16/01/2018, 13:37

Phân tích nhân vật Tràng trong Vợ Nhặt của Kim Lân – Văn mẫu lớp 12

Phân tích nhân vật Tràng trong Vợ Nhặt của Kim Lân – Văn mẫu lớp 12 Phân tích nhân vật Tràng trong Vợ Nhặt của Kim Lân – Bài số 1 Dựng vợ, gả chồng là chuyện lớn của cả một đời người. Nhưng trong câu chuyện đầy bi hài của nhà văn Kim Lân đã xảy ra một hiện tượng cực kỳ lạ: “Vợ ...

Phân tích nhân vật Tràng trong Vợ Nhặt của Kim Lân – Văn mẫu lớp 12

Phân tích nhân vật Tràng trong Vợ Nhặt của Kim Lân – Bài số 1

Dựng vợ, gả chồng là chuyện lớn của cả một đời người. Nhưng trong câu chuyện đầy bi hài của nhà văn Kim Lân đã xảy ra một hiện tượng cực kỳ lạ: “Vợ nhặt”. Vợ nhặt hay nhặt vợ thì cũng đều như nhau cả. Nhưng không phải vì thế mà người vợ nhặt và người đi nhặt vợ trong câu chuyện này không còn phẩm giá. Ngược lại, họ vẫn rất tự trọng, vẫn hiện lên giữa trang văn đầy xúc động của Kim Lân một cách rất đẹp. Nhất là nhân vật Tràng – người đã nhặt được vợ giữa lúc nạn đói đang hoành hành.

Trong hàng nghìn người đang dật dờ như bóng ma vì đói, vì khổ, Tràng cũng chỉ là một kẻ xấu xí, cùng chung một số phận với họ. Không những thế, ngòi bút của Kim Lân còn vẽ nên Tràng một diện mạo rất xấu: người gầy gò, hắn cười quai hàm bạnh ra. Nhưng có lẽ, diện mạo Tràng càng xấu thì tính cách và tâm hồn anh càng đẹp. Bởi chẳng có ai giữa cảnh đói khát thế này lại còn đi đèo bòng thêm một người đàn bà về làm vợ. Hay chỉ có Tràng ngờ ngệch nên mới làm vậy? Sự thật hoàn toàn không phải vậy. Có thể Tràng ngờ nghệch thật, nhưng khi đưa thị về, Tràng cũng đã từng băn khoăn: thóc gạo này đến cái thân mình cũng chả biết có nuôi nổi không, lại còn đèo bòng. Sau không biết nghĩ thế nào, hắn tặc lưỡi một cái “Chậc kệ”. Và thế là, hẵn dẫn theo một người đàn bà cùng nhau bước qua những xác chết nằm còng queo bên đường. Rất có thể, rồi Tràng cũng sẽ trở thành một trong những cái bóng dật dờ ấy. Nhưng bỏ qua hết mọi thứ, Tràng vẫn đưa thị về trong niềm vui sướng và kiêu hãnh. Kim Lân đã miêu tả rất chi tiết: Mặt hắn có vẻ một vẻ gì phớn phở khác thường. Hắn tủm tỉm cười nụ một mình và hai mắt thì sáng lên lấp lánh. Thấy bọn trẻ con nô đùa khiến vợ hắn càng thêm e thẹn, hắn vội vàng nghiêm nết mặt, lắc đầu ra hiệu không bằng lòng. Chi tiết này chứng tỏ Tràng là một người đàn ông rất có trách nhiệm.

