06/02/2018, 00:25

Tuần 30 – Phong cách ngôn ngữ chính luận

Tuần 30 – Phong cách ngôn ngữ chính luận Hướng dẫn I – KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG 1. Ngôn ngữ chính luận là ngôn ngữ được dùng trong các văn bản chính luận hoặc lời nói miệng (khẩu ngữ) trong các buổi hội nghị, hội thảo, nói chuyện thời sự,… nhằm trình bày, bình luận, đánh ...

Tuần 30 – Phong cách ngôn ngữ chính luận

Hướng dẫn

I – KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

1. Ngôn ngữ chính luận là ngôn ngữ được dùng trong các văn bản chính luận hoặc lời nói miệng (khẩu ngữ) trong các buổi hội nghị, hội thảo, nói chuyện thời sự,… nhằm trình bày, bình luận, đánh giá những sự kiện, những vấn đề về chính trị, xã hội, văn hoá, tư tưởng,… theo một quan điểm chính trị nhất định.

2. Văn bản chính luận thời xưa viết theo các thể hịch, cáo, thư, sách, chiếu, biểu,… bằng chữ Hán. Văn bản chính luận hiện đại bao gồm: các cương lĩnh; tuyên bố; tuyên ngôn, lời kêu gọi, hiệu triệu; các bài bình luận, xã luận; các báo cáo, tham luận, phát biểu trong các hội nghị chính trị, hội thảo,…

3. Cần phân biệt hai khái niệm nghị luậnchính luận

– Nghị luận là thao tác tư duy trong hệ thống: miêu tả, tự sự và nghị luận mà bất cứ ai cũng có thể dùng để nhận thức và diễn đạt bằng lời nói. Từ đó mà chúng ta có các kiểu bài tập làm văn như: văn miêu tả, văn tự sự (kể chuyện), thuyết minh và văn nghị luận. Văn nghị luận lại có thể chia thành nhiều loại như: nghị luận văn chương, nghị luận xã hội, nghị luận triết học, nghị luận kinh tế, nghị luận sử học, nghị luận chính trị,…

– Chính luận (nói tắt của "nghị luận chính trị") là một phong cách ngôn ngữ dộc lập với các phong cách khác. Trong bài văn chính luận, các quan điểm chính trị được trình bày bằng các lập luận và phán đoán, sử dụng từ ngữ chính trị và từ ngữ thông thường, kết hợp với các biện pháp tu từ để thuyết phục, hấp dẫn người đọc.

4. So sánh ngôn ngữ chính luận với ngôn ngữ báo chí

– Ngôn ngữ chính luận giống ngôn ngữ báo chí khi bàn về các đề tài thời sự cập nhật, một số bài xã luận đăng trên báo cũng bộc lộ quan điểm chính trị.

– Nhưng ngôn ngữ chính luận khác ngôn ngữ báo chí ở chỗ nó không chỉ nhằm mục đích thông tin thời sự mà còn trình bày quan điểm của mình để thuyết phục người đọc, người nghe dưới nhiều hình thức, thể loại khác như: báo cáo chính trị, đề cương chính trị, lời kêu gọi, tuyên ngôn của đảng phái chính trị hoặc của các nguyên thủ quốc gia,…

5. Do hoàn cảnh lịch sử đặc biệt, nước ta trải qua nhiều cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trong quá khứ, người dân sống trong không khí của nhiều cuộc đấu tranh chính trị, đấu tranh vũ trang, thế nên, ngay từ trong những thế kỉ trước, ở nước ta, chính luận đã rất phát triển, đã ăn sâu vào ý thức và ngôn ngữ giao tiếp hằng ngày của người dân. Chính luận từ lâu đã hình thành một phong cách ngôn ngữ độc lập. Trong thời hiện đại, ngôn ngữ chính luận có ảnh hưởng khá sâu rộng đến những nhà hoạt động chính trị nổi tiếng như Hồ Chí Minh, Phan Châu Trinh, Trường Chinh,…

II – HƯỚNG DẪN TÌM HlỂU BÀI

Tìm hiểu phong cách ngôn ngữ chính luận trong các văn bản (hoặc đoạn trích) sau:

a) Đoạn trích Tuyên ngôn Độc lập

Những tuyên ngôn, tuyên bố của một đảng phái chính trị hoặc của một vị nguyên thủ quốc gia nhằm trình bày quan điểm chính trị của một đảng phái hay của một quốc gia nhân dịp một sự kiện trọng đại nào đó đều thuộc kiểu văn bản chính luận.

Phần mở đầu Tuyên ngôn Độc lập (đoạn trích trong SGK) cũng là luận cứ của văn bản. Trong đoạn văn này, tác giả đã sử dụng khá nhiều thuật ngữ chính trị, so với trình độ dân trí lúc bấy giờ (1945) không dễ hiểu: nhân quyền, dân quyền, bình đẳng, tự do,… Đáng chú ý là tác giả đã mạnh dạn sử dụng các thuật ngữ như quyền sống, quyền sung sướng, quyền tự do,…

Câu văn trong đoạn cũng rất mạch lạc, với các kết cấu cụm từ: trong những quyền ấy, suy rộng ra,… có nghĩa là. Câu kết chuyển ý mạnh mẽ, dứt khoát khẳng định: Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được.

b) Đoạn trích Cao trào chống Nhật, cứu nước.

