31/03/2021, 14:50

Bài soạn "Bức tranh của em gái tôi" số 4 - 6 Bài soạn "Bức tranh của em gái tôi" của Tạ Duy Anh lớp 6 hay nhất

Tìm hiểu chung về tác giả, tác phẩm - Tạ Duy Anh sinh năm 1959, quê ở huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hiện công tác tại Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Ông là một cây bút trẻ trong thời kỳ đổi mới. - Bức tranh của em gái tôi là ...

Tìm hiểu chung về tác giả, tác phẩm

- Tạ Duy Anh sinh năm 1959, quê ở huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hiện công tác tại Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Ông là một cây bút trẻ trong thời kỳ đổi mới.

- Bức tranh của em gái tôi là truyện ngắn đoạt giải Nhì trong cuộc thi viết “Tương lai vẫy gọi” của báo Thiếu niên tiên phong, sau được in trong tập truyện “Con dế ma” (1999).

+ Nội dung chính: Kể về tình cảm trong sáng hồn nhiên và tấm lòng nhân hậu của người em gái đã giúp cho người anh nhận ra hạn chế ở chính mình.

+ Bố cục: Chia làm 4 phần

Phần 1 (Từ đầu đến "…Có vẻ vui lắm”): Giới thiệu về Kiều Phương.
Phần 2 (Tiếp theo đến "...phát huy tài năng”): Tài năng hội họa của kiều Phương được phát hiện bất ngờ.
Phần 3 (“Kể từ hôm đó…” đến "...nhận giải”): Tâm trạng và thái độ của người anh trước sự thành công của em.
Phần 4 (Còn lại): Thành công của Kiều Phương và sự ân hận của người anh.

Đọc - hiểu văn bản

Câu 1 - Trang 34 SGK

Kể tóm tắt truyện Bức tranh của em gái tôi ?

Trả lời:

Cách kể 1: Kiều Phương là cô gái hay lục lọi đồ và thường bôi bẩn lên mặt. Cô bé có sở thích vẽ tranh nên thường bí mật pha chế màu và vẽ. Khi mọi người phát hiện ra Kiều Phương có tài năng hội họa thì người anh lúc này tỏ ra ghen tị và xa lánh em. Kiều Phương đạt giải nhất tại trại thi vẽ tranh quốc tế với bức vẽ “anh trai tôi”, lúc này người anh trai mới nhận ra tấm lòng nhân hậu của em và hối lỗi về bản thân mình.

Cách kể 2: Câu chuyện kể về người anh và cô em gái có tài hội hoạ tên là Kiều Phương - thường gọi là Mèo. Khi tài năng hội hoạ của em gái được phát hiện, người anh thấy buồn, thất vọng vì mình không có tài năng và cảm thấy mình bị cả nhà lãng quên. Từ đó, cậu nảy sinh thái độ khó chịu, hay gắt gỏng với em gái và không thể thân với em như trước. Đứng trước bức tranh đạt giải nhất của em gái, cậu bất ngờ vì hình ảnh mình qua cái nhìn của em. Người anh nhận ra những yếu kém của mình và hiểu được tâm hồn và tấm lòng nhân hậu của cô em gái.

Cách kể 3: Chuyện kể về hai anh em Kiều Phương. Anh trai bực mình vì em gái hay nghịch bẩn, bừa bãi. Kiều Phương bí mật học vẽ, tài năng hội hoạ của bé được bất ngờ phát hiện. Người anh buồn, coi thường, ghen tị và trở nên gắt gỏng với em vô cớ bởi thấy mình thua kém em. Em gái thành công trong cuộc thi tranh, cả nhà mừng vui, người anh gượng đi xem triển lãm tranh của em. Đứng trước bức tranh của Kiều Phương, người anh hối hận vô cùng.


Câu 2 - Trang 34 SGK

Suy nghĩ rồi thảo luận với các bạn trong nhóm về những điểm sau:

a. Nhân vật chính trong truyện là ai? (Kiều Phương, người anh trai hay cả hai?) Vì sao em lại cho đó là nhân vật chính?

b. Truyện được kể theo lời của nhân vật nào? Việc lựa chọn vai kể như vậy đã có tác dụng gì?

