31/03/2021, 14:52

Bài soạn "Vợ nhặt" số 3 - 6 Bài soạn "Vợ nhặt" của Kim Lân lớp 12 hay nhất

A. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM 1. Tác giả Kim Lân (1920-2007), tên khai sinh là Nguyễn Văn Tài, quê ở làng Phù Lưu, xã Tâm Hồng ,huyện Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông chỉ được học hết tiểu học, rồi vừa làm thợ sơn guốc, khắc tranh bình phong vừa viết văn. Năm ...

A. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM

1. Tác giả

Kim Lân (1920-2007), tên khai sinh là Nguyễn Văn Tài, quê ở làng Phù Lưu, xã Tâm Hồng ,huyện Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông chỉ được học hết tiểu học, rồi vừa làm thợ sơn guốc, khắc tranh bình phong vừa viết văn. Năm 1944, Kim Lân tham gia Hội văn hóa cứu quốc, sau đó liên tục hoạt động văn hóa cứu quốc, sau đó liên tục hoạt động văn nghệ phục vụ kháng chiến và cách mạng
Tác phẩm chính: Nên vợ nên chồng (truyện ngắn 1955), Con chó xấu xí (tập truyện ngắn, 1962)
Kim Lân là cây bút chuyên viết truyện ngắn, ông thường viết về nông thôn và người nông dân. Ông có những trang viết đặc sắc về phong tục và đời sống làng quê - những thú chơi và sinh hoạt văn hóa cổ truyền của người nông dân vùng đồng bằng Bắc Bộ được gọi là những "thú đồng quê", "phong lưu đồng ruộng" như chơi núi non bộ, thả chim, đánh vật, chọi gà,... Ông viết chân thật mà sâu sắc về cảnh làng quê mà ông hiểu sâu sắc và tâm lí của họ - những con người gắn bó tha thiết với quê hương và cách mạng.
Năm 2001, Kim Lân được tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật


2. Tác phẩm

Tác phẩm Vợ nhặt là truyện ngắn xuất sắc nhất của Kim Lân in trong tập Con chó xấu xí (1962). Tiền thân của truyện ngắn này là tiểu thuyết xóm ngụ cư - được viết ngay sau Cách mạng tháng Tám nhưng đang dang dở và bị thất lạc bản thảo. Sau khi hòa bình lập lại (1954) ông dựa vào một phần cốt truyện để viết truyện ngắn này
Tóm tắt tác phẩm: Vợ nhặt là tác phẩm kể về nhân vật Tràng sống trong nạn đói năm 1945, một thời kì khủng khiếp, người chết chất đống còn người sống thì như những bóng ma. Tràng, một người nông dân nghèo, xấu xí, ế vợ lại dở hơi, làm nghề kéo xe bò thuê và nuôi một người mẹ già. Một hôm, Tràng dẫn về nhà một người phụ nữ đang lâm vào hoàn cảnh đói rách cùng đường. Tràng có vợ vô cùng đột ngột và bất ngờ, chỉ từ một câu nói đùa, và bữa ăn là bốn bán bánh đúc, người phụ nữ đó đã ưng thuận theo Tràng về mà không cần bất kì cái gì. Mẹ Tràng- bà cụ Tứ và cả cái xóm ngụ cư vô cùng ngạc nhiên. Bà cú Tứ đón nhận người con dâu với một tâm trạng buồn có, lo có nhưng cũng vừa vui, vừa hi vọng, chấp nhận mà không một lời trách hay tỏ thái độ chê bai người phụ nữ đó. Buổi sáng đầu tiên đón con dâu, bà cụ Tứ chuẩn bị một bữa cháo kèm theo là nồi chè cám nhưng trong đó là cả một tấm lòng của người mẹ già. Nhìn cảnh người phụ và mẹ dọn dẹp, quét tước và bữa cơm gia đình, Tràng như trở thành một người đàn ông có trách nhiệm hơn và thấy gắn bó với gia đình hơn. Tiếng trống thúc thuế vang lên, cùng lời kể về Việt Minh của vợ, trong đầu Tràng hiện lên hình ảnh người người cùng nhau, kéo nhau đi phá kho thóc Nhật, và lá cờ đỏ bay phất phới khắp nơi.


B. BÀI TẬP VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI

Câu 1: Trang 33 sgk ngữ văn 12 tập 2

Dựa vào mạch truyện, có thể chia tác phẩm thành mấy đoạn? Nêu ý chính của mỗi đoạn và cho biết mạch truyện đã được dẫn dắt như thế nào?

