người yên nghỉ. Dường như giữa người và thiên nhiên bao giờ cung có sự giao hòa trăng đã trở thành đề tài trong thơ Bác và trở thành người bạn tri kỉ. Hay vầng trăng kia là chỉ Bác người có tâm hồn trong sáng thanh cao.


Cách biểu đạt nghệ thuật ẩn dụ “trời xanh” ví Bác như bầu trời cao rộng mà nhà thơ muốn ngợi ca sự vĩ đại trường tồn vĩnh cửu của người như hóa thân vào non sông đất nước sánh ngang cùng trời đất sống mãi trong lòng người. Cặp từ “Vẫn biết- mà sao” lí trí tâm tưởng luôn khẳng định Bác vẫn còn sống nhưng trở lại hiện thực người đã đi xa một tổn thất lớn của dân tộc. Người mãi mãi đi làm cho lòng người đau nhói nỗi đau quặn thắt không nói lên lời.


Chính vì vậy mà khi chân còn ở trên đất Bác nghĩ đến ngày mai trở về nhà thơ cảm thấy buồn, xúc động lưu luyến không muốn xa rời. Dòng cảm xúc ấy rất tự nhiên, chân thành tuôn trào thành giọt nước mắt để rồi nhà thơ bày tỏ những ước nguyện:


“Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác

Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây

Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này...”


Viễn Phương muốn làm con chim để dâng tiếng hót hay nhất của mình nơi lăng Bác, muốn làm bông hoa để khoe hương khoe sắc làm đẹp nơi Bác yên nghỉ, muốn làm cây tre để đứng canh cho giấc ngủ của Người. Nghệ thuật ẩn dụ con chim, nhành hoa, cây tre chỉ nhà thơ Viễn Phương người muôn hóa thân vào những gì nhỏ bé nhưng đẹp đẽ để được gần gũi nơi Bác yên nghỉ.


Điệp ngữ “muốn làm” điệp cấu trúc điệp cách phô diễn càng làm cho những ước nguyện chân thành tha thiết. Hình ảnh cây tre trung hiếu còn là lời thề thiêng liêng nguyện trung thành với lí tưởng của người. Hình ảnh cây tre kết thúc ở cuối bài tạo cách kết thúc đầu cuối tương ứng.


Bài thơ kết cấu của thể thơ tám chữ, từ ngữ hay, giàu cảm xúc, hình ảnh đẹp “mặt trời, vầng trăng,…” cách biểu đạt của nghệ thuật ẩn dụ cùng với giọng điệu nhẹ nhàng trang nghiêm thành kính đã diễn tả cảm xúc của nhà thơ khi đứng trước lăng bác, vào trong lăng Bác và lúc ra về.


Đó là tâm trạng của tất cả mọi người khi đến nơi đây. Và với những bài thơ của Tố Hữu hay “Đêm nay Bác không ngủ” của Minh Huệ, “Người đi tìm hình của nước” của Chế Lan Viên các tác giả không chỉ đóng góp những bài thơ hay viết về Bác Hồ mà còn muốn ca ngợi về Người bằng tình cảm xuất phát từ tận đáy lòng, bằng tình yêu quý tự hào và biết ơn.


Bài thơ đã cho thấy tình cảm của Viễn Phương nói riêng và cả của dân tộc nói chung dành cho Bác. Qua đó em rất yêu quý và tự hào về Bác em hứa sẽ cố gắng học tập, thực hiện tốt năm điều Bác Hồ dạy để trở thành người công dân tốt.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Hồng Quyên

225 chủ đề

2179 bài viết

Cùng chủ đề
0