05/07/2018, 23:30

Phân tích đoạn thơ thứ hai của bài thơ Vội vàng

Phân tích đoạn thơ thứ hai của bài thơ Vội vàng Bài làm Vội vàng yêu, vội vàng sống, vội vàng tận hưởng từng giây từng phút với niềm khát khao được hòa mình trọn vẹn vào đất trời bao la. Đó là tâm trạng của nhà thơ Xuân Diệu khi viết lên tác phẩm “Vội vàng”. ...

Phân tích đoạn thơ thứ hai của bài thơ Vội vàng

Bài làm

Vội vàng yêu, vội vàng sống, vội vàng tận hưởng từng giây từng phút với niềm khát khao được hòa mình trọn vẹn vào đất trời bao la. Đó là tâm trạng của nhà thơ Xuân Diệu khi viết lên tác phẩm “Vội vàng”. Ông đã sung sướng khi phát hiện ra điều kỳ diệu ở ngay những gì gần gũi nhất, giản đơn nhất. Một cánh bướm nhỏ, một nhành cây non… cũng đủ cho nhà thơ đắm mình thưởng thức. Nhưng rồi, ông chợt nhận ra:

Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua

Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già,

Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất.

Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật

Không cho dài thời trẻ của nhân gian

Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn

Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại!

Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi,

Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời;

Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi,

Khắp núi sông vẫn than thầm tiễn biệt…

Con gió xinh thì thào trong lá biếc,

Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi?

Chim rộn ràng bỗng đứt tiếng reo thi,

Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa?

Chẳng bao giờ, ôi! Chẳng bao giờ nữa…

Xuân Diệu nhận ra bi kịch thảm thiết của cuộc đời, rằng Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua. Từ xưa tới nay, đó vẫn luôn là sự thật hiển nhiên, là do tạo hóa xoay vần. Mọi người ai cũng biết điều đó, nhưng chỉ có mình Xuân Diệu cảm thấy đớn đau trước vòng tuần hoàn nghiệt ngã ấy. Xuân tới rồi, ong bướm, hoa cỏ, yến anh… đang đầy ắp sự sống tràn trề trước mắt thi nhân, nhưng ông chẳng kịp tận hưởng hết đã vội lo chúng sẽ dần tàn lụi theo thời gian. Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già. Đúng vậy, thời gian trôi đi, mọi thứ cũng sẽ trôi theo. Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất. Xuân qua đi rồi xuân lại đến, nhưng khi mùa xuân của đời người chấm hết đồng nghĩa với việc đời người cũng không còn.

Xuân Diệu đã nhận thức rất rõ vòng tuần hoàn của mùa xuân và sự luân chuyển của tạo hóa. Ông đau đớn, day dứt nhưng không phải vì thế mà ông chìm đắm trong nỗi đau, mà ngay lúc này đây, ông muốn dang rộng đôi tay mình ôm trọn cả thế giới bao la. Nhưng tiếc rằng lượng trời cứ chật, Không cho dài thời trẻ của nhân gian. Giữa đất trời tự nhiên, ông vẫn chỉ là một con người nhỏ bé với mùa xuân chỉ đến có một lần. Dù cho ngoài kia xuân vẫn tuần hoàn nhưng điều đó có ý nghĩa gì đâu khi tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại!. Dấu chấm than đặt cuối câu như một lời cảm thán đau đớn vô cùng thể hiện sự bất lực của nhà thơ khi đứng trước vòng tuần hoàn của thiên nhiên.

Ông muốn gắn mùa xuân của đời mình với mùa xuân của tạo hóa, muốn mình luôn được trẻ mãi, xuân mãi để tận hưởng những gì tinh túy nhất, giản đơn đơn nhất và thanh cao nhất. Người ta thường vội vàng sống để làm việc, để kiếm tiền, còn Xuân Diệu lại khác. Ông vội vàng vì sợ rằng mình chưa kịp hưởng hết những tinh hoa của đất trời trước khi nó tàn úa mất theo thời gian. Lòng ông đau xót khi nhận ra sự thật đắng cay:

Còn đất trời nhưng chẳng còn tôi mãi,

Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời;

Câu thơ mỗi lúc một day dứt hơn, thiết tha hơn. Từng câu, từng chữ cất lên như tiếng nấc lòng của thi nhân. Và rồi, nỗi đau ấy lan tỏa ra những thứ xung quanh:

Con gió xinh thì thào trong lá viếc,

Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi?

Chim rộn ràng bỗng đứt tiếng reo thi

Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa?

Mọi thứ đang vận động rất vui tươi với sự sống tràn trề nhưng khi gặp phải tâm trạng đau khổ của nhà thơ đều đột ngột biến đổi trạng thái. Con gió xinh hờn vì nỗi phải bay đi, Chim rộn ràng bỗng đứt tiếng reo thi. Và tất cả đều chung trạng thái sợ độ phai tàn sắp sửa.Thực ra, chúng chỉ là thứ vô tri vô giác, hoạt động thuận theo tự nhiên nhưng khi được nhìn nhận dưới đôi mắt của một người đang khát khao sống, khát khao yêu và bàng hoàng nhận ra mọi thứ sẽ tàn phai theo năm tháng, tất cả những thứ vô tri vô giác ấy đều trở nên có hồn và cùng chung nỗi sợ với con người.

Và cuối cùng, Xuân Diệu thốt lên rằng:

Chẳng bao giờ nữa, ôi! Chẳng bao giờ nữa…

Dấu ba chấm bỏ lửng cuối dòng nhường chỗ cho biết bao nhiêu suy tư, bao nhiêu nỗi niềm lo lắng bị bỏ lại. Thời gian chẳng bao giờ có thể quay trở lại được. Và tất nhiên những năm tháng của tuổi xuân cũng chẳng bao giờ thắm lại lần thứ hai. Thế nên, cuộc đời Xuân Diệu cũng như bao nhiêu cuộc đời khác, sẽ tàn phai dần theo năm tháng.

Cuộc sống hiện tại còn đó, nhưng lòng ông luôn ngập ngừng nghĩ đến ngày mai. Ông vội vàng, nhưng không phải vội vàng sống để lướt qua hết những điều giản đơn nhất bên cạnh mình. Mà ngược lại, ông vội vàng vì sợ rằng mình sẽ bị cuốn theo dòng đời, bỏ lỡ mất những tinh túy của tự nhiên. Quan niệm sống vội của ông rất trong sáng và đáng được noi theo trong cuộc sống hiện đại xô bồ này. Bằng giọng thơ khi dồn dập, khi day dứt với những câu cảm thán tràn đầy cảm xúc, Xuân Diệu đã truyền cảm hứng tới người đọc về nguồn cảm hứng sống và tận hưởng những điều giản đơn nhất, không để lãng phí bất kỳ một giây phút nào của cuộc đời vô giá.

0