05/06/2017, 10:36

Truyền thống đón mừng năm mới (Happy new year) của các nước trên thế giới

Ở nhiều nước trên Thế Giới, ngày đón mừng Năm Mới được tổ chức vào ngày 1/1 với pháo hoa và đêm giao thừa. Truyền thống đặc biệt này ở mỗi nơi mỗi khác, những nền văn hóa khác nhau sẽ có kiểu đón ngày đầu năm theo cách khác nhau.Nhưng tất cả đều rất náo nhiệt và độc đáo. Phong tục đón năm mới ...

Ở nhiều nước trên Thế Giới, ngày đón mừng Năm Mới được tổ chức vào ngày 1/1 với pháo hoa và đêm giao thừa. Truyền thống đặc biệt này ở mỗi nơi mỗi khác, những nền văn hóa khác nhau sẽ có kiểu đón ngày đầu năm theo cách khác nhau.Nhưng tất cả đều rất náo nhiệt và độc đáo.

Phong tục đón năm mới bình thường

1. Tại Babylon
Lễ đón năm mới có lịch sử hình thành sớm nhất trong tất cả những ngày lễ. Nó có nguồn gốc từ đất nước Babylon cổ đại khoảng 4000 năm trước.

2. Tại La Mã
La Mã là nước đầu tiên chọn ngày 1 tháng 1 làm ngày đầu tiên của năm mới (New Year) trong hệ thống lịch Julian do Hoàng đế Julius Caesar đề xướng.
 
3. Lễ đón năm mới của người Châu Âu
Lần đầu người châu Âu đón năm mới vào ngày 1-1, bắt đầu từ đêm 31-12 năm 999 sang ngày đầu tiên của năm 1000. Bấy giờ, theo một số nhà tiên tri, cùng với năm 1000 sẽ là ngày tận thế. Mọi người rất lo sợ năm mới đến, nhưng tới nửa đêm vẫn không phải là lúc tận thế, thì ai nấy đều rất vui mừng và bổ đến chúc mừng nhau. Từ đó, đón năm mới vào ngày đầu năm trở thành một truyền thống ở châu Âu.

3.1. Ðón năm mới là một trong những dịp lễ quan trọng nhất của người Nga trong năm, bởi đây là ngày lễ của Hạnh phúc và Bình an. "Cây thông năm mới số 1" của nước Nga vẫn là cây thông trong khuôn viên Ðiện Crem-li ở Mát-xcơ-va. Khu vực Cây thông năm mới số 1 này là địa điểm vui chơi của thiếu nhi khắp cả nước.

3.2. Tại Ba Lan cũng như ở nhiều nước châu Âu khác, đêm 31-12 rạng sáng 1-1 là thời gian của những cuộc vui, trò chơi, vũ hội và những hội hóa trang. Trước lúc nửa đêm, người ta thường đếm ngược thời gian. Những giây cuối cùng mọi người đều nâng ly sâm-banh, đồng thanh đếm: "mười, chín, tám..." Ðúng 12 giờ đêm, mọi người uống cạn ly rượu, ôm hôn, chúc nhau những điều tốt lành nhất trong năm mới.

3.3. Tại Séc vào dịp năm mới, mọi người trong gia đình thường cùng nhau ngồi quanh bàn tiệc dùng món cháo tấm - được gọi là "súp triệu hạt". Những hạt tấm nhỏ tượng trưng các đồng xu, và có nghĩa là ai ăn món này thì trong năm mới sẽ luôn có nhiều tiền. Một trong những tập tục truyền thống đón năm mới ở Séc là trong bất kỳ trường hợp nào cũng không được phơi quần áo lót, nếu không thì trong năm mới thế nào trong nhà cũng có người bị chết, cũng không được quét nhà và đổ rác ra khỏi nhà.

3.4. Người Anh đón năm mới với nhiều món ăn ngon, pháo hoa và những chuyến đi mua sắm kéo dài hàng giờ để tìm kiếm hàng giảm giá.

