11/11/2018, 08:52

[THPT Đồng Đậu] Kiểm tra 90 phút ngữ văn 11: cảm nhận hình tượng Huấn Cao trong Chữ người tử tù

Đề thi kiểm tra văn học kì 1 lớp 11 trường trung học phổ thông Đồng Đậu năm 2017-2018. TRƯỜNG THPT ĐỒNG ĐẬU (Đề thi có 01 trang) ĐỀ KIỂM TRA HỌC KÌ I NĂM HỌC 2017-2018 MÔN: NGỮ VĂN 11 Thời gian làm bài: 90 phút, không kể thời gian phát đề I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm) Đọc ...

Đề thi kiểm tra văn học kì 1 lớp 11 trường trung học phổ thông Đồng Đậu năm 2017-2018.

TRƯỜNG THPT ĐỒNG ĐẬU

(Đề thi có 01 trang)

ĐỀ KIỂM TRA HỌC KÌ I NĂM HỌC 2017-2018

MÔN: NGỮ VĂN 11

Thời gian làm bài: 90  phút, không kể thời gian phát đề

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu từ Câu 1 đến Câu 4 :

Tỉ phú Hồng Kông Yu Pang-Lin vừa qua đời ở tuổi 93, để lại di chúc hiến toàn hộ tài sản trị giá khoảng 2 tỉ USD cho hoạt động từ thiện. Ông giải thích hành động của mình: “Nếu các con tôi giỏi hơn tôi thì chẳng cần phải để nhiều tiền cho chúng. Nếu chúng kém cỏi thì có nhiều tiền cũng chỉ có hại cho chúng mà thôi”. Yu Pang-Lin không phải là người đầu tiên trên thế giới “keo kiệt ” với con nhưng lại hào phóng với xã hội. Ngườị giàu nhất thế giới – Bill Gates –  từng tuyên bố sẽ chỉ để lại cho con 0,05% tổng tài sản kếch xù của mình. Báo chí hỏi tại sao lại như vậy, ông trả lời đại ý: Con tôi là con người, mà đã là con người thì phải tự kiếm sống, không chỉ kiếm sống để phục vụ chính bản thân mình mà còn phải góp phần thúc đẩy xã hội. Đã là con người thì phải lao động. Tại sao tôi phải cho con tiền?

[…]. Có người nói rằng, có hai thứ mà cha mẹ cần trang bị cho con cái và chỉ hai thứ đó là đủ, còn không, nếu có để lại cho con thứ gì đi nữa mà thiếu hai thứ đó thì coi như chưa cho con gì cả. Hai thứ đó là: ý thức tự chịu trách nhiệm về bản thân mình và năng lực để tự chịu trách nhiệm.

(Theo Nhật Huy, Không để lại tiền cho con, Dẫn theo http://tuoitre.vn, ngày 10/5/2015)

Câu 1. Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản. (0,5điểm)

Câu 2. Vì sao những người cha tỉ phú như Pang-Lin, Bill Gates… không muốn để lại nhiều của cải cho con cái? (0,5điểm)

Câu 3. Anh/Chị hiểu “ý thức tự chịu trách nhiệm về bản thân mình và năng lực để tự chịu trách nhiệm” nghĩa là gì? (1,0điểm)

Câu 4. Anh/Chị có đồng tình với ý kiến được nêu ở đoạn kết trong phần đọc hiểu: “Có người nói rằng,… để tự chịu trách nhiệm” không? Vì sao? (Trả lời trong khoảng 5-7 dòng) (1,0điểm)

II. PHẦN LÀM VĂN (7,0điểm)

Câu 5 (7 điểm): Nhận xét về nhân vật Huấn Cao trong Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân, có ý kiến cho rằng: Huấn Cao là một nghệ sĩ tài hoa và là một người anh hùng có khí phách hiên ngang, bất khuất.

Ý kiến khác lại khẳng định: Huấn Cao là người có thiên lương trong sáng.

Từ việc cảm nhận hình tượng nhân vật Huấn Cao trong tác phẩm Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân, anh (chị) hãy bình luận những ý kiến trên?

