14/01/2018, 11:36

120 câu hỏi đáp, tình huống pháp luật phục vụ việc dạy và học pháp luật ở các trường trung học

120 câu hỏi đáp, tình huống pháp luật phục vụ việc dạy và học pháp luật ở các trường trung học Tài liệu giáo dục pháp luật trong nhà trường 120 câu hỏi đáp, hình huống pháp luật gồm 6 chủ đề xoay ...

120 câu hỏi đáp, tình huống pháp luật phục vụ việc dạy và học pháp luật ở các trường trung học

120 câu hỏi đáp, hình huống pháp luật 

 gồm 6 chủ đề xoay quanh người chưa thành niên: Một số quy định của pháp luật dân sự; Một số quy định của pháp luật hình sự; Một số quy định về xử lý vi phạm hành chính; Một số quy định của pháp luật tốt tụng hình sự và thi hành án hình sự; Một số quy định của pháp luật lao động; Phòng chống tệ nạn xã hội.

100% các trường phải có giáo viên dạy môn pháp luật

700 câu hỏi ôn tập thi trắc nghiệm môn Pháp luật đại cương

90 câu hỏi đáp tình huống pháp luật dành cho học sinh THCS

CHỦ ĐỀ 1.

MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT DÂN SỰ ĐỐI VỚI NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN

(25 CÂU)

1. Khái niệm năng lực pháp luật của cá nhân?

Trả lời:

Cá nhân là một trong các chủ thể của quan hệ dân sự. Để tham gia vào các quan hệ dân sự, cá nhân phải có tư cách chủ thể hay năng lực chủ thể, được tạo thành bởi năng lực pháp luật và năng lực hành vi.

Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân được quy định tại Điều 14 Bộ luật dân sự năm 2005:

“Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân có quyền dân sự và nghĩa vụ dân sự.

Mọi cá nhân đều có năng lực pháp luật dân sự như nhau.

Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân có được từ khi người đó sinh ra và chấm dứt khi người đó chết”.

Nội dung năng lực pháp luật dân sự của cá nhân là tổng hợp các quyền và nghĩa vụ mà pháp luật dân sự quy định cho cá nhân. Các quyền và nghĩa vụ dân sự của cá nhân được ghi nhận ở Hiến pháp 1992 (sửa đổi bổ sung năm 2001), Bộ luật dân sự năm 2005 và nhiều văn bản pháp luật khác nhau.

Theo quy định của pháp luật dân sự cá nhân có các quyền, nghĩa vụ dân sự sau đây:

- Quyền nhân thân không gắn với tài sản và quyền nhân thân gắn với tài sản;

- Quyền sở hữu, quyền thừa kế và các quyền khác đối với tài sản;

- Quyền tham gia quan hệ dân sự và có nghĩa vụ phát sinh từ quan hệ đó.

Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân không bị hạn chế, trừ trường hợp do pháp luật quy định (Điều 16 Bộ luật dân sự năm 2005).

Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân là khả năng, là tiền đề, là thành phần không thể thiếu được của cá nhân với tư cách là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự, là một mặt của năng lực chủ thể.

2. Năng lực hành vi dân sự là gì? Phân biệt năng lực hành vi dân sự của người chưa thành niên với năng lực hành vi dân sự của người thành niên?

Trả lời

Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự (Điều 17 Bộ luật dân sự năm 2005).

Nếu năng lực pháp luật dân sự là tiền đề, là quyền dân sự của mỗi chủ thể thì năng lực hành vi dân sự là khả năng hành động của chính chủ thể để thực hiện quyền và nghĩa vụ của họ. Ngoài ra, năng lực hành vi dân sự còn bao hàm cả năng lực tự chịu trách nhiệm dân sự khi vi phạm nghĩa vụ dân sự.

Năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự là hai thuộc tính tạo thành tư cách chủ thể độc lập của cá nhân trong các quan hệ dân sự.

