02/08/2018, 22:45

Phân tích khổ thơ thứ ba trong bài Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử

Phân tích khổ thơ thứ ba trong bài Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử Bài làm Mơ khách đường xa, khách đường xa Áo em trắng quá nhìn không ra Ở đây sương khói mờ nhân ảnh Ai biết tình ai có đậm đà ...

Phân tích khổ thơ thứ ba trong bài Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử

Bài làm

Mơ khách đường xa, khách đường xa

Áo em trắng quá nhìn không ra

Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

Ai biết tình ai có đậm đà

(Đây thôn Vĩ Dạ – Hàn Mặc Tử)

Những câu thơ cuối cùng trong bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ như trút hết bao nỗi niềm của nhà thơ khi nhớ về mối tình mong manh ở xứ Huế thân thương.

Những hình ảnh mờ mờ ảo ảo xuất hiện trong câu thơ ngắt quãng giữa chừng càng khắc sâu thêm sự khắc khoải, day dứt và đầy luyến tiếc đang trào dâng trong lòng thi nhân. Cụm từ “khách đường xa” được lặp lại hai lần và ngăn cách nhau bởi dấu phẩy giữa dòng khiến nhịp thơ bị đứt gãy giữa chừng như tiếng nấc lòng của chính Mặc Tử đang nấc lên trong vô vọng. Người con gái ấy giờ nơi đâu? Nỗi nhớ chơi vơi hòa với cảnh vật huyền ảo càng khiến cho nỗi buồn thêm sâu nặng.

Nhớ em nhưng “Áo em trắng quá nhìn không ra”, cho lòng ai khắc khoải chờ mong trong sương khói mờ nhân ảnh. Những sương khói của cuộc đời đang giăng lối làm cản bước thi nhân không tới được với người mình yêu. Đó cũng chính là lý do “Sao anh không về chơi thôn Vĩ”. Không về không phải vì “anh” không muốn về mà vì giờ đây “anh” không thể về được. Căn bệnh nan y ngày một trầm trọng, có thể lấy đi mạng sống của Mặc Tử bất cứ khi nào. Nơi xa xôi ấy, người con gái ấy, “Ai biết tình ai có đậm đà”. Câu thơ đã nói lên bao nỗi xót xa, luyến tiếc. Nhà thơ đang tự trách mình, trách người yêu hay trách duyên phận ý trời không cho đôi lứa được hạnh phúc bên nhau? Số phận nghiệt ngã bủa vây cuộc đời, không cho Mặc Tử được ở bên cạnh người mình yêu. Tất cả mờ mờ ảo ảo như sương như khói. Sương khói vô tình vội vã tan vào hư vô. Như cuộc đời của chính tác giả cũng đang trôi dần vào cát bụi hư không.

Phút giây này, ông chẳng tiếc gì nữa, chỉ khắc khoải một điều “Ai biết tình ai có đậm đà”. “Ai” là chính tác giả, “ai” cũng là cô gái ở phương xa kia. Có lẽ vì đường quá xa, và vì sương khói quá mờ khiến cho tình cảm hai người trở nên mong manh và chỉ còn là dĩ vãng.

Xuân Diệu từng viết:

Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn

Còn đất trời nhưng chẳng còn tôi mãi

(Vội vàng – Xuân Diệu)

Xuân Diệu buồn khi tuổi xuân của đời người không tuần hoàn như mùa xuân của tự nhiên, nhưng ít nhất, ông còn có mùa xuân để hưởng, còn được chứng kiến thêm nhiều mùa xuân của đất trời. Còn Mặc Tử lúc này đang sống với mùa xuân cuối cùng của cuộc đời mình. Giá như ông có thêm một mùa xuân nữa, thì hẳn là thuyền sẽ chở trăng về kịp tối nay, hẳn là ông sẽ trả lời được câu hỏi Ai biết tình ai có đậm đà.

Dù là ai đi chăng nữa cũng đều buồn, đều tuyệt vọng trước sự bất lực của tình yêu. Mặc Tử muốn đi, muốn về chơi thôn Vĩ nhưng số phận nghiệt ngã đã giữ chân ông ở lại trên chiếc giường bệnh đau thương. Nén nỗi đau, ông cầm bút viết vài dòng gửi tới vị khách đường xa đã một thời gắn bó thân thương. Bằng những câu thơ mang âm hưởng buồn thương da diết, Hàn Mặc Tử đã khiến người đọc rơi lệ và xót xa trước một mảnh tình mong manh chưa “kịp” vẹn tròn hạnh phúc.

0