06/05/2018, 08:13

Thuyết minh về lễ hội đua thuyền – Văn mẫu hay lớp 9

Xem nhanh nội dung Thuyết minh về lễ hội đua thuyền – Bài làm 1 của một học sinh giỏi Văn tỉnh Sóc Trăng Quê hương nơi em sống có biết bao nhiêu lễ hội diễn ra, mỗi lễ hội có một đặc trưng riêng mà em cảm nhận được. Mùa của lễ hội thường xảy ra trong tháng giêng và tháng ...

Xem nhanh nội dung

Thuyết minh về lễ hội đua thuyền – Bài làm 1 của một học sinh giỏi Văn tỉnh Sóc Trăng

Quê hương nơi em sống có biết bao nhiêu lễ hội diễn ra, mỗi lễ hội có một đặc trưng riêng mà em cảm nhận được. Mùa của lễ hội thường xảy ra trong tháng giêng và tháng hai của năm. Bà bảo em rằng tháng một là tháng ăn chơi, tháng ba lễ Hùng Vương sau đó xong xuôi người nông dân mới ra đồng cấy lúa. Biết bao nhiêu lễ hội như thế diễn ra và biết bao trò chơi cũng được mở ra rất náo nhiệt nhưng em thấy vui nhất là lễ hội đua thuyền. 

Lễ hội đua thuyền quê em diễn ra vào ngày hội của làng từ bé em đã được bà dẫn đi xem lễ hội đó. Nó là một lễ hội lớn nhất sau cái tết nguyên đán ở quê em. Vì nó là hội làng chứ không phải ngày hội của cả nước. Sở dĩ em thích xem đua thuyền không phải vì em thích môn thể thao ấy mà là anh trai em cũng tham gia vào cuộc đua thuyền ấy. Trong làng chia ra là các đội mỗi đội trên một chiếc thuyền. Đội nào thắng cuộc thì sẽ không những được trưởng thôn cấp cho bằng khen mà còn mang lại sự tự hào cho xóm đội của 
mình. Chính vì sự tự hào cũng như sự ganh đua phân cao thấp giữa các đội nên thấy rất thích nó. 

Ngày lễ hội đến mọi người ăn uống chúc tụng nhau say sưa đến trưa thì bắt đầu từ hai giờ chiều mọi người tập trung tại đình của làng. Dưới đình là một cái ao làng rất to, những chiếc thuyền rồng dài đã sẵn sàng đợi những chàng trai ở đó. Con trai làng em nhìn thế mà đứa nào đứa này khỏe ra trò nhưng có một anh ở đội một lại có thân hình to béo và anh đã từng tập tạ, thể hình cho nên là một đối thủ đáng gờm cho đội của xóm em. 

Bắt đầu khoảng hai rưỡi khi mọi người đã có mặt đầy đủ trên những sân đình trưởng thôn ra hiệu bắt đầu cuộc đua. Người làng em đổ dồn ra xem náo nhiệt. Những đứa con nít nhỏ hơn em được bố hay anh trai cung kiêng lên tận đỉnh đầu để xem đua thuyền. Những cô gái thì cười đùa nhau, có những chị có cả người thương người nhớ ở trên thuyền đùa thì đưa mắt cười tít hô anh cố lên. Tất cả mọi người đều mang tâm trạng háo hức cho cuộc thi đấu chuẩn bi bắt đầu. Nhiều ông cụ có tuổi vẫn đi xem, không phải vẫn ham chơi mà đây là nét truyền thống của dân làng nên hễ vẫn còn đi được thì các cụ chẳng bỏ những truyền thống tốt đẹp ấy. Họ được dân làng ưu tiên cho ghế ngồi xem đàng hoàng. Hăng nhất là mấy anh thanh niên trèo tường, đứng thẳng lên để xem và hò hét. 

Trước tâm trạng hồ hởi của mọi người cuộc đua bắt đầu được diễn ra. Trưởng thôn chính là người chỉ huy cuộc đua ấy. Ông có chiếc còi trong tay, một hồi còi vang lên các trai tráng thanh niên vững tay chèo chống chiếc thuyền lướt nhanh trên mặt nước. những cánh tay lái thuyền đều tăm tắp như đang rẽ sóng để vượt đến dích một cách nhanh nhất. Trong sự khẩn trương và nhanh nhẹn ấy là những tiếng hò la vang động cả một vùng trời. 