Trả lời:

a. Nhân vật chính trong truyện là hai anh em Kiều Phương. Có thể khẳng định cả hai đều là nhân vật chính của truyện. Tuy nhiên, nhân vật người anh là nhân vật mà tác giả muốn thể hiện chủ đề thái độ và cách ứng xử trước tài năng và thành công của người khác, là nhân vật quan trọng nhất trong câu chuyện. Người anh trai là nhân vật chính vì nhân vật này thể hiện chủ đề, tư tưởng của tác giả: thái độ và cách ứng xử trước thành công của người khác.

b. Truyện được kể theo ngôi kể thứ nhất, người anh kể lại truyện. Cách kể này có ý nghĩa tạo ra sự gần gũi tâm lí của nhân vật người anh Kiều Phương. Mặt khác nó giúp cho nhân vật kể chuyện tự soi xét, đánh giá những tình cảm, ý nghĩ của mình, bộc lộ một cách chân thành những ý nghĩa thầm kín.


Câu 3 - Trang 34 SGK

Đọc kĩ lại truyện, chú ý đến tâm trạng của người anh (nhân vật kể chuyện) và cho biết:

a. Diễn biến tâm trạng của nhân vật người anh qua các thời điểm: từ trước cho đến lúc thấy em gái tự chế màu vẽ, khi tài năng hội họa ở em gái được phát hiện, khi lén xem những bức tranh em gái đã vẽ và khi đứng trước bức tranh được giải nhất của em gái trong phòng trưng bày.

b. Vì sao sau khi tài năng hội họa ở em gái mình được phát hiện, người anh lại có tâm trạng không thể thân với em gái như trước kia được nữa?

c. Giải thích tâm trạng của người anh khi đứng trước bức tranh “Anh trai tôi” của em gái: Thoạt tiên là sự ngỡ ngàng, rồi đến hãnh diện, sau đó là xấu hổ.

Trả lời:

Diễn biến tâm trạng nhân vật người anh:

a. Từ trước cho tới lúc thấy em gái tự chế màu vẽ: người anh tỏ ra người lớn, thấy việc vẽ của Mèo là chuyện trẻ con.

– Khi khả năng hội họa của em gái được phát hiện: người anh cảm thấy thua kém, mặc cảm, xa lánh em gái

– Khi lén xem tranh và đứng trước bức tranh đạt giải nhất của em ở phòng trưng bày người anh nhận thấy tài năng và lòng nhân hậu của em gái.

b. Tài năng hội họa của người em được phát hiện, người anh không còn thân với em gái do:

– Mặc cảm về bản thân thua kém em

– Người anh chạnh lòng khi mọi người chỉ chú ý tới em gái

– Cảm thấy ghen tị với em

c. Tâm trạng của người anh khi đứng trước bức tranh “Anh trai tôi”

– Ban đầu, ngỡ ngàng vì không ngờ được em lựa chọn vẽ vào tranh. Ngỡ ngàng vì bức vẽ về anh đẹp, một người mơ mộng, suy tư, hồn nhiên.

– Tự hào, hãnh diện vì được thể hiện đẹp trong bức tranh của em gái mình.

– Xấu hổ vì đã cư xử không đúng với em, và không xứng đáng ở trong tranh.


Câu 4 - Trang 34 SGK

Em hiểu như thế nào về đoạn kết của truyện (Tôi không trả lời mẹ… lòng nhân hậu của em con đấy)? Qua đó, em có cảm nghĩ gì về nhân vật người anh ?

Trả lời:

- Đoạn kết của truyện, người anh cảm động, muốn khóc không thể thốt ra những suy nghĩ trong đầu “không phải con đâu”. -> Câu nói trong tâm trí của người anh thể hiện sự hối hận chân thành, sự ăn năn, sám hối, bị thuyết phục, tự thức nhận về bản thân, về em gái.

- Người anh cảm thấy mình không xứng đáng đẹp như hình em gái vẽ. Người anh đáng trách nhưng cũng đáng cảm thông vì những tính xấu chỉ là nhất thời.