3.5. Nếu như vào dịp lễ Giáng sinh người dân I-ta-li-a dưới chân dãy núi An-pơ thường tụ họp trong gia đình thì vào ngày lễ năm mới họ thích gặp gỡ các bạn bè ở những nơi đông người và ồn ã. Chính vì vậy, những nơi phù hợp là các nhà hàng, quán ba, sàn nhảy, quảng trường, vườn hoa.

3.6. Bàn tiệc đón năm mới của người Ác-mê-ni-a gồm một số món khai vị bánh kẹo và hoa quả. Thú ẩm thực của người Ác-mê-ni-a khác những nơi khác bởi sự phong phú về mầu sắc, của các món thịt. Món chính trên bàn tiệc là dăm bông thịt lợn ướp với nhiều loại gia vị đặc trưng như tỏi, lá vang, ớt tiêu cay và ớt đỏ, gà tây nướng với táo đỏ trong lò...

3.7. Năm mới ở Gru-di-a được đón hai lần: từ ngày 31-12 sang ngày 1-1 và từ ngày 13 sang 14-1 theo kiểu cũ. Vì vậy, ngày lễ Giáng sinh của những người Gru-di-a theo đạo Công giáo được tính từ đêm 7-1. Do những người có đạo ở Gru-di-a thường giữ nếp ăn kiêng nghiêm ngặt trước ngày lễ Giáng sinh nên bàn tiệc đón Năm mới đêm giao thừa được chuẩn bị rất thịnh soạn. Món ăn chính trong bữa tiệc giao thừa là món xa-xi-vi. Ðó là một con gà tây quay dội nước sốt quả hạnh nhân. Người Gru-di-a đón năm mới với cây thông, rất đặc biệt, được gọi là tri-tri-lắc-ki. Ðó là một khúc gỗ được chạm trổ cầu kỳ, trên có treo các loại kẹo ngọt và được ngâm trong một chậu bột, như biểu tượng của may mắn và đầy đủ trong nhà.
 
4. Năm mới ở Nhật Bản là ngày lễ lớn nhất. Việc chuẩn bị đón năm mới chủ yếu là dọn dẹp, lau chùi thật sạch sẽ nhà cửa để loại bỏ hết mọi thứ "rác rưởi của năm cũ" và đón năm mới trong không gian chung quanh sạch sẽ với những ý tưởng mới. Cần phải nghe đủ 108 tiếng chuông chùa để có những điều tốt đẹp. Tương truyền rằng, những tiếng chuông này có thể đánh đuổi 108 ý đồ xấu xa của con người. Năm mới, chính là thời điểm bắt đầu những cái mới, bởi vậy những gì đã bắt đầu và thực hiện trước đó, cần phải được kết thúc. Tất cả các công ty và các hãng đều tiến hành những buổi bonekai "những buổi lễ quên năm cũ". Mọi người để lại phía sau tất cả những gì không tốt đẹp và lo âu xảy ra trong năm cũ, chuẩn bị đón năm mới với "trí lực thông tuệ và lương tâm trong sạch". Phong tục phổ biến nhất là đi lễ chùa. Một trong những chùa nổi tiếng nhất là chùa Mây-gi ở Tô-ki-ô, trong ba ngày Tết đón đến vài triệu lượt khách đến vãng cảnh trong trang phục truyền thống. Người đi chùa nhất định phải mua được lá bùa mamori giữ lại suốt năm để được may mắn.
 
Phong tục đón năm mới kỳ lạ
 

1. Tây Ban Nha
Đúng thời khắc nửa đêm giao thừa, người Tây Ban Nha có tục lệ ăn thật nhanh 12 quả nho - mỗi quả vào mỗi tiếng đánh của đồng hồ, được cho sẽ tượng trưng cho may mắn của một tháng trong năm tới. Ở Madrid, Barcelona và những thành phố Tây Ban Nha khác, mọi người tụ tập ở những quảng trường chính để cùng ăn nho và chuyền nhau những chai rượu.