Tràng không hề ngờ nghệch chút nào. Hay tại vì có người đàn bà đi bên cạnh nên hắn mới thế? Người đàn bà mà hắn vừa “nhặt” được ngoài chợ mang về làm vợ. Họ gặp nhau chỉ qua hai lần. Chính bản thân Tràng còn không ngờ được sự việc đang diễn ra. Vì Tràng chỉ hò vài câu bông đùa cho đỡ mệt mỏi, nhưng nào ngờ, thị lại theo Tràng về thật. Tràng cũng hào phóng, ga lăng lắm. Giữa cảnh đói kém túng quẫn như thế mà còn đãi thị một chặp bốn bát bánh đúc liền. Chưa hết, Tràng còn dẫn thị vào chợ tỉnh, bỏ tiền mua cho thị cái thúng con con rồi dẫn thị đi ăn một bữa no nê. Có lẽ, ở cái thời buổi này, thị là người đàn bà may mắn và hạnh phúc nhất. Vì giữa lúc đói khủng khiếp, có được miếng ăn đã là quý báu lắm rồi. Đằng này, thị lại còn được ăn uống no nê. Hẳn là thị thích lắm. Còn Tràng chẳng hề băn khoăn gì với số tiền mình bỏ ra. Thì ra, giữa cái cảnh đói khát này, vẫn có những tấm lòng cao cả đến vậy. Tràng đầy trách nhiệm, hiền lành, ga lăng. Tràng chính là một mẫu hình lý tưởng cho những người phụ nữ muốn lấy làm chồng.

Khi đối diện với mẹ, Tràng còn là một người con rất ngoan hiền, hiếu thảo và lễ phép. Những tưởng trong cơn đói khát ấy, phẩm chất đạo đức của con người bị mai một. Nhưng không, Tràng vẫn lễ phép mời mẹ ngồi lên chĩnh để thưa chuyện: Nhà tôi nó mới về làm bạn với tôi đấy u ạ. Chúng tôi phải duyên phải kiếp với nhau… Chẳng qua cũng là cái số cả. Chi tiết này cho thấy Tràng đã trưởng thành, đã tự quyết định được hạnh phúc đời mình. Tràng cũng không quên để tâm đến thái độ của vợ. Tràng là một người đàn ông rất tinh tế.

Càng đi sâu tìm hiểu Tràng, ta càng thấy ở con người này có nhiều phẩm chất tốt đẹp. Ngay sau ngày đầu tiên có vợ, tâm trạng của Tràng thật mới mẻ. Hắn đã cảm nhận được ánh nắng bình mình, dường như có một nguồn sáng mới vừa tỏa vào cuộc đời đầy tăm tối của hắn. Tràng nhận ra mọi thứ xung quanh mình đều thay đổi. Vợ hắn đã dậy từ sáng sớm làm mọi việc: quét dọn nhà cửa sạch sẽ, phơi hong quần áo, làm vườn tược… Những điều đơn giản ấy đã đánh thức hắn giữa những chuỗi ngày tăm tối của cái đói, cái khổ. Tràng tự nhận thấy mình cũng cần có trách nhiệm với căn nhà này, với gia đình, với thị. Hắn nghĩ đến tương lai, nghĩ đến việc hắn sẽ cùng thị sinh ra những đứa con trong căn nhà nhỏ bé này. Lúc trước, khi mang thị về nhà, Tràng còn nghĩ không biết có nuôi nổi nhau không. Nhưng đến giờ này, Tràng còn nghĩ đến những đứa con. Niềm tin và niềm hi vọng trong Tràng đang dần lớn lên. Hình ảnh của Tràng lúc này khiến người đọc liên tưởng đến nhân vật Chí Phèo của Nam Cao. Chí cũng đã được thức tỉnh sau bao ngày chìm đắm trong cơn say miên man bằng những hành động chân thật, lương thiện của Thị Nở – một người cùng khổ với Chí. Trong cả hai trường hợp này, bản chất của họ đều là người tốt, có phẩm chất, có đạo đức nhưng chỉ là đã bị lãng quên trong hoàn cảnh túng quẫn. Sau cùng, họ cũng vẫn tìm lại được chính mình, tìm được ý nghĩa đích thực của cuộc sống đến từ những điều đơn giản nhất.