Bài làm:
Bố cục: 4 phần
Phần 1 (từ đầu đến tự đắc với mình) : Tràng đưa người vợ nhặt về nhà.
Phần 2 (tiếp đến đẩy xe bò về): kể lại chuyện hai người gặp nhau và nên vợ nên chồng.
Phần 3 (tiếp đến nước mắt chảy ròng ròng): Tình thương của người mẹ nghèo khó.
Phần 4 (phần còn lại): niềm tin vào tương lai tươi sáng.
Mạch truyện sẽ được dẫn dắt hợp lý. Có thể nói tất cả các cảnh huống được thể hiện trong truyện đều khởi đầu từ việc anh Tràng nhặt được vợ giữa những ngày đói khủng khiếp ấy.Thế nhưng tác phẩm lại được mở ra từ cảnh Tràng đưa "vợ nhặt" về nhà gặp mẹ rồi mới kể lại chuyện hai người gặp nhau và nên duyên vợ chồng, điều này khiến tác phẩm trở nên hấp dẫn hơn.


Câu 2: Trang 33 sgk ngữ văn 12 tập 2
Vì sao người dân xóm ngụ cư lại ngạc nhiên khi thấy anh Tràng đi cùng với một người đàn bà lạ về nhà? Sự ngạc nhiên của dân làng, của bà cụ Tứ và chính Tràng nữa cho thấy tác giả đã sáng tạo được một tình huống truyện độc đáo như thế nào? Tình huống truyện có tác dụng gì đối với nội dung, ý nghĩa của tác phẩm?
Bài làm:
Sở dĩ người dân xóm ngụ cư và các nhân vật khác trong truyện như bà cụ Tứ, và cả bản thân Tràng đều đã ngạc nhiên vì Tràng có vợ giữa cảnh nạn đói đang đe dọa. Tràng là một người có ngoại hình xấu, lời ăn tiếng nói cũng cộc cằn, thô kệch. Gia cảnh của Tràng nghèo khổ, lại là dần xóm ngụ cư (không có ruộng đất). Nguy cơ ế vợ đã rõ. Gặp nạn đói khủng khiếp, cái chết đang đeo bám, mọi người đều nghĩ đến lấy gì mà ăn để sống qua ngày, thì đột nhiên Tràng lại lấy vợ. Trong cảnh đói, Tràng "nhặt" được vợ là "nhặt" thêm một miệng ăn, cũng đồng thời là nhặt thêm tai họa cho mình. Vì vậy, việc Tràng có vợ là một nghịch cảnh éo le, vui buồn lẫn lộn, cười ra nước mắt. Dân xóm ngụ cư ngạc nhiên, cùng bàn tán, phán đoán rồi cũng nghĩ: "biết có nuôi nổi nhau sống qua cái thì này không?" và họ cũng im lặng. Bà cụ Tứ, mẹ Tràng lại càng ngạc nhiên hơn. Bà lão chẳng hiểu gì, rồi "cúi đầu im lặng" với nỗi lo riêng mà rất chung: "Biết chúng có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không?". Bản thân Tràng cũng bất ngờ với chính hạnh phúc của mình. "Nhìn thị ngồi ngay giữa nhà đến bây giờ hắn vẫn còn đang ngờ ngợ". Thậm chí sáng hôm sau Tràng vẫn chưa hết bàng hoàng.


Sự ngạc nhiên cho thấy tác giả đã xây dựng được một tình huống truyện độc đáo. Tình huống truyện mà Kim Lân xây dựng vừa bất ngờ, vừa nghịch lí nhưng cũng vừa có lí (nghịch lí là anh cu Tràng có vợ giữa những ngày đói, không biết có nuôi nổi mình không mà còn đèo bòng; có lí là vì đói nên anh cu Tràng kẻ tưởng chừng đã ế không lấy được vợ vì đói khát nên mới có vợ theo, cô vợ cũng chỉ vì đói nên theo Tràng)


Qua tình huống đó, tác phẩm thể hiện rõ giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo và giá trị nghệ thuật. Giá trị hiện thực: tố cáo tội ác thực dân, phát xít qua bức tranh xám xịt về thảm cảnh chết đói. "Nhặt vợ" là "nhặt" được hạnh phúc, nhưng khi nó không còn là hạnh phúc nữa mà trở thành cái khốn cùng của cuộc sống. Cái đói quay quắt dồn đuổi đến mức người đàn bà chủ động gợi ý đòi ăn. Chỉ vì đói quá mà người đàn bà tội nghiệp này ăn luôn và "ăn liền một chặp bốn bát bánh đúc". Chỉ cần vài lời nửa đùa nửa thật chị đã chấp nhận theo không Tràng. Giá trị con người bị phủ nhận khi chỉ vì cùng đường, đói khát mà phải trở nên trơ trẽn, liều lĩnh, bất chấp cả thẹn. Cái đói đã bóp méo cả nhân cách con người.


