31/05/2017, 13:09

Truyện ngụ ngôn là gì?

Truyện ngụ ngôn là truyện kể dân gian bằng văn xuôi hay bằng thơ, mượn chuyện về loài vật, đồ vật, cây cỏ... làm ẩn dụ, hoặc chính chuyện con người để nói bóng gió, kín đáo chuyện đời, chuyện người, nhằm nêu lên bài học luân lí. 1. Nêu một số truyện ngụ ngôn mà em biết. ...

Truyện ngụ ngôn là truyện kể dân gian bằng văn xuôi hay bằng thơ, mượn chuyện về loài vật, đồ vật, cây cỏ... làm ẩn dụ, hoặc chính chuyện con người để nói bóng gió, kín đáo chuyện đời, chuyện người, nhằm nêu lên bài học luân lí.

1.   Nêu một số truyện ngụ ngôn mà em biết.

BÀI LÀM

Những truyện ngụ ngôn mà em biết là: "Ếch ngồi đáy giếng", "Đẽo cày giữa đường", "Đeo nhạc cho Mèo", “Thỏ và Rùa", "Thầy bói xem voi",...

2. Phân tích truyện ngụ ngôn mà em yêu thích

a. Kiến giết Voi

BÀI LÀM

“Kiến giết Voi”là một truyện dân gian thú vị như một màn tiểu phẩm. Kiến lại giết được Voi, một chuyện lạ đời khó tin, giàu kịch tính.

1.   Voi to lớn, hung dữ, có đôi ngà ghê gớm. Voi chưa hề lùi bước trước bất kì một con thú nào trong rừng. Voi rất kiêu ngạo, đi dạo nghênh ngang rừng này, suối nọ.

Thế rồi, một tình huống đã xảy ra chuyển động núi rừng. Voi gặp một đàn kiến vàng bò qua đường. Voi cho rằng đàn kiến vô lễ! Vốn hách dịch coi thiên hạ bằng nửa con mắt, Voi quát tháo om sòm. Nó gọi đàn kiến là "ranh con", đòi "dẫm chân" một cái, làm họ hàng nhà kiến "chết cả nút". Voi không ngờ, đàn kiến dám cự lại và tuyên bố: "không sợ", không lùi bước" trước bất cứ ai! Rõ ràng đó là một lời tuyên chiến.

Cuộc đấu giữa Voi và Kiến đã diễn ra dữ dội. Voi to mà Kiến thì bé nhỏ. Voi chỉ có một mình, Kiến là cả một đàn. Voi kiêu ngạo, chủ quan, Kiến chủ động, mưu trí có lối đánh hiểm. Đàn kiến bám lấy chân Voi, leo lén mình Voi, lưng Voi mà đốt. Chúng đái vào mắt Voi làm cho Voi "cay xè", không sao mở được mắt ra nữa! Kiến còn chui vào vòi Voi, tai Voi mà đốt, mà cắn. Voi rống lên chuyển rừng núi, giẫy giụa rồi ngã lăn ra, quằn quại đau đớn. Đàn kiến kéo đến mỗi lúc một đông thêm, xúm vào, lăn xả vào, đốt cho Voi đến chết. Một kết cục quá bất ngờ!

2.   "Kiến giết Voi" là một truyện ngụ ngôn độc đáo. Nhân dân ta đã mượn chuyện loài vật để nói chuyện con người, nêu lên bài học luân lí sâu sắc. Voi ám chỉ cho kẻ mạnh, lắm quyền uy, kiêu ngạo và hống hách. Đó là tầng lớp trên trong xã hội, cậy thế ức hiếp kẻ yếu. Đàn kiến đông đảo là biểu tượng cho nhân dân lao động, kẻ bị trị, thấp cổ bé họng trong xã hội.

Kẻ mạnh đã chà đạp lên quyền sống và hạnh phúc của nhân dân, đã bị đông đảo nhân dân giáng trả, bị thất bại thảm hại. Kẻ yếu nếu biết tin vào chính nghĩa, biết đoàn kết và chiến đấu mưu trí, dũng cảm, nhất định sẽ đánh thắng kẻ mạnh.

Bài học luân lí sâu sắc của truyện ngụ ngôn "Kiến giết Voi" là bài học đoàn kết trong đấu tranh, biết lấy yếu để thắng mạnh, mưu trí đánh hiểm để bảo vệ quyền sống và hạnh phúc của cộng đồng.

Tính giáo dục, tính trí tuệ của truyện "Kiến giết Voi" thật là vô giá!

Đề 1. Phân tích truyện cười “Treo Biển”.

Cái biển hàng có sáu chữ: "Ở đây có bán cá tươi".