Tràng không giàu có gì, cũng chẳng khá giả hơn ai, thậm chí, hắn cũng có thể sẽ bị chết vì đói, nhưng qua cuộc nhặt vợ đầy bi hài, Kim Lân đã xây dựng rất thành công hình ảnh một chàng trai nghèo xấu xí bỗng dưng có được vợ. Qua đó, ông vừa thể hiện sự thảm hại của nạn đói năm 1945, vừa tố cáo bọn đến quốc, thống trị tàn ác đã cướp miếng cơm, cướp luôn cả quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc của những người nông dân lương thiện.

Nhưng rồi, dù có thế nào đi nữa, bản chất của những con người cùng khổ ấy cũng vẫn không hề bị biến chất. Cụ thể, qua nhân vật Tràng – một người đã may mắn nhặt được vợ trong cảnh đói kém, vẫn hào phóng, ga lăng và đầy trách nhiệm. Mặt khác, cảnh tượng phá kho thóc của Nhật cuối tác phẩm còn là lời cổ vũ mạnh mẽ những người dân hãy đững lên đấu tranh giải phóng chính mình.

Câu chuyện khép lại nhưng cuộc nhặt vợ đầy hấp dẫn vẫn còn đọng lại trong lòng người đọc. Ở đó, phẩm chất cao quý của Tràng, của thị, và những con người như Tràng như thị vẫn luôn luôn thanh khiết, trong sáng. Đặc biệt, là Tràng – một mẫu đàn ông lý tưởng cho chị em phụ nữ với những phẩm chất tốt đẹp: hiền lành, chịu khó, trách nhiệm, ga lăng. Chính Tràng đã làm nên điểm nhấn cho tác phẩm.

Phân tích nhân vật Tràng trong Vợ Nhặt của Kim Lân – Bài số 2

Nói đến các nhà văn trong nền văn học hiện đại thì không thể không nói đến Kim Lân. Và khi nói đến Kim Lân thì người đọc sẽ nhớ ngay đến “Vợ nhặt”. Tác phẩm được xem là một trong những tác phẩm điển hình của văn học Việt Nam. Với “Vợ nhặt” Kim Lân đã làm nổi bật nhân vật Tràng- hình tượng người nông dân hiền lành chất phác, giàu lòng yêu thương trong hoàn cảnh hết sức éo le ngang trái.

Dẫn dắt vào tác phẩm, thoạt tiên nhà văn Kim Lân đã cho ta biết được một vài nét về thân phận và địa vị của nhân vật. Tràng vốn là người dân nghèo trong xóm ngụ cư sống cùng người mẹ già trong một căn nhà xiêu quẹo, rách nát. Hằng ngày anh phải ra sức đẩy xe bò chở thóc mướn. Anh có vẻ ngoài xấu và thô kệch: đôi mắt nhỏ tí, thân hình vậm vạp…Trong xã hội cùng cực đau thương tủi nhục, với thân phận và địa vị như thế chắc chăc rồi cuộc đời của Tràng sẽ kết thúc trong sự cô đơn, tủi nhục.

