27/09/2018, 23:21

Thái Bình Thiên Quốc chiến tranh toàn sử (Bài 4)

Phần 2. Sự Phát Triển Lực Lượng Phản Kháng Ở Quảng Tây Tác giả Thôi Chi Thanh Đỗ Trung Thành dịch Quảng Tây miền đất cách mạng đầy dông tố. Chiến tranh Thái Bình Thiên Quốc nổ ra ở Quảng Tây, một tỉnh biên thùy tây nam. Từ năm 1844, là năm mà Hồng Tú Toàn, Phùng ...

Phần 2. Sự Phát Triển Lực Lượng Phản Kháng Ở Quảng Tây

thai binh (11)

Tác giả Thôi Chi Thanh

Đỗ Trung Thành dịch

  1. Quảng Tây miền đất cách mạng đầy dông tố.

Chiến tranh Thái Bình Thiên Quốc nổ ra ở Quảng Tây, một tỉnh biên thùy tây nam. Từ năm 1844, là năm mà Hồng Tú Toàn, Phùng Vân Sơn tới Quảng Tây truyền bá Bái Thượng Đế giáo cho tới khi cuộc khởi nghĩa Kim Điền bùng nổ vào tháng 11 năm 1850, quãng thời gian 6 năm này là giai đoạn cách mạng nung nấu và chuẩn bị. Sau khi khởi nghĩa, quân Thái Bình liên tục tác chiến ở vùng núi trung bộ Quảng Tây cho tới tháng 6 năm 1852 tiến quân vào Hồ Nam, đây là thời kì đầu Thái Bình Thiên Quốc quân hưng, đội quân nông dân non trẻ đã nhiều lần dũng cảm ngoan cường đập tan các cuộc bao vây tiêu diệt của quân Thanh để sinh tồn và xây dựng cơ sở lực lượng sơ bộ cho sự phát triển lớn mạnh trong tương lai.

Gian lao vất vả sáng lập sự nghiệp ở Quảng Tây và chiến tranh chống bao vây tiêu diệt sau khởi nghĩa là thời kì lịch sử quan trọng trong lịch sử chiến tranh Thái Bình Thiên Quốc. Cùng lúc với sự nung nấu, hình thành và phát triển của cuộc cách mạng này thì ở Quảng Tây vào năm 1845, Thiên địa hội gương cao ngọn cờ nghĩa đấu tranh vũ trang, dần dần cuốn chiếu ra toàn tỉnh. Năm 1850, khởi nghĩa Thiên địa hội lên đến cao trào, chiến lược lực lượng đôi bên ở Quảng Tây có sự thay đổi lớn, tình thế cách mạng đã chín muồi, Hồng Tú Toàn đã khắc ghi cuộc khởi nghĩa Kim Điền lên lịch trình của lịch sử. Vì vậy, lực lượng của hai cuộc cách mạng Thái Bình Thiên Quốc và Thiên địa hội kề vai nhau chiến đấu, đôi bên ủng hộ, ảnh hưởng và xao động lẫn nhau, khiến cho sự thống trị của vương triều Thanh tại Quảng Tây vấp phải sự uy hiếp và đả kích nặng nề, Quảng Tây dần trở thành lá cờ đầu của cao trào chiến tranh nông dân ở Trung Quốc thời cận đại. Những công huân lịch sử lớn lao của nhân dân Quảng Tây khiến người ta phải chú ý. Muốn làm rõ bối cảnh lịch sử của cuộc chiến tranh Thái Bình Thiên Quốc, tất phải có cái nhìn khách quan về tình thế cách mạng ở Quảng Tây, về cuộc khởi nghĩa vũ trang của Thiên địa hội để từ đó dẫn đến những khảo sát và phân tích về sự thay đổi tất yếu trong việc so sánh lực lượng.

Sau chiến tranh nha phiến, ở khắp nơi mâu thuẫn giai cấp trở nên trầm trọng, nhưng lại không phát triển đồng đều ở các tỉnh, Quảng Tây là một trong số các tỉnh có mâu thuẫn gay gắt nhất. Đồng thời, do lực lượng thống trị của triều đình tại Quảng Tây tương đối mỏng, khiến cho các lực lượng cách mạng Thiên địa hội dần tụ họp ở nơi đây, Quảng Tây trở thành mảnh đất cách mạng đầy dông tố.