Giá trị nhân đạo: Tình nhân ái, cưu mang đùm bọc nhau, khát vọng hướng tới sự sống và hạnh phúc... Điều mà Kim Lân muốn nói là trong bối cảnh bi thảm, giá trị nhân bản không mất đi, con người vẫn cứ vươn lên để tiếp tục sống, đế sinh con đẻ cái, để hướng tới tương lai. Người đàn bà đi theo Tràng đã chạy trốn cái đói, cái chết để hướng đến sự sống. Bà cụ Tứ, một bà lão luôn nói đến chuyện tương lai, chuyện sung sướng về sau, nhen lên niềm hi vọng cho con. Đặc biệt là nhân vật Tràng, giữa cảnh chết đói, anh ta vẫn lấy vợ, vẫn nghĩ đến tương lai và hạnh phúc. Đúng như tác giả đã nói, đại ý: những người nghèo khổ, ngay bên cạnh cái chết, họ vẫn không ngừng tìm đến hạnh phúc.


Về nghệ thuật: tình huống độc đáo khiến truyện phát, triển dễ dàng và làm nổi bật được những cảnh đời, những thân phận con người bất hạnh, làm nổi bật chủ đề tư tưởng tác phẩm.


Câu 3: Trang 33 sgk ngữ văn 12 tập 2
Dựa vào nội dung truyện giải thích nhan đề vợ nhặt. Qua hiện tượng nhặt được vợ của Tràng anh chị hiểu gì về tình cảnh và thân phận của người nông dân nghèo trong nạn đói khủng khiếp năm 1945?
Bài làm:
Qua câu chuyện ta hiểu rõ hơn về nhan đề vợ nhặt. Thông thường lấy vợ là chuyện quan trọng của cả một đời người, đời người đàn ông có ba việc lớn cần làm đó là lấy vợ, tậu trâu và làm nhà. Lấy vợ là việc có ý nghĩa quan trọng đánh dấu một bức ngoặc lớn. Vì thế sẽ phải được tổ chức long trọng có sự chứng kiến của bà con hai bên họ hàng đến chúc mừng. Nhưng ở đây, chỉ với vài câu bông đùa mà Tràng đã có vợ.Còn chị vợ không cần phải cưới hỏi hay của hồi môn mà chỉ vài bát bánh đúc đã theo không Tràng về nhà.


Trong cuộc hôn nhân này hoàn toàn không có ăn hỏi, sính lễ, sự chủ động của hai người cô dâu và chú rể, không có của hồi môn, cỗ cưới cũng như sự chúc mừng của hai bên họ hàng. Tất cả diễn ra rất ngẫu nhiên thậm chí rất tình cờ và bất ngờ. Nó khiến ai cũng ngạc nhiên đến ngay cả Tràng - người trong cuộc cũng thấy ngỡ ngàng và không tin đây là sự thật. Lấy vợ là niềm hạnh phúc của hai vợ chồng nhưng trong cái đói cái khổ, niềm hạnh phúc đó thực sự là quá nhỏ so với nỗi lo về miếng ăn, thêm một miệng ăn là thêm nỗi lo lắng. Như vậy, qua hiện tượng nhặt được vợ của Tràng ta thấy rõ hơn tình cảnh và thân phận của người nông dân nghèo trong nạn đói khủng khiếp năm 1945. Cái đói, cái rét làm mất đi nhu cầu hạnh phúc của con người, họ phải làm mọi cách để bám víu cuộc sống, để có cái ăn, cái mặc.