Có bốn người lần lượt góp ý. Người thứ nhất góp ý bỏ hai chữ "ở đây". Nghe ra thì cũng có lí. Người thứ hai bàn nên bỏ tiếp hai chữ "có bán". Cái biểnchỉ còn lại hai chữ: "cá tươi". Người thứ ba khuvên nên xóa chữ "tươi". Người cuối cùng lại góp ý là đã có mùi tanh rồi cần chi phải đổ chữ "cá". Nhà hàng cất ngay biển. Chẳng cần suy nghĩ gì!

Tiếng cười ở truyện "Treo biển" đã hàm chứa một lời khuyên nhẹ nhàng, vui vẻ: nên biết lắng nghe ý kiến mọi người, nhưng phải có chủ kiến, ở đời "lắm thầy thối ma", đừng nên "rằm cũng ừ, mười tư cũng gật". “Treo biển” là một truyện cười mang màu sắc ngụ ngôn.

 

b. Kể lại truyện cười "Lợn cưới, áo mới".

BÀI LÀM

Truyện này là tiếng cười bật ra ở tình huống buồn cười. Hai anh hay khoe gặp nhau và cùng khoe. Có chỉ cử nực cười. Anh này thì: "tất tưởi chạy đến hỏi to". Anh kia thì "giơ ngay vạt áo, bảo". Một anh thì khoe "con lợn cưới"... Một anh lại khoe "cái áo mới". Anh nào cũng vừa hả hê vừa bực dọc! Hả hê vì có người để được dịp mà khoe! Bực dọc vì đợi suốt một ngày mới có dịp để khoe "cái áo mới". Bực dọc vì "con lợn cưới" chạy đi đằng nào, chưa tìm ra!

Tiếng cười ở truyện "Lợn cưới, áo mới" là tiếng cười châm biếm thói khoe khoang. Và đó cũng là bài học luân lí nhẹ nhàng mà sâu sắc: hay khoe khoang là lố bịch, để lại tiếng cười cho thiên hạ!

 

c. Phân tích truyện ngụ ngôn “Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng”

BÀI LÀM

Truyện ngụ ngôn “Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng" đã nhân hóa 5 bộ phận của thân thể con người tạo cho mỗi bộ phận mội vị thế rất hóm hỉnh: cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay, bác Tai và lão Miệng.

Trước kia, họ vẫn dựa vào nhau mà cùng tồn tại. Nhưng rồi cô Mắt đã khởi xướng một cuộc tẩy chay bất hợp tác với lão Miệng. Cô đã vận động được cậu Chân, cậu Tay và bác Tai kéo đến “nhà” lão Miệng, nói cho lão ta biết“phải lo lấy mà sống”chúng tôi vất vả lam lũ xưa nay mà có biết cái gì “ngọt bùi ngon lành”nào đâu!

Cuộc tẩy chay bắt đầu. Chỉ mấy ngày sau, cô Mắt thì “lờđờ”,cậu Chân, cậu Tay “thì không còn muốn cất mình lên để chạy nhảy vui đùa như trước nữa”. Bác Tai thì “ù như xay lúa ở trong”,... Tất cả đều “lừ đừ mệt mỏi”;đến ngày thứ 7 thì “không thể chịu được nữa”. Còn lão Miệng trong thời gian ấy cũng 'nhợt nhạt cả hai môi, hàm răng thì khô như răng, không buồn nhếch mép". Cái “sáng kiến” của cô Mắt thế là hoàn toàn thất bại, gây tác hại cả người lẫn mình!

Anh em ta cùng nhau hân hoan: cậu Tay kiếm thức ăn bỏ vào mồm lão Miệng. Lão nhai và nuốt trong họng, cái bụng căng tròn (có một dị bản nói thế), tức thì ai cũng thấy “đỡ mệt nhọc”, dần dần thấy “khoan khoái” như trước. Từ đó, họ bảo nhau “thân mật sống với nhau, mỗi người một việc, không ai tị ai cả”. Từ thực tếmà họ thấm thía lẽ đời. Lẽ đời không đơn giản!

Bài học luân lí hàm chứa trong truyện ngụ ngôn “Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng” khá sâu sắc:

Trong cuộc sống đừng a dua, đừng nghe người ta xui dại, làm bậy mà thiệt hại đến mình. Con người không thể sống riêng biệt một mình mà tồn tại, mà được hạnh phúc. Mỗi người, mỗi bộ phận, mọi tổ chức đều gắn bó trực tiếp hoặc gián tiếp với nhau như các bộ phận trong cơ thể. Cũng đừng cho mình là quan trọng nhất, là “cái rốn của vũ trụ” mà coi thường người khác, hoặc suy bì tị nạnh bon chen trong cuộc sống. Cùng sống, cùng hòa hợp và tồn tại để mưu cầu hạnh phúc là bài học sâu sắc nhất được rút ra từ truyện ngụ ngôn này.

Nguồn: Nhungbaivanhay.net
0