Nhưng trong diễn biến của câu chuyện Tràng lại có vợ, có một gia đình hạnh phúc mà đến chính anh cũng ngỡ ngàng như đó không phải là sự thật. Nói cho đúng hơn là chính lòng thương người không đắn đo, toan tính đã trao tặng anh món quà “hạnh phúc”. Kim Lân đã xây dựng một tình huống hết sức độc đáo: Tràng đã “nhặt” được vợ qua hai lần gặp gỡ. Lần thứ nhất khi anh đẩy xe bò lên dốc. Anh hò chơi một câu cho đỡ mệt “Muốn ăn cơm trắng mấy giò này-Lại đây mà đẩy xe bò với anh nì”. Chủ tâm của anh không phải để chọc ghẹo cô nào, nhưng không ngờ có một chị lại cong cớn chạy ra và giúp Tràng đẩy xe lên dốc. Lần thứ hai khi đang ngồi uống nước ở cổng chợ tỉnh thì người đàn bà xuất hiện và mắng Tràng “điêu”. Trong tình huống đó anh không biết làm sao cho hợp tình hợp lí. Anh mời chị ăn trầu nhưng chị không ăn trầu mà đòi ăn thứ khác. Tràng đành mời liều “muốn ăn gì thì ăn” thế là thị sà xuống ăn một chập bốn bát bánh đúc. Ăn xong, Tràng nói một câu mà như nói tầm phơ tầm phào "Nói đùa chứ có về với tớ thì ra khuân hàng lên xe rồi cùng về". Nói đùa thế thôi, ai ngờ thị về thật. Lúc đầu Tràng phảng phất lo sợ về cái đói và cái chết"mới đầu anh cũng chợn, nghĩ: thóc gạo này đến cái thân mình cũng chả biết có nuôi nổi không, lại còn đèo bòng". Đó là nỗi sợ hãi có thật nhất lại là thời đói kém như thế này. Nhưng có lẽ tình thương người và khát vọng hạnh phúc đã lớn hơn nỗi sợ hãi nên sau đó anh chặc lưỡi " Chậc kệ!". Chỉ một từ "kệ" thôi, Tràng như đã bỏ lại sau lưng mình tất cả nỗi sợ hãi, mọi lo nghĩ để vun vén cho cái hạnh phúc của mình.

Đọc lướt qua câu chuyện ta ngỡ như việc “nhặt vợ” của Tràng là tình cờ nhưng nghĩ cho kĩ ta sẽ thấy rằng việc làm ấy xuất phát từ tình yêu thương của con người chân chính. Tình thương người đã cho anh quyết định dứt khoát là đưa người đàn bà xa lạ về chung sống. Hành động ấy của Tràng còn tiềm ẩn khát vọng hạnh phúc lứa đôi, hạnh phúc gia đình mà trước đây anh không dám ao ước.

Chính khát vọng và tình thương đã làm cho Tràng biến đổi từ dáng vẻ bên ngoài đến bên trong tâm hồn. “Mặt hắn có một vẻ gì phớn phở khác thường . Hắn tủm tỉm cười nụ một mình và hai mắt thì sáng lên lấp lánh”. Với cách miêu tả ấy dương như trước mắt người đọc là một anh Tràng khác hẳn. Từ một con người mang mặc cảm về thân phận, một trái tim cằn cỗi nay lại hồi sinh.

Về đến nhà, lúc đầu Tràng thấy "ngượng nghịu" rồi cứ thế "đứng tây ngây ra giữa nhà, chợt hắn thấy sờ sợ". Nhưng đó chỉ là cảm giác thoáng qua thôi. Hạnh phúc lớn lao quá khiến Tràng lại lấy lại được thăng bằng nhanh chóng. Lúc sau Tràng tủm tỉm cười một mình với ý nghĩ có phần ngạc nhiên sửng sốt, không dám tin đó là sự thật: "hắn vẫn còn ngờ ngợ như không phải thế. Ra hắn đã có vợ rồi đấy ư ?". Đó là sự ngạc nhiên trong sung sướng.

Khi đã có vợ rồi niềm vui sướng trong anh tràng ngập. Dường như anh đã quên đi cuộc sống tối tăm thường nhật và cảm nhận một sự thay đổi. Tràng ý thức được trách nhiệm, bổn phận của người chồng, người chủ gia đình “ Bỗng nhiên hắn thấy hắn thương yêu gắn bó với cái nhà của hắn lạ lùng…Bây giờ hắn mới thấy hắn nên người, hắn thấy hắn có bổn phận phải lo lắng cho vợ con sau này”. Từ một con người cục mịch, sống vô tư, chỉ biết việc trước mắt, Tràng đã là người quan tâm đến những chuyện ngoài xã hội và khao khát sự đổi đời. Khi tiếng trống thúc thuế ngoài đình vang lên vội vã, dồn dập, Tràng đã thần mặt ra nghĩ ngợi, đây là điều hiếm có đối với Tràng xưa nay. Trong ý nghĩ của anh lại vụt hiện ra cảnh những người nghèo đói ầm ầm kéo nhau đi để cướp kho thóc của Nhật và đằng trước là lá cờ đỏ. Tràng nhớ tới cảnh ấy và lòng ân hận, tiếc rẻ và trong óc vẫn thấy đám người đói và lá cờ bay phấp phới…

