27/04/2018, 16:16

Soạn bài Khi con tu hú SBT Ngữ Văn 8 tập 2

Giải câu 1, 2, 3, 4 trang 14 SBT Ngữ Văn 8 tập 2. Câu thơ đầu và câu thơ kết của bài thơ đều có tiếng chim tu hú kêu, nhưng tâm trạng của tác giả ở mỗi lần mỗi khác. Em hãy giải thích vì sao có sự khác nhau đó. ...

Giải câu 1, 2, 3, 4 trang 14 SBT Ngữ Văn 8 tập 2. Câu thơ đầu và câu thơ kết của bài thơ đều có tiếng chim tu hú kêu, nhưng tâm trạng của tác giả ở mỗi lần mỗi khác. Em hãy giải thích vì sao có sự khác nhau đó.

1. Em hãy viết một câu có mở đầu bằng bốn chừ "Khi con tu hú" để tóm tắt nội dung bài thơ.

Vì sao tiếng chim tu hú kêu lại tác động mạnh mẽ đến tâm hồn người tù cách mạng trẻ tuổi như vậy ?

Trả lời:

- Có thể có nhiều cách diễn đạt khác nhau, miễn sao câu văn xuôi phải đáp ứng được hai yêu cầu :

+ Mở đầu bằng bốn chữ "Khi con tu hú".

+ Nêu tóm tắt nội dung của bài thơ Khi con tu hú.

HS có thể viết : "Khi con tu hú kêu báo hiệu mùa hè, người tù cách mạng hình dung ra cảnh mùa hè đất trời cao rộng, sức sống tràn đầy ở bên ngoài, anh càng cảm thấy ngột ngạt, chết uất trong phòng giam chật chội càng thèm khát cháy bỏng cuộc sống tự do”.

- Tiếng chim tu hú kêu đã tác động mạnh mẽ đến tâm hồn người chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi, bởi lẽ :

+ Khi đó (năm 1939), Tố Hữu đang rất trẻ, thiết tha yêu đời, vừa mới được giác ngộ lí tưởng của Đảng, đang say mê hoạt động cách mạng với niềm vui phơi phới đầy lãng mạn thì bị địch bắt giam ở nhà lao Thừa Phủ (Huế). Bị nhốt chặt trong phòng giam âm u, cách biệt hoàn toàn với cuộc sống rộng lớn bên ngoài, người chiến sĩ trẻ yêu đời cháy bỏng ấy cảm thấy đau khổ vô cùng.

+ Bị cách li với cuộc sống bên ngoài, tác giả ra sức lắng nghe mọi âm thanh vang vọng vào nhà tù. Lúc này thính giác trở thành kênh duy nhất để nhà thơ có thể sống với cuộc đời tự do ở ngoài nhà tù. Do đó, mọi âm thanh đều được đón nhận với tâm trạng đầy háo hức : "Tôi lắng nghe tiếng đời lăn náo nức / Ở ngoài kia vui sướng biết bao nhiêu" ( Tâm tư trong tù).

+ Tiếng chim tu hú kêu vang vọng vào trong nhà tù, báo hiệu mùa hè đã đến. Với tâm hồn tinh tế, nhạy cảm và nhất là, với niềm khát khao tự do mãnh liệt, người tù cách mạng trẻ tuổi đã hình dung ra ở ngoài kia là một mùa hè tưng bừng, rộn rã âm thanh (tiếng chim tu hú gọi bầy, tiếng ve ran, tiếng sáo diều trên từng không), chan hoà ánh sáng, rạng rỡ sắc màu (ngô vàng, nắng hồng, trời xanh),... Đấy còn là một mùa hè với bầu trời cao lồng lộng để những cánh diều sáo tha hồ nhào lộn giữa từng không. Tất cả đều đối lập với tình trạng bị giam cầm mà người chiến sĩ đang phải chịu đựng. Như vậy, tiếng chim tu hú khiến Tố Hữu hình dung ra một thế giới tự do bao la và tràn đầy sức sống. Vì thế, anh càng thâm thía hơn cái bức bối, ngột ngạt không thể chịu nổi trong nhà tù.

