13/09/2017, 08:38

Trần Đình Hượu và tác phẩm: Nhìn về vốn văn hoá dân tộc

Trần Đình Hượu (1926 - 1995), sinh quán xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Năm 1945, tham gia Thanh niên Cứu quốc và Uỷ ban khởi nghĩa xã Võ Liệt. Từ năm 1959 đến 1963 ông là nghiên cứu sinh tại Đại học Tổng hợp Lô-mô-nô-xốp ở Liên Xô. I. TÁC GIẢ 1. Tiểu sử Trần Đình Hượu (1926 - ...

Trần Đình Hượu (1926 - 1995), sinh quán xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Năm 1945, tham gia Thanh niên Cứu quốc và Uỷ ban khởi nghĩa xã Võ Liệt. Từ năm 1959 đến 1963 ông là nghiên cứu sinh tại Đại học Tổng hợp Lô-mô-nô-xốp ở Liên Xô.

I. TÁC GIẢ
1. Tiểu sử
Trần Đình Hượu (1926 - 1995), sinh quán xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Năm 1945, tham gia Thanh niên Cứu quốc và Uỷ ban khởi nghĩa xã Võ Liệt. Từ năm 1959 đến 1963 ông là nghiên cứu sinh tại Đại học Tổng hợp Lô-mô-nô-xốp ở Liên Xô.
 
Từ năm 1963 đến năm 1993 ông giảng dạy tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Bên cạnh giảng dạy, ông còn là nhà nghiên cứu lịch sử tư tưởng, nghiên cứu văn học nổi tiếng. Năm 2000, ông được nhận Giải thưởng Nhà nước vể khoa học và công nghệ.
 
2. Văn nghiệp
Trần Đình Hượu là nhà nghiên cứu văn hoá, nhà phê bình - lí luận có nhiều đóng góp cho văn chương dân tộc. Ông để lại nhiều áng văn quý, tiêu biểu là: Văn học Việt Nam giai đoạn giao thời 1900 - 1930 (1988), Nho giáo và văn học Việt Nam trung, cận đại (1995), Đến hiện đại từ truyền thống (1996), Các bài giảng về tư tưởng phương Đông (2001).
 
III. TÁC PHẨM: Nhìn về vốn văn hoá dân tộc
1. Xuất xứ

Văn bản chúng ta tìm hiểu trích từ phần II, bài Về vấn đề tìm đặc sắc văn hoá dân tộc in trong cuốn Đến hiện đại từ truyền thống.
 
2. Những giá trị nội dung, nghệ thuật
a. Văn bản thuộc loại hình văn bản thông dụng, khác với văn bản nghệ thuật, chức năng chủ yếu của loại hình văn bản này là chức năng thông báo tri thức. Văn bản có sự kết hợp giữa phong cách khoa học và phong cách chính luận.
 
b. Tác giả Trần Đình Hượu đã đề cập đến những đặc điểm văn hoá truyền thống Việt Nam trên cơ sở các phương diện chủ yếu của đời sống tinh thần và vật chất.
 
- Về tôn giáo: người Việt Nam không cuồng tín, không cực đoan mà dung hoà nhiều tôn giáo khác nhau. Việt Nam có nhiều tôn giáo, nhiều dân tộc cùng tồn tại trên lãnh thổ nhưng hầu như trong lịch sử không xảy ra xung đột về tôn giáo và sắc tộc.
 
- Vê nghệ thuật: người Việt sáng tạo được những tác phẩm tinh tế nhưng không có quy mô lớn, không kì vĩ, tráng lệ, phi thường. Nghệ thuật Việt chú trọng những điểm nhấn tinh tế, hài hoà với thiên nhiên (chùa Tây Phương, chùa Một Cột, Tháp Rùa...)
 
- Về ứng xử: người Việt trọng tình nghĩa, không kì thị, cực đoan, thích yên ổn. Cách sống trọng tình nghĩa, trọng những gì thiết thực gần gũi như: “Người làm ra của, của không làm ra người”, “Cái nết đánh chết cái đẹp”, “Tham vàng phụ nghĩa ai ơi - Vàng rơi thì mất nghĩa tôi vẫn còn”...
 