Câu 4: Trang 33 sgk ngữ văn 12 tập 2
Kim Lân đã có những phát hiện tinh tế và sâu sắc như thế nào khi thể hiện niềm khát khao tổ ấm gia đình của nhân vật Tràng (lúc quyết định lấy vợ, khi dẫn vợ về qua xóm ngụ cư và nhất là trong buổi sáng đầu tiên sau khi có vợ)?
Bài làm:
Vì có vốn hiểu biết sâu sắc về người nông dân, nên ông đã rất tinh tế và sâu sắc khi phát hiện niềm khao khát tổ ấm gia đình của anh cu Tràng thể hiện qua những tình tiết sau:
Lúc quyết định lấy vợ: Vì tưởng là mình nói đùa và người đàn bà cũng sẽ không tin là thật. Vì thế Tràng cũng chợn, lo lắng nghĩ "thóc gạo này đến cái thân mình cũng chả biết có nuôi nổi không, lại còn đèo bòng". Thế nhưng, cuối cùng Tràng lại tặc lưỡi một cái "chậc, kệ". Đấy chính là niềm khát khao của người nông dân về mái ấm gia đình luôn trong tiềm thức của người nông dân, giờ đây khi có điều kiện thì bật thành tiếng nói, thành hành động. Tràng muốn có vợ hơn là nỗi sợ về cái đói.


Khi dẫn vợ về qua xóm ngụ cư: Khi dẫn vợ về nhà qua xóm ngụ cư Tràng không lầm lũi như mọi ngày nữa, tâm trạng hắn khác hẳn, vẻ mặt hắn có một vẻ gì phớn phở khác thường. Hắn tủm tỉm cười- nụ cười một mình và hai mắt sáng lên lấp lánh...rồi hắn thấy làm thích, cái mặt cứ vênh lên tự đắc với mình. Điều này cho thấy Kim Lân thật tinh tế khi diễn tả đúng tâm trạng của một người đàn ông tưởng chừng ế vợ lần đầu tiên dẫn vợ về qua xóm mình (một niềm vui hạnh phúc, một tâm trạng đắc chí vì mình đã có vợ).


Trong buổi sáng đầu tiên sau khi có vợ: Tâm trạng của Tràng cũng có sự đổi khác. Khi ngủ dậy Tràng thấy người êm ái lửng lơ như người vừa trong giấc mơ đi ra. Hắn có vợ đến hôm nay hắn vẫn ngỡ ngàng như không phải. Hắn nhận ra xung quanh có cái gì vừa mới thay đổi mới mẻ, khác lạ. Nhà cửa sân vườn hôm nay đều được quét tước, thu dọn sạch sẽ gọn gàng, cái ang nước vẫn để khô cong dưới gốc ổi đã kín nước đầy ăm ắp,.. mẹ hắn nhổ cỏ mọc nham nhở,vợ hắn quét lại cái sân,.. cảnh tượng thật bình thường nhưng với hắn lại thấm thía cảm động. Bỗng nhiên hắn thấy yêu thương gắn bó với căn nhà của hắn lạ lùng. Hắn đã có gia đình, hắn cùng vợ sinh con đẻ cái ở đấy,.. Hắn thấy hắn có bổn phận lo lắng cho vợ con sau này...Vì khao khát hạnh phúc vì thế khi có vợ, hắn đã thay đổi thấy bản thân trưởng thành, thấy mình có bổn phận lo lắng cho vợ con sau này, thấy cái nhà như cái tổ ấm che mưa che nắng.


Như vậy khát khao về tổ ấm gia đình của Tràng đã được Kim Lân diễn tả thật thấm thía và cảm động. Cái hạnh phúc ấy làm thay đổi một con người. Điều này tháy được tinh thần nhân đạo của ông khi ông viết về người nông dân dẫu trong cái đói, cái rét trong bờ vực thẳm của cái chết họ vẫn không ngừng hướng tới hạnh phúc và yêu thương gia đình.


Câu 5: Trang 33 sgk ngữ văn 12 tập 2
Phân tích tâm trạng buồn vui xen lẫn của bà cụ Tứ. Qua đó anh chị hiểu gì về tam lòng của bà mẹ nông dân này?
Bài làm:
Tâm trạng bà cụ Tứ buồn vui lẫn lộn, bà buồn vì thấy thương và xót xa cho con trai mình, người ta dựng vợ gả chồng cho con lúc gia đình ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này. Còn mình thì bổn phận làm mẹ bà chẳng lo lắng cho con được. Bà lo lắn liệu rằng chúng nó có nuôi nổi nhau cơn đói khát này không.Bà lo lắng liệu rằng có nuôi nổi nhau qua cơn đói khát này không"bà lão đăm đăm nhìn ra ngoài. Bóng tối trùm lấy hai con mắt,...bà nghĩ tới ông lão nghĩ tới đứa con gái út, ngĩ tới cuộc đời khổ cực dài đằng đẵng của mình.


