08/02/2018, 08:31

Phân tích những biểu hiện và ưu – nhược điểm của vốn văn hóa dân tộc trong đoạn trích Nhìn về vốn văn hóa dân tộc của Trần Đình Hượu. Từ đó, chỉ ra con đường hình thành bản sắc văn hóa dân tộc mà tác giả nêu lên ở cuối đoạn trích

Phân tích những biểu hiện và ưu – nhược điểm của vốn văn hóa dân tộc trong đoạn trích Nhìn về vốn văn hóa dân tộc của Trần Đình Hượu. Từ đó, chỉ ra con đường hình thành bản sắc văn hóa dân tộc mà tác giả nêu lên ở cuối đoạn trích Hướng dẫn p>Trần Đình Hượu (1926 – 1995) quê ở ...

Phân tích những biểu hiện và ưu – nhược điểm của vốn văn hóa dân tộc trong đoạn trích Nhìn về vốn văn hóa dân tộc của Trần Đình Hượu. Từ đó, chỉ ra con đường hình thành bản sắc văn hóa dân tộc mà tác giả nêu lên ở cuối đoạn trích

Hướng dẫn

p>Trần Đình Hượu (1926 – 1995) quê ở xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Ông là nhà nghiên cứu chuyên về các vấn đề tư tưởng, văn hóa và văn học Việt Nam. Sở trường của ông là nghiên cứu tư tưởng phương Đông, nhất là Nho giáo và ảnh hưởng của nó đến tư tưởng, văn hoá, văn học Việt Nam. Định hướng nghiên cứu của ông khi đọc các hiện tượng văn hóa, văn học quá khứ tìm mối liên hệ của quá khứ và hiện tại. Cuốn sách tập hợp các bài viết của ông có tên Đến hiện đại từ truyền thống đã nói lên định hướng nghiên cứu đó. Đoạn trích thuộc phần II, bài tiểu luậnVề vấn đề tìm đắc sắc văn hoá dân tộc, in trong cuôn Đến hiện đại từ truyền thống. Nhan đề do người biên soạn đặt. Đoạn trích đã thể hiện những biểu hiện và ưu – nhược điểm của vốn văn hóa dân tộc; đồng thời tác giả đã chỉ ra con đường hình thành bản sắc văn hóa dân tộc ở cuối đoạn trích.

Trước hết, trong đoạn trích này, tác giả đã nêu lên những biểu hiện của đặc sắc văn hoá dân tộc. về quan niệm sống: coi trọng hiện thực trần thế hơn thế giới bên kia, nhưng cũng không bám lấy hiện thế, không quá sợ hãi cái chết […] ý thức về cá nhân và sở hữu không phát triển cao. Mong ước thái bình, an cư lạc nghiệp để làm ăn cho no đủ, sống thanh bình, thong thả, có đông con nhiều cháu, yên phận thủ thường, không mong ước gì cao xa, khác thường, hơn người. Còn quan niệm về lí tưởng: con người được ưa chuộng là con người hiền lành, tình nghĩa. Ta không ca tụng trí tuệ mà ca tụng sự khôn khéo, không chuộng trí mà cũng không chuộng dũng. Dân tộc chống ngoại xâm liên tục nhưng không thượng võ […] Trong tâm trí nhân dân thường có Thần và Bụt mà không có Tiên. Và quan niệm về cái đẹp: cái đẹp vừa ý là xinh, là khéo. Ta

không háo hức cái tráng lệ, huy hoàng, không say mê cái huyền ảo, kì vĩ. Màu sắc chuộng cái dịu dàng, thanh nhã, ghét sặc sỡ. Quy mô chuộng sự vừa khéo, vừa xinh, phải khoảng Tất cả đều hướng vào cái đẹp dịu dàng, thanh lịch, duyên dáng và có quy mô vừa phải. Đây là văn hoá của dân nông nghiệp định cư, không có nhu cầu lưu chuyển, trao đổi, không có sự kích thích của đô thị; tế bào của xã hội nông nghiệp là hộ tiểu nông, đơn vị của tổ chức xã hội là làng. Đó là kết qủa của ý thức lâu đời về sự nhỏ yếu, về thực tế nhiều khó khăn, nhiều bất trắc của họ trong cuộc sống. Và sau hết, còn có sự dung hợp của cái vốn có với văn hoá Phật giáo và văn hoá Nho giáo từ bên ngoài du nhập vào nhưng đều để lại dấu ấn sâu sắc trong bản sắc dân tộc.

