03/06/2017, 18:12

Phân Tích Bài Thơ Vội Vàng Của Xuân Diệu (Bài 5)

Có lẽ trước Xuân Diệu, trong thơ Việt Nam chưa có cảm giác “Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”. Nó là cảm giác của ái ân tình tự. Cảm giác ấy đã làm cho người ta thấy tháng giêng mơn mởn tơ non đầy một sức sống thanh tân kia sao mà quyến rũ – tháng giêng mang trong nó sức quyến rũ không thể ...

Có lẽ trước Xuân Diệu, trong thơ Việt Nam chưa có cảm giác “Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”. Nó là cảm giác của ái ân tình tự. Cảm giác ấy đã làm cho người ta thấy tháng giêng mơn mởn tơ non đầy một sức sống thanh tân kia sao mà quyến rũ – tháng giêng mang trong nó sức quyến rũ không thể cưỡng được của một một người tình rạo rực, trinh nguyên.

Hai mảng thơ đầu kế tiếp nhau đã được liên kết bằng cái lôgic luận lí ngầm của nó. Thi sĩ muốn “tắt nắng”, muốn buộc gió chính vì muốn giữ mãi hương sắc cho một trần thế như thế này đây. Hương sắc là cái sinh khí của nó, là vẻ đẹp, là cái nhan sắc của nó. Tất cả chỉ rực rỡ trong độ xuân thì. Mà xuân lại vô cùng ngắn ngủi. Và thế là mảng thơ thứ ba của phần luận giải đã hình thành để nói về cái ngắn ngủi đến tàn nhẫn của xuân thì trong sự sống và cái xuân thì của con người. Phải, cái thế giới này lộng lẫy nhất, “ngon” nhất là ở độ xuân; còn con người cũng chỉ hưởng thụ được cái “ngon” kia khi còn trẻ thôi. Trong khi đó, cả hai đều vô cùng ngắn ngủi, thời gian sẽ cướp đi hết thảy. Có lẽ cũng lần đầu tiên, thơ ca Việt Nam có được cái quan niệm này:
 
Xuân đang tới nghĩa là xuân đang qua
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già
 
Con người thời trung đại lấy sinh mệnh vũ trụ để đo đếm thời gian. Nên hình như họ yên trí với quan niệm thời – gian – tuần – hoàn, với cái chu kì bốn mùa, cũng như cái chu kì ba vạn sáu nghìn ngày của kiếp người. Hết một vòng, thời gian lại quay về điểm xuất phát ban đầu. Con người hiện đại lấy sinh mệnh cá thể làm thước đo thời gian. Nên họ sống với quan niệm thời – gian – tuyến – tính. Thời gian như một dòng chảy vô thuỷ vô chung mà mỗi một khoảnh khắc qua đi là mất đi vĩnh viễn. Cho nên Xuân Diệu đã nồng nhiệt phủ định:
 
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại !
 
Không chỉ dùng sinh mệnh cá thể, Xuân Diệu còn đo đếm thời gian bằng cái quãng ngắn ngủi nhất của sinh mệnh cá thể: tuổi trẻ. Tuổi trẻ đã một đi không trở lại thì làm chi có sự tuần hoàn.
Trong cái mênh mông của đất trời, cái vô tận của thời gian, sự có mặt của con người quá ư ngắn ngủi hữu hạn. Nghĩ về tính hạn chế của kiếp người, Xuân Diệu đã đem đến một nỗi ngậm ngùi thật mới mẻ:
 
Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời
 
Không chỉ quan niệm, mà ngay cả cảm giác cũng hết sức mới lạ. Xuân Diệu đã đem đến một cảm nhận đầy tính “lạ hoá” về thời gian và không gian:
 
Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi
Khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt…
 
