05/08/2018, 00:04

Phát hiện bài văn tế chữ Nôm do cụ Tú Quỳ soạn

Bia mộ hiện nay của cụ Cử nhân Nguyễn Hướng tại Cồn Cà, thôn Hà Đông, xã Điện Hòa, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam Nguyễn Văn Nghệ Tôi thường xuyên lui tới nhà ông Nguyễn Văn Minh ở số 17 đường Phương Câu, thành phố Nha Trang. Ông Minh quê ở làng Bích Trâm (nay là xã Điện ...

DSC05148

Bia mộ hiện nay của cụ Cử nhân Nguyễn Hướng tại Cồn Cà, thôn Hà Đông, xã Điện Hòa, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam

Nguyễn Văn Nghệ

      Tôi thường xuyên lui tới nhà ông Nguyễn Văn Minh ở số 17 đường Phương Câu, thành phố Nha Trang. Ông Minh quê ở làng Bích Trâm (nay là xã Điện Hòa, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Ông tuổi đã ngoài 80. Trong một lần trò chuyện về đất Quảng Nam có đề cập đến cụ Tú Quỳ ( cụ Tú Quỳ tên là Huỳnh Quỳ, sinh năm Mậu Tý[1828] tại làng Giảng Hòa, nay là xã Đại Thắng‎, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Cụ là một danh sĩ đất Quảng Nam nhưng lại lận đận con đường khoa cử. Trong những lần lều chõng dự thi Hương, cụ chỉ đỗ tú tài cho nên dân làng gọi là Tú Quỳ. Cụ mất năm Bính Dần[1926]), ông liền lấy cho tôi xem bài văn tế chữ Nôm do cụ Tú Quỳ soạn khi ông cố của ông là cụ Cử nhân Nguyễn Hướng từ trần. Ông Minh cho biết bài văn tế này do người bác họ của ông là Nguyễn Văn Đạt (còn gọi là ông Củng, gọi theo tên con trai đầu lòng), quê làng Bích Trâm cung cấp(Ông Đạt chuyên viết văn tế, nên ông sưu tầm và lưu giữ nhiều bài văn tế hay). Rất tiếc là khi ông Minh chép lại, do không biết chữ Nôm nên chỉ chép bằng chữ quốc ngữ mà thôi!

    Cụ Nguyễn Hướng đỗ cử nhân vị thứ 3/30 khoa năm Bính Tý, Tự Đức thứ 29 (1876), tại trường thi Hương Thừa Thiên đỗ cùng khoa với cụ Nguyễn Duy Hiệu, Cụ Nguyễn Duy Hiệu đỗ vị thứ 11/30). Quốc triều hương khoa lục ghi chép về cụ cử nhân Nguyễn Hướng: “ Người xã Hà Thanh, huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam. Làm quan tới chức Dực Thiện”(1) ( Quê của cụ Nguyễn Hướng nay thuộc thôn Hà Đông- gọi tắt của Hà Thanh Đông- xã Điện Hòa, huyện Điện Bàn, tỉnh Quàng Nam) . Cụ Nguyễn Hướng mất ngày 2/11/ Quí Sửu[1913] ( Cụ Nguyễn Hướng lập gia đình sinh hạ được hai người con trai. Người con đầu là ông Nguyễn Dương, sinh năm Nhâm Thân (1872). Ông Nguyễn Dương là con cả và làm xã trưởng nên dân làng gọi là ông Xã Cả. Mẹ của ông Nguyễn Văn Minh- người cung cấp bài văn tế – là con gái út của ông Nguyễn Dương. Người con thứ là ông Nguyễn Sơ, sinh năm Ất Hợi (1875). Ông Nguyễn Sơ là ông nội của ông Nguyễn Thế Lương (Nguyễn Thế Lương là tên của Thiếu tướng Cao Pha khi chưa tham gia Việt Minh).

     Nội dung bài văn tế:

                                              Văn tế ông Nghè (2) Hà Thanh

                   Hỡi ôi!

           Nhà mất đòn đông,

           Cửa lồng gió bắc.

   Trời cũng có cơn mưa cơn tạnh, tạnh bao lăm mà vần vũ những mưa.

    Người há không khi sắc khi phong(3), phong chi đó mà dập dồn những sắc!

                Nhớ linh xưa!