Có thể nói truyện ngắn “Vợ nhặt” đã xây dựng thành công nhân vật Tràng-một anh nông dân nghèo nhưng giàu lòng yêu thương. Đồng thời qua Tràng nhà văn còn cho thấy sức sống mãnh liệt, diệu kì của con người Việt Nam trong khó khăn cuộc sống. Dường như càng đau khổ, mất mát người ta lại yêu thương nhau nhiều hơn. Và cũng lí giải vì sau dân tộc ta làm làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám.

Phân tích nhân vật Tràng trong Vợ Nhặt của Kim Lân – Bài số 3

Độc giả biết nhiều hơn tới Kim Lân với những tác phẩm gắn liền với những truyện ngắn tài năng của Văn hoc Hiện đại Việt Nam. Những nhân vật của ông thường là những con người nghèo khổ và bần cùng. Nhưng ở họ vẫn luôn tồn tại một nét đẹp tâm hồn bất diệt. Nhà văn đã khai thác triệt để vẻ đẹ đó và viết nên những trang truyện mà khiến cho người đọc xúc động và rút ra nhiều bài học ý nghĩa. Vợ nhặt là một trong những sáng tác tiêu biểu của ông. Tác phẩm đã khắc hoạ thành công nhân vật Tràng, một người lao động nghèo khổ nhưng giàu tình yêu thương, luôn khao khát hạnh phúc gia đình giản dị.

Tác phẩm Vợ Nhặt ra đời trong hoàn cảnh đất nước rơi vào nạn đói kinh hoàng thời kì 1945, khi mà nhân dân ta chịu cảnh chết đói như ngả rạ, người người nhà nhà rơi vào cảnh khó xử. Không khí của những làng quê được miêu tả là ”người chết như nga ra, không buổi sáng nào người trong làng đi chợi, đi làm đồng không gặp ba bốn cái thây nằm còng queo bên đường. Không khí vấn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người”. Khung cảnh xóm ngụ cư ấy đã diễn tả được cái đói đang hoành hành, đời sống nhân dân thê thảm”. Xóm nghèo ấy cũng là xóm ngụ cư,mọi người tứ phương đổ về ai cũng mong muốn tìm được cái ăn để đỡ đói qua ngày.

Cũng chính từ cái nghèo đói đó mà tác giả Kim Lân càng muốn khắc họa vẻ đẹp tiềm ẩn của người nông dân, đặc biệt là nhân vật Tràng. Giữa cái đói nghèo ấy nhưng anh vẫn có một tâm hồn lạc quan về phía trước và một người giàu lòng thương yêu, chính cái thương đó đã đưa Tràng và vợ Tràng đến với nhau trong một hoàn cảnh oái ăm như vậy. Truyện ngắn mở đầu bằng hình ảnh anh cu tràng “hắn bước đi ngật ngưỡng, vừa đi vừa tủm tỉm cười, hai bên quai hàm bạnh ra…”  những chi tiết này khiến độc giả hình dung ra một người đàn ông xấu xí thô kệch, và đặc biệt trong cảnh nghèo đói này anh chàng cũng không khác gì những người dân ở xóm ngụ cư này. Từ ngày nạn đói hoành hành, đám trẻ con không buồn trêu tràng nữa, vì chúng đã không còn sức lực. Xung quanh xóm ngụ cư được phủ lên 1 khung cảnh buồn thiu, đầy ám ảnh bao phủ lên xóm nghèo. Trong khung cảnh chiều tà, suy nghĩ của Tràng được tái hiện “hắn bước đi từng bước mệt mỏi, cái ao nâu tàng vắt sang một bên cánh tay. Hình như những lo lắng, cực nhọc đè nặng lên cái lưng gấu của hắn”.

