03/06/2017, 23:00

Suy nghĩ của anh chị về truyền thống Tôn sự trọng đạo của dân tộc ta (Bài 3)

“Khi thầy viết bảng bụi phấn rơi rơiCó hạt bụi nào rơi trên bục giảng.”Con người Việt Nam ta từ ngày xưa đã có truyền thống ham học hỏi nên địa vị của người thầy bấy giờ rất được tôn vinh. Bởi vậy người ta mới xếp thứ bậc trong xã hội: “Quân, sư, phụ”. Nó cho thấy tinh thần “Tôn sư trọng đạo” của ...

“Khi thầy viết bảng bụi phấn rơi rơiCó hạt bụi nào rơi trên bục giảng.”Con người Việt Nam ta từ ngày xưa đã có truyền thống ham học hỏi nên địa vị của người thầy bấy giờ rất được tôn vinh. Bởi vậy người ta mới xếp thứ bậc trong xã hội: “Quân, sư, phụ”. Nó cho thấy tinh thần “Tôn sư trọng đạo” của dân tộc ta.

Tư tưởng “Tôn sư trọng đạo” là một trong những đạo lí quý báu mà ông cha ta đã đúc kết và gìn giữ cho đến ngày nay. Nó cho ta thấy công lao giáo dục to lớn của người thầy. Họ không chỉ dạy chữ, dạy kiến thức mà còn dạy ta những bài học làm người sâu sắc giúp ta hoàn thiện bản thân hơn. Từ đó có thể thấy vị trí của người thầy được đặt ngang hàng với vị trí của cha mẹ. Bổn phận của đạo làm trò phải biết khiêm nhường, tôn kính người thầy của mình. Ngày xưa, mỗi khi tết đến xuân về, cha mẹ người học trò thường mua gà, trái cây đem biếu thầy cô. Ngày nay, tinh thần ấy vẫn được phát huy tốt: học sinh khi gặp thầy cô đều lễ phép bỏ nón cúi đầu chào; luôn chăm chú nghe thầy cô giảng bài, hăng hái đóng góp ý kiến xây dựng bài vở ở lớp và ngạc nhiên hơn là có những người đã gần đến tuổi nghỉ hưu mà vẫn giành thời gian để đến thăm các giáo sư cũ. Hành động ấy càng giúp ta hiểu sâu hơn lòng biết ơn thầy là vô bờ bến, nó không phân biệt tuổi tác.

Việc kính trọng thầy cô vừa là quan niệm đạo đức vừa là trách nhiệm của mỗi học sinh. Xã hội bây giờ ngày một phát triển nên vai trò của người thầy cũng có phần thay đổi, từ người truyền đạt tri thức đã chuyển thành người dẫn dắt học sinh tìm ra con đường đến với tri thức. Tuy có thay đổi ít nhiều nhưng vai trò của người thầy đối với học trò cũng không hề suy giảm, trò vẫn luôn kính trọng thầy và thầy cũng vẫn luôn thương yêu học trò như những đứa con thân yêu. Họ mong muốn những “đứa con” của mình sẽ không phụ công dưỡng dục mà lấy đó làm nền tảng đi đến thành công. Không phải chỉ nói suông mà ở nước ta còn giữ lại nhiều di tích cổ xưa cho thấy lòng tôn kính ấy như Văn Miếu Quốc Tử Giám ở Hà Nội-nơi lưu giữ tài liệu, những bài thơ quý giá của những người thầy xưa. Qua đó nói lên sự thành kính của dân tộc ta đối với người thầy.

Càng đi sâu vào phân tích, ta càng nhận thấy tầm quan trọng của những người “bắc cầu nối” cho thế hệ đi sau trong việc tìm ra đích đến của ước mơ và hoài bão. Nếu trẻ em là tờ giấy trắng thì người cầm cây bút viết lên những tờ giấy trắng ấy những trang thẳng hàng, rõ nét, rõ chữ nhất chính là thầy cô giáo. Vì vậy, ta còn có thể hiểu sâu xa hơn: "Tôn sư" không chỉ là vấn đề tôn trọng, kính yêu người làm nghề dạy học mà còn là biểu hiện của tình yêu tri thức, khát vọng văn minh, tiến bộ; "Đạo" cũng không chỉ dừng lại ở đạo làm trò, ở những hình thức, thái độ ứng xử với người thầy mà còn là vấn đề đạo đức xã hội. Gần đây xuất hiện những thanh niên có những lời nói, hành động vô giáo dục, vô lễ, xúc phạm thầy cô. Vì vậy, chúng ta phải có những hành động lên án gay gắt và nhắc nhở mọi người nhìn lại cách ứng xử, thái độ của mình đối với những người làm thầy.

Để giữ gìn và phát huy tinh thần “tôn sư trọng đạo”, chúng ta là học sinh trong lớp phải siêng năng học tập, lắng nghe giáo viên giảng bài, tôn trọng thầy cô. Vào ngày Nhà giáo Việt Nam hằng năm, tất cả học sinh trở về ngôi trường cũ để gặp bè bạn, thăm thầy cô- những người đã từng giúp chúng ta chắp thêm đôi cánh ước mơ trên con đường học vấn bao la rộng mở.
 
“Tôn sư trọng đạo’ là một trong những truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta từ ngàn đời nay và đã được khắc sâu trong lòng những đứa con Việt.

0