06/05/2018, 10:16

Tả bác nông dân gặt lúa – Văn mẫu hay lớp 5

Xem nhanh nội dung Tả bác nông dân gặt lúa – Bài làm 1 của một học sinh giỏi Văn tỉnh Lào Cai Cánh đồng lúa quê em đã vào mùa thu hoạch các bác nông dân ngày ngày ra đồng gặt lúa, mang về những hạt thóc vàng ươm sau những ngày tháng vất vả. ...

Xem nhanh nội dung

Tả bác nông dân gặt lúa – Bài làm 1 của một học sinh giỏi Văn tỉnh Lào Cai

Cánh đồng lúa quê em đã vào mùa thu hoạch các bác nông dân ngày ngày ra đồng gặt lúa, mang về những hạt thóc vàng ươm sau những ngày tháng vất vả.

Từ sáng tinh mơ, các bác nông dân đã ra đồng. Ra đồng các bác rẽ theo các hướng khac nhau, ai về thửa ruộng nhà nấy. Nhìn xa xa, ai cũng giống nhau. Vì mùa này trời rất nắng nên các bác mặc áo dày, đội nón trắng, khuôn mặt trùm kín bằng một chiếc khăn chỉ để lộ đôi mắt. Dụng cụ đã chuẩn bị xong, các bác bắt đầu công việc gặt lúa. Đàn bà lom khom cắt lúa còn đàn ông thì tuốt lúa. Tay trái các bác nâng từng bông lúa, tay phải cầm liềm cắt lúa xoèn xoẹt, đôi bàn tay mềm mại, thoăn thoắt tưởng như các bác đang múa. Từng bước chân nhịp nhàng di chuyển từ chỗ này sng chỗ khác. Lúa cắt xong được các bác xếp ngay ngắn thành từng đống rất gọn gàng. Lúa được cắt mỗi lúc một nhiều. Tiếng tuốt lúa vang lên rôn ràng cùng nhịp thở của các bác. Các bác đứng dậy vươn vai, quay lại nhìn thành quả lao động của mình. Nét mặt ai cũng vui. Mặt trời lên cao dần, Khi đã thấm mệt, các bác đứng lên nghỉ giải lao, ngồi uống nước đá, ăn vội cái bánh mì mà người nhà mới mang đến. Đâu đó vang lên những lời hát ngọt ngào của các cô gái làm xua đi những mệt nhọc. Sau ít phút giải lao, mọi người lại bắt tay vào việc. Càng về trưa nắng càng gay gắt mọi người ai cũng thấm mệt nhưng tranh thủ làm cho xong công việc. Mồ hôi rơi xuống nghe thánh thót, lưng áo ướt đẫm. Thỉnh thoảng, các bác lấy nón quạt phành phạch xua tan đi cái nắng nóng cứ vô tình chiếu xuống cánh đồng trống trải. Lúa trên ruộng cũng được gặt xong.

Vào mùa gặt, ai cũng bận rộn. Những hạt lúa chắc nịch, vàng ươm đã được đưa về nhà. Các bác nông dân phấn khởi vì vụ mùa bội thu.

Tả bác nông dân gặt lúa – Bài làm 2

Sau bao ngày chăm sóc, bón phân thì giờ đây cánh đồng lúa đã trổ vàng và nặng trĩu hạt. Bác nông dân lại bắt tay vào việc thu hoạch lúa.

Trên cánh đồng, những hạt lúa vàng đang vươn mình đón những tia nắng mặt trời, khiến cho cây lúa càng trở nên nhuộm màu. Một mùa bội thu khiến cho người nông dân trở nên mát dạ, cảm thấy như sau bao ngày vất vả thành quả thu về thật là xứng đáng.
Mới sáng sớm tinh mơ, em đã thấy các bác nông dân tấp nập ra đồng với đầy đủ dụng cụ lao động, nào là liềm, nào là bao, dây cột…. Lúc đ họ đi cùng nhau ấy vậy mà đến những cánh đồng thân thương họ lại rẽ theo mỗi đường khác nhau, ai về với thửa ruộng của  người ấy. Họ bắt đầu công việc của mình. Nhìn xa thì ai nấy cũng đều giống nhau, họ khom lưng, cúi người, tay trái từng bước nắm lấy từng khóm lúa, tay phải cầm liềm cắt lúa xoẹt xoẹt. Đôi bàn tay thô ráp tưởng chừng rất cứng cáp, nhưng đến khi bắt tay vào việc đôi tay ấy lại trở nên thoăn thoắt, nhanh nhậy. Các bác nông dân gặt hết thửa ruộng của mình thì đã thấm mệt. Vì trời nắng, mồ hôi đổ ra, chảy trên khuôn mặt, chảy xuống lưng, nhìn các bác như vừa mới tắm xong. Em thấy thật cảm phục các bác. Giữa buổi, các bác nghĩ giải lao một lúc, uống vội ngụm nước, ăn vài nắm xôi, hay một chén cơm, rồi lại tiếp tục bắt tay vào thực hiện công việc con dang dở. Sau khi gặt xong, các bác gom lúa lại từng bó to, thật gọn gàng. Máy tuốt lúa đã đến, tiếng máy quay đều xình xịch, từng bó lúa được đưa vào máy, tuốt gọn, và những hạt lúa vàng, thơm mùi lúa mới được trồi ra thật nhiều, thật nhiều. Sau đó, các bác sẽ gom lúa vào bao rồi chở về nhà.

