31/03/2021, 15:32

Bài văn nghị luận về tinh thần tự học số 9 - 15 Bài văn nghị luận về tinh thần tự học lớp 9 hay nhất

Bill Gates từng nói rằng “Nhà trường chỉ cho chúng ta chiếc chìa khóa tri thức, còn học trong cuộc sống là công việc cả đời”. Việc cả đời ấy không gì khác chính là tự học. Bởi chỉ có tự học, chúng ta mới có thể lĩnh hội tri thức, độc lập và thành công, là công dân của thời đại mới. ...

Bill Gates từng nói rằng “Nhà trường chỉ cho chúng ta chiếc chìa khóa tri thức, còn học trong cuộc sống là công việc cả đời”. Việc cả đời ấy không gì khác chính là tự học. Bởi chỉ có tự học, chúng ta mới có thể lĩnh hội tri thức, độc lập và thành công, là công dân của thời đại mới.


Trước hết chúng ta cùng tìm hiểu tự học là gì? Tự học là tinh thần chủ động, trong tiếp nhận tri thức, và vận dụng sáng tạo lý thuyết vào thực hành, là tích cực tìm hiểu, khám phá những kiến thức mới, là học mọi lúc mọi nơi và học từ mọi người.

Tại sao chỉ có tự học, chúng ta mới đạt được thành công trong cuộc sống? Ca dao có câu “Muốn sang thì bắc cầu Kiều/ Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”. Người thầy có vai trò quan trọng trong việc truyền bá tri thức song việc tiếp nhận tri thức ấy lại phụ thuộc vào bản thân mỗi người. Thầy cô có thể truyền thụ tri thức nhưng không thể ghi nhớ và học tập thay chúng ta.


Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại cũng từng khẳng định: “Trong cách học, phải lấy tự học làm cốt." Chỉ có tự học mới có niềm say mê, hứng thú, chủ động trong học tập. Chủ động suy nghĩ, tìm tòi, nghiên cứu, người tự học sẽ phát triển tính sáng tạo, khả năng tư duy của bản thân khi đứng trước vấn đề. Chúng ta chỉ có thể dựa vào chính mình, cho nên từ độc lập trong suy nghĩ, sẽ tạo dựng được được độc lập trong hành động và cuộc sống. “Hãy học khi người khác ngủ; lao động khi người khác lười nhác; chuẩn bị khi người khác chơi bời; và có giấc mơ khi người khác chỉ ao ước.” (William Arthur Ward).


Tự học bổ ích bởi kiến thức của nhân loại là vô cùng tận còn sự hiểu biết của chúng ta chỉ như giọt nước giữa đại dương mênh mông, như một hạt cát giữa sa mạc rộng lớn. Kiến thức chúng ta được học ở nhà trường chỉ có thể đáp ứng một phần rất nhỏ nhu cầu hiểu biết của con người. Tự học giúp chúng ta bắt kịp những thức phong phú, mới mẻ, đáp ứng được nhu cầu của thời đại. Dù làm ngành gì, nghề gì, chúng ta cũng cần tự học, “Nhà bác học không có nghĩa là ngừng học” (Đac-uyn).


Tự học mang lại sự hứng thú cũng giống như thú đi chơi bộ “Người ta được tự chủ, tự do, người ta vui vẻ. Người ta đi, người ta ngừng, người ta lại di, không có gì bó buộc, không có gì ngăn cản” (Huy-gô). Tự học như một chuyến dạo chơi bằng trí óc, học ở mọi nơi, mọi nguồn khác nhau. Học tập không chỉ còn là trách nhiệm, là áp lực nữa mà trở thành một thú vui, “Sự học xua đuổi sự chán ngán, khuây khoả được nỗi buồn rầu, tiêu tan được niềm đau đớn. Nó làm vui vẻ và đông đúc cái cảnh cô tịch” (Lê-guy).


Macxim Gorki, bằng tinh thần tự học từ nhỏ đã trở thành nhà văn kiệt xuất của nền văn học Nga thế kỉ 20. Mồ côi khi chỉ mới mười tuổi, Gorki đã sớm bươn trải trong trường đời lắm gian lao. Cậu phải làm việc nhiều, đến mê mụ cả người, ngày nào cũng chồng chất hàng đống công việc lặt vặt. Bằng đôi chân của mình, Gorki đi khắp nước Nga, dọc theo sông Volga vĩ đại, xuyên qua những thảo nguyên vùng sông Đông mênh mông, những cánh đồng Ucraina màu mỡ, đi xuống Biển Đen, rồi tiến lên vùng núi Kavkaz hùng vĩ. Ông tự mày mò, tự tìm hiểu để viết lên những trang văn thấm đẫm chất đời. Có thể nói, Maxim Gorky là một huyền thoại: một con người từ nơi dưới đáy cùng của xã hội, hoàn toàn bằng con đường tự học đã vươn lên thành một trong những nhân vật vĩ đại nhất của văn học Nga nói riêng và nước Nga xô viết nói chung.


Không thể phủ nhận vai trò của tự học trong hành trình chiếm lĩnh tri thức của con người. Đương nhiên, điều đó không có nghĩa là chúng ta coi nhẹ tầm quan trọng của nhà trường và của người thầy. Người thầy chính là người định hướng, soi đường và chúng ta chính là người tiếp tục tiến lên dưới ánh sáng của thầy cô để đến với những chân trời tri thức mới, lớn lao hơn. “Ngu dốt không đáng xấu hổ như không chịu học hỏi” (Benjamin Franklin) và “thà học muộn còn hơn là không bao giờ học” (Publilius Syrus). Để việc tự học đạt được hiểu quả cao nhất, chúng ta cần sự kiên trì, nỗ lực không ngừng, không ngại cái mới, cái khó, có một phương pháp học tập hợp lí... Thật đáng xấu hổ cho những con người không bao giờ chịu học hỏi, luôn cho mình là đúng hay luôn cố gắng che giấu sự ngu dốt của bản thân mình...


Tất cả chúng ta đều là người mới học. Thật sai lầm khi nghĩ rằng rời khỏi trường học là kết thúc việc học thêm những điều mới. Cuộc sống chính là một quá trình không ngừng tự học và không ngừng vươn lên.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

nhi nguyen

238 chủ đề

2591 bài viết

Cùng chủ đề
0