Quảng Tây là tỉnh đất đai khá bạc màu, nhiều núi non, gò đồi, cấu tạo địa chất phổ biến là nham thạch đá vôi, ruộng chai không cày cấy được rất nhiều, rừng rậm, bụi trúc phân bố khắp một số vùng núi. Theo Diêu Doanh, Nghiêm Chính Cơ thì: Trong tổng số dân cư thì người bản địa chỉ chiếm 3-4 phần, phần lớn đều là người Khách Gia di dân tới từ Quảng Đông, Hồ Nam, Phúc Kiến.(1) (xem thêm Diêu Doanh (Bình tặc sự nghi trạng, trung phục dường di cảo, quyển 2); Nghiêm Chính Cơ (Luận Việt Tây tặc tình binh sự thủy mạt, Thái Bình Thiên Quốc sử liệu tùng biên giản tập, 2, Trung Hoa thư cục bản in năm 1962, trang 3)

Những năm đầu triều Thanh, Quảng Tây là căn cứ kháng Thanh của triều đình Nam Minh Vĩnh Lịch, trải mấy phen binh lửa, dân số sụt giảm mạnh. Thời kỳ Càn Long Gia Khánh, Quảng Tây đã thực thi “cải thổ quy lưu”, kêu gọi một số lượng lớn nhân công ngoại tỉnh vào khẩn hoang, do đó một lượng rất lớn nhân khẩu, vượt quá cả nhu cầu đã ào ạt di cư vào Quảng Tây, dẫn tới việc dân số tại nơi đây tăng rất mạnh, vượt xa tỉ lệ tăng trưởng bình quân dân số của cả nước. Thế nhưng diện tích đất canh tác lại không mở rộng được là bao, so sánh bình quân đất đai trên đầu người với cả nước, tới khi Thái Bình Thiên Quốc khởi nghĩa là 1,1 mẫu, kém rất xa tỉ lệ 1,78 mẫu của cả nước, vấn đề về dân số càng nổi cộm.

So sánh tình hình dân số, đất đai của Quảng Tây với cả nước

(Tư liệu lấy từ Thanh thực lục, Quảng Tây thông chí)

Năm Dân số (vạn người) Đất đai bình quân đầu người (mẫu)
Cả nước Quảng Tây Cả nước Quảng Tây
1661 10525 58 5,32 14
1753 18561 197,6 4,25 4,3
1851 43216 782 1,78 1,1

Căn cứ vào trình độ sản xuất nông nghiệp khi đó, sản lượng lương thực mỗi mẫu hai vụ mùa ở Quảng Tây có thể thu hoạch khoảng 250 kg, sản lượng thu từ địa tô thông thường chiếm 6-7 phần, thu hoạch thực tế của tá điền mỗi mẫu là hơn 100 kg, 1 hộ 5 khẩu, canh tác 5,5 mẫu ruộng, chỉ thu hoạch hơn 500 kg thóc, đương nhiên là không đủ sống cho cả năm. Sách “Việt khấu khởi sự kỉ thực” chép: “Quảng Tây núi nhiều ruộng ít, đất đai cằn cỗi, sản vật rất ít. Dân chúng không kế mưu sinh, xóm làng tiêu điều, vắng vẻ, đói rét khôn cùng, dễ sinh lòng trộm cướp.” Vì vậy một lượng lớn dân số rời khỏi nông thôn, phiêu bạt khắp các vùng Quảng Tây, rất nhiều người gia nhập các tổ chức bí mật như Thiên địa hội. Ngoài nguyên nhân này thì sau chiến tranh nha phiến còn có ba nguyên nhân khiến cho đội ngũ lưu dân tăng thêm càng nhanh và mạnh. Thứ nhất, chính phủ Thanh triệt tiêu việc bố phòng, cắt giảm lính dũng, “hương dũng giải ngũ, một nửa là dân lang thang không nghề nghiệp, phiêu dạt đến Quảng Tây, cướp bóc mưu sinh, từ đó khí thế của giặc càng hừng hực.” (Bán Oa cư sĩ (Việt khấu khởi sự kỉ thực)(Thái Bình Thiên Quốc sử liệu tùng biên giản tập, bản in của Trung Hoa thư cục năm 1961, trang 3). Điển hình là băng nhóm của Trương Chiêu. Thứ hai, Quảng Tây một thời gian dài không tu sửa thủy lợi, liên tiếp mất mùa. Theo thống kê của địa phương chí các bộ phận trong tỉnh thì từ năm 1843 đến năm 1850 đã có tới hơn 20 lần xảy ra thiên tai địch họa, ôn dịch. Nhà đương cục Quảng Tây không thương xót, cũng không có khả năng cứu tế, lại không dám báo cáo lên trên, tạo nên cảnh dân đói ê hề, “đầy đường xác người chết đói ngổn ngang”. Những kẻ may mắn sống sót thì cùng đường chẳng biết đi đâu, gia nhập hàng ngũ lưu dân. Thứ ba, đầu năm 1848, Từ Quảng Tấn làm tổng đốc Lưỡng Quảng, đặt dinh ở Quảng Đông, binh nhiều lương đủ. Nhưng trên phương diện kinh tế và quân sự, họ Từ không muốn chi viện cho Quảng Tây, là nơi thuộc trách nhiệm ông ta quản hạt để giải quyết khó khăn. Ngược lại, Từ Quảng Tấn coi láng giềng như cái ngòi xả lũ, xua đuổi dân lang thang và Thiên địa hội ở Quảng Đông sang đất Quế, khiến cho mối nguy cơ về dân lang thang ở Quảng Tây càng thêm trầm trọng.