2. Phần Lan
Một truyền thống lâu đời của người Phần Lan là thả mẩu sắt nóng chảy vào trong một thùng nước và nhìn hình dáng của miếng kim loại sau khi đông cứng để đoán hậu vận năm mới. Hình trái tim hoặc hình nhẫn có nghĩa là một đám cưới trong năm tới, một chiếc thuyền tiên đoán việc du lịch và hình con lợn tượng trưng cho rất nhiều thức ăn.

3. Panama
Ở Panama vào năm mới có truyền thống đốt những hình nộm người nổi tiếng. Những hình nộm có thể là các nhân vật trên truyền hình như "Cô gái xấu xí" hay các chính trị gia. Năm 2007, người đoạt huy chương vàng Olympic đầu tiên của Panama, Irving Saladin, đã được chọn làm hình nộm. Những hình nộm này tượng trưng cho năm cũ và việc đốt chúng có ý nghĩa đuổi đi những ám khí để chuẩn bị cho một khởi đầu mới.

4. Scotland
Người Scotland có tập tục xông đất. Người đầu tiên bước qua ngưỡng cửa trong năm mới nên mang theo một món quà may mắn (rượu whisky là phổ biến nhất). Scotland cũng có lễ đốt lửa mừng năm mới, đặc biệt là ở làng chài ở Stonehaven, những người đàn ông trong thị trấn sẽ vừa diễu hành vừa đu đưa những quả cầu lửa lớn trên những cây sào (tượng trưng cho mặt trời, chiếu sáng năm mới).

5. Philippines
Những vật hình tròn (tượng trưng cho tiền xu) là biểu tượng cho sự thịnh vượng trong năm mới ở Philippines. Rất nhiều gia đình người Philippines bày những đĩa hoa quả hình tròn trên bàn ăn vào đêm giao thừa. Một số gia đình khác còn cụ thể hơn khi bày chính xác 12 trái cây lúc nửa đêm (thường nho là dễ nhất).

6. Belarus
Trong lễ mừng năm mới truyền thống, các thiếu nữ chưa chồng của Belarus sẽ chơi những trò chơi để xem ai là người sẽ cưới trong năm sau. Ở một trò chơi, một nắm thóc sẽ được đặt trước mỗi cô gái và họ thả một con gà trống. Con gà trống tiến tới nắm thóc nào trước thì đó sẽ là người đầu tiên lấy chồng. Ở một trò chơi khác, một phụ nữ có gia đình sẽ giấu một số đồ vật xung quanh nhà để các cô bạn chưa chồng đi tìm. Ai tìm được bánh mỳ thì sẽ lấy chồng giàu, còn ai tìm được chiếc nhẫn thì sẽ cưới một anh đẹp trai.
 
7. Nhật Bản
Từ năm 1951 vào mỗi đêm giao thừa, ở Nhật Bản lại phát sóng một chương trình ca nhạc rất ăn khách mang tên "Cuộc chiến giữa đỏ và trắng". Các ngôi sao ca nhạc sẽ chia làm hai đội nam (trắng) và nữ (đỏ) hát thi với nhau, ban giám khảo và khán giả sẽ bỏ phiếu quyết định xem đội nào chiến thắng. Hầu hết các ngôi sao của chương trình là của châu Á, đôi khi có cả Mỹ.

8. Đan Mạch
Rất nhiều người Đan Mạch đón năm mới bằng cách đứng trên ghế và cùng nhau nhảy xuống vào thời khắc giao thừa. Nhảy vào tháng 1 được cho là hành động giúp xua đuổi vận xui và mang lại may mắn.

9. Estonia
Trong những thập kỷ trước, người Estonia duy trì một tập tục cố gắng ăn 7 lần vào ngày Tết để bảo đảm thức ăn dồi dào trong năm tới. Người ta cho rằng nếu một người đàn ông ăn 7 lần, anh ta sẽ có sức mạnh của 7 người.