Ôi em thấy hạnh phúc khi thấy dân làng em hạnh phúc bên nhau như thế này. Những tiếng hét “ cố lên” vang lên như những khúc ca vang khích lệ tinh thân của người đang đua. Ngày hôm ấy em cũng hét khàn hết cả cổ. 

Kết quả là đội của anh to béo kia thắng, chiến thắng ấy kết thúc cuộc đua năm ấy, có những tiếng hò hét vui mừng của những người cùng đội với anh ấy, và cũng có những tiếng tiếc nuối “ trời ơi!!!”. Dù sao em cũng cảm thấy rất vui về lễ hội đua thuyền quê em. Nó như sợ dây vô hình thắt chặt tình đoàn kết của nhân dân trong làng.

Thuyết minh về lễ hội đua thuyền diễn ra hàng năm ở quê em – Bài làm 2

Con thuyền gắn bó với sinh hoạt, đời sống, phong tục, lễ hội của người Việt Nam từ cổ xưa đến nay. Văn hóa vùng sông, biển với những tục lệ lâu đời đã thành phong tục đặc sắc là vốn quý trong kho tàng văn hóa dân gian bản địa cổ truyền.

Thuyền rồng để vua dùng gọi là “thuyền ngự”. Thuyền rồng trong lễ hội dân gian mang ý nghĩa linh thiêng, trang trọng. Đặc biệt, ở những lễ hội thờ các vị anh hùng dân tộc, võ tướng, có công đức thì theo ý niệm dân gian, chính các Ngài đã về “ngự” trên thuyền để việc cầu phúc, cầu sức khỏe, an khang thịnh vượng của người tổ chức hội, dự hội, xem hội được như ý nguyện. Dân đi biển Cát Bà, Cát Hải, Đồ Sơn… thường tổ chức đua thuyền hình rồng khi kết thúc vụ cá Bắc mở đầu vụ cá Nam khoảng tháng 4, 5 dương lịch… tạo thành nét văn hóa biển độc đáo. Dịp lễ cúng thần nước hay hạ thủy con thuyền cũng là thời điểm đua thuyền của cư dân ven sông, biển.

Lễ hội đền Quả xã Bạch Ngọc, huyện Đô Lương, Nghệ An có đua thuyền rồng. Vùng này có nơi toàn các tay đua nữ thi đấu với nhau như ở Xa Long, huyện Hương Sơn, còn thường thì nam thi với nam, nam thi với nữ cũng có nhưng ít hơn. Trước khi hạ thủy thuyền đua, có tục lệ trai đinh rước 12 thuyền rồng sau 4 ngựa gỗ, gồm hai ngựa hồng, hai ngựa bạch từ đền Quả đến hạ thủy ở sông Lam. Tương truyền, dân ở đây đua thuyền để tỏ lòng biết ơn công đức của Hoàng tử Uy Minh Vương, con trai thứ tám của vua Lý Thái Tổ.

Lễ hội đua thuyền rồng ở Đồng Hới (Quảng Bình) lại mang nét đặc sắc khác. Theo tín ngưỡng dân gian ở địa phương, thuyền rồng là “dương” đua với thuyền phượng là “âm”. Đua đường dài 20km từ đình làng Đồng Hải đến cửa sông Nhật Lệ, qua các địa hình, hướng gió khác nhau và theo với nước thủy triều lên, xuống. Cũng theo tín ngưỡng âm dương cổ, nhưng ở làng Đào Xá (huyện Tam Thanh, Phú Thọ) tạo dáng thuyền đua và quan niệm cũng có khác. Ở đây, “dương” lại là thuyền hình chim, “âm” có thuyền hình cá. Chỉ đua một chải đực (chim) với một chải cái (cá) về đêm, sau khi tế lễ xong và gọi là “tiệc bơi”, bơi để lễ thần.

Lễ hội thuyền đua làng Đăm (xã Tây Tựu, huyện Từ Liêm, Hà Nội) có từ thế kỷ XV, đầu và đuôi thuyền đều chạm hình rồng. Cuộc đua được tổ chức lúc chính Ngọ (12 giờ trưa) trên sông Nhuệ. Tương truyền hội đua thuyền vùng này để tưởng nhớ danh tướng Bạch Hạc Tam Giang thời vua Hùng thứ XVI. Có tới 172 làng thờ Bạch Hạc Tam Giang. Thuyền đua có hình đầu rồng, hình chim hạc và hình con ly (kỳ lân).

