04/06/2017, 23:50

Phân tích nội dung và những chủ ý đầy tính nhân văn của tác giả trong đoạn trích kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ.

M. Gor-ki từng nói: “Nhà văn không biết đến văn học dân gian là một nhà văn tồi”. Lưu Quang vũ đã dựa vào một câu chuyện dân gian mà làm nên vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt, từng làm say mê bao khán giả và độc giả lâu nay. Đó là một tiếp thu đầy sáng tạo. Trước hết phải thấy rằng câu chuyện ...

M. Gor-ki từng nói: “Nhà văn không biết đến văn học dân gian là một nhà văn tồi”. Lưu Quang vũ đã dựa vào một câu chuyện dân gian mà làm nên vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt, từng làm say mê bao khán giả và độc giả lâu nay. Đó là một tiếp thu đầy sáng tạo.

Trước hết phải thấy rằng câu chuyện dân gian này của người Việt Nam có ý vị riêng ở chiều sâu triết lí. Đó là mối quan hệ giữa xác và hồn theo quan niệm dân gian xưa.
 
Trong đoạn trích, nhân vật chính là hồn Trương Ba đã nhập vào xác anh hàng thịt. Hồn Trương Ba đối thoại với các nhân vật như: xác hàng thịt, những người thân trong gia đình Trương Ba, với Đế Thích và với chính mình. Tuy hồn Trương Ba đối thoại với nhiều nhân vật, nhưng có thể khái quát thành ba cuộc đối thoại, mỗi cuộc có sắc thái ý nghĩa khác nhau mặc dù vẫn xoay quanh trục chính là xác và hồn. Cuộc đối thoại thứ nhất là giữa hồn Trương Ba với xác anh hàng thịt; thứ hai là đối thoại với người thân trong gia đình; và thứ ba là đối thoại với Đế Thích (chưa kể những đoạn độc thoại). Tất cả đối thoại này diễn ra tại nhà Trương Ba thuộc cảnh VII của vở kịch.
 
Thực ra ngay trong truyện dân gian mà ta vừa nói đã ẩn chứa một sáng tạo rất thú vị của người bình dân. Đó là đặt phần hồn rất “nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn” của Trương Ba - một người nông dân trung thực, đáng quý trọng vào xác của một anh hàng thịt. Tuy anh không xấu nhưng tạo ra độ “lệch pha” rất lớn giữa hồn và xác. Đây là cơ sở phát sinh mâu thuẫn, xung đột, tạo cho Lưu Quang Vũ một cái “thế” để làm nên vở kịch.
 
Hồn Trương Ba lương thiện, trong sạch, nhưng được gắn vào xác thịt của một người đồ tể. Cháu của Trương Ba nhận xét; “Bàn tay giết lợn... làm gãy tiệt cái chồi non, chân ông to bè như cái xẻng, giẫm nát cả cây sâm quý mới ươm! Ông nội đời nào thô lỗ phũ phàng như vậy!”. Dân gian đã đặt hồn Trương Ba vào một nơi thật lầm chỗ và đây là cơ sở tạo ra xung đột dữ dội giữa hồn và xác.
 
Trở lại với đoạn trích, vừa đọc ta đã thấy ngay nỗi đau của hồn Trương Ba khi phải trú ngụ trong cái xác “kềnh càng, thô lỗ”. Hồn Trương Ba ôm đầu vật vã rồi tự nói lên: “Tôi không muốn sống như thế này mãi!”. Sau đó hồn Trương Ba tách ra khỏi xác anh hàng thịt và hiện lờ mờ trong dáng Trương Ba thật. Cuộc đối thoại giữa hồn và xác bắt đầu.
 
Hồn Trương Ba cho rằng cái xác anh hàng thịt “chỉ là xác thịt âm u đui mù”“chỉ là cái vỏ bên ngoài không có ý nghĩa gì hết, không có tư tưởng, không có cảm xúc”. Xác anh hàng thịt giận dữ và bắt đầu chống lại bằng triết lí của mình: “Có đấy, xác thịt có tiếng nói đấy! Ông đã biết tiếng nói của tôi rồi, đã luôn luôn bị tiếng nói ấy sai khiến. Chính vì âm u, đui mù mà tôi có sức mạnh ghê gớm, lắm khi át cả cái linh hồn cao khiết của ông đấy!”. Xác anh hàng thịt khẳng định; “Hai ta đã hoà với nhau làm một rồi!”“Tôi là cái bình để chứa đựng linh hồn”. “Nhờ tôi mà ông có thể làm lụng, cuốc xới. Ông nhìn ngắm trời đất, cây cối, những người thân..., nhờ có đôi mắt của tôi. Ông cảm nhận thế giới này qua những giác quan của tôi.” Cuộc tấn công của phần xác vào phần hồn càng ngày càng cao, có lúc như giễu cợt, mỉa mai: “Những lúc một mình một bóng, ông cứ việc nghĩ rằng ông có một tâm hồn bên trong cao khiết, chẳng qua vì hoàn cảnh, vì để sống, ông phải nhân nhượng tôi. Làm xong điều xấu gì, ông cứ việc đổ tội cho tôi, để ông được thanh thản... Tâm hồn là thứ lắm sĩ diện”.
 
