31/03/2021, 15:28

Bài soạn "Sự giàu đẹp của tiếng Việt" số 6 - 6 Bài soạn "Sự giàu đẹp của tiếng Việt" của Đặng Thai Mai lớp 7 hay nhất

A. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM 1. Tác giả Đặng Thai Mai (1902 – 1984), quê ở làng Lương Điền, xã Thanh Xuân, huyện Thanh Chương, Nghệ An Là nhà nghiên cứu văn học nổi tiếng, nhà hoạt động xã hội có uy Trước cách mạng 1945, ông vừa dạy học vừa tham gia hoạt động cách mạng, sáng tác ...

A. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM

1. Tác giả

Đặng Thai Mai (1902 – 1984), quê ở làng Lương Điền, xã Thanh Xuân, huyện Thanh Chương, Nghệ An
Là nhà nghiên cứu văn học nổi tiếng, nhà hoạt động xã hội có uy
Trước cách mạng 1945, ông vừa dạy học vừa tham gia hoạt động cách mạng, sáng tác và nghiên cứu văn học.
Sau 1945, ông giữ nhiều trọng trách trong bộ máy chính quyền và cơ quan văn nghệ,viết một vài công trình nghiên cứu có giá trị lớn
Năm 1996, ông được nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học và nghệ thuật


2. Tác phẩm:

Tên bài do người soạn sách đặt, là đoạn trích phần đầu của bài nghiên cứu Tiếng việt, một biểu hiện hùng hồn của sức sống dân tộc, in lần đầu năm 1967, được bổ sung và tuyển chọn và đưa vào Tuyển tập Đặng Thai Mai, tập II


B. BÀI TẬP VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI

Câu 1: Trang 37 sgk ngữ văn 7 tập 2

Tìm bố cục của bài và nêu ý chính của mỗi đoạn


Bài làm:
Đây chỉ là một đoạn trích nên bố cục không hoàn chỉnh. Có thể chia thành các phần như sau:
Phần mở đầu (đoạn 1, 2): Nêu luận điểm khái quát, lí do tự hào về tiếng Việt và tiếng Việt là một thứ tiếng đẹp, một thứ tiếng hay
Phần khai triển (còn lại): Vẻ đẹp và sức sống của tiếng Việt. Phần này gồm hai ý:
Từ "Tiếng Việt, trong cấu tạo của nó.." đến "..rất ngon lành trong những câu tục ngữ": Tiếng Việt trong con mắt người nước ngoài;
Từ "Tiếng Việt chúng ta gồm có.." đến hết: Những yếu tố tạo nên vẻ đẹp và sức sống của tiếng Việt.



Câu 2: Trang 37 sgk ngữ văn 7 tập 2
Hãy cho biết nhận định "Tiếng Việt có những đặc sắc của một thứ tiếng đẹp, một thứ tiếng hay" được giải thích cụ thể trong đoạn đầu bài văn này như thế nào.
Bài làm:
Nhận định "Tiếng Việt có những đặc sắc của một thứ tiếng đẹp, một thứ tiếng hay" được giải thích khá rõ ràng bằng hai luận cứ qua một cấu trúc lặp có nhịp điệu: "nói thế có nghĩa là nói rằng..." gồm hai vế.
Ở vế thứ nhất (luận cứ 1), tác giả nêu những đặc trưng cơ bản của tiếng Việt "hài hoà về mặt âm hưởng, thanh điệu mà cũng rất tế nhị, uyển chuyển trong cách đặt câu.."
Ở vế thứ hai( luận cứ 2), tiếp nối vế trước, nêu khả năng của tiếng Việt trong việc "diễn tả tình cảm, tư tưởng và thoả mãn cho yêu cầu của đời sống văn hoá nước nhà qua các thời kì lịch sử".


Câu 3: Trang 37 sgk ngữ văn 7 tập 2
Để chứng minh cho vẻ đẹp của tiếng Việt, tác giả đã đưa ra những chứng cớ gì và sắp xếp các chứng cứ ấy như thế nào?
Bài làm:
Để chứng minh cho vẻ đẹp của tiếng Việt, tác giả đã trình bày hai chứng cứ về ý kiến của người nước ngoài về tiếng Việt và ý kiến của bản thân trực tiếp phân tích, miêu tả trên nhiều phương diện. Cụ thể như sau:
Phương thức gián tiếp là trình bày các ý kiến về tiếng Việt của người nước ngoài. Tác giả đã đưa ra những chứng cứ rất toàn diện, từ người không biết tiếng Việt cho đến người biết tiếng Việt. Người không biết tiếng Việt thì chỉ cần căn cứ vào âm thanh cũng nhận ra rằng, "tiếng Việt là một thứ tiếng giàu chất nhạc". Người biết tiếng Việt có thể đưa ra những nhận định cụ thể. Phương thức này tuy không thể cung cấp những nhận định khái quát và đầy đủ nhưng có ưu điểm là rất khách quan.


