04/06/2017, 22:49

Phân tích tác phẩm Hịch tướng sĩ

Trước cuộc xâm lược của quân Nguyên Mông lần thứ hai (1285), tình hình bang giao giữa nhà Nguyên và nước ta rất căng thẳng. Từ năm 1281, chúng đã ép Trần Di Ái làm vua, chuẩn bị đưa về nước làm bù nhìn cho chúng. Bọn sứ giả trịch thượng, nghênh ngang, yêu sách đủ điều. Thời kì hoãn binh không kéo ...

Trước cuộc xâm lược của quân Nguyên Mông lần thứ hai (1285), tình hình bang giao giữa nhà Nguyên và nước ta rất căng thẳng. Từ năm 1281, chúng đã ép Trần Di Ái làm vua, chuẩn bị đưa về nước làm bù nhìn cho chúng. Bọn sứ giả trịch thượng, nghênh ngang, yêu sách đủ điều.

Thời kì hoãn binh không kéo dài được nữa. Hội nghị Bình Than đã họp từ lâu (1282). Nay phải chuẩn bị gấp rút hơn. Trần Quốc Tuấn thấy tình hình tướng lĩnh chưa được sẵn sàng, soạn ra cuốn Binh gia diệu lí yếu lược thường được gọi là Binh thư yếu lược và làm bài hịch này để khuyên răn các tướng nhận rõ tình hình bấy giờ, ra sức học tập binh thư, rèn luyện võ nghệ, chuẩn bị chống giặc. Bài hịch, do đó, coi như là một bài mở đầu cho việc phổ biến cuốn sách kia. Không thấy tư liệu nào chép thời điểm sáng tác bài văn, nhưng căn cứ vào nội dung, thì phải trước năm 1285.
 
Hịch là một thể văn kêu gọi chiến đấu. Nó không theo công thức nào. Nó là một bài chính luận, thường dùng văn xuôi, có khi dùng văn biền ngẫu. Để kêu gọi thành công, nó phải nêu được lí lẽ xác đáng nhưng chủ yếu nhằm chinh phục tình cảm. Bài hịch hay thường đậm tính trữ tình. Văn học của ta cũng không nhiều bài hịch. Vì vậy không nên nhấn mạnh hịch như một thể loại hoàn toàn riêng biệt.
 
Kết cấu bài hịch sáng rõ. Mục đích là thức tỉnh. Muốn thức tỉnh trước hết phải nêu gương. Sau đó vạch tình hình: hiện trạng nước nhà, hiện trạng chủ Soái, hiện trạng tì tướng, phê phán và động viên. Cuối cùng là đòi hỏi thức tỉnh.
 
Mở đầu tác giả nêu một loạt gương trung thần nghĩa sĩ. Chuyện xưa rồi chuyện nay, chuyện xa rồi chuyện gần, chuyện sử sách khó tin đến chuyện mói xảy ra chưa bao lâu còn truyền ở cửa miệng. Đúng là trung thần nghĩa sĩ xưa nay vô số, không sao kể hết. Và là trung thần nghĩa sĩ thì phải dám xả thân như vậy. Huống chi tình hình hiện nay hiểm nghèo biết mấy! Tình hình đất nước, tình hình tướng lĩnh, quân đội, bao nhiêu điều đáng lo. Đất nước đâu phải buổi thanh bình. "Ta cùng các ngươi sinh ra phải thời loạn lạc, lớn lên gặp buổi gian nan". Sự tình trong câu nói đâu phải là cường điệu, đó là sự thật. Sự thật ấy là nỗi đau xót chung của đất nước, của ta cùng các ngươi.
 
