31/05/2017, 12:41

Trong tác phẩm Truyện Kiều, Nguyễn Du viết: Đau đớn thay phận đàn bà. Nhận xét đó có còn đúng với người phụ nữ trong cuộc sống hôm nay?

Trong thời đại hiện nay, vị trí và cuộc sống của người phụ nữ đã có nhiều thay đổi. Một mặt, họ giữ một vai trò quan trọng trong đời sống gia đình, là người xây tổ ấm hạnh phúc; mặt khác, họ tham gia vào tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhiều người trong số họ đã khẳng định được trình độ, ...

Trong thời đại hiện nay, vị trí và cuộc sống của người phụ nữ đã có nhiều thay đổi. Một mặt, họ giữ một vai trò quan trọng trong đời sống gia đình, là người xây tổ ấm hạnh phúc; mặt khác, họ tham gia vào tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhiều người trong số họ đã khẳng định được trình độ, tài năng của mình và thành công trong sự nghiệp.

Tham khảo một số ý cụ thể sau:

-     Nhận xét của Nguyễn Du là một lời than, một niềm cảm thông sâu sắc đối với thân phận đau khổ của những người phụ nữ trong xã hội phong kiến trọng nam khinh nữ. Người phụ nữ, ở vào thời kì đó, phải sống một cuộc đời bất hạnh: bị coi thường, có nhan sắc, đức hạnh và tài năng nhưng bị vùi dập, hoặc bị biến thành món đồ chơi hoặc phải sống cuộc đời chìm nổi, lênh đênh... không được hưởng hạnh phúc, nhất là hạnh phúc lứa đôi. Số phận của họ hoàn toàn phụ thuộc vào người khác.

HS lấy dẫn chứng chứng minh từ Truyện Kiều (Nguyễn Du), Chuyện người con gái Nam Xương (Nguyễn Dữ), Chinh phụ ngâm (nguyên tác Đặng Trần Côn), Cung oán ngâm (Nguyễn Gia Thiều), thơ Hồ Xuân Hương... Không phải chỉ Nguyễn Du, chính Đặng Trần Côn (và dịch giả Đoàn Thị Điểm ?) cũng đã từng thốt lên: "Thuở trời đất nổi cơn gió bụi - Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên', hay Nguyễn Gia Thiều cũng từng than thở và bất bình: "Oán chi những khách tiêu phòng - Mà xui phận bạc nằm trong má đào?"...

-    

      Họ làm chủ cuộc sống của mình, được mọi người, trong đó có nam giới tôn trọng. Họ được quyền bình đẳng với nam giới. Có nhiều tổ chức, nhiều chương trình hành động đã và đang đứng ra để ủng hộ, bảo vệ hoặc trao quyền lãnh đạo cho phụ nữ.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn có những phụ nữ là nạn nhân của bạo hành giới, bạo hành gia đình; quyền lợi và bản thân họ chưa được tôn trọng và bảo vệ.

-     Khẳng định: về cơ bản, nhận xét của Nguyễn Du không còn đúng với cuộc sống hôm nay, hoặc chỉ đúng với những người phụ nữ chưa biết vươn lên làm chủ cuộc đời của mình, hoặc chỉ tồn tại trong suy nghĩ của những kẻ vẫn còn mang nặng tư tưởng coi thường phụ nữ. Vấn đề đặt ra là phải hiểu đúng vai trò của người phụ nữ trong đời sống và xã hội, từ đó tôn trọng, giúp đỡ, bảo vệ và khẳng định họ để làm cho đời sống được cân bằng và văn minh hơn.

Bài làm tham khảo

Nguyễn Du (1765 – 1820) là nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam cuối thế kỉ XVIII, đầu thế kỉ XIX. Ông đã được công nhận là Danh nhân văn hóa thế giới. Tuy xuất thân từ tầng lớp quan lại phong kiến nhưng cuộc đời Nguyễn Du lại phải trải qua nhiều lưu lạc, đau khổ. Vì vậy, ông thông cảm với nhân dân, đặc biệt là với số phận bất hạnh của người phụ nữ trong xã hội phong kiến suy tàn, thối nát. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã mượn lời Thúy Kiều, một cô gái tài hoa bạc mệnh để khái quát chung về số phận bi thảm của người phụ nữ:
Đau đớn thay phận đàn bà,
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.
Câu thơ xót xa, ai oán như một lời than phẫn uất trước định mệnh cực kì vô lí, bất công đối với phụ nữ. Tiếc thay, trong xã hội phong kiến, bạc mệnh đã trở thành số phận chung của bao kẻ hồng nhan.
Bạc mệnh là số phận mỏng manh, bạc bẽo, nói rộng ra là cuộc đời gặp nhiều tai ương, buồn khổ. Người bạc mệnh có kiếp sống long đong, lận đận hoặc chết yểu một cách thảm thương.
Nguyễn Du tan nát cả cõi lòng khi hạ bút viết những câu thơ như có nước mắt rơi, máu chảy. Đằng sau lời than thống thiết ấy là một hiện thực cay đắng, phũ phàng: xã hội phong kiến bất công chà đạp tàn bạo lên nhân phẩm người phụ nữ.