10. Trung và Nam Mỹ
Ở Brazil, Ecuador, Bolivia và Venezuela, người ta thường mặc những quần lót đặc biệt trong đêm giao thừa để được may mắn. Ở những thành phố như Sao Paulo và La Paz, trước ngày Tết, những chiếc quần sặc sỡ được bày đầy chợ.Màu được ưa chuộng nhất là đỏ và vàng; đỏ được cho là mang đến tình yêu, còn vàng được cho là mang đến tiền bạc.

Ngoài ra còn một số phong tục của các nước khác
 

1. Tại Đan Mạch, sáng mùng 1 nếu thấy có đĩa vỡ trước cửa nhà thì sẽ gặp may mắn. Càng nhiều đĩa vỡ chứng tỏ nhà đó càng có nhiều bạn bè.

2.Tại Mexico, muốn được ra nước ngoài trong năm mới thì sẽ xách một chiếc vali và chạy quanh nhà một vòng vào đêm giao thừa.
Tại Đức, người ta thường để lại thức ăn thừa trong bữa tất niên và tin rằng như thế gia đình sẽ không bị thiếu ăn trong năm mới.

3.Tại Columbia, sẽ có phong tục đốt "Ngài Năm Cũ" (Cũng tương tự như ở Panama đã nói ở trên) Ngài năm cũ là hình nộm nhồi bằng nhiều vật dụng và mặc quần áo cũ của các thành viên trong gia đình.

4. Tại Argentina, các gia đình sẽ tập trung để ăn bữa tối đặc biệt lúc 11h đêm và chờ cho tới nửa đêm. Đúng giao thừa, mọi người đốt pháo hoa trong khoảng nửa tiếng hoặc ít hơn. Tiếp đó, thanh niên sẽ dự các bữa tiệc năm mới tại câu lạc bộ khiêu vũ đến sáng hôm sau. Vào ngày 1/1 của năm mới, hầu hết mọi người sẽ đi bơi ở sông, hồ hay bể bơi.

5. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, người dân đón chào năm mới vào ngày 31/12. Một số người sẽ tổ chức một bữa tiệc đặc biệt đón năm mới với người thân trong gia đình hoặc/và bạn bè. Món ăn truyền thống trong dịp này là gà tây. Dù một số gia đình thích trang trí nhà cửa bằng cây thông nhưng đa phần không trang trí cái gì đặc biệt. Vào ngày cuối cùng của năm, trên tivi thường có nhiều chương trình giải trí. Mỗi kênh đều cố đem ra chương trình hay nhất vào đêm Giao thừa. Người Thổ Nhĩ Kỳ mừng năm mới từ tối hôm trước tới tận sáng hôm sau. Đêm đó, tất cả mọi nơi đều chật cứng người và nếu muốn đón năm mới ở bên ngoài bạn phải đặt chỗ từ trước rất lâu.

6. Năm Mới ở Trung Quốc

Một trong những nghi thức truyền thống lâu đời nhất vẫn được cử hành đến ngày nay là lễ đón Năm Mới của Trung Quốc, được cho là có nguồn gốc khoảng 3000 năm trước, vào triều đại nhà Thương. Ngày lễ được tổ chức để ăn mừng thời điểm bắt đầu vụ xuân, nhưng sau đó nghi thức này được ghép nối với huyền thoại và truyền thuyết dân gian.

Chuyện xưa kể rằng, vào thời đó, một con quỷ đi hút máu người có tên là Niên chuyên săn đuổi người trong làng vào mỗi dịp đầu năm mới. Để khiến con thú hoảng sợ tránh xa, dân làng trang trí nhà cửa toàn màu đỏ, đốt lửa và tạo tiếng động lớn, nhờ thế dân làng mới được an toàn. Từ đó, cứ dịp năm mới đến, người dân vẫn làm theo tục lệ này, rồi phong tục phát triển thành lễ hội cho đến ngày nay.