Bà vui vì con trai mình đã có vợ, nó yên bề nó. Bà không khinh rẻ người đàn bà theo không con trai mình, ngược lại bà thấy thương xót người phụ nữ cũng vì hoàn cảnh đói khát người ta mới lấy đến con trai mình, con trai mình mới có vợ. Nén vào lòng tất cả, bà đang dang tay đón người đàn bà xa lạ làm con dâu mình: "ừ, thôi thì các con phải duyên, phải số với nhau, u cũng mừng lòng". Bữa cơm đầu tiên đón nàng dâu mới, bà cụ Tứ đã nhen nhóm cho các con niềm tin, niềm hi vọng: "Tao tính khi nào có tiền mua lấy con gà về nuôi, chả mấy mà có đàn gà cho xem".


Bà cụ Tứ là hiện thân của nỗi khổ cuộc sống. Người mẹ ấy đã nhìn cuộc hôn nhân éo le của con thông qua toàn bộ nỗi đau khổ của cuộc đời bà. Bà lo lắng trước thực tế quá nghiệt ngã. Bà mừng một nỗi mừng xót xa. Từ ngạc nhiên đến xót thương, nhưng trên hết vẫn là tình yêu thương. Cũng chính bà cụ là người nói nhiều nhất về tương lai rất cụ thể thiết thực với những gà, lợn, ruộng, vườn,rồi nồi cháo cám là phương tiện tiếp năng lượng của bà truyền cho hai đứa con nồi cháo cám bà gọi là chè khoán và vừa múc cháo vừa khen "ngon đáo để cơ" .. Bà muốn các con tin về một tương lai không quá xa vời. Bà là điển hình của người mẹ nông dân đôn hậu lòng yêu thương sâu sắc mà Kim Lân đã khám phá ra.


Câu 6: Trang 33 sgk ngữ văn 12 tập 2
Tìm hiểu nghệ thuật viết truyện ngắn của Kim Lân: cách kể chuyện hấp dẫn, các dựng cảnh gây ấn tưởng với nhiều chi tiết đặc sắc, đối thoại sinh động, miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế, sử dụng ngôn ngữ nông thôn nhuần nhị, tự nhiên.
Bài làm:
Tác phẩm vợ nhặt đã bộc lộ cái tài và cái duyên viết truyện ngắn của Kim Lân. Điều đó được thể hiện ở những phương diện sau:
Trước hết là cách kể chuyện hấp dẫn, cách dựng cảnh với nhiều chi tiết đặc sắc. Cụ thể Kim Lân đã dựng lên một tình huống truyện độc đáo anh cu Tràng người đàn ông tưởng chừng đã ế vợ ấy vậy mà lại có vợ, vợ ở đây lại là nhặt được, vợ theo không Tràng chẳng tốn một chút công sức nào. Và lấy vợ khi cái đói đang đeo bám bản thân Tràng không biết có nuôi nổi mình không mà còn dám đèo bòng. Tác gải kể bằng ngôn từ hài hước, chân thực vừa gây cười lại khiến người đọc xúc động. Kim Lân cũng không quên việc diễn tả cái cảnh thê lương của xóm ngụ cư 'hai bên dãy phố, úp súp, tối om, không nhà nào có ánh đèn lửa. Dưới những gốc đa, gốc gạo xù xì, bóng những người đói dật dờ đi lại lặng lẽ như những bóng ma. Tiếng quạ trên mấy cây gạo ngoài bãi chợ cứ gào lên từng hồi thê thiết. Tát cả những chi tiết ấy đã vẽ lên ột bức tranh xóm nghèo, thê thiết, u ám giữa nạn đói. Bên cạnh đó nhà văn còn tài tình khi xây dựng được nhiều chi tiết đặc sắc nào là nồi cháo cám của bà cụ Tứ, chi tiết Tràng nhớ lại hình ảnh mình đi phá kho thóc Nhật lá cờ đỏ bay phấp phới.