            Ham thú vui chơi

            Ghét người khúc khắc.

            Việc trái mắt làm lơ

             Nghe chướng tai nói ngoắt.

    Nghề kinh sử hơn người vạch đất, lảu(4) bộ văn lê.

    Điệu tài ba hay chữ trổ trời, thuộc pho phú tắc.

    Chữ trạch tướng vẻ vang bên ngoại, lịch tú tài Phong Lệ(5) tốt lời khen.

    Áo cẩm y rực rỡ về làng, bảng á giải Hà Thanh(6) trong tiếng đức.

    Chí thong thả rồng cao hạc nội, cũng chẳng màng yến tước đậu sơ ly.

    Thú vui chơi cá chậu chim lồng, cũng lắm dáng phượng hoàng khoe thể sắc.

    Quan Tu soạn Hàn lâm bảy trật(7), thú Đào công(8) thong thả với tháng ngày.

    Dân Quảng Nam hiểu trấp(9) đôi ngày, tiếng Lưu tử(10) vỗ an trong trời đất.

    Trương Chi(11) cũng mơ màng trong giấc mộng, chiếc gương loan mờ tỏ với tâm tình(12).

    Đậu Võ(13) rày dạy dỗ dõi lời xưa, đôi chim phượng dập dìu nghề thóc chắc(14).

    Những ước nhà thung(15) cao tuổi thọ, này dâu nọ cháu đặng nương nhờ.

   Nào hay bóng núi khuất chòm mây, thấy cảnh nhớ người thêm bức rức.

    Một là thương hai là nhớ, nhớ thương tới bốn năm trước đó, gió thanh trăng tỏ, ai xui nhành quế gãy tự nhiên(16).

    Ba là bực, bốn là buồn, buồn bực thay vài tháng gần đây, khói tỏa mây un trời khiến cội tùng khô quá ngặt(17).

    Nghĩ đến mấy đoạn héo don đòi đoạn, hỏi trong đời những kẻ này là mấy lúc họa tai.

    Nhớ đến đâu, bối rối về đâu, thương cám cảnh hai tôi khôn ngớt đôi hàng nước mắt.

    Hay cha nhớ hai trai vắng mặt, áo Lão Lai(18) treo đó, chốn đình tiền thiếu kẻ xỏ tay.

    Bởi vậy từ mấy trẻ dời chân, hài Đạt Ma(19) bôn ba, nơi tuyền hạ tìm cho gặp mặt..

     Hay cha xuống dạ đài la thứ tử, lo làm nhà làm cửa để mấy năm chưa rồi sự hưng công(20).

     Hay cha về âm phủ kiếm lệnh nhi, thuật việc nước việc dân rằng bửa trước có trát đòi phục chức(21).

     Hay cha bực kén dâu Nam giáng(22), không phải đứa thương đứa ghét, đạo cầm cân há dễ vác lui.

    Hay cha toan về chốn Tây Thiên, nọ người mất người còn trong chiếc chiếu dễ chi chích mác(23).

    Ngó thấy trẻ mồ côi mồ cút, hạt châu sa, mà lửa ruột khôn vùi

    Tủi phận tôi tóc chế lang thang, núi Thái lở mà đèn Lê(24) cũng tắt.

    Nghe chim gáy ngỡ nhành thung cũ, ai xui ai giục gió bụi lồng nhành thọ lơ thơ.

    Thấy cá trừng nhớ bến đò xưa, khúc lỡ khúc bồi, nước khôn chảy mà lòng tơ quặng thắt.

     Nhớ đến lúc gương phơi tóc bạc, cầm chơi chén rượu, mấy năm trời thế vị nếm chua cay.

     Rạng ngày mai xe gác suối vàng, khiêng nặng đãy thi, ba thước đất văn chương chôn cứng ngắc.

         Ôi thôi thôi!

         Bóng đất tối đen

         Kèn trời thúc nhặt.

    Ngoài đồng thấy Cồn Cà(25) mấy dặm, hỏi thăm đống đất nói chi mà.

    Trước sân nhìn phượng trước(26) một bồn, trông tưởng dấu người tăm vắng bặt

    Thảm là thảm thiếu bề cam chỉ, cuộc tảo tần dưa muối, dâu vụng về chưa biết nấu nêm.