Do làn sóng người ngoại tỉnh đổ vào Quảng Tây khai khẩn nên trên phương diện kinh tế, lợi ích chính trị và phong tục tập quán đã nảy sinh một số mâu thuẫn với người bản địa. Đặc biệt là ở khía cạnh nhân khẩu quá đông, vấn đề đất cày cấy cấp thiết, những mâu thuẫn này phát triển, thường vì tranh ruộng, tranh cày mà nảy sinh xung đột, thậm chí đấu tranh vũ trang. Sách “Quý huyện chí, thiên phong tục” có chép: “Dân bản địa ở huyện Quý chỉ có các họ Nông, Hoàng, Đàm, Trâu, Vi còn lại đều là người nơi khác đến, nay cũng xưng là người bản địa. Chỉ những người di cư đến từ Huệ Châu, Triều Châu, Gia Ứng thuộc Quảng Đông, bất luận là từ năm nào đều gọi là người khách, dù đã rời xa quê cũ nhưng vẫn không thay đổi giọng nói.”

Các phương chí như “Vĩnh An châu chí”, “Bình Nam huyện chí”, “Tượng châu chí”, “Tầm châu phủ chí” đều có ghi chép về những vấn đề liên quan đến người bản địa và người ngoại tỉnh. Mâu thuẫn giữa người bản địa và người ngoại tỉnh không phải là mâu thuẫn giai cấp, nó hoàn toàn có thể hóa giải được. Nhưng khi đó, các hào tộc lớn của cả hai bên chủ khách đều là vì lợi ích bóc lột, lợi dụng mâu thuẫn, mê hoặc xúi bẩy kích động từ bên trong; quan phủ thì rắp tâm thiên vị để vòi vĩnh, khiến mâu thuẫn càng thêm sâu sắc, dẫn đến cục diện Quảng Tây lại tăng thêm yếu tố rối ren.

Sau chiến tranh nha phiến, tình hình càng thêm trầm trọng. Đội ngũ dân lang thang ở Quảng Tây ngày càng tăng, đặc biệt là “lính hương dũng thủy bộ bị giải ngũ, đào phạm từ Quảng Đông hoặc bí mật xâm nhập vào Ngô Châu, cướp bóc trên sông Tầm Giang, hoặc tới vùng biên Nam, Thái bắt người cướp của, cấu kết với thổ phỉ bản địa và du phỉ ngoại tỉnh, thủy lục hoành hành, thế ngày càng lớn mạnh”(1)(Nghiêm Chính Cơ (Luận Việt Tây tặc tình binh sự thủy mạt, Thái Bình Thiên Quốc sử liệu tùng biên giản tập, 2, Trung Hoa thư cục bản in năm 1962, trang 3). Thiên địa hội ở Quảng Tây có được nguồn lực thúc đẩy mạnh mẽ, bắt đầu liên hiệp hành động với Thiên địa hội Quảng Đông, cao trào của một cuộc khởi nghĩa vũ trang đang được nung nấu.