Trong xã hội trọng nam khinh nữ ấy, người phụ nữ bị tước đoạt mọi quyền lợi chính đáng. Họ bị biến thành nô lệ của những ràng buộc nghiệt ngã từ phía lễ giáo phong kiến và những quan niệm lạc hậu như tam tòng, thủ tiết, nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô, nữ nhân ngoại tộc… số phận họ hoàn toàn phụ thuộc vào tay kẻ khác. Thậm chí, họ còn bị coi như hàng hóa, dùng để bán mua, đổi chác. Bài thơ Bánh trôi nước của Hổ Xuân Hương, Truyện Kiều của Nguyễn Du đã thể hiện thật sinh động những thân phận đau thương ấy.

Hồ Xuân Hương ví thân phận người phụ nữ như chiếc bánh trôi: Thân em Vừa trắng lại vừa tròn, Bảy nổi ba chìm với nước non, Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn… Nguyễn Du miêu tả quãng đời đầy truân chuyên, bão tố của nàng Kiều : Thoắt mua về thoắt bán đi, Mây trôi bèo nổi thiếu gì là nơi; Khi Vô Tích, khi Lâm Tri, Nơi thì lừa đảo nơi thì xót thương… Người con gái tài sắc vẹn toàn ấy lẽ ra phải được sống ấm êm bên cha mẹ, hạnh phúc bên người yêu, nhưng thế lực đen tối, bạo tàn trong xã hội mà đồng tiền là chúa tể đã cướp đi của nàng tất cả những gì tốt đẹp nhất và nhẫn tâm xô đẩy nàng xuống tận lớp bùn nhơ dưới đáy xã hội. Mỗi lần Kiều cố gắng vươn lên để chiến thắng hoàn cảnh, chiến thắng số phận là một lần nàng bị dìm sâu hơn nữa.

Từ kiếp bạc mệnh của Thúy Kiều, nhà thơ khái quát lên thành lời chung, kiếp đau khổ chung của người phụ nữ. Văn học thời ấy đã từng nói đến cái chết thảm thương, oan khốc của Người con gái Nam xương (Nguyễn Dữ); một nạn nhân của chiến tranh và lễ giáo phong kiến bất công. Hay một nàng Đạm Tiên nổi danh tài sắc một thì mà phải rơi vào cảnh: Sống làm vợ khắp người ta, Hại thay thác xuống làm ma không chồng. Trong xã hội cũ, hỏi có bao nhiêu nàng Đạm Tiên như thế?

Câu thơ: Đau đớn thay phận đàn bà… không chỉ là một tiếng kêu thương mà còn là lời tố cáo, lên án đanh thép cái chế độ phong kiến vô nhân đạo, chà đạp không thương tiếc lên nhân phẩm con người nói chung và phụ nữ nói riêng. Bởi vậy nó chứa đựng ý nghĩa nhân văn cao cả.

Trong chế độ mới ưu việt, người phụ nữ được gia đình và xã hội tôn trọng: Vai trò to lớn của họ được đánh giá đúng đắn. Chính những điều đó đã giải phóng người phụ nữ ra khỏi những ràng buộc phi lí xưa nay, khơi dậy tiềm năng vô tận của họ trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Không phải trong cuộc sống hiện nay đã thật sự chấm dứt những quan niệm bất công đối với người phụ nữ, nhưng thái độ coi thường và những hành vi xúc phạm đến nhân phẩm phụ nữ đã và đang bị xã hội nghiêm khắc lên án. 
Tuy ra đời cách đây đã gần hai thế kỉ nhưng những câu thơ tâm huyết của Nguyễn Du vẫn gây xúc động sâu xa trong lòng người đọc. Nó vừa là lời than thống thiết về nỗi đau khổ to lớn của kiếp người, vừa là lời kết án tội ác của chế độ phong kiến bất công chà đạp lên nhân phẩm người phụ nữ. Người đọc bao thế hệ đã nhận được từ hai câu thơ này thông điệp của Nguyễn Du: Hãy cứu lấy phụ nữ, hãy bảo vệ phụ nữ và trả lại cho họ vị trí xứng đáng, thiêng liêng mà Tạo hóa đã ban cho họ là duy trì sự sống của loài người trên trái đất.
Nguồn: Nhungbaivanhay.net
0