Kim Lân cũng thể hiện sự tài tình của mình khi miêu tả diễn biễn tâm trạng của nhân vật một cách tự nhiên chân thực (tâm trạng của Tràng khi quyết định lấy vợ, lúc dẫn vợ về qua xóm ngụ cư, lúc tỉnh dậy trong buổi sáng sau khi đã có vợ để làm rõ được khao khát hạnh phúc gia đình của Tràng; hay tâm trạng buồn vui lẫn lộn của bà cụ Tứ vừa xót thương kiếp con trai vừa vui vì con trai có vợ, lo lắng cho một tương lai làm sao để sống qua ngày tháng đói rét này)


Phần Luyện tập
Câu 1: Luyện tập trang 33 sgk ngữ văn 12 tập 2

Đoạn văn nào, chi tiết nào của tác phẩm gây xúc động và để lại ấn tượng sâu sắc nhất cho anh (chị)? Vì sao?
Bài làm:
Đọc truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân chi tiết khiến em ấn tượng nhất đó chính là là chi tiết nồi cháo cám của bà cụ Tứ. Nồi cháo cám giữa ngày đói là phương tiện cứu đói bà dành và để đón con dâu. Vừa múc cháo bà vừa khen chè khoán đấy ngon đáo để cơ. Qua chi tiết nồi cháo cám ta cảm nhận rõ bà cụ Tứ - người mẹ đảm đang, yêu thương con hết mực ( mặc dù đã già nhưng bà vẫn dậy sớm chuẩn bị bữa ăn cho cả nhà; hơn thế nữa khi cái đói đang rình rập bà vẫn cố gắng để có được bữa tiệc cưới giản dị cho con trai của mình) .


Không chỉ cảm nhận được bà cụ Tứ mà chúng ta còn cảm nhận được Tràng, “Tràng cầm đôi đũa, gợt một miếng bỏ vội vào miệng. Mặt hắn chun ngay lại, miếng cám đắng chát và nghẹn bứ trong cổ”, cách ứng xử này vừa cho thấy Tràng là người chồng có trách nhiệm với nỗi thẹn không thể dành cho người vợ mới cưới của mình một bữa ăn đủ đầy, một tiệc cưới sang trọng ; vừa cho thấy Tràng là người con hết sức khéo léo trong cách cư xử với mẹ, hiểu rõ được hoàn cảnh của gia đình mình.Vợ Tràng cũng vậy, qua chi tiết này ta càng khẳng định được sự thay đổi về tính cách của vợ Tràng, hết sức ngạc nhiên trước nồi cháo cám nhưng người con dâu mới vẫn điềm nhiên và vào miệng để làm vui lòng mẹ chồng. Điều đó cũng cho thấy vợ Tràng không còn nét cách đỏng đảnh như xưa nữa mà cô đã chấp nhận hoàn cảnh, đã thực sự sẵn sàng cùng gia đình vượt qua những tháng ngày khó khăn sắp tới. Như vậy, nồi cháo cám là nồi cháo của tình thân, tình người , niềm tin và hy vọng điều này là một điểm sáng của tác phẩm chỉ qua chi tiết nhỏ mà thể hiện được tính cách của các nhân vật.


Câu 2: Luyện tập trang 33 sgk ngữ văn 12 tập 2
Phân tích ý nghĩa đoạn kết của tác phẩm.
Bài làm:
Đoạn kết khép lại câu chuyện bằng một hồi trống dồn dập, vội vã. Bà lão cho rằng đó là tiếng thúc thuế và càng đau khổ hơn trong nạn đói này. Nhưng người con dâu và con trai lại nghĩ theo hướng khác. Họ nghĩ đến những đoàn người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới - đó là lá cờ đỏ Việt Minh. Cái tên Việt MInh đã vang lên trong óc họ như một niềm tin, một hy vọng. Vậy là cách mạng đã đến với những người nghèo khổ ngay trong cái nạn đói khủng khiếp này.Hình ảnh “đám người đói và lá cờ đỏ” hiện lên trong tâm trí Tràng vừa gợi ra cảnh ngộ đói khát thê thảm vừa gợi ra những tín hiệu của cuộc cách mạng, cả hai đều là những nét chân thực trong bức tranh đời sống lúc bấy giờ.Kết thúc truyện góp phần thể hiện tư tưởng nhân đạo của Kim Lân: trân trọng niềm khát vọng sống ngay bên bờ vực cái chết của người lao động nghèo; niềm tin bất diệt vào tương lai tươi sáng.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Nguyễn Mỹ Hương

187 chủ đề

43907 bài viết

0