– Người anh cảm động bởi vừa kịp nhận ra sự hồn nhiên, nhân hậu của cô em gái. Sự hối hận, day dứt nhận ra tài năng, quan trọng hơn, nhận ra tâm hồn trong sáng nhân hậu của em gái chứng tỏ cậu cũng là một người biết sửa mình, muốn vươn lên, biết được tính ghen tị là xấu xa.

=> Người anh vượt lên chính mình, nhìn thấy những thiếu hụt trong nhân cách và chính sự nhân hậu của cô em gái đã cảm hóa được sự yêu thương, hối lỗi của người anh.


Câu 5 - Trang 34 SGK

Em có cảm nhận gì về nhân vật cô em gái trong truyện? Điều gì khiến em cảm mến nhất ở nhân vật này (tài năng, sự hồn nhiên, lòng độ lượng, nhân hậu,…)?

Trả lời:

Nhân vật người em trong truyện:

+ Là một cô bé hồn nhiên, kiên trì theo đuổi đam mê vẽ tranh

+ Luôn yêu thương và muốn gần gũi với người anh

+ Chọn vẽ anh vì anh là “người thân thuộc nhất”, luôn yêu thương anh trai

+ Là cô bé nhân hậu, vị tha, tình cảm trong sáng

=> Tình cảm trong sáng hồn nhiên và lòng nhân hậu của cô em gái giúp cho người anh nhận ra sự hạn chế, thiếu hụt về tình cảm của mình.


Luyện tập

Câu 1-Trang 35 SGK

Viết một đoạn văn thuật lại tâm trạng của người anh trong truyện khi trước bức tranh được giải nhất của em gái.

Trả lời:

Đứng trước bức tranh em gái vẽ mình, người anh giật mình sững người. Chẳng hiểu sao anh phải bám chặt lấy mẹ. Thoạt nhiên là sự ngỡ ngàng, rồi đến hãnh diện, sau đó là xấu hổ. Dưới con mắt của em gái, anh trai hoàn hảo đến thế ư? Anh trai nhìn như thôi miên vào dòng chữ đề trên bức tranh: "Anh trai tôi". Vậy mà dưới con mắt anh thì ...

- Con đã nhận ra con chưa? - Mẹ vẫn hồi hộp.

Người anh không trả lời vì anh muốn khóc quá. Bởi vì nếu nói với mẹ, anh nói rằng: "Không phải con đâu. Đấy là tâm hồn và lòng nhân hậu của em con đấy!"


Câu 2 - Trang 35 SGK

Giả định một thành viên trong lớp hoặc trong gia đình em đạt được thành tích xuất sắc nào đó. Thử hình dung và tả lại thái độ của những người xung quanh trước thành tích ấy.

Trả lời:

“Chiến ơi! Cố lên! Chiến ơi! cố lên!”. Những tiếng reo hò hô vang ấy cứ vang vọng cùng với những tiếng trống tiếng kèn hô hào của các học sinh lớp 6A cổ vũ, cổ động Chiến trong cuộc thi chạy cự ly 100m. Và rồi, Chiến là người chạm đích đầu tiên và đoạt giải nhất.

Từ hai bên đường, thầy cô và các bạn ùa ra vây quanh Chiến. Thầy hiệu trưởng ôm chặt Chiến vào lòng và trao cờ lưu niệm dành cho lớp có thành viên chiến thắng. Cô Giang - giáo viên chủ nhiệm thay mặt cho lớp 6A tặng bạn Chiến một bó hoa tươi thắm.

Có lẽ chưa bao giờ lớp em vui đến thế. Các bạn nam tung Chiến lên cao rồi đỡ lấy trong tiếng reo hò náo nhiệt. Các bạn nữ cùng hô vang: “Chiến Tếu số một! Chiến Tếu số một!” khiến cho mọi người cười vang còn Chiến thì đỏ ửng là khuôn mặt. Đây có thể nói là niềm vui lớn nhất trong năm học này của chúng em, như một chiến thắng chung của tập thể khiến ai cũng tự hào.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Hồng Quyên

225 chủ đề

2179 bài viết

0