08/05/2018, 20:44

Soạn bài: Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới

Xem thêm: Bố cục: - Phần 1 (từ đầu đến "sâu rộng hơn nhiều"): Khẳng định sự chuẩn bị bản thân con người là quan trọng nhất trong việc chuẩn bị hành trang bước vào thế kỉ mới. - Phần 2 (tiếp theo đến "kinh doanh và hội nhập"): Những điểm mạnh, điểm yếu của con người ...

Xem thêm:

Bố cục:

   - Phần 1 (từ đầu đến "sâu rộng hơn nhiều"): Khẳng định sự chuẩn bị bản thân con người là quan trọng nhất trong việc chuẩn bị hành trang bước vào thế kỉ mới.

   - Phần 2 (tiếp theo đến "kinh doanh và hội nhập"): Những điểm mạnh, điểm yếu của con người Việt Nam.

   - Phần 3 (đoạn còn lại): Khẳng định vai trò chính yếu của thế hệ trẻ trong việc lấp đầy hành trang để đất nước bước vào thế kỉ mới hội nhập và phát triển.

Hướng dẫn soạn bài

Câu 1:

Bài viết của Phó Thủ tướng Vũ Khoan trong dịp mở đầu thế kỷ mới đã nêu ra một cách chính xác và kịp thời những vấn đề thiết thực đối với con người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ, lực lượng quyết định sự thành công của công cuộc xây dựng đất nước trong thế kỷ mới.

Nhiệm vụ của nước ta và thế hệ trẻ là:

- Đưa đất nước thoát ra khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu của nền kinh tế nông nghiệp.

- Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

- Tiếp cận ngay với nền kinh tế tri thức

Câu 2: Có thể xác định lại dàn ý của bài viết như sau:

Bài viết nêu ra ba ý lớn, mỗi ý lại được cụ thể hoá bằng một hệ thống luận cứ, dẫn chứng khá sinh động:

- Chuẩn bị hành trang vào thế kỷ mới thì quan trọng nhất là sự chuẩn bị bản thân con người.

- Bối cảnh của thế giới hiện nay và những mục tiêu, nhiệm vụ nặng nề của đất nước.

- Những cái mạnh, cái yếu của người Việt Nam cần được nhận thức rõ trong quá trình xây dựng nền kinh tế mới.

Câu 3: Trong hành trang vào thế kỷ mới, sự chuẩn bị bản thân con người là quan trọng nhất, bởi vì:

- Con người bao giờ cũng là động lực phát triển của lịch sử.

- Trong thời kỳ nền kinh tế tri thức phát triển mạnh mẽ, con người lại càng có vai trò nổi bật.

Câu 4:

Khi nêu ra những ưu điểm và nhược điểm của người Việt Nam, tác giả đã không làm một phép liệt kê giản đơn từ ưu điểm đến nhược điểm mà cứ mỗi khi nêu một ưu điểm, tác giả lại đề cập đến một nhược điểm. Điều đáng chú ý là những ưu điểm và nhược điểm đó luôn được đặt trong yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước hiện nay. Cụ thể:

- Thông minh, nhạy bén với cái mới nhưng lại thiếu kiến thức cơ bản, kiến thức thực hành.

- Cần cù, sáng tạo nhưng thiếu đức tính tỉ mỉ, không coi trọng nghiêm ngặt quy trình công nghệ, chưa quen với cường độ lao động khẩn trương.

- Có tinh thần đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau nhưng đồng thời lại cũng thường đố kị nhau trong công việc.

- Bản tính thích ứng nhanh nhưng lại có nhiều hạn chế trong thói quen, nếp nghĩ, quen bao cấp, rất sùng ngoại nhưng có khi lại bài ngoại đến mức cực đoan, khôn vặt, ít giữ chữ "tín".

Câu 5:

Bài viết này đã mang đến cho bạn đọc cảm giác rất bất ngờ. Khác với các bài viết thông thường chỉ tập trung ca ngợi điểm mạnh, điểm tốt của của người Việt Nam, ở đây, tác giả không ca ngợi một chiều, cũng không chỉ toàn phê phán một cách cực đoan mà nhìn nhận song song, đối chiếu và đánh giá những điểm mạnh cũng như những điểm yếu của người Việt Nam trong quan hệ với công việc, trong yêu cầu của sự phát triển xã hội. Đó là sự đánh giá rất khách quan và khoa học, xuất phát từ thiện chí của tác giả muốn để chúng ta nhìn nhận về mình một cách đúng đắn, chân thực, ý thức được những mặt tốt cũng như mặt chưa tốt của mình để phát huy hoặc sửa đổi.