Thành công của Kim Lân chính là đã tạo dựng được một tình huống truyện độc đáo, dẫn dắt người đọc từ bất ngờ này tới bất ngờ thú vị khác. Chi tiết Tràng nhặt được vợ để từ đó làm nổi bật khao khát hạnh phúc, tình yêu thương, cưu mang đùm bọc lẫn nhau của những con người đói . Nhan đề của tác phẩm cũng đặt ra một dấu chấm hỏi và thắc mắc cho người đọc, tại sao lại là vợ nhặt,vì vốn dĩ giữa lúc khó khăn khốn cùng này còn ai nghĩ tới chuyện vợ con gì nữa, hai là nếu lấy vợ thì phải là hai bên qua lại chứ sao lại nhặt được. ấy chính cái nhan đề ấy đã dẫn tới tình huống truyện đặc sắc thu hút người đọc. Nhưng tình huống truyện còn có một mạch khác: chủ thể của cái hành động “nhặt” kia là Tràng, một gã trai nghèo, xấu xí, dân ngụ cư, đang thời đói khát mà đột nhiên lấy được vợ, thậm chí được vợ theo thì quả là điều lạ. Lạ tới mức nó tạo nên hàng loạt những kinh ngạc cho hàng xóm, bà cụ Tứ – mẹ Tràng và chính bản thân Tràng nữa. Những hình ảnh và chi tiết này được tác giả khắc họa một cách rõ nét và sắc sảo.

Tràng vốn dĩ là người thô kệch trong thời buổi khó khăn này,chưa nghĩ tới nghèo đói lấy được vợ mà ngay cả chuyện tìm được một người ưng ý cũng đã khó.chính vì vậy khi mà anh tự dưng có vợ thì Tràng vân chưa hết bất ngờ: “đến bây giờ hắn vẫn còn ngờ ngợ như không phải thế. Ra hắn đã có vợ rồi đấy ư?”. Rồi cái ngỡ ngàng trước hạnh phúc kia cũng nhanh chóng đẩy thành niềm vui hữu hình cụ thể. Đó là niềm vui về hạnh phúc gia đình – một niềm vui giản dị nhưng lớn lao không gì sánh nổi..

Qua câu chuyện chúng ta còn thấy nhiều vẻ đẹp ở nhân vật tràng, nó được thể hiện những chi tiết nhỏ nhặt nhưng cũng đủ làm nổi bật hình ảnh của một người đàn ông biết thương yêu biết coi chuyện gia đình là nghiêm túc. Mặc dù người vợ được hắn nhặt về, nhưng Tràng không hề rẻ rúng, khinh miệt thị. Trái lại , Tràng vô cùng trân trọng , coi chuyện lấy thi là một điều nghiêm túc. Khát vọng mái ấm gia đình đã khiến Tràng vượt qua lo lắng về cái đói “ đến thân còn chẳng lo nổi , lại còn đèo bòng”. Tràng chậc lưỡi “ kệ” cái đói, mua cho thị cái thúng con, vài xu dầu và dẫn thị về căn nhà lụp xụp rách nát của mẹ con mình. Tác giả Kim Lân còn miêu tả tâm lí của Tràng một cách đặc sắc, đó là cảm giác của tràng vào buổi sáng hôm sau, Tràng thấy khoan khoái như người từ trong giấc mơ đi ra. Hắn đã có một gia đình. Hắn sẽ cùng vợ sinh con đẻ cái ở đấy. Cái nhà như cái tổ ấm che mưa che nắng. Đó là một điều thật bình dị nhưng có ý nghĩa vô cùng lớn lao trong cuộc đời Tràng. Hắn thấy hắn nên người. Một nguồn vui sướng, phấn chấn đột ngột tràn ngập trong lòng”. Một niềm vui thật cảm động, lẫn cả hiện thực lẫn giấc mơ. Thêm vào đó chi tiết: “Hắn xăm xăm chạy ra giữa sân, hắn cũng muốn làm một việc gì để dự phần tu sửa lại căn nhà” là một đột biến quan trọng, một bước ngoặt đổi thay cả số phận lẫn tính cách của Tràng: từ khổ đau sang hạnh phúc, từ chán đời sang yêu đời, từ ngây dại sang ý thức. Từ trong thâm tâm của anh, anh đã có một ý thức và trách nhiệm sâu sắc rằng anh đã có vợ và phải cố gắng để lo lắng cho tổ ấm của mình. Cùng với đó, ở phần kết khi mà hình ảnh của lá cờ đỏ sao vàng cứ mãi xuất hiện trong đầu Tràng dự báo cho một tương lai mới sẽ xảy ra. Đây là điều mà các tác phẩm văn học hiện thực giai đoạn 1930 – 1945 không nhìn thấy được.