Đối diện với nguy cơ “nước lớn xói vỡ đê”, từ năm 1847, tuần phủ Quảng Tây là Trịnh Tổ Thâm trong lòng lo sợ. Ông ta ở vào thế vô cùng mâu thuẫn: nếu chỉ dựa vào sức của tỉnh nhà thì thực khó có thể đối phó với cuộc khởi nghĩa Thiên địa hội sắp bừng bừng trỗi dậy. Nếu gửi sớ tâu sự thật lên vua Đạo Quang lại sẽ gặp phải sự cản trở, “trên có tể tướng đã có lời nhắc nhở là những việc thiên tai, hạn hán, địch họa nếu tấu báo không đúng lúc sẽ làm phiền lòng thánh thượng. Kinh phí quốc gia có hạn, không cho phép sử dụng vào những việc vặt vãnh.”(Long Khải Thụy (dữ Mai Bá Ngôn thư) Đại học sỹ Phan Thế Ân gửi thư cho Trịnh Tổ Thâm, “hết lần này đến lần khác nhắc nhở, nhất thiết không được đem chuyện giặc nhiều ghi vào tấu sớ”(Bán Oa cư sĩ(Việt khấu khởi sự kỉ thực)(Thái Bình Thiên Quốc sử liệu tùng biên giản tập,1, trang 11), lấy lớp phấn thái bình để thỏa mãn khát vọng hư danh thiên hạ vô sự của vua Đạo Quang. Trịnh Tổ Thâm đành phải kể khổ cầu viện tổng đốc Từ Quảng Tấn thì nhận được “toàn là những lời tô vẽ, đùn đẩy trách nhiệm”, Từ Quảng Tấn “ngồi xem thắng bại, bất đồng ý kiến với Trịnh trung thừa và chư tướng, mọi việc đều đứng bên ngoài cản trở”, muốn Trịnh ngã đài. Trịnh Tổ Thâm tự biết kết cục không hay, rơi lệ than thở: “Ta theo lời đó (không tấu báo sự thật), thì tất giặc sẽ gây đại loạn; còn nếu trái ý thì việc thượng sớ ắt sẽ bị ngăn chặn. Thế nào cũng khó, từ quan thì không dám, tay không làm sao giết giặc? Là thần tử kẻ kém cỏi hại nước, chí không thể tỏ bày, chết còn chưa hết tội!”(Bán Oa cư sĩ (Việt khấu khởi sự kỉ thực)(Thái Bình Thiên Quốc sử liệu tùng biên giản tập,1, trang 11).

 Lời tự bạch của Trịnh Tổ Thâm là rất có căn cứ. Quảng Tây có 23000 lính Lục doanh, 14000 lính địa phương, quân thường bị tổng cộng có 37000 người. Chủ lực tập trung ở Liễu Châu, Quế Lâm và hai trấn Tả, Hữu Giang, có nhiệm vụ biên phòng nhất định. Lính nội ngạch còn lại đóng ở các châu huyện, số lượng rất ít, thường chỉ có vài trăm người, phân tán rải rác ở các tấn địa, nhiệm vụ duy nhất là giữ trật tự và trị an cho các thành. Khi Thiên địa hội còn là các nhóm bí mật nhỏ lẻ, binh lính ở các tấn địa còn có thể đối phó, có thể kịp thời trấn áp. Nếu gặp phải nhiều nhóm cùng nổi dậy hay gặp phải toán quân lớn của Thiên địa hội xung kích, quân Thanh “lo cái này thì mất cái kia, nhất định không đến giúp nhau, có muốn thì binh lực cũng không đủ” (Long Khải Thụy (Việt Tây đoàn luyện tập lược tự, kinh đức đường văn tập, quyển 2). Hơn nữa, quân Thanh ở các nơi chỉ một mực để ý đến trị an trong khu vực mình phòng vệ, không muốn chủ động xuất kích hoặc có các hành động quân sự giúp đỡ nơi khác. Khi các châu huyện hoặc các phủ tổ chức tiêu diệt, quân Thanh ở nơi khác không nhiệt tình, đôi bên mâu thuẫn trầm trọng, không chịu dưới quyền, khó có thể thống nhất sở bộ và chỉ huy. Do đó, quân Thanh ở Quảng Tây thiếu tính cơ động, rất khó hình thành được sức mạnh tấn công có tính tập trung để đối phó với những toán quân lớn của Thiên địa hội, điều này cung cấp những điều kiện hoạt động thuận lợi cho sự phát triển mạnh mẽ của cuộc khởi nghĩa Thiên địa hội.

Đề đốc Quảng Tây là Mẫn Chính Phượng thường ngày không hỏi việc quân, “công việc thì thiên về nịnh hót, rất thích việc văn chương, tự nhận là nho tướng.” tạo nên việc Lục doanh Quảng Tây “sức chiến đấu yếu kém, không thể phòng địch, đồ quân giới không được phục chế, làm mới”. Khi khởi nghĩa Thiên địa hội bùng phát tràn lan, ông ta “vô cùng sợ sệt”, không dám cầm quân xuất chiến.(Từ Quảng Tấn tấu, quân lục, cách, thái, số 523-3) Các quan khác thì “giấu giếm việc binh, không phát đại quân đi tiễu trừ, coi là giặc bình thường, vẫn lệnh cho binh lính bản quận về nông thôn truy nã, chỉ quấy nhiễu lương dân mà không dám truy đuổi giặc, khôn khéo lẩn tránh, …. lề mề buông thả, thế giặc tràn lan, thổ phỉ ngày càng nhiều. …vừa nghe giặc đến, quan dân đều chạy trốn”.(Bán Oa cư sĩ (Việt khấu khởi sự kỉ thực)(Thái Bình Thiên Quốc sử liệu tùng biên giản tập,1, trang 5)