Để bổ sung cho chứng cứ trên, tác giả trực tiếp phân tích, miêu tả các yếu tố ngôn ngữ của tiếng Việt trên các phương diện cơ bản, từ ngữ âm, ngữ pháp đến từ vựng. Về ngữ âm: tiếng Việt có hệ thống nguyên âm, phụ âm phong phú và rất giàu thanh điệu (sáu thanh). Về ngữ pháp: tiếng Việt rất uyển chuyển, nhịp nhàng. Về từ vựng: tiếng Việt gợi hình, giàu nhạc điệu. Tiếng Việt có khả năng dồi dào trong việc cấu tạo từ ngữ và hình thức diễn đạt. Tiếng Việt có sự phát triển qua các thời kì lịch sử về cả hai mặt từ vựng và ngữ pháp. Cấu tạo và khả năng thích ứng với sự phát triển là một biểu hiện về sức sống mạnh mẽ của tiếng Việt.


Qua hệ thống luận cứ và những dẫn chứng toàn diện về mọi mặt như vậy, tác giả sắp xếp từ những chứng cớ gián tiếp đến trực tiếp, từ người ngoại quốc tới người trong cuộc, làm nổi bật cái đẹp và cái hay của tiếng Việt. Cái đẹp của tiếng Việt thể hiện ở sự hài hoà về âm hưởng, thanh điệu, còn cái hay lại thể hiện trong sự tế nhị, uyển chuyển trong cách đặt câu, có đầy đủ khả năng diễn đạt những tư tưởng, tình cảm của con người và thoả mãn các yêu cầu phát triển của đời sống văn hoá ngày một phức tạp về mọi mặt kinh tế, chính trị, khoa học, kĩ thuật, văn nghệ,...
Ví dụ: Sự kết hợp giữa âm thanh, nhịp điệu và ý nghĩa đã tạo cho các câu thơ Việt một khả năng biểu đạt vô cùng phong phú và sâu sắc:
Con lại về quê mẹ nuôi xưa
Một buổi trưa nắng dài bãi cát
Gió lộng xôn xao, sóng biển đu đưa
Mát rượi lòng ta ngân nga tiếng hát.
(Tố Hữu, Mẹ Tơm)
Đoạn thơ trên rất giàu hình ảnh và nhạc điệu. Buổi trưa nắng dài bãi cát, có gió lộng xôn xao, có sóng biển đu đưa, và lòng người cũng xôn xao, đu đưa cùng với sóng, với gió. Bởi thế nên sự chuyển đổi nghĩa trong câu thơ cuối (lòng ta mát rượi, ngân nga tiếng hát) trở nên hết sức tự nhiên, khiến cho bạn đọc cũng cảm thấy rạo rực, bâng khuâng, dễ dàng đồng cảm, sẻ chia nỗi niềm tâm trạng với tác giả.


Câu 4: Trang 37 sgk ngữ văn 7 tập 2
Sự giàu có và khả năng phong phú của tiếng Việt được thể hiện ở những phương diện nào?
Bài làm:
Tiếng Việt có hệ thống nguyên âm phụ âm phong phú, giàu thanh điệu (6 thanh).
Uyển chuyển, cân đối, nhịp nhàng về mặt cú pháp.
Từ vựng dồi dào giá trị thơ, nhạc, hoạ.
Có khả năng dồi dào về cấu tạo từ ngữ và hình thức diễn đạt.
Có sự phát triển qua các thời kì lịch sử về cả hai mặt từ vựng và ngữ pháp. Có khả năng thích ứng với sự phát triển liên tục của thời đại và cuộc sống.


