18/06/2018, 12:07

Tiền Giang - Ốc gạo Tân Phong

Xã Tân Phong thuộc huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang là một cù lao do phù sa bồi đắp, nổi tiếng với đặc sản ốc gạo. Ốc gạo sinh sản nhiều ở lưu vực sông Cồn Bầu, Cồn Tre, Cồn Tròn,… Đặc biệt hơn cả, ốc gạo Cồn Tre nhờ sống ở vùng cát sa nên ốc to, ...

Ốc gạo Tân Phong

 

        Xã Tân Phong thuộc huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang là một cù lao do phù sa bồi đắp, nổi tiếng với đặc sản ốc gạo. Ốc gạo sinh sản nhiều ở lưu vực sông Cồn Bầu, Cồn Tre, Cồn Tròn,…Đặc biệt hơn cả, ốc gạo Cồn Tre nhờ sống ở vùng cát sa nên ốc to, vỏ màu xanh ngọc, ruột đầy, bởi vậy ốc rất ngon.

        Theo truyền thuyết, cuộc sống của người dân nơi đây vốn rất nghèo khó nên được trời đất động lòng thương, ban cho loại ốc ngon này. Mọi người ngược xuôi trên sông nước bắt ốc hàng ngày để đổi gạo nuôi gia đình, nên ốc có tên gọi ốc gạo. Cũng có người cho rằng, trong ruột của loài ốc này thường có nhiều con nhỏ như hạt gạo. Vào mùa sinh sản, ốc càng béo, ngọt, khi nhai rất giòn, bởi vậy cũng được gọi là ốc gạo.

        Ốc gạo sinh sản vào khoảng tháng 7 âm lịch năm trước. Sang năm sau, vào khoảng tháng 4, tháng 5 âm lịch là đến mùa thu hoạch. Mùa này ốc đã lớn bằng hột mít. Vào mùa ốc rộ, lưu vực Tân Phong xuồng ghe tấp nập. Hàng trăm chiếc giăng mắc, đan xen nhau tạo thành chợ nổi náo nhiệt cả vùng. Đến lúc con nước vừa ròng, tiếng tù và nổi lên trầm vang trên mặt sông nước mênh mông, âm thanh lan dần ra khắp cồn bãi, đó là hiệu lệnh, mọi người xúm nhau đẩy xuồng ghe ra khơi cào ốc.

 

        Kỳ công lặn bắt ốc

        Bắt ốc gạo cũng có cách thức riêng, nội cái tên nghe cũng kỳ thú: “lặn cồng cộc”: Cứ một đôi, mỗi người một xuồng cùng nhau chèo ra sông tìm chỗ giữa hai vồng đất bồi nổi cao, cắm sào neo xuồng. Rồi lấy hơi dài, lặn sát đáy sông cỡ vài sải sâu, bám lấy cây sào đã cắm, một tay dùng “lợi cào” hình cánh cung xốc xuống mặt cát đáy sông. Cứ như vậy, ốc trong cát bị xốc rơi vào lưới phía sau lợi. Lặn chừng mươi hơi, khi đã hết ốc quanh sào, hai người trồi lên, chống xuồng tìm nơi khác. Bắt ốc gạo cách này rất cực nhọc. Mỗi buổi lặn hàng trăm hơi, da thịt ngấm nước mềm nhão, thỉnh thoảng bị con ốc hở môi trên cắt vào tay ngọt xớt như dao lam cứa phải. Có lẽ do lặn hụp dưới nước hoài như con cồng cộc bắt cá dưới sông nên có tên như vậy.

        Còn “lặn điên điển”: thường là những người đàn bà đơn chiếc, không có người lặn đôi. Họ tìm chỗ cắm sào, neo xuồng, rồi buộc dây ngang lưng, cổ đeo chiếc giỏ tre, quay mặt về hướng ngược nước, hai tay đập như con điên điển. Sau đó, lấy sức lặn sát đáy sông, tranh thủ dùng hai tay quơ quào hốt ốc bỏ vào giỏ, vừa hết hơi trồi lên mặt nước, trút giỏ ốc vô xuồng rồi lặn tiếp.

 

        Món ngon ốc gạo

        Ốc gạo được chuẩn bị để ăn cũng khá kỹ lưỡng, không kém gì cách bắt ốc. Ốc cho vào rổ, đặt vào thau nước cách đáy thau vài phân, lâu lâu xốc rổ một đợt cho ốc nhả sạch cát. Sau đó, cho ốc gạo vào nồi với ít nước rồi  luộc lên, khi ốc vừa chín tới, đổ ra rổ. Ốc mới luộc còn nóng, con nào cũng vàng ươm, béo ngậy, ngọt giòn. Với món ốc luộc, có thêm ly rượu đế mắt mèo thì thật là ngon. Ngoài món ốc luộc, còn có món ốc xào với hành tỏi để làm gỏi cuốn hoặc món cháo ốc. Khi cháo nhừ, cho ốc đã nhể sẵn cùng nhiều hành, tiêu và mấy miếng gừng sợi vào, rồi múc ra bát ăn nóng.

        Ốc gạo còn được một số đầu bếp chế biến thành một số món khác như: ốc cháy mỡ tỏi, um nước dừa, rang bơ... Loài ốc gạo ngon và lành hơn những ốc khác ở chỗ không có nhớt, ăn đến no mà không thấy nặng bụng. Ốc gạo thật là một tặng phẩm tuyệt vời của trời đất đã ban cho vùng đất Tân Phong.

 
0