ĐÁP ÁN – THANG ĐIỂM

ĐỀ KIỂM TRA HỌC KÌ I NĂM HỌC 2017-2018

MÔN: NGỮ VĂN 11

I. Đọc hiểu

1. Phong cách ngôn ngữ báo chí

2. Những người cha tỉ phú như Pang-Lin, Bill Gates… không muốn để lại nhiều của cải cho con cái vì họ quan niệm rằng:

– Nếu con cháu họ tài giỏi, chúng sẽ tự kiếm được tiền. Nếu chúng kém cỏi thì của cải có sẵn chỉ làm hại thêm (lười biếng, ỷ lại, sa vào các tệ nạn xã hội…).

– Lao động là trách nhiệm của mỗi con người, không chỉ để nuôi sống bản thân mà còn để góp phần thúc đẩy xã hội.

3. – Ý thức tự chịu trách nhiệm về bản thân mình: Có ý thức, thái độ chịu trách nhiệm về mọi suy nghĩ, hành động, sự trưởng thành về trí tuệ và nhân cách… của chính mình.

– Năng lực để tự chịu trách nhiệm: là khả năng để chịu trách nhiệm về những hành động, việc làm của bản thân. Năng lực để tự chịu trách nhiệm bao gồm: tri thức (hiểu biết về thế giới, kiến thức chuyên môn,…), khả năng lao động, sáng tạo và đạo đức (lòng trung thực, nghị lực sống, quan niệm sống đúng đắn,…).

4. Học sinh tự lựa chọn câu trả lời (có thể đồng tình hoặc không), có phân tích, lí giải cụ thể, đúng hướng, phù hợp với thực tế cuộc sống, với chuẩn mực của xã hội.

II. Làm văn

Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận văn học để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

 1. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được ấn tượng, cảm xúc sâu đậm của cá nhân

2. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Cảm nhận về hình tượng nhân vật Huấn Cao trong tác phẩm Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân và bình luận hai ý kiến nhận xét, đánh giá về nhân vật Huấn Cao.

3. Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp. Các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác phân tích, so sánh); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng
Đảm bảo các yêu cầu trên; có thể trình bày theo định hướng sau:

3.1.Giới thiệu vài nét về tác giả, tác phẩm:

– Nguyễn Tuân là “người nghệ sĩ suốt đời đi tìm cái đẹp”, cũng là cây bút rất mực tài hoa, uyên bác.

Chữ người tử tù in trong tập Vang bóng một thời (1940) là truyện ngắn xuất sắc kết tinh tài năng của Nguyễn Tuân trước Cách mạng tháng Tám.Tác phẩm xây dựng thành công hình tượng nhân vật Huấn Cao, từ đó gửi gắm quan niệm tiến bộ của nhà văn về cái đẹp.

3.2.Giải thích ý kiến

– Nghệ sĩ tài hoa: là người nghệ sĩ có tài năng xuất chúng. Anh hùng có khí phách hiên ngang: là người có bản lĩnh, chí khí, không sợ cường quyền, dám đứng lên chống lại bạo ngược để bảo vệ lẽ phải, cái thiện. Con người có thiên lương trong sáng: là người có tấm lòng tốt đẹp, lương thiện.

– Đây là hai nhận xét khái quát về các khía cạnh khác nhau tạo nên vẻ đẹp lí tưởng ở nhân vật Huấn Cao: tài hoa, khí phách, thiên lương.

3.3. Cảm nhận hình tượng nhân vật Huấn Cao.

* Huấn Cao là người nghệ sĩ tài hoa.

– Huấn Cao là nghệ sĩ trong nghệ thuật thư pháp. Ông nổi tiếng khắp vùng tỉnh Sơn về tài viết chữ “rất nhanh và rất đẹp”, nét chữ Huấn Cao mang vẻ đẹp con người ông “nét chữ vuông, tươi tắn, nó nói lên cái hoài bão tung hoành của một đời con người”.

