04/09/2018, 23:31

Phân tích tâm trạng nhân vật trữ tình trong Vội vàng

(Văn mẫu lớp 11) – Em hãy phân tích tâm trạng nhân vật trữ tình trong Vội vàng của Xuân Diệu (Bài văn phân tích của bạn Hoàng Thị Bích Nga lớp 11A2 trường THPT chuyên Thái Bình). BÀI LÀM Hiện thực cuộc đời thông qua bầu cảm xúc mạnh mẽ của các nhà thơ sẽ ...

(Văn mẫu lớp 11) – Em hãy phân tích tâm trạng nhân vật trữ tình trong Vội vàng của Xuân Diệu (Bài văn phân tích của bạn Hoàng Thị Bích Nga lớp 11A2 trường THPT chuyên Thái Bình).

BÀI LÀM

Hiện thực cuộc đời thông qua bầu cảm xúc mạnh mẽ của các nhà thơ sẽ trở nên thật độc đáo. Cùng một loài hoa sẽ tạo tỏa hương khác nhau trong mỗi một vần thơ. Tôi biết có một nhà thơ cả cuộc đời cầm bút đã tạo nên những “tờ hóa” vô cùng đặc sắc. Không ai khác đó chính là Xuân Diệu. Bài thơ “Vội vàng” của Xuân Diệu thể hiện rất rõ tâm trạng của nhà thơ cùng những tư tưởng, triết lý về thời gian và cuộc đời.

>>>Xem thêm:

  • Bình giảng đoạn đầu bài thơ Vội Vàng
  • Soạn bài Vội Vàng của Xuân Diệu lớp 11
  • Phân tích 13 câu thơ đầu trong bài thơ Vội Vàng của Xuân Diệu

Trước hết, Xuân Diệu thể hiện tâm trạng của một con người có khát vọng mãnh liệt và khát vọng ấy cũng thật kỳ lạ:

“Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất;
Tôi muốn buộc gió lại

Cho hương đừng bay đi”

Xuân Diệu có một khát vọng mãnh liệt là “tắt nắng” và “buộc gió”. Nắng và gió tượng trưng cho vẻ đẹp thiên nhiên tuyệt diệu. Xuân Diệu như đang làm một cuộc cách mạng vĩ đại. Người vươn cánh tay đoạt lấy quyền năng của tạo hóa để thực hiện khát vọng của mình – khát vọng được lưu giữ mọi hương sắc trong cuộc đời. Từ “tôi muốn” lặp lại đoạn đầu câu thơ thứ nhất và câu thơ thứ 3 kết hợp với các động từ mạnh đã khẳng định sức mạnh tinh thần không gì có thể ngăn cản.

Ham muốn kỳ dị ấy xuất phát từ hiện tại mà Xuân Diệu đang đứng trong đó. Đó là hiện tại của một không gian tựa “thiên đường mặt đất”:

“Của ong bướm này đây tuần trăng mật;
Này đây hoa của đồng nội xanh rì;
Này đây lá của cành tơ phơ phất;
Của yến anh này đây khúc tình si.
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi;”

Xuân Diệu như vui mừng giới thiệu về chốn thiên đường nhân gian thông qua điệp ngữ “này đây”. Thi sĩ liên tục liệt kê ra những hình ảnh đầy mời gọi của của khu vườn xuân, một khu vườn ngọt ngào hương vị, tươi tắn sắc màu, mơn mởn non tơ, da diết âm thanh và rạng ngời ánh sáng. Chàng thi sĩ bước chân rộn ràng háo hức đưa cặp mắt và tấm lòng rộng mở hướng tới vườn xuân tận hưởng bằng lăng kính “xanh non biếc rờn”.

phan-tich-tam-trang-nhan-vat-tru-tinh-trong-voi-vangphan-tich-tam-trang-nhan-vat-tru-tinh-trong-voi-vang

Là nhà thơ ý thức được triết lý phi tuyến tính của thời gian và giới hạn của cuộc đời cho nên bên cạnh một Xuân Diệu hết mình giao cảm còn là một Xuân Diệu lo âu:

“Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa:
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”

Xuân Diệu luôn có những mối lo xa xôi. Trong xuân thi sĩ có thể thấy hạ, trong tuổi trẻ người có thể thấy cái chết. Xuân Diệu ý thức được thời gian 1 khi trôi đi sẽ không bao giờ trở lại, tuổi trẻ đã đi qua cũng không lặp lại. Do đó, giữa một cuộc vui của “thiên đường mặt đất”, Xuân Diệu lại thấy sự chia ly.

“Chim rộn ràng bỗng đứt tiếng reo thi
Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa?
Chẳng bao giờ, ôi! Chẳng bao giờ nữa…”

Yến anh trong khúc tình si vừa đứt tiếng, cây lá xanh rờn sợ tàn phai… Cái vẻ “sắp sửa” cho cuộc chia ly của thiên nhiên cũng là cái “sắp sửa” sẵn sàng chia ly trong hồn người. Vừa tận hưởng nhưng đồng thời Xuân Diệu phải sẵn sàng từ bỏ.

Không còn cách nào khác, con người buộc phải trở nên “vội vàng”:

“Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm,
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng,
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi;
– Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!

Từ trạng thái tận hưởng, Xuân Diệu đã dần trở nên gấp gáp, vồ vập. Tiếp tục là cách nói “ta muốn” lặp lại ở đầu các câu thơ để chỉ khát vọng tột cùng. Những động từ mạnh “ôm”, “riết”, thâu”, “say”, “chếnh choáng”, “đã đầy”, “no nê”, “cắn” thể hiện nội tâm con người đạt tuyệt đỉnh. Tác giả muốn ngay lập tức ôm trọn hết mọi hương sắc tuyệt đẹp vào trong người để được thỏa mãn tâm hồn thèm khát những gì đẹp nhất của thiên nhiên.

Qua “Vội vàng”, tâm trạng của Xuân Diệu được thể hiện một cách rõ nét. Ta dễ dàng bắt gặp được chân dung người nghệ sĩ khao khát giao cảm với thiên nhiên, sống tận hưởng, tận hiến mà đã nói tới trong “Giục giã”, “Thơ duyên” hay “Đây mùa thu tới”. Bằng những hình ảnh sáng tạo giàu sức gợi, ngôn từ phong phú, giọng thơ đa dạng đã chứng minh phong cách nghệ thuật và tài năng của cây bút “mới nhất” trong nền văn học lãng mạn 1930 – 1945.

>>>Xem thêm:

  • Phân tích bài thơ Vội Vàng của Xuân Diệu
  • Cảm nhận 13 câu thơ đầu trong bài thơ Vội Vàng

 

 

0