Năng lực hành vi dân sự của cá nhân không giống nhau mà phụ thuộc vào lứa tuổi, thể chất của mỗi cá nhân vì những cá nhân khác nhau, có nhận thức khác nhau về hành vi và hậu quả của hành vi mà họ thực hiện. Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định cụ thể về năng lực hành vi dân sự của người thành niên và năng lực hành vi dân sự của người chưa thành niên như sau:

- Đối với người thành niên:

Người thành niên là người từ đủ mười tám tuổi trở lên. Theo quy định của pháp luật dân sự: Người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp bị Tòa án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Mất năng lực hành vi dân sự là trường hợp người bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, nếu có yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Toà án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận của tổ chức giám định.

Hạn chế năng lực hành vi dân sự là trường hợp người nghiện ma túy hoặc = các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình thì có thể bị Tòa án ra quyết định tuyên bố là người hạn chế năng lực hành vi dân sự theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, cơ quan, tổ chức hữu quan.

- Đối với người chưa thành niên:

+ Người chưa thành niên từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi hoặc pháp luật có quy định khác.

+ Trong trường hợp người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có tài sản riêng bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thì có thể tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự mà không cần phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

+ Người chưa đủ sáu tuổi không có năng lực hành vi dân sự.

Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.

3. Sau giờ học, Huyền và Ngọc - hai em học sinh lớp 6 trao đổi với nhau về các quy định của pháp luật dân sự. Huyền cho rằng mình có quyền thực hiện các giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi của mình. Còn Ngọc chưa hiểu rõ lắm các quy định đó. Em muốn hỏi ý kiến của Huyền có chính xác không?

Trả lời

ý kiến của Huyền là chính xác.

Theo quy định của pháp luật dân sự (Khoản 1 Điều 20 Bộ luật Dân sự năm 2005) người chưa thành niên từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi được xác lập, thực hiện các giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.

Giao dịch này thường là các giao dịch có giá trị nhỏ, mục đích là để phục vụ nhu cầu sinh hoạt, học tập, vui chơi hàng ngày trong cuộc sống, được người đại diện của họ cho phép thực hiện mà không cần sự đồng ý trực tiếp của người đại diện. Ví dụ như: mua đồ dùng học tập, sách vở, đồ chơi...

 4. Quyền nhân thân là gì? Theo quy định của Bộ luật Dân sự, cá nhân có những quyền nhân thân nào?

Trả lời

“Quyền nhân thân” là thuật ngữ pháp lý để chỉ những quyền dân sự gắn với bản thân mỗi con người và đời sống riêng tư của họ mà không thể chuyển giao cho người khác,

Điều 24 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định:

Quyền nhân thân là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Trong pháp luật Việt Nam, các quyền nhân thân được ghi nhận trong pháp luật dân sự và chủ yếu tập trung trong Bộ luật dân sự.

Quyền nhân thân của cá nhân là một trong những quyền dân sự cơ bản của con người được pháp luật bảo hộ. Việc tôn trọng quyền nhân thân của người khác là nghĩa vụ của mọi người và cũng là nghĩa vụ của chính người đó. Khi thực hiện quyền nhân thân của mình về nguyên tắc không được xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Bộ luật dân sự quy định 26 quyền nhân thân của cá nhân từ Điều 26 đến Điều 51, bao gồm:

- Quyền đối với họ, tên (Điều 26)

- Quyền thay đổi họ, tên (Điều 27)

- Quyền xác định dân tộc (Điều 28)

- Quyền được khai sinh (Điều 29)

- Quyền được khai tử (Điều 30)

- Quyền của cá nhân đối với hình ảnh (Điều 31)

- Quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khoẻ, thân thể (Điều 32)

- Quyền hiến bộ phận cơ thể (Điều 33)

- Quyền hiến xác, bộ phận cơ thể sau khi chết (Điều 34)

- Quyền nhận bộ phận cơ thể người (Điều 35)

- Quyền xác định lại giới tính (Điều 36)

- Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín (Điều 37)

- Quyền bí mật đời tư (Điều 38)

- Quyền kết hôn (Điều 39)

- Quyền bình đẳng vợ chồng (Điều 40)

- Quyền được hưởng sự chăm sóc giữa các thành viên trong gia đình (Điều 41)

- Quyền ly hôn (Điều 42)

- Quyền nhận, không nhận cha, mẹ (Điều 43)

- Quyền được nhận làm con nuôi (Điều 44)

- Quyền đối với quốc tịch (Điều 45)

- Quyền được bảo đảm an toàn về chỗ ở (Điều 46)

- Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo (Điều 47)

- Quyền tự do đi lại, cư trú (Điều 48)

- Quyền lao động (Điều 49)

- Quyền tự do kinh doanh (Điều 50)

- Quyền tự do nghiên cứu, sáng tạo (Điều 51)

5. Các phương thức bảo vệ quyền nhân thân được Bộ luật dân sự 2005 quy định như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 25 của Bộ luật dân sự 2005, khi quyền nhân thân của cá nhân bị xâm phạm thì người đó có quyền sử dụng các phương thức sau để bảo vệ:

- Tự mình cải chính

- Yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai;

- Yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm bồi thường thiệt hại

6. Pháp luật quy định như thế nào về quyền đối với họ, tên?

Trả lời

Quyền đối với họ, tên là một trong những quyền nhân thân cơ bản được quy định tại Điều 26 Bộ luật dân sự năm 2005:

Cá nhân có quyền có họ, tên. Họ, tên của một người được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó.

Cá nhân xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự theo họ, tên của mình đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận.

Ngoài họ, tên của mình, cá nhân có quyền có bí danh, bút danh nhưng việc sử dụng bí danh, bút danh không được gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.

 7. Khi sinh Hận, bố em đi làm xa, bỏ mặc mẹ con em, mẹ em buồn chán, đặt tên con là Hận và cho mang họ của mẹ. Khi đi học, do bị bạn bè trêu chọc nên nhiều lần em về xin mẹ được đặt tên khác. Lúc này bố em cũng đã trở về nhận lỗi và đoàn tụ gia đình, nên bố mẹ em cũng muốn đổi họ của em từ họ của mẹ sang họ của bố và đổi tên khác dễ nghe hơn cho con gái. Xin hỏi em có được thay đổi họ, tên không? Pháp luật dân sự quy định về vấn đề này như thế nào?

Trả lời

Hận có quyền được thay đổi họ, tên. Theo quy định tại Điều 27 Bộ luật dân sự năm 2005, cá nhân có quyền thay đổi họ, tên của mình trong các trường hợp sau:

- Theo yêu cầu của người có họ, tên mà việc sử dụng họ, tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó;

- Theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi về việc thay đổi họ, tên cho con nuôi hoặc khi người con nuôi thôi không làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại họ, tên mà cha đẻ, mẹ đẻ đã đặt;

- Theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người con khi xác định cha, mẹ cho con;

- Thay đổi họ cho con từ họ của cha sang họ của mẹ hoặc ngược lại;

- Thay đổi họ, tên của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình;

- Thay đổi họ, tên của người được xác định lại giới tính;

- Các trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định.

Việc thay đổi họ, tên cho người từ đủ chín tuổi trở lên phải có sự đồng ý của người đó.

Việc thay đổi họ, tên của cá nhân không làm thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự được xác lập theo họ, tên cũ.

 8. Xin cho biết các quy định về quyền được khai sinh của cá nhân?

Trả lời

Theo quy định tại Điều 29 Bộ luật dân sự năm 2005 thì cá nhân khi sinh ra có quyền được khai sinh.

Quyền được khai sinh là một trong những quyền quan trọng của mỗi cá nhân để khẳng định sự tồn tại của cá nhân đó trong một Nhà nước và được nhà nước công nhận là một công dân của Nhà nước đó. Quyền được khai sinh là cơ sở pháp lý quan trọng để cá nhân thực hiện các quyền khác như quyền có họ tên, có quốc tịch và các quyền dân sự khác.

Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của mỗi cá nhân. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung ghi về họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với Giấy khai sinh của người đó.

Để thực hiện quyền được khai sinh đối với trẻ em pháp luật về quản lý và đăng ký hộ tịch quy định trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày sinh con, cha, mẹ có trách nhiệm đi khai sinh cho con; nếu cha, mẹ không thể đi khai sinh, thì ông, bà hoặc những người thân thích khác đi khai sinh cho trẻ em.

Thẩm quyền đăng ký khai sinh:

Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú của người mẹ thực hiện việc đăng ký khai sinh cho trẻ em; nếu không xác định được nơi cư trú của người mẹ, thì Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú của người cha thực hiện việc đăng ký khai sinh.

