09/04/2018, 11:16

Phân tích bài thơ Tỏ lòng của tác giả Phạm Ngũ Lão

Bài làm "Thi dĩ ngôn chí" chính là một trong những quan điểm sáng tác thơ của các tác giả văn học trung đại. Làm thơ để nói lên lí tưởng, ước vọng của mình là điều thường thấy trong các sáng tác của thời kì này. Tiêu biểu trong số đó là thi phẩm "Tỏ lòng" của tác giả ...


Bài làm

"Thi dĩ ngôn chí" chính là một trong những quan điểm sáng tác thơ của các tác giả văn học trung đại. Làm thơ để nói lên lí tưởng, ước vọng của mình là điều thường thấy trong các sáng tác của thời kì này. Tiêu biểu trong số đó là thi phẩm "Tỏ lòng" của tác giả Phạm Ngũ Lão. Đến với Tỏ Lòng, người đọc như được sống lại trong không khí hào hùng, vàng son của cả dân tộc.

Phạm Ngũ Lão (1255- 1320), người làng Phù Ủng, huyện Đường Hào (nay thuộc Hưng Yên), là con rể của Trần Hưng Đạo. Tuy là một võ tướng nhưng ông cũng thích đọc sách, ngâm thơ và từng được ngợi ca là văn võ toàn tài. Tác phẩm của ông còn lại không nhiều. Tuy nhiên, “Tỏ lòng” đã trở thành một dấu ấn trong lòng bạn đọc khi  khắc họa thành công vẻ đẹp của hình tượng người anh hùng vệ quốc hiên ngang, lẫm liệt với lí tưởng và nhân cách lớn lao. Cùng với đó là vẻ đẹp của thời đại Đông A với sức mạnh và khí thế  hào hùng.

Tác phẩm với ngôn từ súc tích, câu chữ vô cùng ngắn gọn để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc. Mở đầu là hình tượng người lính vệ quốc oai phong lẫm liệt hòa nhập vào hình ảnh đoàn quân chính nghĩa oai hùng:

"Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu

Tam quân tì hổ khí thôn ngưu".

Nổi bật ngay câu thơ đầu tiên là từ "hoành sóc" ( cầm ngang ngọn giáo). Với từ ngữ này, tác giả đã khắc họa hình ảnh người anh hùng sánh ngang với tầm sông núi "giang sơn". Người anh hùng với tư thế oai phong lẫm liệt không chỉ đứng đó trong thoáng chốc mà trải qua mấy thu rồi. Dù khó khăn, hay gian lao thử thách, người an hùng vẫn không nề hà hiểm nguy. Sự vững chãi và bền bỉ của người anh hùng vệ quốc đã tạo ấn tượng mạnh mẽ với bạn đọc. Đặc biệt, hình ảnh người anh hùng còn hòa nhập vào cả đội quân anh hùng. Đội quân ấy với sức mạnh nuốt trôi trâu ( khí thôn ngưu). Hoặc chúng ta cũng có thể hiểu là khí thế của đội quân lấn át cả sao Ngưu trên trời. Đội quân ấy chính là đội quân chính nghĩa ngày nào đã thề nguyện một lòng giết giặc báo quốc. Những người lính nhà Trần cùng khắc lên mình chữ "sát thát" (giết giặc Mông Cổ) để nâng cao nhuệ khí. Và quả thật, lịch sử đã ghi dấu ấn của họ là những người anh hùng thực sự. Những người anh hùng mang hào khí Đông A trường tồn mãi với thời gian. Đội quân mang trong mình hào khí Đông A đã ba lần quét sạch quân Nguyên Mông  khỏi bờ cõi tạo nên một dấu son chói lọi trong lịch sử. Từ đó thêm phần khẳng định chân lý muôn đời như Trương Hán Siêu đã thể hiện trong “Phú sông Bạch Đằng”

“Những người bất nghĩa tiêu vong
Nghìn thu chỉ có anh hùng lưu danh”

Đến đây, người đọc lại càng hiểu thêm vì sao nhà Trần lại ba lần đánh thắng quân Nguyên Mông. Có lẽ, lí do chưa hẳn vì chiến lược quân sự lợi hại, do gặp thời mà hơn là sự quyết tâm, trên dưới một lòng của quân dân nhà Trần. Nếu Trần Thủ Độ mạnh mẽ khẳng định: "Đầu thần chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo" thì cậu bé Trần Quốc Toản lại khiến chúng ta xúc động về hành động bóp nát quả cam. Tại bến Bình Than, các bô lão- những người đại diện cho nhân dân cả nước cùng quyết tâm một lòng hô: "Đánh! Đánh". Thử hỏi, với sức mạnh và ý chí quật cường của một dân tộc không bao giờ chịu khuất phục thi kẻ thù nào có thể đặt chân lên mảnh đất hình chữ S một cách dễ dàng. Không chỉ khắc họa thành công hình ảnh người lính vệ quốc và đoàn quân khí thế bừng bừng, tác giả Phạm Ngũ Lão còn thể hiện suy nghĩ của mình trong những dòng thơ tiếp theo:

"Nam nhi vị liễu công danh trái

Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu"

Với Phạm Ngũ Lão, những chiến công ông đã ghi dấu trên sa trường chẳng thấm vào đâu so với tài mưu lược của Vũ Hầu Gia Cát Lượng. Qua việc sử dụng điển tích về nhân vật Gia Cát Lượng, một vị quân sư nổi tiếng thời Tam Quốc, cho thầy bản thân Phạm Ngũ Lão thấy mình vẫn còn nợ cuộc đời món nợ công danh. Nhưng, đây không phải là món nợ của tiền tài, địa vị, tước hầu mà là món nợ với dân với nước. Phạm Ngũ Lão ao ước có tài năng như Vũ Hầu Gia Cát Lượng để cứu nhân độ thế, mang lại cuộc sống thanh bình cho nhân dân, báo đề ơn vua. Đây quả thật là nỗi thẹn của một nhân cách lớn lao, cao cả.

Tác phẩm sử dụng những hình ảnh ước lệ, biện pháp so sánh, điển tích điển cố nhằm khắc họa hình tượng người anh hùng và lí tưởng cao cả của tác giả Phạm Ngũ Lão. Qua tác phẩm, người đọc càng thêm kính vọng vị anh hùng "văn võ song toàn"- Phạm Ngũ Lão.

Thời gian đã phủ một lớp bụi vô hình vào lịch sử, người tráng sĩ khắc trên vai chữ “sát Thát” năm nào nay cũng chỉ còn vang bóng và ngay cả tác giả cũng đã trở thành người  thiên cổ. Thế nhưng, “Tỏ lòng” của Phạm Ngũ Lão sẽ luôn là một tác phẩm ghi dấu trong trái tim người đọc. Đồng thời bồi dưỡng nhân cách sống có lí tưởng, có ý chí, quyết tâm thực hiện lí tưởng cho thế hệ trẻ ngày hôm nay!

Nhẫn Đông

0