Vợ nhặt là truyện ngắn xuất sắc nhất của Kim Lân, là tác phẩm giàu giá trị hiện thực, nhân đạo, là tình người là ca ngợi niềm tin bất diệt vào tương lai tươi sáng của con người. Kim Lân đã thành công trong việc xây dựng tình huống truyện và phân tích tâm lí nhân vật. Cùng với đó, những ngôn từ cách mà tác giả dẫn dắt cũng góp phần làm nổi bật ý nghĩa câu chuyện và đặc biệt là nhân vật Tràng.

Phân tích nhân vật Tràng trong Vợ Nhặt của Kim Lân – Bài số 4

Kim Lân là một trong những nhà văn xuất sắc của nền văn xuôi hiện đại ViệtNam trước và sau Cách mạng tháng Tám. Một trong những tác phẩm tiêu biểu của Kim Lân được viết ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công là truyện ngắn “Vợ nhặt”, được in trong tập truyện “Con chó xấu xí”. Đây là tác phẩm mà Kim Lân đã tái hiện thành công bức tranh ảm đạm và khủng khiếp về nạn đói Ất Dậu (1945) của nước ta. Trên cái nền tăm tối và đau thương ấy, nhà văn đã đặt vào đóhình ảnh của nhân vật Tràng: nghèo đói, bất hạnh nhưng giàu tình người và khát vọng hạnh phúc. Điều đó được thể hiện qua chính câu chuyện nhặt vợ của anh giữa ngày đói.

Thật vậy, xuất hiện trong tác phẩm, Tràng vốn là một gã trai nghèo, sống ở xóm ngụ cư, có mốt mẹ già và làm nghề đẩy xe bò mướn. Đã vậy, Tràng lại có một ngoại hình xấu xí, thô kệch với “ cái đầu trọc nhẵn”; “cái lưng to rộng như lưng gấu”; “ hai con mắt gà gà, nhỏ tí” lúc nào cũng đắm vào bóng chiều của hoàng hôn. Thêm vào đó, tính tình của Tràng lại có phần “dở hơi” nhưng tốt bụng, hay vui đùa với trẻ con trong xóm. Có thể nói, Tràng có một cảnh ngộ thật bất hạnh và tội nghiệp. Vậy mà, con người có thân phận thấp hèn ấy bỗng nhiên lại trở thành một chú rể có thể coi là hạnh phúc: Tràng bỗng dưng có vợ. Tràng có vợ bằng cách “nhặt” được chỉ qua hai lần gặp gỡ, vài câu nói đùa và bốn bát bánh đúc giữa ngày đói. Qủa thật, chuyện lấy vợ của Tràng là một lạ mà thú vị – đùa mà thật, thật mà cứ như đùa.

