12/01/2018, 08:53

Phong trào giải phóng dân tộc từ tháng 9 năm 1939 đến tháng 3 năm 1945

Phong trào giải phóng dân tộc từ tháng 9 năm 1939 đến tháng 3 năm 1945 Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. ...

Phong trào giải phóng dân tộc từ tháng 9 năm 1939 đến tháng 3 năm 1945

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương.

1.Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 11-1939

Tháng 11-1939, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng được triệu tập tại Bà Điểm (Hóc Môn, Gia Định) do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ chủ trì.

Hội nghị xác định nhiệm vụ, mục tiêu đấu tranh trước mắt của cách mạng Đông Dương là đánh đổ đế quốc và tay sai, giải phóng các dân tộc Đông Dương, làm cho Đông Dương hoàn toàn độc lập.

Hội nghị chủ trương tạm gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất và đề ra khẩu hiệu tịch thu ruộng đất của bọn đế quốc thực dân và địa chủ phản bội quyền lợi dân tộc, chống tô cao, lãi nặng. Khẩu hiệu lập chính quyền Xô viết công nông binh được thay thế bằng khẩu hiệu lập Chính phủ dân chủ cộng hòa.

Về mục tiêu, phương pháp đấu tranh, Đảng quyết định chuyển từ đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ sang đấu tranh đánh đổ chính quyền của đế quốc và tay sai; từ hoạt động hợp pháp, nửa hợp pháp sang hoạt động bí mật. Đảng chủ trương thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương (gọi tắt là Mặt trận Phản đế Đông Dương) thay cho Mặt trận Dân chủ Đông Dương.

Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 11-1939 đánh dấu bước chuyển hướng quan trọng-đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, đưa nhân dân ta bước vào thời kì trực tiếp vận động cứu nước.

2. Những cuộc đấu tranh mở đầu thời kì mới

a)Khởi nghĩa Bắc Sơn (27-9-1940)

Mặc dù thực dân Pháp đã nhượng bộ mọi yêu sách của Nhật, song quân Nhật vẫn thực hiện kế hoạch đánh chiếm Đông Dương. Ngày 22-9-1940, quân Nhật vượt biên giới Việt-Trung, đánh chiếm Lạng Sơn, ném bom Hải Phòng. Đổ bộ lên Đồ SƠn.

Ở Lạng Sơn, quân Pháp bị tổn thất nặng nề. Phần lớn quân Pháp đầu hàng, số còn lại rút lui về Thái Nguyên qua châu Bắc Sơn.

Đêm 27-9-1940, dưới sựu lãnh đạo của Đảng bộ địa phương, nhân dân Bắc Sươn đã nổi dậy chặn đnáh quân Pháp, chiếm đồn Mỏ Nhà. Chính quyền địch ở Bắc Sơn tan rã. Nhân dân làm chủ châu lị và các vùng lân cận. Đội du kích Bắc Sơn được thành lập.

Hình 35. Lược đồ khởi nghĩa Bắc Sơn

Lúc này, Pháp và Nhật tuy mấu thuẫn với nhau nhưng đều hoảng sợ trước lực lượng cách mạng, đã nhanh chóng cấu kết với nhau. Mấy hôm sau, Nhật thả tù binh Pháp và cho quân Pháp trở lại đóng các đồn bốt ở Lạng Sơn. Thực dân Pháp tiến hành khủng bố phong trào cách mạng ở Bắc Sơn. Chúng đốt phá làng bản, dồn làng, tập trung dân, bắn giết những người tham gia khởi nghĩa.

Khởi nghĩa Bắc Sơn có ý nghĩa lịch sử quan trọng, mở đầu phong trào đấu tranh vũ trang giải phóng dân tộc sau khi có chủ trương chuyển hướng đấu tranh của Đảng; giúp Đảng ta rút ra những bài học quý báu về khởi nghĩa vũ trang, chọn thời cơ khởi nghĩa.

b) Khởi nghĩa Nam Kì (23-11-1940)

Tháng 11-1940, xảy ra cuộc xung đột giữa thực dân Pháp và Thái Lan. Chính quyên thực dân bắt thanh niên Việt Nam và Cao Miên đi làm bia đỡ đạn. Nhân dân Nam Kì và binh lính đã đấu tranh phản đối việc đưa binh lính ra mặt trận.