Tình hình đã chung thì xúc cảm ắt phải chung. Đây là điều nung nấu trong tâm trạng chủ soái: ‘Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa, chỉ căm tức rằng chưa xả thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù, dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng vui lòng”. Kêu gọi đó chăng? Không. Đó là cởi mở tâm tình sâu kín nhất nồng đượm nhất với kẻ mình hoàn toàn tin cậy, với kẻ mình có thể phơi bày ruột gan được. Cũng bắt đầu bằng "ta" và lấy “ta” làm chủ thể. Chủ thể “ta” ấy là một vị tướng soái phụ tử, nó có sức cảm hóa. Lan truyền mầu nhiệm như ánh mặt trời  làm tươi tốt cỏ cây. Thương mình vì mình thì không cần thiết, nhưng thương mình mà giúp mình cởi bỏ được nỗi đau ấy, nghĩa là chia sẻ với mình mối căm thù ấy rồi cùng mình chuẩn bị tốt để tiêu diệt được quân giặc thì hay biết chừng nào! Quan trọng hơn cả là lập lại và nhấn mạnh ba lần cùng ta cùng nhau: cùng ta coi giữ binh quyền, lúc trận mạc cùng nhau sống chết, lúc ở nhà cùng nhau vui cười. Tuy cách biệt chức vị, tuy quan hệ chủ tớ, nhưng là cùng nhau lãnh trách nhiệm chung, cùng nhau làm nhiệm vụ chiến đấu, sống chết đều cùng nhau. Đã có thể noi có chút dân chủ gì trong cách đối đãi đó chăng? Chắc chắn tình cảm thắm thiết ấy là biểu hiện tốt đẹp của tinh thần "phụ tử chi binh".
 
Thế mà nhìn lại hàng ngũ tướng tá của mình thì thế nào? Té ra các ngươi không hề nhục; các ngươi chỉ lo vui chơi; giặc đến thì ta và các ngươi đều bị bắt, ta và các ngươi đều mất tất cả: vậy bấy giờ có vui chơi được không? Cho nên các ngươi hãy nghe lời ta biết lo trước, huấn luyện quân sĩ, giết được giặc rửa được thù, bây giờ không muốn vui chơi có được không?. Lập luận của chủ soái chỉ có thế. Lí lẽ cũng bấy nhiêu. Nói mất thì cũng chỉ nói đến cái mất những lợi ích thiết thân: thái ấp, bổng lộc, gia quyến. Nói được thì cũng chỉ những lợi ích thiết thân ấy: thái ấp vững bền, bổng lộc đời đời, gia quyến ấm êm. Chẳng quốc gia dân tộc, độc lập tự chủ, nòi giống tiên rồng gì cả. Có kẻ cho đó là một hạn chế. Lí ra phải đặt vấn đề nghĩa vụ của người dân, người tướng mới phải. Vậy mà xét ra nói lợi ích thiết thân lại là lịch sử nhất, thích hợp nhất. Nó là một bước đi sâu thêm vào nội dung dân tộc. Chủ quyền thiêng liêng của dân tộc không dừng ở lãnh thổ, nó còn bao hàm quyền sinh sống của nhân dân. Con người còn có nguồn sống: ruộng đất, bổng lộc, gia quyến, mồ mả, tổ tiên..., nói cách khác, còn có đời sống vật chất và đời sống tinh thần, ngoài miếng ăn còn có tình cảm, có văn hóa phong tục, có trước mắt và có mai sau, có trách nhiệm đối với hiện tại và đối với lịch sử muôn đời. Đúng là lấy cá nhân làm chủ thể, nhưng lợi ích cá nhân ấy gắn liền với trách nhiệm cực kì trọng đại là trách nhiệm đối với sự mất còn của nước nhà, của chế độ.
 
Bao trùm hơn cả là nhân chuyện tướng lĩnh ham vui chơi lấy việc vui chơi mà nói. Nghe như có giọng hài hước nhưng tình thì rất thực, rất nghiêm trang. Chủ soái chỉ đem những thú vui chơi tầm thường đối chiếu với sức mạnh quân địch, vạch ra cái bất lực của các trò say mê trước sức mạnh ấy, cho họ thấy rõ mà thấm thía, nghĩ suy. Chủ soái chỉ đánh giá các thú say mê ấy bằng tiêu chuẩn của người làm tướng, có trách nhiệm cầm quân chống giặc, chứ đâu có cấm không được say mê. Vì thế có phê phán, có nêu cười, nhưng hết sức bao dung và hiểu biết.
 