    Thương là thương vắng kẻ thần hôn, rày trà tửu phụng thờ, cháu ngốc ngác ai mà bảo nhắc.

    Rượu ba chén bày nơi linh tọa, cảm rằng dâu chỉ hết lòng đơn.

   Hương một cây thấu chốn tuyền đài, chứng cho trẻ quỳ dâng lễ bạc(27).

         Ôi thôi! Thượng hưởng

     Trước khi viết bài văn tế này, cụ Tú Quỳ đã tìm hiểu kỹ thân thế và gia cảnh của người quá cố cho nên trong phần “tán” bài văn tế thật là súc tích.Trong phần “ai” của bài văn tế càng làm cho người nghe xót thương cho cái cảnh hai người con trai của người quá cố đã qua đời trước cho nên bây giờ những người đang quỳ trước linh cữu người quá cố chỉ có hai nàng dâu “vụng về” và đám cháu “ngốc ngác” mà thôi. Bài văn tế  sử dụng nhiều điển tích.

    Sau khi viết bài văn tế này xong, cụ Tú Quỳ căn dặn gia đình là ai hỏi cứ nói là bài văn tế này do “ bà đồng” Vân Ly cho.

DSC05149

Tác giả bài viết bên cạnh mộ cụ Cử nhân Nguyễn Hướng

      Chú thích:

  1. Cao Xuân Dục, Quốc triều hương khoa lục, Nxb TPHCM, trg. 427.
  2. Ông Nghè : đời nhà Lê những người đỗ tiến sĩ mới gọi là ông Nghè. Sang đời nhà Nguyễn những người đỗ cử nhân mà làm việc ở triều đình cũng được gọi là ông Nghè
  3. Khi sắc khi phong: rút từ câu “bỉ sắc tư phong”, có nghĩa là cái bên kia thua kém (bỉ sắc), cái bên này trội hơn (tư phong). Truyện Kiều của Nguyễn Du : “ Lạ gì bỉ sắc tư phong/ Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”.
  4. Lảu: giống như “làu” có nghĩa là thuộc trơn tru. Ví dụ: lảu thông
  5.     – Lịch tú tài Phong Lệ tốt lời khen: cha của cụ Nguyễn Hướng là cụ Nguyễn Khuê,quê làng Hà Thanh, vốn con nhà nghèo, sang làng Phong Lệ làm lực điền cho nhà họ Ông. Thấy ông Nguyễn Khuê có tư chất thông minh, nên nhà họ Ông cho ông ăn học và gả con gái là Ông Thị Hứa . Ông Nguyễn Khuê thi đỗ Tú tài, ở quê vợ và sinh cụ Nguyễn Hướng ở làng Phong Lệ. Cụ Nguyễn Hướng trước khi đỗ cử nhân cũng đã đỗ tú tài và  đem vinh dự cho làng Phong Lệ (Câu văn này rất hay, “Lệ” có nghĩa là “tốt” và sau hai chữ “Phong Lệ” là “tốt lời khen”)
  6.     – Bảng á giải Hà Thanh trong tiếng đức:  Khoa thi hương Bính Tý (1876) cụ Nguyễn Hướng xếp vị thứ 3/30. Vị thứ thứ 3 cũng xem như là “á giải”( Hiện nay ở làng Hà Thanh vẫn còn truyền tụng một thông tin sai lạc là cụ Nguyễn Hướng chỉ đỗ hai lần tú tài, nên gọi là ông Tú Kép mà thôi!). Sau khi cụ Nguyễn Hướng đỗ cử nhân, làng Hà Thanh không chịu đón rước với  lý do là cụ Nguyễn Hướng sinh và lớn lên ở quê mẹ, nhưng lệnh của huyện, tổng bắt buộc làng Hà Thanh phải đem cờ xí đón rước. (Câu văn này rất hay, “Thanh” có nghĩa là “trong” và sau hai chữ “Hà Thanh” là “trong tiếng đức”.
  7.     – Bảy trật: quan Tu soạn Hàn lâm được tước thất phẩm.
  8.     – Đào công chính là Phạm Lãi.
  9.     – Hiểu trấp: Năm Ất Dậu (1885) kinh đô Huế thất thủ, phong trào Nghĩa Hội ở Quảng Nam nổi lên để chống Pháp, cụ cử nhân Nguyễn Hướng lúc ấy đang cư tang vợ nên không tham gia phong trào Nghĩa Hội. Sau khi Pháp đánh dẹp phong trào Nghĩa Hội, triều đình sai cụ Nguyễn Hướng đi phủ dụ những người đã tham gia phong trào Nghĩa Hội.
  10.      – Điển tích Lưu tử không hiểu là điển tích gì.