 

 

 

 

Một ngày làm việc vô cùng vất vả, nhưng trên khuôn mặt các bác nông dân, nụ cười mãn nguyện đang hé nở. Vì những bó lúa vàng óng, vì những giọt mồ hôi đã qua, vì những đứa con đang ở nhà, vì gia đình đang đợi. Em rất biết ơn các bác nông dân, vì nhớ các bác mà em có được những bữa cơm thơm ngọt, và nhờ đó mà em đã được lớn lên từng ngày.

Tả bác nông dân gặt lúa – Bài làm 3

Cánh đồng lúa quê tôi đã chín rộ, chờ tay người đến mang về. cả làng bước vào mùa gặt. Những bác nông dân ngày ngày chăm chỉ, cần mẫn thu hoạch thành quả lao động của mình sau những tháng ngày vất vả.

Vào mùa gặt, ai cũng bận rộn. Người lớn ra đồng, trẻ con đi học, môi người một việc. Cuộc sống như hối hả hơn. Từ sáng sớm tinh mơ, khi ông mặt trời còn chưa dậy, các bác nông dân đã rục rịch ra đồng. Đi làm trong buổi sớm mai, hơi sương nhè nhẹ phá lên mặt lành lạnh. Ra đến đồng, các bác nông dân rẽ ra thành các ngã khác nhau, ai về thửa ruộng nhà nấy. Chuẩn bị xong dụng cụ, các bác nông dân bắt đầu công việc gặt lúa. Lúc này nhìn họ, ai cũng giống ai, khó mà phân biệt được. Bác nào cũng đi một đôi ủng bó sát chân, mặc một chiếc áo dày, tay bó sà cạp. Đầu đội chiếc nón tàng, khuôn mặt che kín hết bới một chiếc khăn chỉ còn để đôi mắt. Nhìn các bác như đang chuẩn bị vào một trận chiến, chiến đấu với cái nắng nóng khắc nghiệt của thời tiết mùa hè.

Lúa vụ này trĩu nặng, hạt nào hạt nấy mình mẩy chắc nịch. Bác nông dân vui mừng thấy công lao của mình được bù đắp. Trong niềm phấn khởi, bác cúi xuống, tay trái nâng những bông lúa, tay phải cầm chiếc liềm sắc cạnh đưa vào ngang thân, “xoẹt…xoẹt…” âm thanh ấy cứ đều đều vang lên cùng nhịp thở của bác. Nhìn những bàn tay thoăn thoát cắt lúa, bó lúa của bác mà tưởng như một nghệ nhân tài hoa đang biểu diễn. Từng bước chân nhịp nhàng di chuyển từ chỗ này sang chỗ khác. Những bông lúa vâng lời, theo tay bác nằm im trên đất, cắt lúa đến đâu, bác tập hợp chúng lại thành từng đống nhỏ gọn gàng. Trông xa xa, thấy ai ai cũng chăm chỉ làm việc. Lúa được cắt mỗi lúc một nhiều. Tiết trời buổi sáng gió mát, ánh nắng còn dịu nên ai cũng tranh thủ làm việc. Khi đã thấm mệt, các bác nông dân đứng lên nghỉ giải lao, ngồi uống ngụm chè tươi mát rượi, có khi hát một đoạn chèo, hay hát đối đáp để xua đi những mệt mỏi. Sau phút nghỉ giải lao, mọi người lại tiếp tục công việc.

Trời về trưa, nắng gắt. Những tia nắng cứ vô tình chiếu rọi xuống cánh đồng trống trải. Gió lại mãi mê đi chơi khiến thời tiết thêm oi ả. Tiếng ve kêu râm ran khắp trong nhưng bụi cây trên bờ. Có mấy chú chim đói bụng sà xuốg ruộng, nhặt những hạt thóc rơi, thóc vãi. Các bác nông dân đã thấm mệt. Mồ hôi rơi xuống nghe thánh thót. Lưng áo ướt đẫm. Mọi người ai này đều im lặng, chỉ còn nghe thấy tiêng xoàn xoạt mà thôi. Nhưng không phải vì thế mà bàn tay kém nhanh, bàn chân bước không đều. Họ vẫn giữ sự nhịp nhàng lúc trước, chính vì thế mà chả mấy chốc lúa trên ruộng đã sắp được cắt hết.

Những bông lúa trĩu nặng ngoan ngoãn nằm trên gánh trở về nhà trong niềm phấn khởi, hân hoan các bác nông dân tin tưởng vào vụ mùa, vào thành quả do mình làm nên.