Là người đã tiếp thu ở mức nhuần nhuyễn phép “tương giao” (Correspondance) của lối thơ tượng trưng, Xuân Diệu đã phát huy triệt để sự tương giao về cảm giác để cảm nhận và mô tả thế giới, trước hết là thời gian và không gian. Có những câu thơ mà cảm giác được liên tục chuyển qua các kênh khác nhau. Thời gian được cảm nhận bằng khứu giác: “Mùi tháng năm” – thời gian của Xuân Diệu được làm bằng hương – chẳng thế mà thi sĩ cứ muốn “buộc gió lại” ư – hương bay đi là thời gian trôi mất, là phai lạt phôi pha! Một chữ “rớm” cho thấy khứu giác đã chuyển thành thị giác. Nó nhắc ta nhớ đến hình ảnh giọt lệ. Chữ “vị” liền đó, lại cho thấy cảm giác thơ đã chuyển qua vị giác. Và đây là một thứ vị hoàn toàn phi vật chất: “vị chia phôi”! Thì ra chữ “rớm” và chữ “vị” đều từ một hình ảnh ẩn hiện trong cả câu thơ là giọt lệ chia phôi đó. Giọt lệ thường long lanh trên khoé mắt người trong giờ phút chia phôi. Giọt lệ thành hiện thân, biểu tượng của chia phôi. Vì sao thời gian lại mang hương vị – hình thể của chia phôi? ấy là những cảm giác chân thực hay chỉ là trò diễn của ngôn ngữ theo kịch bản của phép “tương giao”? Thực ra cái tinh tế của Xuân Diệu là ở chỗ này đây. Thi sĩ cảm thấy thật hiển hiện mỗi khoảnh khắc đang lìa bỏ hiện tại để trở thành quá khứ thật sự là một cuộc ra đi vĩnh viễn. Trên mỗi thời khắc đều đang có một cuộc ra đi như thế, thời gian đang chia tay với con người, chia tay với không gian và với cả chính thời gian. Tựa như một phần đời của mỗi cá thể đang vĩnh viễn ra đi. Từng phần đời đang chia lìa với cá thể. Cho nên thi sĩ nghe thấy một lời than luôn âm vang khắp núi sông này, một lời than triền miên bất tận: “than thầm tiễn biệt”. Không gian đang tiễn biệt thời gian! Và thời gian trôi đi sẽ khiến cho cái nhan sắc thiên nhiên diệu kì này bước vào độ tàn phai. Một sự tàn phai không thể nào tránh khỏi!
 
Và, một điều rất đáng nói đã bộc lộ đây đó trong thi phẩm này là: do dùng tuổi trẻ để đo đếm thời gian, nên ở Xuân Diệu đã xuất hiện một ý niệm thời gian khá đặc biệt, đó là thì sắc. Thời gian được nhìn ở phía nhan sắc, gắn với nhan sắc của sự vật. Vì thế mà với hồn thơ này, thời gian, về thực chất không có ba thì phân lập rành rẽ với quá khứ – hiện tại – tương lai, mà chỉ có hai thì luôn tranh chấp và chuyển hoá thôi đó là thời tươi và thời phai. Nó không phải là hai mùa. Không phải Xuân Diệu lược qui bốn mùa vào hai mùa. Mà là hai thì của mỗi một tạo vật thiên nhiên. Thời tươi: vạn vật thắm sắc, thời phai: vạn vật phôi pha, phai lạt. Vật nào trong trần thế này cũng trải qua hai thì ấy. Tất cả những ý niệm thời gian khác như năm tháng, mùa vụ, phút giây… dường như đều tan trong cái ý niệm thì sắc tổng quát đó. Mà ta thấy ở đây, nó hiện diện trong sự đối lập của “độ phai tàn” (thời phai) và “thời tươi”:
 
- Chim rộn ràng chợt dứt tiếng reo thi
Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa.
- Cho no nê thanh sắc của thời tươi.
 
Có thể nói ý niệm thì sắc này đã chi phối toàn bộ nhỡn quan Xuân Diệu đối với việc cảm nhận vẻ đẹp của thế giới trong sự trôi chảy vô thuỷ vô chung của nó.
 
Thế đấy, không thể buộc gió, không thể tắt nắng, không thể cầm giữ được thời gian, thì chỉ có một cách thực tế nhất, khả thi nhất là chạy đua với thời gian, là tranh thủ sống:
 
Chẳng bao giờ! Ôi chẳng bao gì nữa…
Mau đi thôi! mùa chưa ngả chiều hôm
 
Đến đây, phần luận giải cuả tuyên ngôn Vội vàng đã đủ đầy luận lí!
 
