31/03/2021, 15:32

Bài văn nghị luận về tình cảm giữa cha mẹ và con cái số 1 - 6 Bài văn nghị luận về tình cảm giữa cha mẹ và con cái trong xã hội ngày nay (lớp 9) hay nhất

Là người Việt Nam, có lẽ ai cũng sẽ thuộc bài hát ngọt ngào và dễ thương của nhạc sĩ Ngọc Lễ: “Ba là cây nến vàng. Mẹ là cây nến xanh Con là cây nến hồng Ba ngọn nến lung linh Thắp sáng một gia đình…”. Lời bài hát giản dị mà vô cùng ý nghĩa, ngợi ca tình cảm gắn bó giữa ...

Là người Việt Nam, có lẽ ai cũng sẽ thuộc bài hát ngọt ngào và dễ thương của nhạc sĩ Ngọc Lễ:

“Ba là cây nến vàng.

Mẹ là cây nến xanh

Con là cây nến hồng

Ba ngọn nến lung linh

Thắp sáng một gia đình…”.


Lời bài hát giản dị mà vô cùng ý nghĩa, ngợi ca tình cảm gắn bó giữa những thành viên trong một gia đình. Đó là thứ tình cảm tự nhiên, đầu tiên và đáng gìn giữ trong cuộc đời của mỗi con người. Khi chúng ta sinh ra, cất tiếng khóc chào đời, cha mẹ là những người luôn luôn yêu thương, vỗ về để nuôi chúng ta nên người. Khi chúng ta lớn lên, ra ngoài xã hội để học tập và làm việc, chính cha mẹ là người luôn dõi theo mọi hành động, mọi bước đi của ta, cha mẹ là người bên ta mỗi khi ta mệt mỏi hay vấp ngã. Tình cảm gia đình dường như là thứ tình yêu thiên bẩm, là sợi dây thiêng liêng gắn kết mọi người. Ông cha ta có câu:


“Công cha như núi Thái Sơn,

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Một lòng thờ mẹ kính cha,

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.


Câu ca dao thật là quen thuộc đến độ ai cũng có thể đọc thuộc lòng, nhưng không phải ai cũng cảm nhận thật sự ý nghĩa của nó và làm tròn được “đạo con”. Tất cả chúng ta có ai là không do cha sinh mẹ dưỡng, có ai có mặt trên cõi đời này mà không nhờ ơn cha mẹ. Cha mẹ là những người có công sinh thành, dưỡng dục ra mỗi chúng ta. Hình ảnh người cha tựa núi Thái Sơn hùng vĩ ngất trời, hình ảnh của mẹ như nước ngoài biển Đông mênh mông rộng lớn, bao la.


Tuy mỗi người có những cách dạy dỗ con cái, thiên chức của mỗi người khác nhau nhưng đều hướng tới một ước mơ: “Con cái sẽ nên người, sẽ trưởng thành, biết sống tự lập, hội tụ đầy đủ cả sức mạnh thân thể lẫn trí tuệ tinh thần. Trong gia đình, cha gánh vác, cáng đáng những công việc nặng nhọc nhất, xông xáo với đời lo xây dựng cơ nghiệp. Đối với nhà, cha là trụ cột vững chắc của vợ con. Công lao của cha nhiều vô kể. Bởi vậy dân gian ta mới có câu so sánh cha như ngọn núi sừng sững hiên ngang. Và nếu chỉ có cha không thì liệu người con có thể hình thành, phát triển và tu dưỡng nhân phẩm một cách hoàn thiện.