– Chữ Huấn Cao trở thành niềm đam mê, khao khát của quản ngục. Viên quản ngục bất chấp sự nguy hiểm đến tính mạng, kiên trì, công phu, dũng cảm xin bằng được chữ Huấn Cao “chữ Huấn Cao đẹp lắm, vuông lắm, có được chữ ông Huấn mà treo trong nhà là có một vật báu trên đời”.

– Những nét chữ “vuông vắn tươi tắn” mà Huấn Cao cho quản ngục trong nhà lao có thể đẩy lùi bóng tối, chiến thắng sự tàn bạo, xấu xa.

* Huấn Cao là người anh hùng có khí phách hiên ngang.

– Ở ngoài đời Huấn Cao mang bản lĩnh của một kẻ “chọc trời khuấy nước”: là người đứng đầu bọn phản nghịch, dám hiên ngang chống lại triều đình.

– Trong những ngày ở nhà lao, Huấn Cao vẫn giữ được phong thái hiên ngang, chính trực: lạnh lùng, ngạo mạn với bọn lính áp giải; thản nhiên ung dung nhận rượu thịt; khinh miệt, xua đuổi trước sự quan tâm của cai

ngục.

– Đêm cuối cùng trước ngày ra pháp trường, mặc dù “cổ đeo gông, chân vướng xiềng” Huấn Cao vẫn đường hoàng, lẫm liệt đậm tô nét chữ trên phiến lụa trắng.

* Huấn Cao là con người có thiên lương trong sáng.

– Sinh thời, Huấn Cao không bao giờ ép mình cho chữ vì vàng ngọc hay quyền thế. Ông chỉ tặng chữ cho những người bạn tri âm tri kỉ, biết quí trọng cái tài, yêu cái đẹp.

– Khi hiểu ra tấm lòng biệt nhỡn liên tài của quản ngục, Huấn Cao xúc động “thiếu chút nữa ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ” và trao tặng những con chữ cuối cùng của đời mình cho quản ngục.

– Dành tặng quản ngục những lời khuyên chí tình như đối với một bậc tri âm “nên thay đổi chốn ở đi…” những lời chỉ giáo ấy đã cảm hóa mãnh liệt quản ngục, khẳng định sự chiến thắng của thiên lương trong sáng trước cái xấu xa, tàn bạo.

* Nghệ thuật xây dựng nhân vật.

– Xây dựng tình huống truyện giàu kịch tính, thủ pháp nghệ thuật đối lập tương phản; ngôn ngữ vừa cổ điển vừa hiện đại, bút pháp giàu chất tạo hình.

– Khả năng phân tích sâu sắc diễn biến nội tâm nhân vật; đặt nhân vật trong mối quan hệ đối sánh với các nhân vật khác.

3.4. Bình luận hai ý kiến.

– Hai ý kiến nhận xét về nhân vật Huấn Cao đều chính xác. Mỗi ý kiến đề cập đến một khía cạnh của nhân vật, tuy khác nhau nhưng lại có mối quan hệ mật thiết, qua lại và bổ sung cho nhau để cùng khẳng định vẻ đẹp lý tưởng của hình tượng Huấn Cao: tài hoa nghệ sĩ, khí phách hiên ngang, nhân cách trong sáng.

– Qua hình tượng nghệ thuật này, Nguyễn Tuân đã thể hiện quan niệm thẩm mĩ của mình: cái tài đi liền với cái tâm, cái đẹp gắn liền với cái thiện. Nét đặc trưng trong phong cách nghệ thuật của nhà văn cũng được khẳng định.

4. Sáng tạo: Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,…) ; văn viết giàu cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; có liên hệ so sánh trong quá trình phân tích, có quan điểm và thái độ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

Lưu ý chung: Thí sinh có thể làm bài theo những cách khác nhau, nhưng phải đảm bảo những yêu cầu về kiến thức. Trên đây chỉ là những ý cơ bản thí sinh cần đáp ứng; việc cho điểm cụ thể từng câu giám khảo cần  vận dụng linh hoạt.

0