Trong bối cảnh đó, Xứ ủy Nam Kì chuẩn bị phát động nhân dân khởi nghĩa và cử đại biểu ra Bắc xin chỉ thị của Trung ương.

Lúc này, chấp nhận những thay đổi của tình hình thế giới và trong nước, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng được triệu tập từ ngày 9-11-1940 tại làng Đình Bảng ( Từ Sơn-Bắc Ninh). Hội nghị đã đề ra chủ trương trong tình hình mới; xác định kẻ thì chính của nhân dân Đông Dương là đế quốc Pháp-Nhật; quyết định duy trì đội du kích Bắc Sơn để xây dựng thành lực lượng vũ trang cách mạng; tiến tới thành lập căn cứ du kích; quyết định đình chỉ khởi nghĩa vũ trang ở Nam Kì vì thời cơ chưa chín muồi.

Hình 36. Lược đồ khởi nghĩa Nam Kì

Quyết định hoãn khởi nghĩa Nam Kì của Trung ương Đảng chưa tới nơi, nhưng lệnh khởi nghĩa của Xứ ủy đã đến các địa phương, cuộc khởi nghĩa vẫn nổ ra đúng thời gian quy định là đêm 22 rạng sáng 23-11-1940.

Khởi nghĩa bùng nổ từ miền Đông đến miền Tây Nam Bộ, bao gồm: Biên Hòa, Gia Định, Chợ Lớn, Tân An, Bến Tre, Trà Vinh, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu. Rạch Giá, Mĩ Tho, Vĩnh Long. Chính quyền cách mạng đã được thành lập ở nhiều nơi. Trong cuộc khởi nghĩa, lần đầu tiên xuất hiện lá cờ đỏ sao vàng.

Do kế hoạch bị lộ nên thực dân Pháp đã kịp thời đối phó. Chúng cho máy bay ném bom tàn sát nhân dân những vùng nổi dậy và bắt nhiều người.

Lực lượng khởi nghĩa còn lại phải rút về cùng Đông Tháp và U Minh để củng cố lực lượng.

Cuộc khởi nghĩa Nam Kì chứng tỏ tinh thần yêu nước, sẵn sàng đứng lên chiến đấu chống quân thù của các tầng lớp nhân dân Nam Bộ.

c)Binh biến Đô Lương (13-1-1941)

Trong khi thực dân Pháp khủng bố dữ dội những người tham gia khởi nghĩa Nam Kì, tại Trung Kì, những binh lính người Việt trong quân đội Pháp làm binh biến phản đối việc họ bị Pháp đưa sang Lào để đánh nhau với quân ở Thái Lan.

Ngày 13-1-1941, binh lính đồn Chợ Rạng (Nghệ An) dưới sự chỉ huy của Đội Cung (Nguyễn Văn Cung) đã nổi dậy. Tối hôm đó, quân khởi nghĩa đánh chiếm đồn Đô Lương rồi lên ô tô tiến về Vinh để phối hợp với binh lính ở đây chiếm thành. Nhưng kế hoạch không thực hiện được do quân Pháp kịp thời đối phó. Chiều hôm sau, toàn bộ binh lính tham gia nổi dậy bị bắt. Ngày 11-2-1941, Đội Cung cũng bị sa vào tay giặc.

Hình 37. Lược đồ binh biến Đô Lương

Ngày 24-4-1941, thực dân Pháp xử bắn Đội Cung cùng 10 đồng chí của ông. Nhiều người khác bị kết án khổ sai, đưa đi đày.

Trong thời gian hơn ba tháng, ba cuộc nổi dậy nối tiếp nổ ra ở cả ba miền của đất nước, do nhiều tầng lớp nhân dân và binh lính tham gia, đã nêu cao tinh thần bất khuất của dân tộc. Các cuộc nổi dậy thất bại vì điều kiện khởi nghĩa chưa chín muồi, nhưng “đó là những tiếng súng báo hiệu cho cuộc khởi nghĩa toàn quốc, là bước đầu đấu tranh bằng vũ lực của các dân tộc Đông Dương”.

3.Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (5-1941).

Hình 38. Lán Khuổi Nậm-nơi họp Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (5-1941)

Ngày 28-1-1941, Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Sau một thời gian chuẩn bị, Người chủ trì Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Pác Pó (Hà Quảng-Cao Bằng) từ ngày 10 đến ngày 19-5-1941.