Câu 5: Trang 37 sgk ngữ văn 7 tập 2
Điểm nổi bật trong nghệ thuật nghị luận ở bài văn này là gì ?
Bài làm:
Về nghệ thuật nghị luận, bài viết này có nhiều ưu điểm nổi bật:
Tác giả đã kết hợp hài hoà giữa giải thích, chứng minh với bình luận.
Tác giả đã sử dụng một hệ thống lập luận chặt chẽ: nêu nhận định khái quát, giải thích bằng nhiều phương thức linh hoạt, tiếp đó dùng các dẫn chứng để chứng minh. Các dẫn chứng được dẫn ra khá bao quát, toàn diện.
Để cho bài viết thêm ngắn gọn, súc tích, tác giả đã nhiều lần sử dụng biện pháp mở rộng thành phần câu.
Ví dụ: "Họ không hiểu tiếng ta, và đó là một ấn tượng, ấn tượng của người "nghe" và chỉ nghe thôi".
Hoặc: "Một giáo sĩ nước ngoài (chúng ta biết rằng nhiều nhà truyền đạo Thiên Chúa nước ngoài cũng là những người rất thạo tiếng Việt), đã có thể nói...". Cách mở rộng câu như vậy giúp tác giả không phải viết nhiều câu, đồng thời lại làm cho các ý gắn kết với nhau chặt chẽ và mạch lạc hơn.


Luyện tập
Bài tập 1: trang 37 sgk Ngữ Văn 7 tập hai

Sưu tầm, ghi lại những ý kiến nói về sự giàu đẹp, phong phú của tiếng Việt và nhiệm vụ giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt
Bài làm:
Những ý kiến nói về sự giàu đẹp, phong phú của tiếng Việt và nhiệm vụ giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là:
Phạm Văn Đồng: "Tiếng Việt của chúng ta rất giàu. Tiếng Việt của chúng ta rất đẹp. Giàu bởi kinh nghiệm đấu tranh của nhân dân ta lâu đời và phong phú. Đẹp bởi tâm hồn của người Việt Nam ta rất đẹp. Hai nguồn của cái giàu, cái đẹp ấy là ở chỗ tiếng Việt là tiếng nói của nhân dân, đầy tình cảm, màu sắc và âm điệu, hồn nhiên, ngộ nghĩnh và đầy ý nghĩa; đồng thời nó là ngôn ngữ của văn học mà những nhà thơ lớn như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du… và những nhà văn, nhà thơ ngày nay ở miền Bắc và miền Nam đã nâng lên đến trình độ rất cao về nghệ thuật."
Bác Hồ: "Tiếng nói là một thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải gìn giữ nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp."


Bài tập 2: trang 37 sgk Ngữ Văn 7 tập hai
Tìm năm dẫn chứng thể hiện sự giàu đẹp của tiếng Việt về ngữ âm và từ vựng trong các bài văn, thơ đã học hoặ cđọc thêm ở các lớp 6,7
Bài làm:
Năm dẫn chứng thể hiện sự giàu đẹp của tiếng Việt về ngữ âm và từ vựng trong các bài văn, thơ đã học hoặc đọc thêm ở các lớp 6,7:
Muôn nghìn cây mía

Múa gươm

Kiến

Hành quân

Đầy đường

Lá khô

Gió cuốn

Bụi bay

Cuồn cuộn

Cỏ gà rung tai

Nghe

Bụi tre

Tần ngần

Gỡ tóc

Hàng bưởi

Đu đưa

Bế lũ con

Đầu tròn

Trọc lốc
(Mưa - Trần Đăng Khoa)
Cháu chiến đấu hôm nay

Vì lòng yêu Tổ quốc

Vì xóm làng thân thuộc

Bà ơi, cũng vì bà

Vì tiếng gà cục tác

Ổ trứng hồng tuổi thơ
(Tiếng gà trưa - Xuân Quỳnh)
Lom khom dưới núi tiều vài chú,

Lác đác bên sông rợ mấy nhà.

Nhớ nước, đau lòng con cuốc cuốc,

Thương nhà, mỏi miệng cái da da.
(Qua đèo Ngang - Bà huyện Thanh Quan)
Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy

Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu

Ngàn dâu xanh ngắt một màu

Lóng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?
(Sau phút chia li - Bản dịch Đoàn Thị Điểm)
Thân em thời trắng phận em tròn

Bảy nổi ba chìm mấy nước non

Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn

Nhưng em vẫn giữ tấm lòng son
(Bánh trôi nước - Hồ Xuân Hương)

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

nhi nguyen

238 chủ đề

2591 bài viết

Có thể bạn quan tâm
0