Vai trò của của mẹ cũng to lớn không kém. Mẹ là người đã phải mang nặng đẻ đau, ấp iu, bồng bế, bú mớm cho chúng ta, nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa, chăm sóc từng li từng tí một. Đó chính là tình cảm sâu nặng, một ân tình lớn lao mà mẹ dành cho con, tưởng chừng không bao giờ hết như nước không bao giờ cạn. Là một người con đất Việt được tiếp thụ truyền thống dân tộc, không ai là không biết đến tình mẫu tử thiêng liêng, tình phụ tử cao cả. Hình ảnh sóng biển lan tỏa ngoài biển khơi và cả hình ảnh từng đợt sóng cuộn trào dưới chân núi, đó chính là lời nhắn nhủ hãy ghi nhớ công lao của cha, tình nghĩa của mẹ dành cho mỗi chúng ta. Người cha tượng trưng cho tình cảm tha thiết, mặn mà. Hai yếu tố nhu và cương đó phải luôn in sâu, khắc kĩ vào trái tim, vào khối óc hay nói chung là luôn hiện hữu trong thân xác, tinh thần người con thì mới có thể tương trợ, hòa hợp dẫn đến sự thành đạt trong cuộc đời.


“Có nuôi con mới biết lòng cha mẹ”, bởi công lao cha mẹ chăm nuôi con vất vả nhiều bề. “Chín chữ cù lao” mà con phải nhớ là một cách thể hiện tấm lòng thành kính, mến yêu cha mẹ của con cái. Không chỉ vậy, làm con phải hiếu thảo với cha bằng chính những hành động cụ thể của mình, phải chăm lo báo hiếu với cha mẹ - đó mới là tấm lòng hiếu thảo của phận làm con. Không chỉ là tình mẫu tử, phụ tử, tình cảm gia đình còn là tình cảm của con cháu đối với ông bà, với những thế hệ đi trước. Ca dao có câu:


“Ngó lên nuộc lạt mái nhà,

Bao nhiêu nuộc lạt nhớ ông bà bấy nhiêu”.


Tình cảm yêu kính, thương nhớ của con cháu đối với ông bà được thể hiện một cách thật giản dị và giàu hình ảnh. Nuộc lạt mái nhà làm sao có thể đo đếm cũng giống như tấm lòng nhớ thương yêu kính của con cháu trong gia đình đối với ông bà không thể đếm được. Ông bà là người đã sinh thành ra cha mẹ ta, là người đã nuôi dưỡng chúng ta khôn lớn và trưởng thành, là người luôn dành cho con cháu những tình cảm yêu thương trìu mến nhất. Chính vì thế, là thế hệ đi sau, mỗi chúng ta phải ghi nhớ công ơn và hiếu thuận với ông bà, tổ tiên. Tình cảm gia đình còn là sự gắn bó yêu thương giữa những anh chị em trong nhà. Ông cha ta có lời răn:


“Anh em nào phải người xa,

Cùng chung bác mẹ, một nhà cùng thân.

Yêu nhau như thể tay chân,

Anh em hòa thuận hai thân vui vầy”.


Trong một gia đình, anh chị em là những người ruột thịt gần gũi nhau nhất. Sự hòa thuận, thương yêu, đùm bọc nhau giữa những người con trong gia đình là niềm vui, hạnh phúc của cha mẹ. Anh chị em phải gắn bó với nhau như chân liền với tay trên cùng một cơ thể, không thể tách rời. Đó chính là yếu tố giúp cho gia đình hòa thuận, hạnh phúc.


Tóm lại, gia đình là cái nôi đầu tiên để trẻ thơ học hỏi và cũng là nơi cuối cùng con người ta muốn trở về sau biết bao mệt mỏi, ưu phiền ngoài xã hội. Tình cảm giữa ông bà, cha mẹ, anh chị em và con cháu là thứ tình cảm huyết thống thiêng liêng nhất nâng đỡ tâm hồn con người, để mỗi chúng ta sống tốt hơn, đẹp hơn. Xin mượn câu nói nổi tiếng của Gớt để kết bài: “Dù là vua chúa hay dân cày, kẻ nào tìm thấy được sự bình yên trong gia đình là người hạnh phúc nhất”.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Trần Bảo Ngọc

227 chủ đề

44292 bài viết

Có thể bạn quan tâm
0