Hội nghị khẳng định nhiệm vụ chủ yếu trước mắt của cách mạng là giải phóng dân tộc, tiếp tục tạm gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất, nêu khẩu hiệu giảm tô, giảm thuế, chia lại ruộng đất công, tiến tới thực hiện người cày có ruộng. Hội nghị chỉ rõ sau khi đánh đuổi đế quốc Pháp-Nhật sẽ thành lập Chính phủ nhận dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh thay cho Mặt trận Thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương, thay tên các hội Phản đế thành hội Cứu quốc và giúp đỡ việc lập mặt trận ở các nước Lào, Campuchia.

Hội nghị xác định hình thái của cuộc khởi nghĩa ở nước ta là đi từ khởi nghĩa từng phần tiến lên tổng khởi nghĩa và nhấn mạnh: chuẩn bị khởi nghĩa là nhiệm vụ trung tâm của toàn Đảng, toàn dân.

Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng có ý nghĩa lịch sử to lớn, đã hoàn chỉnh chủ trương được đề ra từ Hội nghị Trung ương tháng 11-1939 nhằm giải quyết mục tiêu số một của cách mạng là độc lập dân tộc và đề ra nhiều chủ trương sáng tạo để thực hiện mục tiêu ấy.

Ngày 19-5-1941, Việt Nam độc lập đông minh (gọi tắt là Việt Minh) ra đời. Năm tháng sau, Tuyên ngôn, Chương trình, Điều lệ của Việt Minh được công bố chính thức. Chương trình cứu nước của Việt Minh được đông đảo các tầng lớp nhân dân ủng hộ.

4. Chuẩn bị tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền.

a) Xây dựng lực lượng cho cuộc khởi nghĩa vũ trang

-Xây dựng lực lượng chính trị :Một trong những nhiệm vụ cấp bách của Đảng là vận động quần chúng nhân dân tham gia Việt Minh. Cao Bằng là nơi thí điểm cuộc vận động xây dựng các hội Cứu quốc trong Mặt trận Việt Minh. Đến năm 1942, khắp các châu ở Cao Bằng đều có Hội Cứu quốc, trong đó có ba châu “hoàn toàn”. Tiếp đó, Ủy ban Việt Minh tỉnh Cao Bằng và Ủy ban Việt Minh lâm thời liên tỉnh Cao Bằng-Lạng Sơn được thành lập.

Ở nhiều tỉnh Bắc Kì, thành phố Hà Nội, Hải Phòng và một số tỉnh Trung Kì, hầu hết các hội Phản đế (thời kì Mặt trận Phản đế Đông Dương từ tháng 11-1939 đến tháng 5-1941) chuyển thành các hội Cứu quốc (thời kì Mặt trận Việt Minh từ tháng 5-1941), đồng thời nhiều hội Cứu quốc mới được thành lập.

Năm 1943, Đảng đã đề ra bản Đề cương văn hóa Việt Nam. Năm 1945, Đảng Dân chủ Việt Nam Hội Văn hóa Cứu quốc Việt Nam được thành lập, đứng trong Mặt trận Việt Minh. Đảng cũng tăng cường công tác vận động binh lính người Việt trong quân đội Pháp, những ngoại kiều ở Đông Dương đấu tranh chống phát xít.

-Xây dựng lực lượng vũ trang: Cùng với việc xây dựng lực lượng chính trị, công tác xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng cũng được Đảng đặc biệt coi trọng. Sau khi cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn thất bại, theo chủ trương của Đảng, một số bộ phận lực lượng vũ trang khởi nghĩa chuyển sang xây dựng thành những đội du kích, hoạt động ở căn cứ địa Bắc Sơn-Võ Nhai. Bước sang năm 1941, những đội du kích Bắc Sơn lớn mạnh lên và thống nhất lại thành Trung đội Cứu quốc quân I (14-2-1941). Cứu quốc quân phát động chiến tranh du kích trong 8 tháng (từ tháng 7-1941 đến tháng 2-2942) để đối phó với sự vây quét của địch, sau đó phân tán thành nhiều bộ phận để chấn chỉnh lực lượng, gây dựng cơ sở chính trị trong quần chúng tại các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lạng Sơn. Ngày 15-9-1941, Trung đội Cứu quốc quân II ra đời.