Sau khi nêu những biểu hiện của đặc sắc văn hóa dân tộc thì tác giả đã chỉ ra những ưu điểm và hạn chế của vốn văn hoá dân tộc. Nói về ưu điểm thì văn hoá Việt Nam có bản sắc riêng trong mối quan hệ với các nền văn hoá khác. Bản sắc này hình thành từ chính thực tế địa lí, lịch sử, đời sống cộng đồng của người Việt và quá trình giao lưu, tiếp xúc, tiếp nhận, biến đổi các giá trị văn hoá của một số nền văn hoá khác (Trung Hoa, Ấn Độ). Văn hoá Việt giàu tính nhân bản, tinh tế, hướng tới sự hài hoà trên mọi phương diện như tôn giáo, nghệ thuật, ứng xử, sinh hoạt,… Có thể dẫn ra một số dẫn chứng để minh họa cho những ưu điểm này như: Việt nam có nhiều tôn giáo, nhiều dân tộc cùng sống trên một lãnh thổ nhưng trong lịch sử hầu như không xảy ra xung đột về tôn giáo và sắc tộc; Các công trình kiến trúc như chùa chiền, nhà thờ, tháp, đài,… thường có kích thước và quy mô nhỏ, vừa nhưng vẫn có những điểm nhấn tinh tế, hài hoà với thiên nhiên (chùa Tây Phương, chùa Một Cột. tháp Rùa,…). Chính những điều đó đã làm cho cuộc sống thiết thực, bình ổn, lành mạnh với những nét đẹp dịu dàng, thanh lịch, những con người hiền lành, tình nghĩa, sống có văn hoá trên một cái nền nhân bản. Bên cạnh những ưu điểm lại là những hạn chế cần phải khắc phục. Do quan niệm dĩ hoà vi quý trong mọi lĩnh vực của đời sống tinh thần, vật chất, văn hoá Việt Nam chưa có một tầm vóc lớn lao, chưa có một vị trí quan trọng, chưa nổi bật và chưa có khả năng tạo được ảnh hưởng sâu sắc đến các nền văn hoá khác: giữa các dân tộc, chúng ta không thể tự hào là nền văn hoá của ta đồ sộ, có những cống hiến lớn lao cho nhân loại, hay có những đặc sắc nổi bật; chưa bao giờ trong lịch sử dân tộc, một ngành văn hoá nào đó trở thành đài danh dự, thu hút, quy tụ cả nền văn hoá. Những khía cạnh tâm lí – văn hoá vừa là ưu điểm vừa tiềm tàng những nhược điểm của người Việt: Đối với cái dị kỉ, cái mới, không dễ hoà hợp nhưng cũng không cự tuyệt đến cùng, chấp nhận cái gì vừa phải, hợp với mình nhưng cũng chần chừ, dè dặt, giữ mình. Nét tâm lí – văn hoá này là một trong những nguyên nhân khiến trong văn hoá Việt Nam không có sự xung đột quyết liệt về tôn giáo, sắc tộc như ở các cộng đồng khác nên đó cũng là một điểm tích cực trong tâm lí – văn hoá Việt. Tuy nhiên, cũng chính điều này đã gây ra sức ì ạch, cản trở những bước phát triển mạnh mẽ, những cách tân táo bạo, những khám phá phi thường – điều kiện để tạo nên tầm vóc lớn lao của các giá trị văn hoá. Chính vì vậy, Trần Đình Hượu đã chỉ rõ những hạn chế cụ thể trên mọi phương diện của vốn văn hoá truyền thống: Tôn giáo hay triết học cũng đều không phát triển; Không có một ngành khoa học, kĩ thuật, giả khoa học nào phát triển đến thành có truyền thống. Âm nhạc, hội hoạ, kiến trúc đều không phát triển đến tuyệt kĩ; Không chuộng trí mà cũng không chuộng dũng.

Dân tộc chống ngoại xâm liên tục nhưng không thượng võ; Không ca tụng trí tuệ mà ca tụng sự khôn khéo; Không có công trình kiến trúc nào, kể cả của vua chúa, nhằm vào sự vĩnh viễn,… Từ nay, chúng ta có thể hiểu được nhận định khái quát về bản chất của nền văn hoá truyền thống – đó là văn hoá của dân nông nghiệp định cư, không có nhu cầu lưu chuyển, trao đổi, không có sự kích thích của đô thị và nhận định lí giải về nguyên nhân của những hạn chế này: phải chăng, đó là kết quả của ý thức lâu đời về sự nhỏ yếu, về thực tế nhiều khó khăn, nhiều bất trắc? Những nhược điểm này sẽ được khắc phục dần trong thời đại ngày hôm nay, đặc biệt là trong công cuộc đổi mới đất nước. Từ nay chúng ta có định hướng nhận thức và hành động tích cực để xây dựng ý thức văn hoá, lối nghĩ, lối sống văn hoá mới: phát huy những điểm mạnh và nhận thức rõ để hạn chế những điểm yếu của đời sống văn hoá Việt Nam.