     11- Điển tích Trương Chi- Mỵ Nương.

     12- Ý nói cụ Nguyễn Hướng góa vợ, gà trống nuôi con

     13- Đậu Võ tức Đậu Võ Quân, sống vào thời Hậu Tấn. Do sống tại Yên Sơn nên gọi là Đậu Yên Sơn. Ông coi trọng việc giáo dục trẻ, cho nên 5 người con của ông đều đỗ đạt, đương thời gọi là “ngũ long họ Đậu”. Sách Tam tự kinh viết: “Đậu Yên Sơn/ Hữu nghĩa phương/ Giáo ngũ tử/ Danh câu dương”( Lão Đậu ở Yên Sơn, có phương pháp giáo dục. Dạy dỗ 5 người con, cả 5 đều thành danh).

     14- Hai người con của cụ Nguyễn Hướng được cụ cho theo nghề nông, không theo nghiệp bút nghiên

    15- Cha gọi là “xuân đường”có nơi gọi là “thung đường”, mẹ gọi là “huyên đường”.

    16- Nhớ thương tới bốn năm trước đó:  Bốn năm là tính theo âm lịch. Năm Canh Tuất  (1910), người con thứ là Nguyễn Sơ mất và năm Quý Sửu (1913) cụ Nguyễn Hướng mất.

    17-Vài tháng gần đây:  Người con cả của cụ Nguyễn Hướng là ông Nguyễn Dương từ trần năm Quý Sửu (1913) cùng một năm với cụ Nguyễn Hướng  và mất trước cụ Nguyễn Hướng chỉ có vài tháng.

    18- Áo Lão Lai: Lão Lai đời Chu, tuổi đã 70 mà cha mẹ còn sống, ông thường mặc áo màu sặc sở múa mua vui cho cha mẹ già.

    19- Hài Đạt Ma:  sau khi Bồ Đề Đạt Ma viên tịch 3 tháng, có ông Tấn công đời Đường đi sứ Tây Vực về, gặp Đạt Ma quảy trên vai một chiếc hài. Ông Tấn công mới hỏi Đạt Ma đi đâu. Đạt Ma nói là đi về Tây. Tấn công về tâu lại với vua. Vua cho đào phần mộ của Đạt Ma lên và không thấy xác của Đạt Ma mà chỉ thấy còn lại một chiếc hài mà thôi.

     20-Người con thứ là Nguyễn Sơ cất nhà rất to, kéo dài nhiều năm, khi ông Nguyễn Sơ mất mà vẫn chưa “hưng công” (mừng tân gia)

     21-Người con cả là Nguyễn Dương làm xã trưởng, sau khi ông Nguyễn Dương mất mới nhận được giấy ban tước cửu phẩm.

     22- Kén dâu Nam giáng: Ở Quảng Nam có làng Quá Giáng, Giáng Đông. Theo mặt chữ Hán đọc là Quá Giản, Giản Đông (Giản có nghia là khe, suối). Nam giáng đọc đúng là Nam giản. Điển tích trong Kinh Thi bài Thái tần: “Vu dĩ thái tần/ Nam giản chi tân” ( Đi hái rau tần ở khe phía Nam có nghĩa ám chỉ con dâu hiền, dâu thảo). Xem Khổng tử, Kinh Thi I, Nxb Văn học, trang 80-81

     23- Chích mác: cũng gọi là chích mếch. Nghĩa là lẻ loi, bơ vơ vì chuyện tử biệt sinh ly.

     24- Điển tích “ núi Thái lỡ, mà đèn Lê cũng tắt”: không hiểu là điển tích gì.

     25- Cồn Cà: địa danh nơi chôn cụ Nguyễn Hướng.

     26- Phượng trước: còn gọi là “ phượng trúc”.

     27-“Cảm rằng dâu…”,   “chứng cho trẻ…”: Do hai người con chết trước, nên quỳ trước linh cửu của cụ Nguyễn Hướng chỉ có dâu và cháu.

0