Cuối năm 1941, Nguyễn Ái Quốc quyết định thành lập đội tự vệ vũ trang để chuẩn bị cho việc xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân và thúc đẩy cơ sở chính trị phát triển. Người còn tổ chức các lớp huấn luyện chính trị, quân sự, biên soạn theo tài liệu về cách đánh du kích, kinh nghiệm của du kích Nga, kinh nghiệm của du kích Tàu.

-Xây dựng căn cứ địa: Công tác xây dựng căn cứ địa cách mạng cũng được Đảng quan tâm. Vùng Bắc Sơn-Võ Nhai được Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương tháng 11-1940 chủ trương xây dựng thành căn cứ địa cách mạng. Năm 1941, sau khi về nước, Nguyễn Ái Quốc chọn Cao Bằng để xây dựng căn cứ địa dựa trên cơ sở lực lượng chính trị được tổ chức và phát triển. Đó là hai căn cứ địa đầu tiên của cách mạng nước ta.

b)Gấp rút chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền

Từ đầu năm 1943, cuộc chiến tranh thế giới chuyển biến theo chiều hướng có lợi cho cách mạng nước ta. Hông quân Liên Xô chuyển sang phản công quân Đức, sự thất bại của phe phát xít đã rõ ràng. Tình hình đó đòi hỏi Đảng ta đẩy mạnh hơn nữa công tác chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền.

Từ ngày 25 đến ngày 28-2-1943, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp tại Võng La (Đông Anh-Phúc Yên). Hội nghị đã vạch ra kế hoạch cụ thể về việc chuẩn bị toàn diện cho cuộc khởi nghĩa vũ trang.

Sau hội nghị này, công tác chuẩn bị khởi nghĩa được tiến hành gấp rút.

Ở hầu khắp các vùng nông thôn và thành thị Bắc Kì, các đoàn thế Việt Minh, các hội Cứu quốc được xây dựng và củng cố. Tại các thành phố, thị xã như Hà Nội, Hải Phòng, Uông Bí, Nam Định, Việt Trì, v.v..các hội Cứu quốc được thành lập trong nhiều nhà máy, trường học v.v…Nhiều cuộc bãi công của công nhân nổ ra.

Ở nhiều tỉnh ven biển Trung Kì, phong trào Việt Minh phát triển mạnh trong nông dân, công nhân, dân nghèo thành thị.

Tại Nam Kì, tổ chức Việt Minh có cơ sở ở Sài Gòn, Gia Định, Tây Ninh và một số tỉnh khác.

Đặc biệt các căn cứ địa cách mạng, công cuộc chuẩn bị khởi nghĩa diễn ra khẩn trương. Ở căn cứ Bắc Sơn-Võ Nhai, Cứu quốc quân hoạt động mạnh mẽ, tuyên truyền vũ trang, gây dựng cơ sở chính trị, mở rộng căn cứ. Trong quá trình đó, Trung đội Cứu quốc quân III ra đời (25-2-1944). Ở căn cứ Cao Bằng, những đội tự vệ vũ trang, đội du kích được thành lập. Năm 1943, Ban Việt Minh liên tỉnh Cao-Bắc-Lạng lập ra 19 ban “Xung phong Nam tiến” để liên lạc với căn cứ địa Bắc Sơn-Võ Nhai và phát triển lực lượng xuống các tỉnh miền xuôi.

Ngày 7-5-1944, Tổng bộ Việt Minh ra chỉ thị cho các cấp “Sửa soạn khởi nghĩa” và ngày 10-8-1944, Trung ương Đảng kêu gọi nhân dân “Sắm sửa vũ khí đuổi thù chung”.

Ngày 22-12-1944, theo chỉ thị của Hồ Chí Minh, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được thành lập. Chỉ hai ngày sau khi ra đời, Đội đã đnáh thắng liên tiếp hai trận ở Phay Khắt và Nà Ngần (Cao Bằng). Căn cứ Cao-Bắc-Lạng được củng cố và mở rộng.

Công cuộc chuẩn bị được tiếp tục cho đến trước ngày Tổng khởi nghĩa.

Hình 39. Lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân

0