Câu 6:

Trong văn bản, tác giả đã sử dụng khá nhiều thành ngữ, tục ngữ: "nước đến chân mới nhảy", "trâu buộc ghét trâu ăn", "liệu cơm gắp mắm", "bóc ngắn cắn dài"... Việc sử dụng khá nhiều thành ngữ, tục ngữ dân gian như vậy khiến cho bài viết thêm phần sinh động, cụ thể, giàu ý nghĩa.

Luyện tập

Câu 1 (trang 31 SGK): Những dẫn chứng trong thực tế xã hội và nhà trường để làm rõ một số điểm mạnh và điểm yếu của con người Việt Nam như nhận định của tác giả.

   Những dẫn chứng trong thực tế xã hội về một số điểm mạnh của con người Việt Nam:

   -> Sự cần cù, sáng tạo:

   - Bác Vũ Đình Phúc (đường Nguyễn Siêu, Xóm Mới, phường 7, TP Đà Lạt) đã giành 2 năm mày mò nghiên cứu để sản xuất ra máy xay phế phẩm nông nghiệp làm phân hữu cơ, tận dụng phế phẩm nông nghiệp, giảm rác thải đồng thời phục vụ sản xuất.

   - Lê Huy Hiệu và Thân Trọng Tuấn khi còn là học sinh lớp 9A, trường THCS Hải Sơn, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị đã sáng tạo ra bẫy điện có chức năng thu nạp điện năng để phục vụ cho sinh hoạt từ những dụng cụ tự chế và được lắp tại ở gờ giảm tốc trên đường.

   -> Truyền thống đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau:

   - Thời kì chiến tranh, nhân dân các làng bản, vùng quê đem lương thực nuôi bộ đội, giúp bộ đội tránh khỏi sự lùng sục của kẻ thù, sự đoàn kết của quân dân ta đã đánh bại hai kẻ thù lớn là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

   - Đoàn Trường Sinh ở xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang 10 năm cõng người bạn bị liệt cả hai chân đi học.

   - Nguyễn Văn Nam sinh năm 1995, quê ở huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An đã 3 lần cứu sống 9 người sắp bị chết đuối, trong lần cứu 5 em nhỏ bản thân Nam đã bị chết đuối.

   Những dẫn chứng trong thực tế xã hội về một số điểm yếu của con người Việt Nam

    ->Thói quen "khôn vặt", "bóc ngắn cắt dài", không coi trọng chữ "tín": các cửa hàng bán rượu trên phố Hàng Buồm, Tạ Hiện, Phan Bội Châu, chợ Hàng Da ở Hà Nội sử dụng những chai rượu lâu được vận chuyển từ các cửa khẩu, dán tem thành rượu hợp pháp và bán cho người dân.

    ->Lối học chay, học vẹt nặng nề: Học sinh học thuộc lòng kiến thức để làm các bài kiểm tra mà không hiểu bản chất của vấn đề, không thể vận dụng kiến thức ấy vào những trường hợp mang tính mở rộng.

Câu 2 (trang 31 SGK):

    Học sinh liên hệ thực tiễn bản thân để trả lời câu hỏi.

Ý nghĩa - Nhận xét

    Sau bài học, học sinh:

    - Ý thức được điểm mạnh, điểm yếu của người Việt Nam và soi chiếu vào bản thân mình.

    - Nhận ra rằng: Để đưa đất nước đi lên, cần phát huy những điểm mạnh và khắc phục những điểm yếu, hình thành những thói quen tốt ngay từ những việc nhỏ.

    - Ý thức rằng bản thân các em – chủ nhân tương lai của đất nước cũng chính là những nhân tố quan trọng trong việc đưa đất nước đi lên, hội nhập, từ đó ra sức rèn luyện, học tập.

Các bài soạn văn lớp 9 hay

0