Lúc đầu, khi người phụ nữ đói nghèo, rách rưới đồng ý theo không Tràng về làm vợ, Tràng không phải không biết “chợn”: “Thóc gạo này đến cái thân mình cũng chả biết có nuôi nổi không, lại còn đèo bòng”. Nhưng rồi anh ta chặc lưỡi “Chậc,kệ!”. Có vẻ như một quyết định không nghiêm túc như phóng lao phải theo lao vậy. Việc hai người đến với nhau bề ngoài có vẻ ngẫu nhiên nhưng bên trong lại là tất nhiên: Người đàn bà cần Tràng để có một chỗ dựa qua thì đói kém, còn Tràng cũng cần người phụ nữ nghèo ấy để có vợ và để biết đến hạnh phúc.

Trên đường đưa vợ về nhà, Tràng thật sự vui và hạnh phúc: “ Trong một lúc, Tràng như quên hết những cảnh sống ê chề, tăm tối hàng ngày, quên cả đói khát đang đe doạ…Trong lòng hắn, lúc này chỉ còn tình nghĩa với người đàn bà đi bên. Một cái gì mới mẻ, lạ lắm, chưa từng thấy ở người đàn ông ấy…”. Có thể nói, trong tác phẩm, có tới hơn hai mươi lần nhà văn nhắc đến niềm vui và nụ cười thường trực của Tràng khi đã có vợ bằng các từ ngữ rất gợi tả và gợi cảm: mặt phớn phở, mắt sáng lên lấp lánh, miệng cười tủm tỉm…

Chỉ sau một đêm “nên vợ nên chồng”. Tràng thấy mình đổi khác “ trong người êm ái , lửng lơ như người từ giấc mơ đi ra. Việc hắn có vợ đến hôm nay hắn vẫn còn ngỡ như không phải”.Tràng “bỗng nhiên thấy thương yêu và gắn bó với căn nhà”; “Hắn đã có một gia đình. Hắn sẽ cùng vợ sinh con đẻ cái ở đấy. Cái nhà như tổ ấm che mưa che nắng…Bây giờ hắn mới thấy hắn nên người, thấy hắn có bổn phận phải lo cho vợ con sau này…”

Niềm vui của Tràng thật cảm động, lẫn lộn cả hiện thực lẫn ước mơ . “Hắn xăm xăm chạy ra giữa sân, hắn muốn làm một việc gì để dự phần tu sửa lại căn nhà”. So với cái dáng “ngật ngưỡng” của Tràng ở đầu tác phẩm, hành động “xăm xăm” này của Tràng là một đột biến quan trọng, một bước ngoặt đổi thay cả số phận lẫn tính cách của Tràng: từ đau khổ sang hạnh phúc, từ chán đời sang yêu đời, từ ngây dại sang ý thức. Tràng đã thật sự “phục sinh tâm hồn”- đó chính là giá trị lớn lao của hạnh phúc. Có một hiện thực tuy chưa rõ nét nhưng đã hiện ra ở cuối tác phẩm, trong suy nghĩ của Tràng “ cảnh những người nghèo đói ầm ầm kéo nhau đi trên đê Sộp. Đằng trước có lá cờ đỏ to lắm”. Đoàn người đi phá kho thóc của Nhật và lá cờ Việt Minh. Đây là hiện thực nhưng cũng là ước mơ về một tương lai hướng về Đảng về cách mạng của tràng và những người như Tràng.

Tóm lại, Kim Lân miêu tả tâm trạng nhân vật Tràng xoay quanh tình huống nhặt vợ hết sức đặc biệt.Cũng từ đó, hình tượng nhân vật Tràng có vai trò lớn trong việc thể hiện tư tưởng chủ đề của tác phẩm: Những người đói, họ không nghĩ đến cái chết mà luôn nghĩ đến sự sống.

Cũng qua Tràng và câu chuyện nhặt vợ của anh, nhà văn giúp người đọc cảm nhận được vẻ đẹp tâm hồn của nhựng người dân lao động nghèo: đó là vẻ đẹp tình người và niềm tin tưởng vào tương lai. Qua nhân vật Tràng, Kim Lân đã bộc lộ được khả năng miêu tả tâm lý nhân vật và ngòi bút nhân đạo sâu sắc của nhà văn.

Vũ Hường tổng hợp

0