Đây là đoạn trích mở đầu trong tác phẩm chính luận Cách mạng tháng Tám in trong tuyển tập Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân Việt Nam (tập một, tr. 345) của đồng chí Trường Chinh – Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tác phẩm này xuất bản đầu tiên ở Hà Nội nãm 1946, có tính chất tổng kết một giai đoạn cách mạng thắng lợi đã làm nên những sự kiện lịch sử lớn: Sách lược của người Cộng sản Việt Nam; Những ưu điểm và nhược điểm của Cách mạng tháng Tám; Tính chất, ý nghĩa lịch sử của cách mạng và triển vọng, tình hình cũng như nhiệm vụ cần kíp của nhân dàn Việt Nam.

Trích đoạn trong SGK của tác giả Trường Chinh chỉ rõ kẻ thù lúc này của nhân dân ta là phát xít Nhật và khẳng định dứt khoát: bọn Pháp thực dân không còn là đồng minh chống Nhật của chúng ta nữa.

Trong đoạn trích, tác giả dùng nhiều từ ngữ để gọi tên "lực lượng Pháp ở Đông Dương" như: thực dân Pháp, nhiều đội quân của Pháp, quân Pháp ở Đông Dương,… Mỗi cách gọi này đều biểu lộ một thái độ chính trị riêng. Ví như:

– thực dân Pháp: chỉ kẻ thù trước khi Nhật đảo chính.

– nhiều đội quân của Pháp… họ đã cùng ta…: khi người Pháp tỏ ý hợp tác với Việt Minh để chống Nhật.

Câu văn trong đoạn bình luận thời sự này cũng được sắp xếp rất chặt chẽ theo trật tự: thời gian — địa điểm – sự kiện. Đồng thời tính chật chẽ còn được thể hiện ở việc sắp xếp theo thứ tự thời gian khi liệt kê sự việc; theo thứ tự lô gích các tình tiết và theo trật tự quy nạp cho cả đoạn văn.

c) Đoạn trích Việt Nam đi tới (bài bình luận trên báo)

Trong bài này, tác giả phân tích những thành tựu mới về các lĩnh vực của đất nước, vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Từ đó, tác giả nêu những triển vọng tốt đẹp trong thời gian sắp tới. Đáng chú ý là giọng hào hứng sôi nổi, câu văn giàu hình ảnh gợi mở một tương lai tươi sáng của dân tộc, nhân dịp đầu năm mới.

Đoạn văn trích dùng nhiều biện pháp tu từ như:

– Ẩn dụ: non sông bừng dậy một sinh khí mới.

– Liệt kê kết họp với điệp ngữ: trong từng… trong từng…; trên từng… trên từng…

– Kết hợp câu ngắn và câu dài.

Để tạo giọng văn hùng hồn, mạnh mẽ, người viết chính luận dùng lối điệp từ, điệp ngữ, sóng đôi và phối hợp câu dài dùng khi miêu tả liệt kê và câu ngắn dùng khi khẳng định dứt khoát.

Cả ba văn bản này đều rất tiêu biểu cho phong cách ngôn ngữ chính luận.

III – HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP

1. Phân biệt hai khái niệm nghị luậnchính luận

Như đã nói ở trên:

– Nghị luận là thao tác tư duy, là phương tiện biểu đạt. Còn chính luận là một phong cách chức năng ngôn ngữ.

– Thao tác (phương pháp) nghị luận được sử dụng ở tất cả mọi lĩnh vực, kể cả lĩnh vực văn chương (nghị luận văn học), còn chính luận chỉ thu hẹp trong phạm vi trình bày quan điểm về vấn đề chính trị.

2. Tìm hiểu những biểu hiện của phong cách chính luận trong đoạn văn sau:

Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báucủa ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước.

(Hồ Chí Minh – Tinh thần yên nước của nhân dân ta)

Gợi ý:

– Đoạn văn sử dụng nhiều các từ ngữ chính trị như: lòng yêu nước, truyền thống, xâm lăng,…

– Câu văn mạch lạc, chặt chẽ; kết hợp câu ngắn với câu dài (câu thứ ba).

– Đoạn văn thể hiện rõ quan điểm chính trị về lòng yêu nước. Trong đoạn văn, Bác đánh giá cao lòng yêu nước, truyền thống yêu nước của nhân dân ta. Nó tạo nên một niềm tự hào sâu sắc.

– Lời văn có sức hấp dẫn và truyền cảm: nhờ lập luận chặt chẽ, nhờ những hình ảnh so sánh cụ thể, sát hợp (… tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước).

3. Để chứng minh được bài Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chí Minh (Ngữ văn 10, tập một) có lời văn giản dị, dễ hiểu, ngắn gọn nhưng diễn đạt nội dung phong phú, lập luận vững chắc, cần lần lượt phân tích theo ba luận điểm sau (3 phần của bài);

– Tình thế buộc ta phải chiến đấu: bên ta, bên địch.

– Ta chiến đấu bằng mọi thứ có trong tay.

– Niềm tin vào thắng lợi tất yếu của cuộc kháng chiến.

Mai Thu

0