Mục đích bài hịch là thức tỉnh. Bởi người nghe như đang ngủ mê. Đang ngủ mê mà lay dậy chắc không phải lay một lần. Lời văn trở đi trở lại, trùng điệp, chồng chất, tầng tầng lớp lớp là vì vậy.
 
Có hai đoạn ngắn thì như hai tầng lập luận chồng lên nhau, cái sau ngược hẳn với cái trước. Trước là chỉ biết vui chơi, giặc đến sẽ mất hết, muốn vui chơi cũng không được. Sau là chăm lo việc binh, giặc đến đánh thắng, muốn không vui chơi cũng không được. Ây là cái mất cái được đối lập với nhau, lấy cái mở đầu “Nay các ngươi’’ và "Nay ta bảo thật các ngươi" làm cái so sánh, lấy luôn câu kết luận “Dẫu các ngươi muốn vui chơi phỏng có được không?” và “Dẫu các ngươi không muốn vui chơi phỏng có được không?” dẫn làm câu thuyết phục cuối cùng. Cái kết luận ấy, như trên đã nói, đâu có lí luận gì cao xa, mà chỉ là những điều thường tình nhưng được trình bày dưới dạng nghi vấn, xoáy vào lòng người, buộc người phải tự trả lời, thì sức thuyết phục đối với lí trí không nhiều nhưng đối với trái tim thì sâu đậm.
 
Lời văn ở hai đoạn đâu phải là lời quở trách, càng không có giọng điêu sỉ nhục. Đó là lời nhỏ to, hơn thiệt, có lúc như đặt mình vào họ mà nghĩ suy, cân nhắc giùm; khiến cho lời khuyên răn càng đượm lòng bao dung, nồng hậu. Người nghe không thấy mình bị vùi dập mà thấy mình vẫn được tín nhiệm, mình sẽ thức tỉnh, mình sẽ giỏi giang. Tuy nhiên, thân mật không có nghĩa là xa rời nguyên tắc, bỏ qua trách nhiệm. Cho nên, sau khi phân tích, động viên, chủ soái nêu ra mục đích cụ thể, trực tiếp của bài hịch và đặt thành một thế lường nan hoặc là bạn, hoặc là thù, hai cái phải chọn một, không có cái thứ ba: “Nếu biết chuyện tập sách này theo lời ta dạy bảo thì trọn đời là tôi chủ, nhược bằng khinh bỏ sách này, trái lời ta dạy thì trọn đời là nghịch thù”.
 
Nhắc lại lần cuối câu để thẹn, và chấm dứt bằng một câu tỏ rõ tấm lòng của chủ soái: “ta viết ra hịch này để các ngươi biết bụng ta” - lời văn không mất giọng tâm tình nhưng đã nghe như ra lệnh. Người nghe vì tình, không thể không cảm thông, vì lí, không thể không bị thuyết phục.
 
Trong lịch sử văn học dân tộc không có nhiều bài hịch. Các bài khác, từ Hịch đánh Trịnh của Tây Sơn đến Hịch đánh Tây của nhân dân Nam Kì, của văn thân Bắc Kì, Hịch đánh chuột của Nguyễn Đình Chiểu, nội dung phần nhiều dùng lí lẽ, giọng điệu lí trí là chính. Không như bài hịch này, trước sau đều dùng thủ thuật của thuyết pháp, lí lẽ không cao xa mà gần gũi, không trừu tượng mà cụ thể, lấy người lấy việc mà nêu gương quy phục thay lời giảng giải, thuyết lí... nhưng tất cả đều thấm đượm ân tình, đạo nghĩa của chủ soái theo tinh thần phụ tử chi binh. Bài hịch có những hạn chế nhất định, nhưng chính tấm lòng yêu nước nồng nàn của chủ soái, nỗi lo toan đầy thương yêu cho tướng lĩnh, sự quyết tâm đòi hỏi đầy tin cậy đối với họ, đã tạo nên một sức lay động sâu xa, mãnh liệt, và khi được truyền ra rộng rãi, đã làm cho toàn quân nức lòng hăng hái giết giặc.

0