03/06/2017, 22:50

Phân tích hình tượng người đàn bà hàng chài trong tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” của nhà văn Nguyễn Minh Châu (Bài 3)

Nguyễn Minh Châu (1930 - 1989) là một trong những cây bút tiên phong của văn học VN thời kì đổi mới. Ông đã để lại cho đời nhiều tác phẩm hay, đặc biệt là tác phẩm “chiếc thuyền ngoài xa” mà nhà văn để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong lòng người đọc là hình ảnh người đàn bà hàng chài – một người phụ ...

Nguyễn Minh Châu (1930 - 1989) là một trong những cây bút tiên phong của văn học VN thời kì đổi mới. Ông đã để lại cho đời nhiều tác phẩm hay, đặc biệt là tác phẩm “chiếc thuyền ngoài xa” mà nhà văn để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong lòng người đọc là hình ảnh người đàn bà hàng chài – một người phụ nữ cam chịu, vị tha, giàu đức hi sinh, có tấm lòng bao dung và rất am hiểu về cuộc sống.

Người đàn bà ấy trạc ngoài 40, hình dáng cao lớn thô kệch, rỗ mặt, khuôn mặt ấy mệt mỏi sau những đêm thức trắng kéo lưới, tái ngắt và buồn ngủ, dáng đi chậm chạp như bà già, tấm lưng áo bạc phếch và rách rưới. Cuộc đời nhọc nhằn, lam lũ, vất vả, đau khổ đã làm cho diện mạo xấu xí của chị ngày càng trở nên đậm nét. Số phận của người đàn bà ấy thật bất hạnh và đầy bi kịch. Vốn sinh ra trong một gia đình khá giả nhưng người đàn bà hàng chài lại là một người có ngoại hình xấu xí. Cái xấu đã đeo đuổi chị như định mệnh suốt từ nhỏ đến lớn. Dường như mọi sự bất hạnh của cuộc đời chị đều phải gánh chịu. Chị có mang với một anh hàng chài, đến mua bả về đan lưới, rồi hai người trở thành vợ chống, chị xuống ở dưới thuyền luôn. Cuộc sống của hai vợ chồng chị ngày càng khó khăn, nghèo đói, đời sống trên biển lại cực nhọc, bấp bênh kéo dài qua ngày này đến ngày kia: “có nhiều tháng biển động phải ăn cây xương rồng luộc chấm muối”. gia đình nghèo lại đông con mà chiếc thuyền gia đình chị ở lại chặt hẹp. Vì túng quẫn, đói nghèo, thất học, lạc hậu. Lão chồng của chị từ một anh con trai “hiền lành nhưng cục tính” đã trở thành một kẻ vũ phu nên chị thường xuyên bị hành hạ và phải chịu những trận đòn roi để hắn giải tỏa những bế tắc của cuộc sống: “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng”. Cứ khi nào lão thấy khổ quá là lại lôi chị ra đánh để trút giận, như đánh một con thú, với lời lẽ cay độc" Mày chết đi cho ông nhờ, chúng mày chết hết đi cho ông nhờ". Chị cảm thấy xấu hổ, luôn lo sợ con mình sẽ bị tổn thương khi thấy cảnh mình bị đánh…
 
Chị là một người phụ nữ cam chịu, nhẫn nhục. Khi bị chồng đánh chị không có một phản kháng nào: không kiêu la, không chống trả, cũng không tìm cách chạy trốn. Chị coi việc mình bị đánh như một phần đã rất quen thuộc của cuộc đời mình. Chị là một người mẹ biết yêu thương con cái, chị đã gửi thằng Phác lên rừng để nó không phải hận bố vì thấy cảnh mẹ mình bị bố đánh. Tình mẫu tử của chị đã vút lên trên cái nền của một cuộc sống cơ cực, ngang trái, đau đớn đầy xót xa.Vì thương con chị đã luôn miệng xin quý tòa “con lạy quý tòa, tòa bắt tội con cũng được…đừng bắt con bỏ nó”, thái độ của chị trái với lẽ thường vì điều mà chánh án Đẩu khuyên chị rất hợp lí và có lẽ là giải pháp tốt nhất để chị thoát khỏi người chồng vũ phu . Nhưng chị hiểu như thế nào là nỗi đau của những trẻ thơ sống trong cảnh bố mẹ ly dị. Chị không muốn nhìn cảnh các con thấy bộ mẹ chia tay. Cũng vì thương con chị đã yêu cầu lão đàn ông vũ phu mang chị lên bờ mà đánh vì sợ con nhìn thấy. Người đàn bà ấy là người bất hạnh nhưng ở chị toát lên vẻ đẹp của lòng vị tha giàu đức hi sinh. Chị cũng hiểu và thông cảm cho chồng, chị không hề oán trách chồng mà ngược lại chị rất cảm thông và vị tha, chị hiểu nỗi khốn khổ bế tắc của chồng: chỉ vì cuộc sống cơ cực nên chồng chị mới sinh ra thói vũ phu như vậy. Chị là một người phụ nữ từng trải và hiểu biết lẽ đời: "Ông trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con và nuôi con cho đến khi khôn lớn", chị hiểu cuộc sống trên thuyền cần phải có người đàn ông mạnh khỏe và biết nghề, cần có một chỗ dựa vững chắc trong cuộc sống mưu sinh vất vả vì vậy chị luôn sẵn sàng hi sinh bản thân mình vì chồng con. Chị đã cảm ơn Phùng và chánh án Đẩu vể lời khuyên của hai người nhưng chị đã nói: “Lòng các chú tốt, nhưng các chú đâu có phải là ngưòi làm ăn…cho nên các chú đâu có hiểu được cái việc của các người làm ăn lam lũ, khó nhọc…” . Thấp thoáng trong người đàn bà ấy là bóng dáng của người phụ nữ Việt Nam nhân hậu, bao dung, giàu lòng vị tha và đức hi sinh. 
 
Qua câu chuyện của người phụ nữ hàng chài nhà văn thể hiện cái nhìn sâu sắc và nhân hậu của mình về cuộc đời. Ông phát hiện ra rằng đằng sau câu chuyện buồn của gia đình người lao động vùng biển là vẻ đẹp của tình mẫu tử, lòng bao dung và đức hi sinh của người phụ nữ. Số phận phẩm chất của người phụ nữ hàng chài này là số phận và phẩm chất của những người phụ nữ vùng biển nói riêng và phụ nữ VN nói chung. Đồng thời, qua đó tác giả đã khẳng định nghệ thuật chân chính phải luôn gắn liền với cuộc đời vì cuộc đời cần phải nhìn nhận cuộc sống và con người một cách đa diện đa chiều và góp một tiếng nói cảnh báo về tình trạng bạo lực gia đình và lí giải nguyên nhân của tình trạng ấy.

0