Chúng ta thấy, trong cuộc đối thoại trên đây cả hai bên đều đưa lí do để bảo vệ cho sự tồn tại của mình. Phần hồn tự đề cao mình, coi thường phần xác; phần xác đưa ra những cơ sở cũng rất thú vị để xác định vai trò của mình và “bắt tay” niềm nở trong câu nói thân thiện: “Hai ta đã hoà với nhau làm một rồi!”.
 
Thông qua đối thoại trên đây, chúng ta nhận ra được những nội dung triết lí rất sâu sắc. Hồn Trương Ba không chịu nổi với cái cảnh náu mình vào xác anh hàng thịt được vì nó rất khập khiễng, mâu thuẫn đến mức không chịu nổi. Con người ta: “Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn” (Hồn Trương Ba nói với Đế Thích). Con người ta có lúc sống không đúng như cái bên trong, cũng là do một sự trói buộc của hoàn cảnh mà thôi. Sau đó người ta lại trở về với chính mình: hoặc đạo mạo nghiêm túc, hoặc tự nhiên vui nhộn, hoặc hung dữ, thô bạo hoặc nhân từ, nhã nhặn... Cuộc sống không loại trừ con người ta lắm khi sống phải “đóng kịch”. Tuy vậy, đó chỉ là tạm thời. Có lúc ta vừa hành động vừa giấu đi một nụ cười về việc làm của mình, cũng vì khi đó, ta đang biết mình giả dối một cách bất đắc dĩ. Cuối cùng vẫn quay về với sự hoà hợp giữa xác và hồn. Phá vỡ quan hệ nội tại này sẽ làm cho người ta rơi vào bi kịch như trường hợp của Trương Ba. Sự thống nhất cao độ giữa linh hồn và thể xác còn là vấn đề triết lí: vật chất và tinh thần, cái vật chất ấy phải được đi với tinh thần ấy.
 
Hê-ghen đã từng viết: “Mỗi một người là một chỉnh thể, bản thán là một thế giới, mỗi con người là một nguồn trọn vẹn có sức sống chứ không phải là thứ vật phẩm trừu tượng theo kiểu ngụ ngôn của một đặc điểm tính cách cô lập nào đó”.
 
Chính vì vậy, phần xác và phần hổn trong con người thống nhất một cách sinh động. Hồn Trương Ba không thế hoà hợp với xác hàng thịt được. Càng ngày mâu thuẫn đó càng tăng dần. Có lúc hồn Trương Ba như rã rời khi đấu lí với xác hàng thịt như dù thế nào chăng nữa vẫn không thể chấp nhận được sự gắn kết “vô duyên” này.
 