Tả đồng lúa vào mùa gặt – Bài làm 4

Ai đó hay gọi mùa gặt lúa là “mùa vàng”. Cũng phải thôi, mới tháng 4, những thân cò trắng toát lặng lẽ kiếm ăn bên từng đám lúa xanh thì con gái. Lâu lâu không qua, tháng 6 lúa đã vàng, cò đi hết, những cánh đồng được trải kín bởi một màu duy nhất: vàng rực rỡ. Lúa đã qua thì con gái, đã ăn đủ nước, đủ chất, đủ mồ hôi, nay trả lại người những hạt vàng căng mẩy. Hàng trăm hạt thóc nhỏ như đám trẻ ăn no, nằm gối vào nhau, kéo trĩu cây mẹ đã héo hon, vàng võ xuống sát mặt ruộng. Cánh đồng rộn ràng vào mùa gặt.

Mùa lúa chín- mùa gặt, nông dân đổ ra đồng. Theo tay liềm, những thân lúa đổ xuống thành dãy gọn gàng, những cây lúa, hạt thóc vàng rời đất mẹ nằm im lìm đợi được gom về. Lúa được bó lại đem tuốt. Bên này tiếng máy tuốt xình xình kêu, lúa bỏ vào máy, thóc ra một đằng, rơm bay vèo vèo ra một nẻo. Bên kia bạt được trải ra, bàn đập được mang tới; bó lúa nâng lên, hạ xuống chạm vào bàn, những hạt vàng bắn ra long lanh trong nắng. Thóc không tự chảy về nhà như trong truyện cổ tích, người trồng lúa không ngồi nhà đợi thóc về, họ phải đánh đổi: đổi những ngày dãi nắng dầm mưa, đổi những hạt mồ hôi, đổi tấm lưng còng lấy hạt thóc đem về. Bên thửa ruộng còn trơ cuống rạ, Bác nông dân có chòm râu bạc, khuôn mặt đỏ nắng ướt đẫm mồ hôi dang tay dồn thóc vào bao, chất lên xe bò kéo về nhà…

Hình như miền núi không cấy đồng loạt như miền xuôi, cho nên trong khi có người vẫn đang gặt lúa, thì cách đó không xa, có những thửa ruộng gặt xong đã trơ thân rạ làm thức ăn cho trâu bò. Hình như cũng chỉ mùa này trâu, bò mới được tự do trên đồng đến thế, con đứng gặm rạ ràn rạt, con nằm vểnh tai mơ màng ngẫm nghĩ, con lại cuồng chân chạy thục mạng trên đồng khiến lũ chim giật mình bay tung. Tiếng líu ríu chim sẻ, tiếng tinh tang lục lặc trâu, tiếng cười nói hòa vào nhau rộn ràng, yên ấm. Vài cô bé đội nón trắng, tranh thủ lúc thả trâu, đi mót những nhánh lúa sót lại, lúa vẫn vàng, hạt vẫn căng đầy như thiếu nữ mười tám. Các chú bé lại có thú vui khác, tay mỗi người đều có một chiếc lọ nhỏ, tay kia huơ huơ trên những gốc rạ, mỗi lần huơ huơ là một con cào cào hay châu chấu nằm gọn trong lòng bàn tay. Tiếng cười hồn nhiên vang dội cánh đồng miền núi.

Cánh đồng mùa gặt là thế, lúc sôi động, lúc bình lặng. Sôi động là cảnh gặt, tuốt lúa, là tiếng cười đùa. Bình lặng là đàn trâu lặng lẽ đứng, nằm, là những đống rơm đốt dở khói lam, làn khói mỏng manh len lỏi trong từng đụn rơm, khóm rạ, hương khói quyện vào nắng chiều. Đứng trên đường, phóng tầm mắt về sát chân núi, chỉ thấy những làn khói mỏng bay vấn vít xen giữa màu xanh ngăn ngắt của ngô, của rừng. Khói bay lại, trên những lùm tre, trong tóc, trên áo. Không giống mùi thơm ngái của lúa xanh, chẳng giống mùi thơm mát của hạt lúa non trắng sữa. Mùi rơm cháy rất lạ, nồng nồng, khen khét, nhưng không dễ quên. Bởi khó quên, nên đâu đó, giữa phố thị đông đúc mới có người bất chợt thấy trong làn gió có mùi nếp mới bỗng nhớ về chõ xôi, nhớ mái tóc pha sương của mẹ, nhớ mùa lúa chín, nhớ những cánh đồng vàng ươm trong nắng, nhớ khói lam chiều và mùi khen khét, nồng nồng. Dù đi xa mấy, dù thời gian trôi lâu đến mấy, mùi lúa non, mùi rơm, rạ, mùi khói lam của mùa gặt vẫn không hề phai nhạt trong ký ức tuổi thơ mỗi con người. Nhớ lắm! Nhớ không thể quên! Bởi nó là mùi của quê hương, mùa của sự trở về.

Thu Thủy (Tổng hợp)

0