Vùng Trung Bộ do sông ngắn nên có tục lệ đua thuyền trên cạn, có hàng đoàn trai tráng “múa tay chèo” tượng trưng, có phần giống đua ghe ngo Nam Bộ. Vùng biển phía nam còn có tục lắc thuyền thúng đua ngày hội là một nét lạ, góp phần phong phú thêm lễ hội đua thuyền dân gian Việt Nam. Những lễ hội đua thuyền kể trên vừa mang tính thể thao, văn nghệ (ca múa nhạc) vừa là nét văn hóa vùng sông, biển, để cùng với các lễ hội đồng bằng tạo nên một phần của bản sắc văn hóa Việt Nam.

Văn hóa vùng sông, biển với những tục lệ lâu đời đã thành phong tục đặc sắc là vốn quý trong kho tàng văn hóa dân gian bản địa cổ truyền.

Thuyết minh về lễ hội đua thuyền truyền thống ở quê hương em – Bài làm 3

Lễ hội đua thuyền, diễn ra vào tháng Giêng âm lịch hàng năm, tại Quận Liên Chiểu, với ước muốn cầu mong mưa thuận, gió hòa.

Theo ông cha kể lại, người xưa tổ chức Lễ hội đua thuyền vào ngày đầu xuân để khai thông sông rạch với ước muốn cầu mong mưa thuận, gió hòa. Làng nào giành chiến thắng trong cuộc đua thì năm đó sẽ gặp nhiều may mắn, làm ăn phát đạt. Từ xa xưa, kể cả trong những năm chiến tranh ác liệt hay thời bình, giải đua thuyền đã trở thành thông lệ trong những ngày đầu năm.

Trước lễ hội 1 tuần, bà con trong làng tụ họp để bàn chuyện chuẩn bị đua thuyền hoặc thăm hỏi, động viên con cháu tập luyện.

Mỗi làng đều hình thành một đội đua toàn trai tráng ở cỡ 18-35 tuổi. Mỗi đội đua có nhiều nhất 30 người gồm lái thuyền, cầm phách, cầm tổng và dân bơi. Kinh phí lập đội thuyền do dân làng quyên góp.

Trong những thời khắc này, cả xã Hòa Hiệp dường như mất ngủ, điểm sinh hoạt ở thôn nào cũng sáng đèn, họ tụ hội về đây để cổ vũ, để bàn tán về chiến thuật, đánh giá thuyền của các làng khác. Nhưng rốt cục thì người làng nào cũng khẳng định “đò" của làng mình sẽ đoạt giải nhất.

Sáng tinh mơ ngày hội, khi các cụ bô lão trong thôn cùng trai làng khỏe mạnh nhất ra bờ sông đứng bên mũi thuyền thắp hương cầu nguyện cho một mùa mưa thuận gió hòa, thì hai bên bờ sông đã huyên náo tiếng người. Người dân từ các vùng Thủy Tú, Kim Liên, Nam Ô… đã thức dậy rất sớm để kiếm cho mình chỗ đứng xem thuận lợi nhất.

Khi lệnh xuất phát vừa đưa ra, các thuyền lập tức lao lên, hai bên bờ sông Cu Đê như vỡ òa trong tiếng hò reo và âm thanh của trống, mõ. Hàng ngàn con mắt dán chặt xuống mặt sông. Lúc đó, dòng sông Cu Đê hiền hòa bỗng sôi sục bởi hàng chục con thuyền được trang hoàng như một rừng hoa sặc sỡ cỡi trên dòng nước vùn vụt lao về phía trước.

Kết thúc cuộc thi, đội chiến thắng thì hân hoan ca hát, đội thua thì xuýt xoa tiếc nuối và quyết tâm sẽ chiến thắng vào lễ hội năm sau.

Những năm trở lại đây, quận Liên Chiểu ngày càng quan tâm duy trì hoạt động văn hóa truyền thống này trên dòng sông Cu Đê. Từ hoạt động mang tính tự phát, ngày nay chính quyền địa phương đã đứng ra tổ chức lễ hội, đồng thời mời những đội thuyền ở các địa phương khác về tham gia tranh tài, góp phần làm cho lễ hội ngày càng hào hứng, sôi nổi.

Lễ hội đua thuyền là nét đẹp độc đáo, đặc trưng riêng của người dân vùng sông nước, tạo nên một phần bản sắc văn hóa Việt mà mỗi người con đi xa ai cũng nhớ về.

Thu Thủy (Tổng hợp)

Từ khóa tìm kiếm

0