Quân Lục doanh đã không đủ để nhờ cậy, chỉ có thể chiêu mộ tráng dũng, nhưng việc này thì tỉnh cần phải có tài chính sung túc để duy trì lương hưởng. Quảng Tây đất đai bạc màu, lương tiền thiếu hụt. Theo đánh giá của Ngiêm Chính Cơ thì:

 Theo thống kê thì việc trưng thu lương tiền chính ngạch của Quảng Tây là 40 vạn lạng có lẻ, lương của quân Lục Doanh trong tỉnh mỗi năm cần hơn 42 vạn lạng, vốn đã không đủ. Những thứ tạp thuế khác không tới 10 vạn lạng, chi cho các mục như liêm bổng cho quan văn cấp thấp tế lễ, thư lại, tiền ăn của người làm cũng đã thiếu hụt nhiều. Những năm bình thường trưng thu đủ ngạch, còn phải nhận tiếp tế từ bên ngoài. Những năm gần đây…chỉ thu được 5, 6 phần, tình hình ngày càng thiếu thốn. … giặc cướp nhiều dân khốn khổ, trưng thu lương thì dân nhiều lần cự tuyệt, xảy ra chuyện thì quan bị lột chức… dân không sống được, quan cũng không sống được.” (Nghiêm Chính Cơ (Luận Việt Tây tặc tình binh sự thủy mạt, Thái Bình Thiên Quốc sử liệu tùng biên giản tập, 2, Trung Hoa thư cục bản in năm 1962, trang 5-6)

Có thể thấy, nhà đương cục Quảng Tây không đủ sức chiêu mộ số lượng lớn hương dũng, việc trấn áp Thiên địa hội gặp phải hạn chế rất lớn từ việc thiếu hụt tài chính.

Trịnh Tổ Thâm cùng đường mạt lộ, đành phải tự gạt mình gạt người, áp dụng chính sách tiêu cực qua loa cho xong chuyện. Nhưng chính sách qua loa, đãi bôi đó đã mang lại hậu quả hết sức nghiêm trọng, quan lại trong tỉnh phần lớn đều giữ thái độ làm ngơ trước sự hoạt động của Thiên địa hội. “Châu huyện muốn trừng trị theo luật pháp thì sợ sinh biến; muốn theo sự thật tấu bày thì lại sợ thời khắc cấm kị mà trốn tránh xử phạt. Để lâu dần thành đại họa thì đã thành mối rạn nứt, không thể trị lại được nữa.”(Long Khải Thụy (Việt Tây đoàn luyện tập lược tự, kinh đức đường văn tập, quyển 2) Bọn họ “không xử phạt nghiêm khắc, dần dẫn đến việc tặc phỉ không sợ. Các nguyên nhân khác, đều do đề trấn mua bán quan tước, tham hộ, du, đô, thủ bớt xén lương, ngược đãi lính, phủ ty châu huyện dung túng cho giặc, làm hại lương dân”(La Đôn Diễn tấu, khâm định tiễu bình Việt phỉ phương lược, quyển 1, trang 25). Những vạch trần của La Đôn Diễn không tránh khỏi phóng đại nhưng quan phủ, quân Thanh thực là đuổi cá ra sông, bức khiến quảng đại nhân dân gia nhập vào dòng lũ khởi nghĩa Thiên địa hội.

Chính sách qua loa, mặc kệ của của chính quyền đương cục được ra đời do tình thế đặc thù của Quảng Tây. Nó thể hiện rõ cán cân sức mạnh giai cấp ở Quảng Tây đã có sự thay đổi to lớn, giai cấp thống trị thiếu hụt lực lượng để lại có thể tổ chức những cuộc trấn áp đẫm máu Thiên địa hội giống như trước đây. Có thể thấy, chính sách qua loa, bỏ mặc không thể cứu vãn được tình hình ở Quảng Tây. Mà trái lại còn cung cấp những điều kiện thuận lợi cho những hoạt động và phát động khởi nghĩa của Thiên địa hội, bọn họ không công phá các thành ấp mà hoạt động ở các vùng nông thôn thị tập, tích trữ lực lượng, mở rộng đội ngũ, phát triển tổ chức, chuẩn bị đón nhận cao trào khởi nghĩa toàn tỉnh.

0