2. Em có nhận xét gì về cảnh thiên nhiên vào hè được miêu tả trong sáu câu ở phần đầu bài thơ ? Những chi tiết nào khiến cho em có nhận xét đó ?

Qua bức tranh mùa hè được miêu tả, em thấy tâm tư của tác giả như thế nào ?

Trả lời:

Sáu câu đầu của bài thơ miêu tả cảnh thiên nhiên vào hè. Đây là một mùa hè rộn ràng tràn đầy sức sống. Những chi tiết như : tiếng ve ran trong vườn, trái cây đượm ngọt, hạt ngô vàng trên sân đầy nắng, lúa chiêm chúi ngoài cánh đồng, diều sáo chao lượn trên bầu trời cao rộng,... khiến cho chúng ta có nhận xét đó.

Qua bức tranh mùa hè với những chi tiết nêu trên, ta có thể nhận thây tình yêu thiết tha cuộc sống, niềm khao khát tự do mãnh liệt và sự nhạy cảm, tình tế của người thi sĩ - chiến sĩ Tố Hữu.

3. Câu thơ đầu và câu thơ kết của bài thơ đều có tiếng chim tu hú kêu, nhưng tâm trạng của tác giả ở mỗi lần mỗi khác. Em hãy giải thích vì sao có sự khác nhau đó.

Trả lời:

Câu thơ đầu và câu thơ kết của bài thơ đều có tiếng chim tu hú kêu, nhưng đúng là tâm trạng của tác giả ở mỗi lần mỗi khác. Lần đầu là tâm trạng hào hứng đón chào mùa hè tràn đầy sức sống (như đã nói ở phần trên) ; lần sau là tâm trạng uất ức, đau khổ (thể hiện qua cách ngắt nhịp bất thường : 6/2 ở câu thứ tám ; 3/3 ở câu thứ chín), qua cách dùng từ ngữ mạnh (đạp tan phòng, chết uất), qua những từ ngữ cảm thán (Ôi làm sao, thôi).

Sở dĩ có sự khác nhau đó là vì diễn biến tâm trạng của người tù nhà thơ. Lúc đầu nghe thấy tiếng tu hú vang vọng vào trong nhà lao, người chiến sĩ cách mạng theo phản ứng tự nhiên, hình dung ra một khung cảnh mùa hè rực rỡ như nhiều mùa hè tự do mà mình đã trải qua. Nhưng sau đó, khi tác giả ý thức được tình cảnh bị giam cầm của bản thân mình, thì tiếng chim tu hú mới tạo nên tâm trạng uất ức, đau khổ. Thực ra, trước sau, vẫn một tâm trạng đau khổ của người tù cách mạng vì mất tự do, xa rời cuộc sống. Thân trong tù mà hồn luôn hướng ra cuộc sống tự do bên ngoài. Vì vậy mà nghe tu hú kêu, anh hình dung ngay ra cảnh mùa hè tưng bừng, bao la bên ngoài, đồng thời, càng thấm thìa tình cảnh ngột ngạt chết uất trong phòng giam.

4. Theo em, sự truyền cảm nghệ thuật của bài thơ chủ yếu do những yếu tố nào ?

Trả lời:

Sự truyền cảm của bài thơ này do nhiều yếu tố, như : thể thơ lục bát được sử dụng một cách nhuần nhuỵ ; hình ảnh thơ gần gũi và gợi cảm ; cảm nhận tinh tế ; cảm xúc chân thành, mãnh liệt ; giọng điệu thay đổi một cách tự nhiên phù hợp với cảm xúc khi thì hào hứng, khoáng đạt, khi thì u uất, dằn vặt,...
 
Sachbaitap.com
0