Trong trường hợp không xác định được nơi cư trú của người mẹ và người cha, thì Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi trẻ em đang sinh sống trên thực tế thực hiện việc đăng ký khai sinh.

Trường hợp không thực hiện việc đăng ký khai sinh trong thời hạn quy định thì phải đăng ký theo thủ tục đăng ký quá hạn.

Thẩm quyền đăng ký khai sinh quá hạn quy định như sau :

Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi có thẩm quyền đăng ký khai sinh thực hiện việc đăng ký khai sinh quá hạn.

Trong trường hợp người đã thành niên đăng ký khai sinh quá hạn cho mình, thì có thể đăng ký tại Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi có thẩm quyền đăng ký khai sinh theo quy định hoặc tại Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi người đó cư trú.

Khi đăng ký khai sinh quá hạn cho người đã có hồ sơ, giấy tờ cá nhân như: Sổ hộ khẩu, Giấy chứng minh nhân dân, học bạ, bằng tốt nghiệp, lý lịch cán bộ, lý lịch đảng viên, mà trong các hồ sơ, giấy tờ đó đã có sự thống nhất về họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; dân tộc; quốc tịch, quê quán, thì đăng ký đúng theo nội dung đó. Trường hợp họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; dân tộc; quốc tịch; quê quán trong các hồ sơ, giấy tờ nói trên của người đó không thống nhất thì đăng ký theo hồ sơ, giấy tờ được lập đầu tiên. Trong trường hợp địa danh đã có thay đổi, thì phần khai về quê quán được ghi theo địa danh hiện lại.

Phần khai về cha mẹ trong Giấy khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh được ghi theo thời điểm đăng ký khai sinh quá hạn.

9. Để kỷ niệm năm học cuối cùng ở Trung học cơ sở, Quyên và các bạn rủ nhau đi chụp ảnh trong công viên. Trong lúc nhóm bạn đang vui đùa chụp ảnh thì có một cô phóng viên đến xin được chụp ảnh cả nhóm để đưa lên báo. Nghe thế cả nhóm bạn của Quyên rất vui. Trong lúc nói chuyện, Quyên nghe cô phóng viên nói mỗi người đều có quyền đối với hình ảnh của mình, nên Quyên muốn được biết về nội dung của quyền này?

Trả lời

Quyền của cá nhân đối với hình ảnh của mình là quyền nhân thân nằm trong nhóm các quyền dân sự của cá nhân.

Quyền của cá nhân đối với hình ảnh được quy định tại Điều 31 Bộ luật dân sự năm 2005. Nội dung quyền bao gồm :

- Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.

- Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý, trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ 15 tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý.

Để bảo vệ quyền của cá nhận đối với hình ảnh của mình, Pháp luật nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.

10. Quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể của cá nhân dược pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời

Quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khoẻ, thân thể của cá nhân được quy định tại Điều 32 Bộ luật dân sự năm 2005 như sau:

- Cá nhân có quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khoẻ, thân thể.

- Khi phát hiện người bị tai nạn, bệnh tật mà tính mạng bị đe dọa thì người phát hiện có trách nhiệm đưa đến cơ sở y tế; cơ sở y tế không được từ chối việc cứu chữa mà phải tận dụng mọi phương tiện, khả năng hiện có để cứu chữa.

- Việc thực hiện phương pháp chữa bệnh mới trên cơ thể một người, việc gây mê, mổ, cắt bỏ, cấy ghép bộ phận của cơ thể phải được sự đồng ý của người đó; nếu người đó chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự hoặc là bệnh nhân bất tỉnh thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người giám hộ của người đó đồng ‎ý; trong trường hợp có nguy cơ đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân mà không chờ được ý kiến của những người trên thì phải có quyết định của người đứng đầu cơ sở y tế.

- Việc mổ tử thi được thực hiện trong các trường hợp:

+ Có sự đồng ý của người quá cố trước khi người đó chết;

+ Có sự đồng ý của cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người giám hộ khi không có ý kiến của người quá cố trước khi người đó chết;

+ Theo quyết định của tổ chức y tế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp cần thiết.

Chi tiết 120 câu hỏi đáp, tình huống pháp luật phục vụ việc dạy và học pháp luật

(Xem tiếp trong file tải về)

0