Sau khi nêu những điểm không đặc sắc (hạn chế) của văn hoá Việt, tác giả lại khẳng định: người Việt Nam có nền văn hoá của mình. Cách lập luận của tác giả không hề mâu thuẫn bởi theo tác giả quan niệm, việc đi tìm cái riêng của văn hóa Việt Nam không nhất thiết phải gắn liền với việc cố chứng minh dân tộc Việt Nam không thua kém các dân tộc khác ở những điểm mà thế giới đã thừa nhận là rất nổi bật của các dân tộc ấy. Nỗ lực chứng minh như vậy là một nỗ lực vô vọng. Tác giả chỉ ra những điểm hạn chế của văn hoá Việt Nam là trên tinh thần ấy. Việc làm của tác giả hàm chứa một gợi ý về phương pháp luận nghiên cứu vấn đề bản sắc văn hoá dân tộc. Hơn nữa, tác giả quan niệm văn hoá là sự tổng hoà của nhiều yếu tố, trong đó lối sống, quan niệm sống là yếu tố then chốt. Khi quan sát thấy người Việt Nam có lối sống riêng, quan niệm sống riêng, tác giả hoàn toàn có cơ sở để khẳng định người Việt Nam có nền văn hoá của mình. Hoá ra, cái hạn chế ở một vài điểm thường hay được người ta nhắc tới không có nghĩa là không có gì. Tác giả đã có một quan niệm toàn diện về văn hoá và triển khai công việc nghiên cứu của mình dựa vào việc khảo sát thực tế khách quan chứ không phải vào các tri thức tiên nghiệm.

Trong lời kết của đoạn trích, tác giả khẳng định: Con đường hình thành bản sắc dân tộc của văn hoá không chỉ trông cậy vào sự tạo tác của chính dân tộc đó mà còn trông cậy vào khả năng chiếm lĩnh, khả năng đồng hoá những giá trị văn hoá bên ngoài, về mặt đó, lịch sử chứng minh là dân tộc Việt Nam có bản lĩnh. Như vậy, khi khái quát bản sắc văn hoá,Việt nam, tác giả không hề rơi vào thái độ tự ti hay miệt thị dân tộc. Và nền văn hoá tương lai của Việt Nam sẽ là một nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, có hoà nhập mà không hoà tan, tiếp thu tinh hoa văn hoá của nhân loại để làm giàu cho văn hoá dân tộc. Trong thực tế, các giá trị văn hoá trên mọi bình diện đời sống của người Việt (tôn giáo, nghệ thuật, ứng xử, sinh hoạt) không phải chỉ là thành quả sáng tạo của riêng cộng đồng văn hoá Việt Nam mà là sự tích tụ cả một quá trình tiếp nhận có chọn lọc và biến đối theo hướng thiết thực, linh hoạt, dung hòa những giá trị lớn của các nguồn văn hoá khác. Đây chính là quá trình chiếm lĩnh, đồng hoá các giá trị văn hoá khác. Bản sắc văn hoá là những cái riêng, cái độc đáo mang tính bền vững và tích cực của một cộng đồng văn hoá.

Bài viết của tác giả đã cho thấy nền văn hoá Việt Nam tuy không đồ sộ nhưng vẫn có nét riêng. Tiếp cận vấn đề bản sắc văn hoá Việt Nam phải có một con đường riêng, không thể áp dụng những mô hình cứng nhắc hay lao vào chứng minh cho được cái không thua kém của dân tộc mình so với các dân tộc khác trên một số điểm cụ thể. Từ hiểu biết sâu sắc về vốn văn hoá dân tộc, tác giả đã phân tích rõ những mặt tích cực và một số hạn chế của văn hoá truyền thống. Bài viết văn phong khoa học, mạch lạc, thể hiện rõ tính khách quan, tính trí tuệ. Nắm vững bản sắc văn hoá dân tộc, chúng ta có thể phát huy những điểm mạnh, khắc phục những hạn chế để hội nhập với thế giới trong thời đại ngày hôm nay.

Thu Trang

0