05/06/2017, 00:06

Viết “Khóc Dương Khuê, ngoài tình bạn. Nguyễn Khuyến còn muốn bày tỏ một thái độ gì?”. Hãy phân tích bài thơ và làm sáng tỏ thái độ ấy của tác giả.

“Khóc Dương Khuê” là một kiệt tác về tình bạn. Khóc Dương Khuê, Nguyễn Khuyến còn muốn tỏ rõ một thái độ chính trị trong thời cuộc lúc đó. Điều ấy, không hiểu vì lẽ gì, có lúc đã lọt qua mắt người đọc (như ở vài sách giáo khoa chẳng hạn?). Muốn hiểu điều ấy cần phân tích cả bài thơ có thể cách lý ...

“Khóc Dương Khuê” là một kiệt tác về tình bạn. Khóc Dương Khuê, Nguyễn Khuyến còn muốn tỏ rõ một thái độ chính trị trong thời cuộc lúc đó. Điều ấy, không hiểu vì lẽ gì, có lúc đã lọt qua mắt người đọc (như ở vài sách giáo khoa chẳng hạn?). Muốn hiểu điều ấy cần phân tích cả bài thơ có thể cách lý giải thỏa đáng.

Mở đầu bài thơ là cảm giác sửng sốt và “ngậm ngùi” của Nguyễn Khuyến trước sự ra đi đột ngột và vĩnh viễn của Dương Khuê.

“Bác Dương thôi đã thôi rồi,
Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta!”


Nguyễn Khuyến thực sự đau xót khi nhận được tin bạn mình đã mất.

“Làm sao bác vội về ngay,
Chợt nghe, tôi bỗng tay chân rụng rời”.


“Khóc Dương Khuê” là bài thơ Nôm của Nguyễn Khuyến tự dịch bài chữ Hán của mình, bài "Văn đồng niên Vân Đình tiến sĩ Dương Thượng Thư”. Câu thơ trên không dịch sát nghĩa của nguyên tác là đã qua đời mà là “vội về ngay”.

Cả bốn lần nói về cái chết của bạn. Nguyễn Khuyến đều nói tránh đi về một mất mát đau lòng đã trở thành hiển nhiên:

“...thôi đã thôi rồi” (câu 1)
“...vội về ngay” (câu 25)
“...mãi lên tiên (câu 28)
“Bác chẳng ở dẫu van chẳng ở” (câu 35).


Cái chết của bạn làm sống lại trong lòng Nguyễn Khuyến một quãng đời quạn trọng, từ những chuyện trọng đại như thi cử, làm quan đến những chuyện phóng khoáng như thú vui con hát, cuộc rượu, câu thơ...Quãng đời ấy gắn liền với một cuộc thế hết sức đen tối và phức tạp. Hà thành (1882), kinh đô (1883)... lần lượt thất thủ, vua Tự Đức băng hà, triều đình chia rẽ, kẻ chủ hòa, người chủ chiến. Hiệp ước Hác - măng (Harmand) rồi hiệp ước Pa - tơ - nốt (Patennôtre)... Nước mất, nhà tan!

Ít nhất cũng từ khoa thi năm Giáp Tý (1864), hai người đã là bạn của nhau, tính ra là là ba mươi tám năm cho đến ngày Dương Khuê mất. Sau các sự kiện bi thảm năm (1883). Nguyễn “cáo quan” về ở ẩn, về vào lúc tuổi mới năm mươi. Ông là chứng nhân lịch sử của một thời kỳ nước mất, dân nô lệ, "... bao nhiêu sự kiện phản ảnh vào ông bao nhiêu dằn vặt, tranh đấu trong tâm hồn ông!” (Xuân Diệu - Đọc thơ Nguyễn Khuyến - Thơ văn Nguyễn Khuyến - NXB Văn học - Hà Nội, 1971).

Nguyễn cáo về, còn Dương ở lại. Một vấn đề nổi cộm là Dương Khuê ở lại, cộng tác với kẻ thù dân tộc. Mặc dù họ Dương không thuộc hàng tán tận lương tâm, trở thành tay sai đắc lực cho giặc như Nguyễn Thân, Hoàng Cao Khải...nhưng Nguyễn Khuyến đã nhìn nhận bạn như thế nào mà đã viết một bài thơ hay đến thế về tình bạn?