- Về sinh hoạt: người Việt ưa sự chừng mực, vừa phải.
 
Như vậy, văn hoá Việt có bản sắc riêng trong mối quan hệ với các nền văn hoá khác. Bản sắc này được hình thành từ chính thực tế địa lí, lịch sử, đời sống cộng đồng của người Việt và quá trình giao lưu, tiếp xúc, tiếp nhận, biến đổi các giá trị văn hoá của một số nền văn hoá khác như Trung Hoa, Ấn Độ... Nhìn vào những biểu hiện trên có thể nói người Việt sống có văn hoá, người Việt có nền văn hoá riêng của mình. Những cái hung bạo, thô dã đã bị xóa bỏ đê có cái nền nhân bản.
 
c. Những tôn giáo có ảnh hưởng mạnh nhất đến văn hoá Việt là Phật giáo và Nho giáo.
- Về Phật giáo: người Việt tiếp nhận tôn giáo này chủ yếu để hướng thiện chứ không phải để giác ngộ, siêu thoát. Người Việt phê phán thái độ quay lưng lại với bổn phận, trách nhiệm, nghĩa vụ đối với gia đình và xã hội. Trong giai đoạn phong kiến cũng như sau này, ngay các nhà sư cũng nhập thế tích cực, giúp vua trị nước.
 
- Về Nho giáo: Nho giáo có ảnh hường đặc biệt đến văn hoá Việt, nhưng đến với hệ tư tưởng này người Việt cũng chọn lựa một cách tích cực. Nho giáo đã được dung hoà với một số tôn giáo khác. Tư tưởng trung quân ái quốc, tôn sư trọng đạo của Nho giáo đã được Việt hoá theo hướng phù hợp với xã hội và tâm lí người Việt. Đặc biệt, tư tưởng nhân nghĩa của Nho giáo đã được nhiều nhà Nho yêu nước Việt Nam tiếp nhận ở những khía cạnh tích cực để tạo nên nguồn sức mới cho tinh thần dân tộc.
 
Ngoài Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo cũng có một số ảnh hưởng đến với đời sống tinh thần của người Việt nhưng nhìn chung hệ tư tưởng này ít để lại dấu ấn sâu đậm trong cộng đồng.
 
Nhìn chung, người Việt đã tiếp thu, tiếp nhận các tôn giáo trên trên tinh thần thiết thực, linh hoạt và dung hoà.
 
d. Như đã phân tích, tinh thần chung của văn hoá Việt Nam là thiết thực, linh hoạt, dung hoà. Đặc điểm này vừa tích cực vừa có những hạn chế. Đó là: vì quá thiết thực nên văn hoá Việt thiếu những sáng tạo lớn, không đạt đến những giá trị phi phàm, kì vĩ. Vì luôn dung hoà nên văn hoá Việt không có những giá trị đặc sắc nổi bật, thường gắn với tư tưởng tôn giáo hoặc quan niệm xã hội ít nhiều mang tính cực đoan.
 
e. Con đường hình thành bản sắc dân tộc của văn hoá không chỉ trông cậy vào sự tạo tác của chính dân tộc đó mà còn trông cậy vào khả năng chiếm lĩnh, khả năng đồng hoá những giá trị bên ngoài. Rõ ràng, các giá trị văn hoá trên mọi bình diện đời sống của người Việt không chỉ là thành quả sáng tạo riêng của cộng đồng văn hoá Việt Nam mà là sự tích tụ cả một quá trình tiếp nhận có chọn lọc và biến đổi những giá trị lớn của các nền văn hoá khác. Bản sắc văn hoá là cái riêng, cái độc đáo, mang tính bền vững và tích cực của một cộng đồng văn hoá.
 
Vì thế, nếu không có sự tạo tác của chính cộng đồng thì nền văn hoá sẽ không có nội lực bền vững. Ngược lại, nếu có nội lực mà không tiếp xúc, giao lưu thì văn hoá cũng không thừa hưởng được những giá trị tinh hoa và tiến bộ của nền văn hoá nhân loại.
0