Lễ hội ngày nay được tổ chức với thức ăn, họ hàng quây quần, phong bao lì xì, và nhiều thứ khác có màu đỏ biểu trưng cho may mắn. Múa lân sư rồng, trống, pháo hoa, pháo nổ, và các loại hình giải trí khác diễn ra trên đường phố. Năm Mới của Trung Quốc vẫn luôn căn cứ theo âm lịch, và các kỳ lễ hội thường rơi vào cuối Tháng Giêng hoặc đầu Tháng Hai. Mỗi năm được đại diện với một trong số 12 con Giáp.

7. Nowruz và Năm Mới Ba Tư

“Năm Mới của Ba Tư”, hay còn gọi là Nowruz (hoặc Norooz), là lễ hội mùa xuân kéo dài 13 ngày có từ thời cổ đại, những nước từng là vùng đất của đế chế Ba Tư như Iran và nhiều quốc gia Trung Đông và Châu Á cũng tổ chức lễ hội này. Lễ hội được tổ chức trước hoặc gần ngày xuân phân Tháng Ba (21/3) và được cho là bắt nguồn từ Hỏa giáo.

Ngày lễ Nowruz cổ đại chú trọng vào sự tái sinh cùng sự trở lại của mùa xuân. Truyền thống bao gồm các bữa tiệc, trao đổi quà giữa các thành viên trong gia đình và hàng xóm, đốt lửa, nhuộm trứng, vẩy nước, hành động tượng trưng cho sự sáng thế. Nowruz phát triển từ rất lâu, và một trong số những truyền thống cổ xưa ấy vẫn được duy trì cho đến ngày nay, đặc biệt là đốt lửa hiệu và sử dụng những quả trứng đầy màu sắc, chúng trở thành một phần của kì lễ hội đầu năm đối với hơn 300 triệu người trên thế giới.

8. Năm Mới Sinhala và Tamil

Năm Mới Sinhala của người Sinhala, và Năm Mới Tamil do người Tamil tổ chức đều có mặt ở Sri Lanka. Năm Mới Sinhala (aluth avurudda), đánh dấu sự kết thúc của mùa thu hoạch và được tổ chức vào ngày 13 hoặc 14/4, thời khắc chuyển giao giữa năm cũ sang năm mới khi mặt trời chuyển từ cung Song Ngư sang cung Bạch Dương trên cung Hoàng Đạo. Thời khắc này được tổ chức ăn mừng theo một số phong tục và nghi thức Phật giáo, ngoài ra người dân còn tụ tập, bày tiệc tùng. Giữa hai cột mốc này tồn tại một khoảng thời gian kéo dài vài tiếng đồng hồ, “giai đoạn trung gian” này được người dân gọi là “Nona Gathe”. Việc trao đổi quà tặng, thắp đèn dầu, và làm món kiri bath là những phong tục quan trọng của Năm Mới Sinhalese. Tại những bang Assam, Bengal, Kerala, Nepal, Orissa, Punjab và Tamil Nadu, các hộ gia đình theo đạo Hindu cũng ăn Tết vào ngày 14 hoặc 15/4.

9. Wepet Renpet của Ai Cập cổ đại 

Nền văn minh Ai Cập cổ đại gắn liền với sông Nile. Vì thế, năm mới của họ không được tổ chức vào một ngày chính xác bởi nó tương ứng với thời gian xảy ra lũ lụt hằng năm trên con sông huyền thoại này. Ngoài ra, ngày này còn được xác định căn cứ theo Sirius, ngôi sao sáng nhất trên bầu trời xuất hiện trở lại sau 70 ngày vắng bóng. Lễ hội được gọi là Wepet Renet, có nghĩa là “mở cửa năm mới”, thường được tổ chức trong Tháng 7 trước đợt ngập lụt của sông Nile, để cầu mong mùa màng tốt tươi vào năm sau. Năm mới được xem là thời gian của sự tái sinh và hồi xuân, người ta ăn mừng ngày này bằng những lễ hội, nghi thức tôn giáo đặc biệt, công chúng tụ hội.