Những câu thơ dưới đây là một tiếng khóc chân thành, xưa nay từng làm xao xuyến biết bao tâm hồn người đọc.

“Rượu ngon không có bạn hiền
Không mua không phải không tiền không mua.
Câu thơ nghĩ đắn đo muốn viết
Viết đưa ai, ai biết mà đưa?
Giường treo cũng hững hờ
Đàn kia gẩy cũng ngẩn ngơ tiếng đàn”.


Buồn đau da diết. Còn ai để giãi bày tâm sự - “viết đưa ai” - và còn ai có thể hiểu được mình - “ai biết mà đưa?”. Vừa tiếc bạn, vừa đau mình cô độc bất như ý. Nỗi đau riêng đã trở thành nỗi đau đời. Thực dân Pháp đã ngồi yên chỗ, đại cục của đất nước coi như đã hỏng... Tác giả triết lý:

“Ai chẳng biết chán đời là phải”

Không buồn chán sao được khi cuộc đời đang điên đảo, kẻ sĩ phần lớn biến chất, đạo lý sụp đổ, còn mình thì:

Nghĩ đến bút nghiên tràn nước mắt
Ngước nhìn sông núi xiết buồn đau.


Nguyễn Khuyến giữ một tình bạn chân thành, thủy chung. Nhưng ông cũng có thái độ rạch ròi trong việc bạn mình ở lại hợp tác với Tây.

Trong hai mươi câu thơ (từ câu 3 đến câu 22) nói về quãng đời hai người là bạn của nhau có một sự phân lượng có dụng ý. Mười hai câu trước nói về đoạn đời đầu dù sao vẫn còn suông sẻ, lúc hai người tuổi xuân còn phơi phới, ở tám câu còn lại thì bốn câu cuối (các câu 19, 20, 21, 22) nhắc lại lần gặp cuối cùng, lần chia tay vĩnh viễn. Còn bốn câu trên (các câu 15, 16, 17, 18) là các câu Nguyễn Khuyến đã gửi gắm hết sức tinh tế và kín đáo một thái độ chính trị trước vận hạn của đất nước:

Buổi dương cửu cùng nhau hoạn nạn,
Phận đẩu thăng chẳng dám than trời:
Bác già tôi củng già rồi,
Biết thôi, thôi thế thì thôi mới là!


Cơn quốc biến, đối với người, chính là lúc “lửa thử vàng, gian nan thử sức” (ca dao), lúc “lúc nước loạn mới biết tôi chung, nhà nghèo biết con hiếu”. Lẽ nào lại còn “dám than” cái “phận đẩu thăng”.

Đối với kẻ sĩ chân chính, danh tiết còn nặng hơn hình hài. Cái danh tiết này còn gắn liền với nỗi nhục của quốc gia Đại Việt. Trước họ (Nguyễn Khuyến, Dương Khuê...) Đồ Chiểu đã nói dứt khoát:

- Thà đui mà giữ đạo nhà (Ngư tiều y thuật vấn đáp)
- Anh hùng thà thác chẳng đầu Tây (Thơ điếu Phan Tòng)


Đậy nắp quan tài cho bạn, thả hòn đất xuống huyệt cho người đã khuất, Nguyễn Khuyến cũng nói với bạn (và với đời) một lời đầy ý nghĩa:

“Biết thôi, thôi thế thì thôi mới là” (câu 18).

Câu thơ trên, trong nguyên văn chữ Hán có nghĩa là “Cởi dây ấn về với ruộng vườn”. Câu thơ dịch thanh thoát, mềm mại, chuyển tải ý nghĩa hết sức tinh tế.

Không ai có thể dịch đúng ý tác giả hơn chính tác giả. Hơn nữa, tác giả lại là con người “nếu ngày xưa có thi thơ Nôm thì Nguyễn Khuyến lại đoạt thêm một cái bảng vàng tiến sĩ thơ Nôm nữa, chứ chẳng phải chơi”. (Tiểu sử - Thơ văn Nguyễn Khuyến).

0