Phần cuối của bài thơ là lúc tuyên ngôn được hiện ra thành hành động, ấy là Vội vàng trong hình thái sống của cái tôi cá nhân cá thể này. Bài thơ được kết thúc bằng những cảm xúc mãnh liệt, bằng những ham muốn mỗi lúc mỗi cuồng nhiệt, vồ vập. Đó là cả một cuộc tình tự với thiên nhiên, ái ân cùng sự sống. Chỉ có thể diễn tả như thế, Xuân Diệu mới phô diễn được cái lòng ham sống, khát sống trào cuốn của mình:
 
Ta muốn ôm:
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng,
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng,
Cho no nê thanh sắc của thời tươi;
- Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!
 
Nếu chọn một đoạn thơ trong đó cái giọng sôi nổi, bồng bột của Xuân Diệu thể hiện đầy đủ nhất, thì đó phải là đoạn thơ này. Ta có thể nghe thấy giọng nói, nghe thấy cả nhịp đập của con tim Xuân Diệu trong đoạn thơ ấy. Nó hiện ra trong những làn sóng ngôn từ đan chéo nhau, giao thoa, song song, thành những đợt sóng vỗ mãi vào vào tâm hồn người đọc. Câu thơ Ta muốn ôm chỉ có ba chữ, lại được đặt ở vị trí đặc biệt: chính giữa hàng thơ, là hoàn toàn có dụng ý. Xuân Diệu muốn tạo ra hình ảnh một cái tôi đầy ham hố, đang đứng giữa trần gian, dang rộng vòng tay, nới rộng tầm tay để ôm cho hết, cho khắp, gom cho nhiều nữa, nhiều nữa, mọi cảnh sắc mơn mởn trinh nguyên của trần thế này vào lòng ham muốn vô biên của nó. Cái điệp ngữ:”Ta muốn” được lặp đi lặp lại với mật độ thật dày và cũng thật đích đáng. Nhất là mỗi lần điệp lại đi liền với một động thái yêu đương mỗi lúc một mạnh mẽ, mãnh liệt, nồng nàn: ôm – riết – say – thâu – cắn. Có thể nói, câu thơ “Và non nước, và cây, và cỏ rạng” là không thể có đối với thi pháp trung đại vốn coi trọng những chữ đúc. Thậm chí, đối với người xưa, đó sẽ là câu thơ vụng. Tại sao lại thừa thãi liên từ “và” đến thế? Vậy mà, đó lại là sáng tạo của nhà thơ hiện đại Xuân Diệu. Những chữ “và” hiện diện cần cho sự thể hiện nguyên trạng cái giọng nói, cái khẩu khí của thi sĩ. Nó thể hiện đậm nét sắc thái riêng của cái tôi Xuân Diệu. Nghĩa là thể hiện một cách trực tiếp, tươi sống cái cảm xúc ham hố, tham lam đang trào lên mãnh liệt trong lồng ngực yêu đời của thi sĩ !

Câu thơ:
 
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi
 
cũng tràn đầy những làn sóng ngôn từ như vậy. Từ “cho” điệp lại với nhịp độ tăng tiến, nhấn mạnh các động thái hưởng thụ thoả thuê: chếnh choáng – đã đầy – no nê. Sóng cứ càng lúc càng tràn dâng, cao hơn, vỗ mạnh hơn, đẩy cảm xúc lên tột đỉnh:
 
- Hỡi Xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi !
 
Ta thấy Xuân Diệu như một con ong hút nhuỵ đã no nê đang lảo đảo bay đi. Lại thấy thi sĩ như một tình lang trong một cuộc tình chếnh choáng men say.
 
Sống là hạnh phúc. Muốn đạt tới hạnh phúc, phải sống vội vàng. Thế là, Vội vàng chính là cách duy nhất để đến với hạnh phúc, là chính hạnh phúc và dường như cũng là cái giá trả cho hạnh phúc vậy! Xuân Diệu quả đã mang trong mình nguồn sống trẻ. Xuân Diệu là thi sĩ của nguồn sống trẻ. Ta hiểu vì sao, khi Xuân Diệu xuất hiện, lập tức thi sĩ đã thuộc về tuổi trẻ!

0