Khám phá gần đây tại đền thờ thần Mut cho thấy, trong thời trị vì của Pharaoh Hatshepsut, vào tháng đầu năm, người ta sẽ tổ chức “Lễ hội say rượu”. Lễ hội lớn này gắn liền với huyền thoại về Sekhmet, nữ thần chiến tranh này từng lên kế hoạch tiêu diệt loài người cho đến khi bị thần Mặt trời là thần Ra lừa uống say đến bất tỉnh. Người Ai Cập sẽ ăn mừng sự cứu rỗi này bằng âm nhạc, lễ hội vui chơi và dĩ nhiên là không thể thiếu bia.

10. Scotland Hogmanay

Truyền thống đón năm mới có tên là Hogmanay của người dân Scotland bắt nguồn từ lịch sử cuộc xâm lược Viking, tín ngưỡng, và các nghi lễ ngoại giáo cổ xưa (paganism). Nghi lễ Hogmanay đánh dấu thời điểm Đông chí, phát triển và tồn tại cho đến ngày nay. Suốt thời Trung cổ, các lễ hội mùa đông ngoại giáo tồn tại trước đó đã bị lễ Giáng Sinh của Kitô giáo làm lu mờ. Tuy nhiên, sau sự cải cách ở Scotland, lễ Giáng sinh bị rơi vào thoái trào, nên việc tặng quà và mừng lễ đã kết hợp Giáng Sinh với Năm Mới, hình thành nên lễ Hogmanay duy nhất của Scotland.

Những truyền thống lễ hội có khác biệt tại một số địa phương ở Scotland nhưng đều liên quan đến lửa, hình ảnh gợi nhớ về quá khứ xa xưa. Trong lễ hội mùa đông ngoại giáo (paganism), lửa tượng trưng cho sự hồi sinh của Mặt trời, xua đuổi ma quỷ và bóng tối. Hiện nay, lửa vẫn đóng vai trò quan trọng trong lễ Hogmanay, với nghi thức rước đuốc, đốt lửa và bắn pháo hoa hết sức phổ biến tại đất nước này. Một phong tục khác giống như phong tục “xông đất” của nước ta, tức là người đầu tiên bước qua ngưỡng cửa nhà sau nửa đêm giao thừa sẽ là người quyết định may mắn của chủ nhà trong năm mới. Vị khách lý tưởng là người mang quà tặng như whisky, than đốt, bánh nhỏ, hoặc đồng xu, và phải là người đàn ông có làn da tối. Vì vào thế kỷ thứ VIII, những người Viking xâm lược Scotland có mái tóc màu vàng, nên người viếng thăm tóc vàng không phải là một điềm tốt.

Phong tục đón năm mới ở Việt Nam
 

Đặc biệt ở Việt Nam có tục xông đất đầu năm mới. Những phong tục ở Việt Nam như mâm trái cây ngũ quả hoặc gói bánh chưng, bánh tét; mua bánh kẹo, dưa mứt, mua bông, hoa, cây mai, đào để trưng ở nhà v.v. Ngày đầu năm mọi người thường đi lễ Chùa hái lộc và cầu may, sau đó đi xông đất đầu năm tới nhà họ hàng hay người quen. Những ngày đầu năm mới mọi người thường chúc tết và tặng nhau những phong bao lì xì may mắn.

Những ngày Tết, người Việt Nam thường đi thăm bà con trong gia đình, thầy cô, bạn bè sau đó chuẩn bị một chuyến du lịch đễn các trung tâm lễ hội đầu xuân để thư giãn, cầu may chuẩn bị cho những kế hoạch quan trọng cho năm mới.

0