Cuộc đối thoại tiếp theo là giữa hồn Trương Ba với đứa cháu, người vợ và chị em dâu. Họ than phiền về việc Trương Ba không giống như ngày xưa nữa mà gây phiền toái cho người xung quanh nhiều. Hồn Trương Ba càng đau khổ khi thấy ai cũng chối từ mình, xa lánh mình với những câu nói nặng nề, xúc phạm. Tình huống kịch đến đây càng trở nên phức tạp, rắc rối, đầy “nghịch cảnh”. Hồn Trương Ba xót xa khi nghe đứa cháu nói: “Tôi không phải cháu của ông”. Vì ông không giống như ông nội ngày trước. Hồn nghĩ một đằng, xác làm một nẻo. Hãy lắng nghe chị con dâu nhận xét: “Chỉ tại nó nghĩ thầy không giống ông nội của nó. Mỗi ngày thầy một đổi khác dần, mất mát dần, tất cả cứ như lệch lạc, nhoà mờ dần đi, đến nỗi có lúc chính con cũng không nhận ra thầy nữa”. Thật khốn khổ cho hồn Trương Ba! Bản thân mình cay cực không chịu nổi, lại phải nghe thêm tiếng bấc, tiếng chì. Sự phá vỡ quan hệ nội tại để lại hậu quả quá nặng nề. Nỗi đau đớn, dằn vặt trong hồn Trương Ba càng ngày càng tăng, có lúc như rơi vào thất vọng bởi sự “thắng thế của phần xác”. Nó quấy nhiễu ông từng giờ từng phút, từ việc lớn đến việc nhỏ. Hãy lắng nghe đoạn độc thoại sau của hồn Trương Ba: “Mày đã thắng thế rồi đấy, cái thân xác của ta ạ, mày đã tìm đủ mọi cách để lấn át ta. Nhưng lẽ nào ta lại chịu thua mày, khuất phục mày và tự đánh mất mình”. Câu nói dự báo cho ta thấy dù mệt mỏi, nhưng Hồn Trương Ba quyết không nhân nhượng, không thể chấp nhận sự phi lí. Mỏi mệt và căng thẳng, sợ điều xấu sẽ đến, nên hồn Trương Ba đã phải cậy nhờ vào sự trợ giúp của Đế Thích. Hồn Trương Ba thắp hương gọi Đế Thích về. Nhà viết kịch một lần nữa thử nghiệm sự lựa chọn của hồn Trương Ba để xem trong cuộc chiến tư tưởng này, hồn Trương Ba sẽ như thế nào? Đế Thích mở ra một hướng giải quyết mới nhưng không khác mấy so với trước: để cho hồn Trương Ba nhập xác cu Tị. Giải pháp này có vẻ dễ chịu hơn, vì hồn Trương Ba được trú ngụ vào xác một đứa cháu hàng xóm mà khi sống, ông cháu đã từng “quấn quýt bên nhau”. Hồn Trương Ba đứng trước một tình huống mới và buộc phải lựa chọn. Nhưng thật oái ăm và trớ trêu khi ông nhận ra rằng: “Trẻ con phải ra trẻ con, người lớn phải ra người lớn”. Ông tưởng tượng nếu thế thì mình phải tiếp tục sống dằng dặc tháng ngày mà “những gì chúng thích thì tôi ghét, những gì tôi thích thì chúng chẳng ưa”. Lại thêm một rắc rối ! Nhập hồn vào đứa cháu liệu sự thể sẽ như thế nào? Cái gì không ổn thì trước sau nó cũng sẽ không ổn. Quan trọng hơn, bây giờ nhập hồn mình vào đấy để mình được sống, còn dứa cháu kia phải chết thì thật là nhẫn tâm, độc ác. Hồn Trương Ba lại tiếp tục có những xung dột nhưng không giống như những lần trước. Xung đột thực chất ở đây là giữa thiện và ác, vị tha và ích kỉ. Hồn Trương Ba khuyên Đế Thích: “Ông hãy cứu sống nó! Ông phải cứu nó! Ông có biết đối với người mẹ là thế nào không? Còn to lớn hơn cả ý muốn bà Tây Vương Mẫu nhà ông. Ông Đế Thích, vì con trẻ, ông ạ, vì con trẻ! Ông hãy giúp tôi lần cuối cùng. Tôi sẽ không bao giờ làm phiền ông nữa, không đòi ông điều gì nữa!”. Trong trang sách và trên sân khấu những lời lẽ kia làm xúc động thiêng liêng lòng người. Đó là nhân tâm cao cả, là đức độ vọng lên từ một tấm lòng bao dung. Hồn Trương Ba cho rằng đó là việc làm duy nhất đúng, duy nhất tốt. Như vậy hồn Trương Ba lúc này không bận tâm nhiều về chuyện của mình mà là chuyện sự sống của cu Tị. Câu nói của ông trở về đúng tâm tính và bản chất của Trương Ba, có thể nói, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ sáng tạo thêm đoạn này làm cho câu chuyện dân gian mang ý nghĩa khác hẳn, nâng lên một tầm cao tư tưởng. Mọi diễn biến của vở kịch phải chăng là để đọng lại cho được cái giọt mật nhân tâm này. Cao cả và đẹp đẽ biết mấy! Cùng một lúc, giải quyết được cả hai vấn đề: thoát ra “nghịch cảnh” cho hồn Trương Ba và thắp lên nguồn sáng trong đời..
 
Trong vở kịch, khi nghe hồn Trương Ba đề xuất như vây, Đế Thích đồng ý. Hồn Trương Ba nói: “Lạ thật, từ lúc tôi có đủ can đảm đi đến quyết định này, tôi bỗng cảm thấy mình lại là Trương Ba thật, tâm hồn tôi lại trở lại thanh thản, trong sáng như xưa”. Thanh thản vì không phải sống trong “nghịch cảnh” nữa và vì vừa làm được một việc rất tốt. Hồn Trương Ba đã ra đi mãi mãi, đi để trở về sự sống. Chi tiết ấy gây ấn tượng tốt cho người đọc, người xem kịch. Đó là một ứng xử tuyệt vời, lấp lánh mãi ánh sáng nhân văn cao cả.
 
Lưu Quang Vũ đã cho chúng ta thấy cuộc vật lộn dai dẳng và quyết liệt giữa xác và hồn để đòi lại một sự thống nhất là lấy lại chính mình. Điều mà Lưu Quang Vũ muốn nói với chúng ta là: “Hãy đừng sống bằng những thân xác mượn!”.

0